Nhắc đến Sóc Trăng người ta không chỉ nhắc đến bánh Pía mà còn một loại bánh cũng rất hấp dẫn người ăn đó chính là bánh cống Sóc Trăng
Mỗi địa phương có thể có cách chế biến đôi chút khác nhau. Tuy nhiên, đến Sóc Trăng, thực khách muốn được thưởng thức loại bánh cống ngon nhất phải tìm đến chợ ven lộ Xoài Cà Nã (Đại Tâm – Mỹ Xuyên), cách thị xã Sóc Trăng khoảng 8km.
Cách làm bánh cống không phức tạp, tất cả phụ thuộc vào bàn tay khéo léo của người đầu bếp trong cách chọn nguyên liệu, pha chế bột, đổ bánh đều và đẹp.
Chiếc khuôn làm bánh cống tròn nhỏ hơn miệng ly uống cà phê đá, chiều cao khoảng 20 cm. Vỏ bánh được làm từ bột gạo tẻ, người làm bánh phải chọn thứ gạo tốt nhất, phải là gạo lúa mùa thơm ngon, sau đó đem ngâm hai đêm rồi mới xay, xay xong lại pha nước muối loãng, ngâm cùng với bột trong cùng một cái hũ khoảng từ một đến hai đêm nữa. Có như thế, vỏ bánh mới đảm bảo yêu cầu. Nhân bánh cống có thành phần gồm tôm, thịt băm, đậu xanh nguyên hạt đã nấu chín, trứng gà. Bí quyết bánh ở đây ngon là thịt heo băm được trộn với củ hành tím – một loại nông sản trồng rất nhiều ở ven biển thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng). Mùi củ hành trong chiếc bánh sau khi chiên chín hòa quyện với rau sống ăn kèm rất ngon.
Để làm ra một chiếc bánh cống người bán sẽ múc một ít bột cho vào chiếc cống, sau đó là một lớp đậu xanh, thịt băm trộn củ hành tím và phủ lên trên cũng bằng một lớp bột. Trên cùng vài con tép luộc chín.
Cách ăn bánh tương tự bánh xèo, bánh ăn kèm rau sống và chấm nước mắm chua. Trong đĩa rau sống có xà lách, rau rơm, húng lủi, diếp cá,vài lá bắp cải sống. Lá cải sau khi được tách ra khỏi bắp cần thiết ngâm nước muối có ít nước đá để giúp lá cải được giòn.
Món nước chấm cho món bánh cống Sóc Trăng cũng khá đặc trưng, phải là nước mắm chính hiệu cá cơm Phú Quốc, gừng cay nồng giã nhỏ, chanh chua thanh thanh đặc trưng.
Bánh cống Sóc Trăng tuy đơn giản nhưng ít nơi nào có thể bắt chước được bởi đó là món ăn truyền thống độc đáo mà cũng độc quyền của miền đất Sóc Trăng.
Băng Tâm tổng hợp