Cháo nhộng ong, đậm đà hương vị thôn quê

Cà Mau

Món cháo nhộng ong nấu với nước cốt dừa được cho là ngon nhất, vị béo ngọt của nhộng ong, với vị béo ngậy của nước cốt dừa không lẫn với bất kỳ món nào trên cõi đời, đôi khi có tiền cũng không thể mua được.

Những ai từng ở thôn quê, từng bắt gặp tổ ong vò vẽ chắc không quên về những trò tinh nghịch của mình lúc nhỏ. Cái tính phá phách của trẻ con khi gặp tổ ong vò vẽ là muốn chọc phá trong sự hồi hộp lẫn thích thú hay chạy theo chân Cha đi đốt tổ ong mang về nấu cháo khuya. Và chắc cũng không ít người bị ong chích đau, để mà nhớ mãi kỷ niệm tuổi thơ của mình. Khi lớn khôn, dù có đi đâu cũng luôn nhớ về đất đai quê nhà. Nhớ loài ong chích rất đau,  nhớ nồi cháo nhộng ong khuya quá ngọt ngào.

Ở miệt vườn hoặc ở những khu rừng có nhiều loài ong như ong vàng, ong bắp cày… nhưng nhắc đến ong vò vẽ thì nhiều người tỏ ra khá “ngán” vì loại ong này dữ và khá độc. Tuy vậy, nhộng con của ong vò vẽ rất ngon và bổ dưỡng, nhất là cháo nhộng ong vò vẽ.

Nhộng ong gần giống như nhộng tầm nhưng nhỏ hơn, thường có màu trắng sữa, đây là món ăn thường chỉ xuất hiện khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 8 vì đây là thời gian ong làm tỗ.

Phát hiện tổ ong vò vẽ, người ta quan sát độ lớn của tổ ong để ước chừng có bao nhiêu tầng chứa ong non, quyết định lúc nào lấy tổ cho thích hợp.

Người thợ chuẩn bị cây rọi dài bằng cây tre hay cây tầm vong còn tươi để khi đốt có độ nghiêng, tránh ong rớt ngay trên đầu. Đầu cây rọi quấn giẽ khô tẩm dầu lửa hoặc xăng được buộc một cách chắc chắn vì đốt tổ ong phải kéo dài từ 5-7 phút. Người thợ đốt tổ ong cho ong thợ bị cháy cánh rớt xuống hoặc bay đi hết mới gỡ tổ ong, lấy nhộng mang về.

Đem tổ ong về bẻ ra từng giề để lấy nhộng và ong non. Những con nhộng non thường phủ một lớp mày khá dẽo. Khi gở hết lớp mày này là lúc thích nhất vì đây là thời khắc biết nhộng nhiều ít thế nào. Những con nhộng no tròn, mập ú và béo nhậy, đem nấu cháo thì ngon tuyệt.

Có đến 4 loại nhộng ong gồm nhộng thật non, nhộng trưởng thành, nhộng đã có chân thành hình một chú ong nhưng vẫn trắng và nhộng có màu vàng ngà. 4 loại nhộng này đều ăn được, nhưng nhộng thật non trong bụng còn một khúc ruột đen, người ta phải đem trụn nước sôi cho phần sữa trong bụng săn lại. Sau đó, ngắt đít nhộng kéo phần ruột đen ra ngoài.

Không những ngon bỗ mà món cháo này còn ngon ở một ý nghĩa khác đó chính không khí sum hợp gia đình, nấu món cháo nhộng ong này thường vào ban đêm, mỗi người một việc thật vui. Người làm ong, người nấu cháo, người nạo dừa.

Nước cốt đầu để riêng, chờ khi nấu xong nồi cháo mới đổ vào. Còn nước cốt dão cho vào nấu chung với gạo và chờ cho cháo thật nhừ. Nhộng ong đã làm sạch chỉ cần phi hành cho thơm và xào xơ, nêm thêm bột ngọt, một ít nước mắm ngon là cho vào nồi cháo. Lúc này người ta mới cho nước cốt đầu vào, tiêu, hành lá xác nhuyễn và mêm nếm lại là xong.

Muốn cho bữa cháo ong vò vẽ ngon miệng hơn người ta chừa lại một phần nhộng ong để xào với gốc hành. Món này ăn chung với cháo và làm như thế mới thưởng thức được hương vị nguyên bản nhất của nhộng ong vò vẽ.

Món cháo nhộng ong nấu với nước cốt dừa được cho là ngon nhất và ai ai cũng thích, cháo ăn cùng rau cải trời, rau má hái trong vườn, một chén nước mắm non dầm ớt. Những người thợ đốt ong sau khi trải qua giai đoạn mệt nhọc, húp chén cháo nhộng nóng hổi, béo béo thật sảng khoái. Vị béo ngọt của nhộng ong cộng với vị béo ngậy của nước cốt dừa đặc trưng không lẫn với bất kỳ món nào trên cõi đời. Những chén cháo nhộng ong vò vẽ ngon, bổ dưỡng rất riêng chỉ có ở miệt vườn, món ăn của ông cha từ thời kỳ khai hoang, đôi khi người có tiền cũng không mua được.

 Băng Tâm tổng hợp
Thành công Sao chép đường dẫn thành công !!