Món ăn miền Nam lên bàn tiệc 5 sao

Không cầu kỳ trong cách nấu nướng, nguyên liệu chế biến lại đơn giản, nhưng sức hấp dẫn của những món ăn miền Nam … đủ khiến những ai mới thử lần đầu đã nhớ mãi.

  1. Gỏi củ hũ dừa tôm một nắng

Gỏi củ hũ dừa là một trong những món ăn đặc trưng của miền Tây Nam Bộ. Củ hũ dừa là phần thân non rất trắng trên cùng của cây dừa. Đây là loại thực phẩm giàu dinh dưỡng và tốt cho sức khỏe.  Món gỏi này kết hợp với vị ngọt tự nhiên của tôm mới chỉ qua một lần phơi nắng tạo hương vị đặc trưng riêng, khác hẳn với khi trộn chung cùng tôm khô hoặc thịt ba chỉ. Củ hũ dừa dân dã hòa quyện tinh tế với vị thơm ngọt của tôm một nắng đưa món này đến gần hơn với thực khách nước ngoài.

Gỏi củ hũ dừa có vị chua ngọt vừa ăn, hợp khẩu vị cả gia đình. Củ hũ dừa thường được chế biến làm thức ăn và thanh đạm vì ít béo.

Qua bàn tay khéo léo và sự sáng tạo trong cách chế biến của đầu bếp, những nguyên liệu tưởng chừng đơn giản, “nhà quê” đã được nâng lên thành các món ăn cao cấp và ngự trị trên bàn tiệc của khách sạn 5 sao ở Sài Gòn.

Đây là món ăn đạt giải nhì vòng loại cuối cùng cuộc thi “Chiếc thìa vàng 2014” diễn ra vào ngày 7 đến 8-10 tại TP HCM.

  1. Lẩu gà lá chúc nước cốt dừa

Lá chúc, thuộc họ chanh rừng, mọc nhiều ở An Giang, cho hương vị thật độc đáo, trái, lá chúc hương thơm nồng, vị the the độc đáo, được sử dụng như một loại gia vị giúp món ăn dậy mùi thanh ngọt. Gà nấu với nước cốt dừa thêm lá chúc cho vị đậm đà, khó lẫn với bất kỳ món ăn nào bởi hậu vị ngọt dịu của nước dừa thấm vào từng miếng thịt gà và hương thơm nồng đượm của lá chúc. Món ăn đúng điệu khi dùng kèm với bún, cù nèo, bông bí, bông súng, so đũa. Chính sự kết hợp độc đáo của những nguyên liệu bình dị, chân quê này giúp món ăn này chinh phục được ban giám khảo và nhận giải nhì.

  1. Tôm càng xông lá chúc

Sự kết hợp giữa tôm càng xanh (loại tôm sống tự nhiên trong môi trường sông nước) và lá chúc đem lại cho món ăn sự hấp dẫn, ngon miệng bởi vị ngọt tự nhiên của tôm vẫn giữ nguyên.

Món ăn mang đến khẩu vị khác biệt khi mỗi miếng thịt tôm pha lẫn mùi thơm nồng của lá chúc. Chính sự biến tấu mới mẻ này ghi điểm với thực khách, giám khảo trong cuộc thi và nhận giải nhì.

  1. Gỏi mắm hào hoa điên điển

Bông điên điển nở nhiều nhất vào mùa nước nổi ở miền Tây Nam Bộ. Vị nhẫn đắng của nó thích hợp để ăn kèm với các món mặn hoặc nấu canh chua hay lẩu. Nếu muốn phá cách một chút, bạn có thể thưởng thức điên điển với cách kết hợp mới cùng gỏi mắm hào.

Lưu ý chọn mắm ngon, pha thêm tỏi ớt, chanh, cùng các gia vị cho vừa ăn, có thể cho ít gừng để khử mùi tanh của mắm hào. Vị ngọt tự nhiên của mắm xen lẫn với vị nhẫn đặc trưng nhưng giòn giòn của điên điển sẽ là trải nghiệm ẩm thực khó quên cho người mới lần đầu thưởng thức. Đây cũng là món ăn nhận giải nhì.

5. Gỏi cá lá bàng

Cây bàng hiện diện khắp nơi người ta đã sử dụng hạt bang để làm mức, nhưng sử dụng lá bàng chế biến món ăn thì không phải ai cũng nghĩ tới.

