Như thông lệ hàng năm, cứ đến khoảng rằm tháng 7 âm lịch, khi con nước từ thượng nguồn sông Mê Công cuồn cuộn đổ về, nước lũ bắt đầu lên nhanh tại các huyện đầu nguồn vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên. Và đây cũng là lúc bà con vùng thượng nguồn sông Cửu Long bắt đầu vào mùa đánh bắt cá linh non – một trong những sản vật đặc trưng của mùa nước nổi.
Mùa nước nổi ở miền Tây thường bắt đầu từ khoảng tháng 6 đến tháng 10 âm lịch hằng năm. Vào những ngày đầu mùa, cá linh non được bán tại chợ Long Xuyên, tỉnh An Giang lên đến 100.000-120.000 đồng/kg. Càng về sau, cá linh xuất hiện nhiều hơn, đến khi gần cuối mùa giá lại rẻ hơn.
Cá linh đầu mùa, hay người dân còn gọi là cá linh non, được xem là ngon nhất. Vì lúc này, cá linh chưa quá lớn, xương chưa cứng, thịt ngọt, bụng cá có mỡ nên ăn rất béo. Cá linh non thích hợp để chế biến thành nhiều món ăn ngon, kết hợp với nhiều hương vị đặc trưng của mùa nước nổi. Trong đó, có thể kể đến món cá linh non kho nước dừa, hay nhúng lẩu chua, nhúng mắm.
Cá linh non đầu mùa là vậy, bước sang tháng 8 âm lịch, cá đã lớn gấp đôi, cỡ bằng ngón tay. Thời điểm này, cá ngon nhất là món canh chua nấu với bông điên điển và bông súng đồng, hay chiên giòn chấm nước mắm me cũng có thể “chấp nhận được”. Đến khi lũ rút, chuẩn bị xuống giống vụ lúa Đông-Xuân thì cá linh mới thật sự hết “mùa”…
Cùng với cá linh non, những sản vật đặc trưng của mùa nước nổi cũng bắt đầu xuất hiện trong đó, có thể kể đến điên điển – một loài cây bình dị nhưng lại có bông nở vàng rực theo các mé sông. Do có hương vị đặc biệt, lại rất giòn, ngọt nên bông điên điển thường được người dân dùng để chế biến thành nhiều món ăn. Trong đó, bông điên điển ăn kèm với lẩu cá linh nấu chua là đặc sản chỉ có ở mùa nước nổi.
Cá linh non kho nước dừa có lẽ là món ăn rất được nhiều người ưa chuộng. Ðối với món ăn này, cá linh non trước tiên phải làm sạch. Cá không cần đánh vảy nhưng phải bỏ đi phần ruột, sau đó tẩm gia vị cho vừa ăn. Ðối với món cá linh non kho nước dừa, gia vị tẩm ướp phải từ nước mắm cũng làm từ cá linh, và phải kho trong nồi đất mới đúng vị.
Món cá linh kho nước dừa sẽ ngon hơn khi dùng với cơm nóng, ăn kèm một ít lá sầu đâu non và thêm trái me dầm. Vị đăng đắng, chua chua cộng với vị ngọt bùi béo ngậy của cá linh đầu mùa sẽ là hương vị khó quên cho những ai thưởng thức.
Ðối với món ăn này, công đoạn sơ chế cá linh cũng không khác gì nhiều so với các món ăn khác.Tuy nhiên, cá linh cần phải ướp thêm ít tỏi băm nhuyễn, ít tiêu xay cho thêm đậm hương vị. Nước nấu lẩu cũng không kém phần quan trọng làm nên món ăn. Thông thường, người dân hay chọn nấu bằng giấm hoặc me để tạo vị chua cho nước lẩu. Tuy nhiên, nếu cầu kỳ hơn, có thể chọn trái bứa hoặc bần chín để tạo hương vị. Món ăn không chỉ ngon, mà còn lạ miệng và hấp dẫn.
Cá linh non là món ăn dân dã rất đặc trưng đầu mùa nước nổi. Trong những ngày đầu lũ, mỗi khi có dịp về ĐBSCL, du khách phương xa đừng nên bỏ qua “khúc biến tấu” từ đặc sản cá linh, một đặc ân tự nhiên chỉ tìm thấy duy nhất do dòng Mê Công ban tặng.
Theo Cà Mau Online