Trong khi có nhiều làng nghề đang dần bị mai một bởi sự thay thế của những tiến bộ của công nghệ, thì làng nghề nắn nồi đất ở huyện Hòn Đất – Kiên Giang lại là một ngoại lệ khá thú vị
Nằm ở trung tâm huyện Hòn Đất, làng nghề truyền thống này đã góp phần bảo tồn những giá trị truyền thống mang dấu ấn văn hóa vùng, chuyên tạo ra những sản phẩm bằng đất nung như: cà ràng, nồi, om, ơ…
Xuất hiện vào cuối những năm 20 của thế kỷ XX, vị sư tổ của làng nghề là người Khmer, về sau người Việt đã học và phát triển thành nghề truyền thống của người Việt. Nghề nắn nồi là một thuật ngữ chứa một khái niệm chung chỉ công việc tạo ra các sản phẩm làm từ đất nung.
Từ xưa, nghề nắn nồi đối với người dân ở đây chỉ là một nghề phụ, phát triển nhất vào mùa nông nhàn, được người dân làm sau khi sạ lúa xong. Trước năm 1980, vùng này chỉ làm ruộng một vụ nên sau khi sạ lúa có khoảng thời gian dài rảnh rỗi người dân lại làm nghề…
Hòn Đất là huyện thuộc tỉnh Kiên Giang, với thành phần dân cư chủ yếu gồm ba tộc người chính là Việt, Khmer và Hoa. Từ thị xã Rạch Giá, du khách đi khoảng 30km theo Quốc lộ 80 về hướng Tây Bắc sẽ đến trung tâm huyện Hòn Đất, Kiên Giang. Trãi rộng trên một không gian bao la, du khách sẽ bắt gặp những cánh đồng lúa xanh ngút ngàn, đan xen vào không gian ấy là cảnh mây trời và núi rừng, có cả cảnh biển bao la đang ẩn hiện trước mắt.
Cũng như bao nơi khác, nguyên liệu dùng để nắn nồi là đất sét, phải có đủ các tiêu chuẩn như dễ đánh bóng, chịu nhiệt cao, tính kết dính cao… mà loại đất này có sẵn trên địa bàn huyện. Để hoàn thành một sản phẩm bằng đất phải qua nhiều công đoạn, công đoạn đầu là nắn hay còn gọi là tạo hình vì tất cả các sản phẩm đều có khuôn (khung) bằng gỗ hoặc bằng đất nung, đến công đoạn vỗ, do đất ướt chứa nhiều nước nên sản phẩm mới đầu thường biến dạng, đòi hỏi người làm phải có kỹ thuật vỗ bằng các thanh tre, sau đó là công đoạn làm bóng, tạo hoa văn để sản phẩm được nhẵn bóng hoàn chỉnh. Nếu được chứng kiến các công đoạn làm mới thấy để có được sản phẩm như ý đòi hỏi người thợ phải có kỹ thuật cao, bàn tay phải uyển chuyển, mềm mại, sáng tạo.
Sau một tuần lễ, các sản phẩm được phơi khô và có thể đưa vào nung, gọi theo tiếng nhà nghề là “đốt nồi”. Công đoạn đốt nồi khá đơn giản nhưng phải là người có nhiều kinh nghiệm trong nghề, trước kia cũng có nhiều thợ đốt nồi chuyên nghiệp đi đốt thuê nhưng đến nay ai cũng có thể đốt được. Trước khi “nung” người thợ phải sắp mọi sản phẩm lên mặt đất, chèn rơm hoặc cỏ khô vào các sản phẩm, phía trên lớp rơm có một lớp củi tràm. Người ta thường tiến hành đốt vào lúc ban đêm để dễ theo dõi lửa cháy cho đều. Thông thường, các loại sản phẩm “nặng lửa” được đặt ở trung tâm, loại “nhẹ lửa” sắp ở chung quanh để sản phẩm không bị sống hoặc chín quá.
Có vậy mới biết, sức sống của một làng nghề truyền thống không những phải phù hợp với nhu cầu cuộc sống, mà còn là câu chuyện của thời gian, của quá khứ và những kỷ niệm đẹp, mang bóng dáng của miệt đồng quê, không dễ lãng quên.
Trước sự phát triển của kim loại, nhiều vật dụng đã thay thế các sản phẩm bằng đất nung nhưng nghề nắn nồi ở Hòn Đất vẫn tồn tại và được nhiều người biết đến. Những hình ảnh cái nồi đất không phai mờ trong sinh hoạt của con người, càng ngày càng được tái hiện sinh động và chân thực dưới bàn tay tài hoa của những nghệ nhân nắn nồi. Giờ đây nhắc đến nồi đất là người ta nhớ đến một làng nghề nắn nồi ở Hòn Đất, một làng nghề thủ công truyền thống nổi tiếng ở Kiên Giang.