Tây Nam Bộ nỗi tiếng là vùng đất cây lành trái ngọt, mỗi một vùng miền, mỗi một vùng đất có một loại đặc sản khác nhau, như Quýt đường của cái Bè, vú sữa lò rèn ở Vĩnh Kim, còn mảnh đất Trà Vinh lại nổi tiếng với trái quách.
Nếu bạn là một người thích hoài cổ, một người thích ngược dòng ký ức để tìm về với những món ăn dân giã, với những đặc sản vùng miền thì bạn nên ghé thăm một lần mảnh đất Trà Vinh, để thưởng thức những món ăn làm từ trái quách.
Trái quách – đặc sản của huyện Cầu Kè, Trà Vinh
Trái quách còn có khác là cây Gáo, trái quách có vẻ ngoài giống trái cám, da nhám có màu xám trắng. Người Khmer ở huyện Cầu Kè thích trồng cây này dọc con đê, quanh nhà hay xem cùng các cây ăn trái.
Cây cao khoảng 7- 8 mét, lá nhỏ, nhánh có gai giống như cây cần thăng. Cây trồng khoảng 7 năm thì cho trái, cây càng lâu năm trái càng nhiều. Tháng chạp, tháng giêng âm lịch là mùa quách chín.
Giống như trái sầu riêng, quách bắt đầu chín thì tự rụng. Dù rơi từ trên cao xuống nhưng quách không giập vỡ vì vừa chớm chín, trái còn cứng.
Khi trái quách khi chín, trái tỏa mùi hương thơm ngát rất đặc trưng. Dù không giống mùi thơm trái thị nhưng nó cũng quyến rũ khứu giác nhiều người. Để thêm chừng vài ba ngày hoặc tuần lễ thì quách chín rục, vỏ trái có màu bạc trắng, mềm, chỉ cần cầm dao xẻ nhẹ đã thấy những hột nhỏ li ti như hạt lưu sậm một màu tím, hạt ăn giòn.
Đối với phụ nữ thì món quách trộn cùng mắm hay dầm đá đường là món ăn giải nhiệt số một được mọi người yêu thích, còn đối với cánh mày râu quách ngâm rượu thì đã trở thành đặc sản.
Để dầm nước đá đường, chỉ cần nạo ruột trái cho vào ly đánh nhừ. Cho đường cát và nước đá bào vào, ta sẽ được một món giải nhiệt ngày hè tuyệt hảo và đáng nhớ.
Quách dầm đá
Múc một muỗng quách cho vào miệng, mùi thơm của quách phảng phất lên cánh mũi, vị chua thanh làm mặt lưỡi tê mê. Vị ngọt của đường, vị béo của sữa lan thấm khắp vòm họng, thật là dễ chịu. Nhưng sảng khoái nhất là khi thưởng thức trái quách vào những trưa hè oi bức. Vị chua của quách khiến cái nóng của mặt trời nhanh chóng biến đi.
Rượu quách
Ở Cầu Kè, người ta còn chế biến quách thành một loại rượu được coi là đặc sản. Vì, uống rượu này sẽ thưởng thức hương vị thơm đặc trưng của quách mà còn có lợi cho những người bị cao huyết áp, đau nhức, bổ thận… Muốn có rượu thuốc này, người ta dùng muỗng cạo lấy cơm trái quách ngâm trong hũ rượu nếp hoặc rượu gạo nguyên chất. Để có rượu ngon hơn, người ta bổ trái quách thành vài ba mảnh, ngâm rượu. Nhưng, theo nhiều người sành rượu thì đục vài ba lỗ trên vỏ trái quách rồi thả vào hũ rượu. Theo họ, ngâm như vậy sẽ có nước rượu trong, không đục như hai cách trên.