Hầu hết các làng nghề truyền thống ở nước ta thường xuất phát từ nhu cầu của địa phương và sau đó tiếp tục duy trì và trở thành nghề cha truyền con nối.
Miền đất Nam bộ với hệ thống sông ngồi chằng chịt, văn hóa gắn liền với văn minh sông nước miệt vườn, hình ảnh chợ nổi với ghe xuồng tấp nập trên sông mang một đặc trưng của vùng đất Nam bộ.
Cũng vì thế mà nghề đóng ghe xuồng được hình thành và phát triển từ rất sớm, chiếc xuồng không chỉ là phương tiện đi lại, vận chuyển hàng hóa mà nó còn gắn bó với quân dân ta trong công cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm…
Có nhiều người đã xem chiếc xuồng là ngôi nhà thứ 2 của mình, khi đặt tấm cà rèm lên trên làm nóc, thêm cái cà ràng, vài cái nồi thì những cặp vợ chồng chuyên nghề câu, lưới… hay cắt lúa mướn, nuôi vịt chạy đồng có thể sống hàng tuần thậm chí là hàng tháng trên sông …
Làng nghề đóng xuồng ghe Bà Lài
“Chiếc xuồng quê hương tôi, đã có tự lâu rồi, gắn bó suốt cuộc đời, người dân nơi Đồng Tháp…”
Nếu bạn có dịp về Đồng tháp vào một ngày đẹp trời mùa nước nổi, nhớ ghé thăm làng nghề đóng xuồng ghe Bà Đài (thuộc xã Long Hậu, Lai Vung). Chiếc xuồng cui Bà Đài gắn liền với tên tuổi của “ông Sáu Xuồng Cui” đã tồn tại hơn một thế kỉ qua. Trải qua nhiều thăng trầm, sự đào thải của xã hội làng nghề đóng xuồng ghe ở đây vẫn tồn tại như một nét đặc trưng của vùng đất Nam bộ.
Cùng với những sản phẩm làng nghề đặc trưng, làng nghề này còn lưu giữ những nét văn hóa, tín ngưỡng dân gian trong nghề đóng xuồng, ghe như lễ cúng tổ, lễ ghim lô, lễ hạ thủy, lễ khai tâm điểm nhãn, một số luật lệ khi đi ghe, xuồng,…
Cũng như bao nghề thủ công khác, nghề đóng xuồng đòi hỏi tay nghề cao, sự khéo léo, cũng như kỹ thuật riêng, để tạo nên những chiếc xuồng vừa đẹp, vừa chắc, vừa cân bằng tuyệt đối… để hoàn thiện một chiếc xuồng, người thợ phải làm qua các công đoạn như cưa ván, bỏ mực, rọc dọn, vô vỏ, ráp cong, dằn…
Mùa đóng xuồng cao điểm nhất là từ đầu tháng 4 âm lịch đến khoảng rằm tháng 5 trở đi. Và khoảng cuối tháng 8 âm lịch, nhịp độ đóng xuồng chậm lại. Ngay từ tháng 2, tháng 3 âm lịch, các cơ sở đã chuẩn bị mua cây, mua gỗ, vật liệu sẵn.
Tại xã Long Hậu, hiện có cả trăm hộ hành nghề đóng xuồng. Trong đó, chỉ có khoảng 1/3 tổng số hộ trên mới có điều kiện duy trì nghề đóng xuồng quanh năm. Những hộ còn lại chỉ tập trung làm theo mùa, bởi do thiếu vốn mua gỗ…
Xuồng ở rạch Bà Đài được đóng thành nhiều kiểu dáng như: xuồng cui, xuồng vỏ gáo, xuồng mũi bằng, xuồng ba lá… Bán chạy nhất là xuồng gỗ sao, gỗ sến, với kích cỡ 4,5- 6,5m.
Chiếc xuồng là phương tiện đi lại, chuyên chở hàng hóa rất thông dụng của người dân lao động miền sông nước Nam Bộ; đồng thời còn là phương tiện dùng để đánh bắt thủy sản mùa lũ. Do vậy, việc phát triển và mở rộng làng nghề đóng xuồng ở rạch Bà Đài là rất cần thiết.
Qua bàn tay khéo léo vá óc sáng tạo của anh Nguyễn Văn Tốt ở ấp Long Hưng 2, xã Long Hậu, những chiếc xuồng tưởng chừng chỉ đi trên sông nước giờ đây đã nằm trên tay khách du lịch. Những chiếc xuồng thu nhỏ của anh được rất nhiều người yêu thích, đây như một hướng đi mới cho nghề.
Và cuối năm 2014, làng nghề đóng xuồng rạch Bà Đài đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Rạch Bà Đài thông với sông Lai Vung chảy ra sông Hậu, lại nằm gần tuyến QL 80, tỉnh lộ 851 cùng với hệ thống cây ăn trái , đặc biệt là quýt hồng đã tạo điều kiện khá thuận lợi cho việc khai thác hoạt động du lịch làng nghề theo hướng liên kết điểm. Tận dụng tiềm năng về thiên nhiên, sông nước miệt vườn, những người làm công tác du lịch có thể lấy làng nghề đóng xuồng ghe Bà Đài làm điểm nhấn đưa khách đi tham quan các điểm khác trong vùng với phương tiện vận chuyển chủ yếu là ghe, xuồng.
Làng nghề đóng xuồng ghe Bà Đài góp phần quan trọng vào việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa của địa phương và của vùng đất Tây Nam Bộ