Chiếc thớt đóng vai trò quan trọng, góp phần tạo nên bữa ăn ngon của cả gia đình, để có những chiếc thớt chất lượng ấy cần phải nhắc đến ngôi làng đã làm ra chúng, làng nghề thớt Định An, Đồng Tháp
Nghề làm thớt ấp An Hòa, xã Định An, huyện Lấp Vò hoạt động quanh năm. Hơn 60 năm qua nơi đây đã hình thành một làng chuyên làm thớt gỗ. Đây là một nghề cha truyền con nối.
Khi mới hình thành, thớt ở đây được làm bằng loại cây mù u, một loại gỗ rất chắc thường mọc hoang ven sông, Gỗ mù u là loại gỗ phù hợp nhất để làm thớt vì khi chặt hay băm,… gỗ của thớt mù u không bị băm nát và lưu lại vết đen. Nhưng hiện nay nguyên liệu để làm thớt thường là gỗ cây xà cừ, me.
Để có được một chiếc thớt, người thợ phải thực hiện nhiều công đoạn như phân đoạn, cắt thớt, lấy mực, ra vóc, đẽo, gọt láng, bào mặt… Những ngày đầu những công đoạn này làm thủ công nên tốn nhiền thời gian mà lại vất vã, hai người chỉ làm được 10 – 15 chiếc thớt/ngày.Từ khi sử dụng các loại máy như máy cưa, máy cắt, bào điện… năng suất tăng lên nhiều lần so với trước.
Có dịp đến thăm làng nghề làm thớt Định An, du khách luôn thấy cảnh nhộn nhịp với tiếng cưa, tiếng đục, tiếng vận hành máy. Người kéo xe, kẻ phơi thớt, với hơn chục hộ hành nghề dọc theo quốc lộ 54.
Theo những người có kinh nghiệm trong làng nghề thớt, để có một chiếc thớt tốt phải chọn loại cây gỗ già , đem sấy hết nhựa mang ra cắt thành từng miếng rồi phơi nắng để không bị mốc.
Dù khó khăn, vất vả nhưng hơn mấy chục năm qua, người dân ấp An Hòa, xã Định An vẫn miệt mài cùng với nghề bởi đây vừa là nghề tạo thu nhập vừa là nghề truyền thống.
Vào những tháng này, khoảng tháng 9 âl con nước rong bắt đầu rút, làng thớt Định An lại bắt đầu nhộn nhịp với tiếng cưa, tiếng đục, tiếng máy. Tất cả đang háo hức chuẩn bị cho ra lò nhiều loại thớt để bạn hàng bỏ mối bán Tết.
Trục quốc lộ 54 chạy dọc theo con sông Hậu có không khí luôn mát mẻ, cảnh vật xanh tươi là tuyến đi rất thích hợp cho tour đạp xe khám phá làng nghề, trải nghiệm cuộc sống yên bình của vùng quê Nam bộ.