Câu chuyện độc đáo về lúa ma, Đồng Tháp Mười

Đồng Tháp

Lúa ma hay còn gọi là lúa trời, sinh sôi phát triển rất mạnh vào mùa nước nổi. Người dân xứ Tháp Mười coi đây là tặng vật thiên nhiên quý giá ở vùng ngập nước khắc nghiệt.

Là giống lúa mọc tự nhiên hoang dã, không cần trồng trọt nên người dân gọi là lúa trời. Người dân ở đây nói rằng lúa ma rất kỳ lạ, khi chín chúng rất sợ mặt trời. Lúa chín tới, nếu không có người đập thì khi mặt trời sẽ tự nhiên rụng, nên gọi là lúa ma (theo truyền thuyết ma sợ mặt trời)

Khi mùa mưa bắt đầu, lúa sinh sôi lẫn lộn cùng cây cỏ dày đặc tại những khu vực như Gò Trâu, Gò Tre, Gò Lao Vôi… nên người không quen đi vào đây không thể phân biệt đâu là lúa, đâu là cỏ. Đến khoảng tháng 8, lúc nước lũ dâng cao, lúa ma với sức sống mãnh liệt đã bỏ lại các loài cỏ thường khác để ngoi lên. Bất kể nước dâng tới đâu, lúa cũng vượt lên khỏi mặt nước để làm đòng, trổ bông… Kéo dài tới tháng 12, lũ rút, cũng hết một đời lúa.

Thân lúa cứng cỏi, lá to, phát triển đều đặn nhờ sương gió và mưa. Bông lúa dài, cứng hơn bình thường và khi chín không “cong trái me” mà thẳng đứng theo thân cây. Hạt lúa ma cũng dài gấp rưỡi bình thường.

Lúa chín chỉ vài hạt mỗi lần và khoảng 8,9h sáng là lúa lại rụng xuống nước, nên việc thu hoạch lúa ma cũng chỉ diễn ra trước khi trời sáng.

Thu hoạch lúa ma cũng không gặt, cắt mà phải dùng cây để đập. Vì lúa mọc giữa đồng cỏ âm u, lại chín ngay mùa nước lên nên phải thu hoạch bằng xuồng. Khi đập lúa ma cần hai người ngồi trên xuồng. Dụng cụ thu hoạch lúa ma được thiết kế đặt biệt. Mgười cầm sào chống, còn người kia điều khiển cần đạp nhịp nhàng làm bông lúa chín rơi vào tấm mê bồ đặt trên thuyền. Đập từ gà gáy đến khi mặt trời ló dạng là lúa rụng đầy xuồng.

Hạt lúa ma hơi ngà nhưng là loại gạo ngon nhất trên đời. Hạt gạo chắc, nấu rất lâu chín. Một nồi cơm gạo lúa ma nấu tốn thời gian gấp ba lần nồi cơm nấu gạo bình thường. Nhưng được cái cơm rất thơm, hạt béo, ngọt lạ lùng.

Gạo lúa trời còn được người dân nơi đây ưa dùng nấu cháo đặc, dùng đũa bếp quậy nhừ, sau đó đổ vào mâm lớn trông như chiếc bánh đúc khổng lồ. Khi ăn, bạn sẽ dùng dao cắt từng miếng, dùng cùng nước đường thắng kẹo, vị rất ngon.

Đó là câu chuyện của ngày trước, giờ lúa ma trở nên rất quý hiếm, người giàu có tiền cũng không thể mua được. Đây là một nguồn lợi tự nhiên quan trọng giúp nhân dân Đồng Tháp Mười vượt qua cơn thiếu ăn để chờ mùa chính vụ. Nó còn là nguồn lương thực dự trữ đáng kể giúp bộ đội Việt Nam chống đói trong những năm tháng kháng chiến.

Có thể nói đó chỉ còn là huyền thoại , bây giờ, lúa ma chỉ có ở những nơi mà con người ít lui tới. Cả vùng Đồng Tháp Mười giờ chỉ còn thấy bóng dáng của loại lúa huyền thoại này ở VQG Tràm Chim.

Ngày nay, giống lúa AS 996 là sự kết hợp những tính năng chịu đựng ưu việt của lúa ma trong điều kiện sống khắc nghiệt nhất với giống lúa cao sản.

Trong điều kiện thời tiết ngày càng không thuận lợi thì thành công của giống lúa “mạnh” này đã mang đến nhiều tương lai cho cây lúa, mà “công đầu” thuộc về giống lúa ma kỳ ẩn chốn đồng trũng Tháp Mười.

 Băng Tâm tổng hợp
Thành công Sao chép đường dẫn thành công !!