Việt Nam không những nổi tiếng với sự phong phú của các loài cá mà các loại mắm cũng góp phần tạo nên hương vị đặc trưng cho ẩm thực nước ta. Mỗi một vùng miền có loại mắm riêng như mắm ruốc, mắm cá, mắm còng, mắm tôm,… Cùng đi qua những miền đất này nhớ thưởng thức nhé.
Mắm tôm:
Các loaại mắm nổi tiếng tại Việt Nam thì không ai là không biết đến mắm tôm tại miền Bắc, thứ đặc sản có màu sim chín với mùi vị đặc trưng khó lẫn. Loại mắm này được làm chủ yếu từ tôm và muối ăn lên men để tạo mùi vị và màu sắc đặc trưng. Mắm tôm có mặt trong nhiều món ăn dân dã, có thể pha đường và cốt chanh để chấm bún, đậu, cà pháo,… hoặc trở thành gia vị cho món bún riêu, bún thang, giả cầy và để nấu canh cua.
Mắm ba khía:
Ba khía là một loài họ cua có càng to, đặc trưng ở vùng Nam bộ, sống tập trung ở vùng nước lợ, mặn, có nhiều nhất ở U Minh. Do có ba gạch ở trên lưng nên được đặt tên ba khía. Nhắc đến mắm ba khía thì phải nhắc đến những món ăn như gỏi ba khía đu đủ, mắm ba khía trộn chua ngọt, mắm ba khía trộm thịt bò.
Mắm ruốc:
là món mắm đặc trưng của Huế, tuy nhiên mỗi miền có cách làm khác nhau, nhưng nhìn chung đều có vị mặn và mùi đặc trưng. Mắm ruốc miền Nam có màu nâu tím, ruốc miền Trung có màu nhạt hơn.
Tại miền Nam, mắm ruốc thành phẩm thường được dùng làm gia vị nêm nếm, ăn ngay, hoặc chế biến, trong đó mắm ruốc xào thịt ba chỉ là món được nhiều người ưa chuộng bởi vừa ngon miệng vừa bảo quản được lâu.
Mắm tôm chua:
Là đặc sản miền Trung nhưng mắm tôm chua nổi tiếng nhất vẫn là ở Huế, Đà Nẵng Món mắm này được làm từ tôm rằn tươi, đem ngâm rượu rồi xóc muối, trộn với riềng, tỏi, ớt cùng chút mắm, đường. Sau thời gian ủ kín, tôm sẽ đổi màu đỏ tươi và thơm nức. Khác với mắm tôm mặn mịn và nhuyễn, mắm tôm chua có màu đỏ và con tôm còn nguyên hình.
Mắm sò:
Sò huyết có mặt ở hầu khắp các vùng, miền, thế nhưng không phải loại sò huyết nào cũng làm được mắm mà chỉ có sò huyết Lăng Cô (Huế) mới có thể chuyển mình thành món mắm có hương thơm độc đáo, dịu nhẹ cùng vị cay quyện trên đầu lưỡi.
Nước mắm:
Những vùng nổi tiếng với nước mắm là Cát Bà Hải Phòng, Phan Thiết Bình Thuận, Nha Trang Khánh Hòa và đặc biệt là Phú Quốc Kiên Giang mỗi nơi sẽ có bí quyết làm mắm riêng có cơ hội đến du lịch Phú Quốc bằng tàu bạn nên tìm hiểu và mua những chai nước mắm đặc sản về làm quà.
Mắm Còng:
Mắm còng phổ biến ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ và là đặc sản nổi tiếng của Long An, Bến Tre, Tiền Giang. Mắm được làm từ con còng – một loại thuộc họ cua, nhỏ. Còng sau khi được tách yếm, có thể phơi nắng rồi cho vào hũ ủ cùng các loại gia vị trong khoảng 45 ngày. Mắm còng dùng chung với cơm, hay cuốn chấm với thịt luộc, rau sống, bánh tráng, tăng vị cho bún riêu. Có dịp du lịch miền Tây bạn nhớ thường thức loại mắm này nhé.
Mắm hò hóc:
một đặc sản của người Khmer được làm từ cá và xuất xứ từ Campuchia. Mắm hò hóc có thể ăn vả cùng cơm song cũng có thể kết hợp với hàng trăm nguyên liệu khác để tạo ra hàng ngàn món ăn khác nhau.
Mắm nêm:
Để làm món mắm này, cá được ướp muối, sau đó ủ khoảng 3 tháng rồi múc ra chén, thêm đường, chanh, tỏi bằm nhuyễn và ớt nguyên trái dằm vào, trộn đều lên là được. Ngoài bánh tráng cuốn thịt heo, mắm nêm có thể ăn với hầu hết các món làm từ bột như bún, bánh ướt…
Mắm mực:
Mắm mực chỉ phổ biến ở miền biển và nằm trong danh sách những món ăn chỉ dành cho đãi người quen bởi lẽ chỉ có thể làm mắm mực từ những con mực còn tươi nguyên vì thế những tàu đánh bắt xa bờ không đủ điều kiện để làm mắm mực vì thế cư dân đi biển chế biến ngay trên tàu. Có dịp đi tàu bạn nên thưởng thức món mắm mực.