Điểm đặc biệt của món ăn này là thịt cá tươi hòa quyện với vị hăng hăng của những chiếc lá bàng non mang đến trải nghiệm ẩm thực khác biệt cho người thưởng thức. Đó còn là sự kết hợp độc đáo giữa nguyên liệu dân dã, gần như không phải mất tiền để mua (lá bàng) với loài hải sản cao cấp vốn chỉ có ở biển đảo (cá mú đỏ). Đây là điểm cộng để đầu bếp khách sạn cao cấp ở TP HCM lọt vào vòng trong.

Có nhiều cách chế biến món ăn từ loài cá đắt đỏ này, nhưng không phải nơi nào cũng đưa vào thực đơn món gỏi cá lá bàng.

Cách chế biến như sau: nước tương, đường, giấm, mù tạt xanh trộn với nhau thành hỗn hợp nước gỏi rồi nhúng cá vào. Hành tây, khế chua, dưa leo, ớt đỏ trộn với nước gỏi. Sau đó lấy lá bàng non cuộn tất cả thành cuốn vừa ăn, dùng cọng hành đã trụng qua nước sôi cột lại.

6. Cá lóc nướng lá dứa

Nếu đã thử qua cá lóc nướng trui hay nướng trên giấy bạc, bạn nên trải nghiệm thêm món cá lóc nướng lá dừa để cảm nhận hương vị độc đáo riêng của nó.

Món cá lóc nướng dân dã nơi đồng ruộng sau những buổi nông nhàn ở vùng quê ngày nào, giờ đây, nó đã có mặt ở những bàn tiệc sang trọng tại Sài Gòn. Vị ngọt của cá lóc đi cùng mùi thơm dịu đặc trưng của lá dứa là gợi ý cho những ai đã ngấy với thực đơn thông thường và muốn đổi khẩu vị. Món ăn này đã chinh phục ban giám khảo cuộc thi “Chiếc thìa vàng” để có mặt ở vòng bán kết.

7. Chè hạt bàng

Nếu đã ngấy với các loại chè bán đầy khắp các chợ, siêu thị, thực khách có thể thử qua chè hạt bàng dân dã. Sự đơn giản nhưng hấp dẫn của món chè nằm ở nguyên liệu chế biến, gồm: nếp, đậu xanh, nước cốt dừa, hạt bàng. Chỉ cần như thế là bạn đã có ngay chén chè có vị bùi của hạt bàng, béo thơm của đậu xanh và nước dừa, hòa quyện với từng hạt nếp dẻo mềm cho vị thơm ngon rất riêng, giúp món ăn thắng giải trong cuộc thi.

Cuộc thi do Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam VCCI, Tổng cục du lịch Việt Nam cùng nhãn hàng Ly’s Horeca của công ty Gốm sứ Minh Long I tổ chức.

8. Chả giò chuối cau

Chỉ cần biến tấu một chút, món chả giò khai vị trở nên lạ miệng hơn khi kết hợp cùng chuối cau. Chính vị ngọt tự nhiên của chuối cau hòa với phần thịt, cua đã tẩm ướp gia vị tạo nên độ mặn ngọt vừa phải trong từng cuốn chả giò. Khi ăn sẽ giảm cảm giác ngấy.

Tận dụng nguyên liệu sẵn có hoặc chọn nguyên liệu dễ tìm, gần gũi với đời sống thường nhật và cố gắng phát huy giá trị dinh dưỡng của chúng vào bữa ăn là điều mà nhiều đầu bếp hiện nay hướng đến. Chính sự giản dị, dân dã trong thành phần món ăn và cách chế biến không quá cầu kỳ đã chiếm được cảm tình của người sành ăn, hay đó là người mới lần đầu nếm thử đi nữa.

Các món ăn này được chế biến tại vòng loại cuộc thi Chiếc Thìa Vàng khu vực TP HCM. Kết thúc cuộc thi, Ban giám khảo đã trao 2 giải nhất cho Khách sạn Đệ Nhất và Khách sạn Caravelle; 6 giải nhì cho: Khu du lịch Văn Thánh, Nhà hàng Kingdom, Khách sạn Kim Đô – nhà hàng Boulevard, nhà hàng Hoa Mua – khu du lịch Bình Quới 1, khách sạn Kim Đô – Royal Café và The Compass Parkview. 8 đội thi này sẽ đại diện cho khu vực TP HCM tham dự vòng bán kết khu vực miền Nam được tổ chức tại TP HCM vào ngày 19-11-2014.

Theo vnexpress
Thành công Sao chép đường dẫn thành công !!