Tại Bạc Liêu có khu vườn nhãn cổ đến nay đã trên trăm tuổi. Đây là vườn nhãn đặc biệt nhất ở ĐBSCL, là một mô hình du lịch vườn hấp dẫn, là niềm tự hào của người dân địa phương.
Thiên nhiên đã hào phóng ban tặng cho nơi đây những vùng đất màu mỡ, tạo điều kiện cho giống nhãn cổ phát triển sum xuê hơn cả trăm năm nay, với những cây gốc to hơn 2 người ôm không xuể, tán lá rộng mát, tạo nên không gian thanh bình.
Vườn nhãn cổ Bạc Liêu rộng khoảng 230 ha, chạy dài trên 11km đi qua 2 xã Hiệp Thành và Vĩnh Trạch Đông, thuộc thị xã Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu.
Theo lời kể của những người dân nơi đây, vườn nhãn Bạc Liêu đã đuợc trồng trên trăm năm trước. Ngày trước vùng này là đất giồng cát được hình thành qua quá trình bồi lắng của thiên nhiên và do con người đắp đê lấn biển. Đây là loại đất có độ thoát thủy tốt, mực thủy cấp sâu, tầng canh tác dày… được đánh giá khá thích hợp cho việc trồng cây ăn trái và các loại hoa màu.
Nơi đây nổi tiếng với 2 giống nhãn Su-bic và Tu-huýt.Giống Su-bíc cho trái to, vỏ mỏng, cơm dày, rất thơm và ngọt, còn giống Tu-huýt trái nhỏ, hạt nhỏ, nhưng cơm dày, vị ngọt.
Đến tham quan khu du lịch vườn nhãn, du khách sẽ được thưởng thức mùi vị quyến rũ của những chùm nhãn thơm ngon cùng với những món ăn dân dã là đặc sản do biển cả hào phóng ban tặng, được hưởng không khí trong lành từ gió biển và còn được thưởng thức đờn ca tài tử Nam bộ. Ngoài việc nếm những trái ngon ngọt, bạn còn có thể nằm nghỉ ngơi dưới gốc nhãn, lắng nghe tiếng chim hót ríu rít và những tia nắng len lỏi qua những kẽ lá, soi rọi xuống mặt đất lung linh.
Đến đây, bạn không chỉ được thư giãn trong không gian xanh rộng và khoáng đạt mà còn được cắm trại, dã ngoại, tham gia thu hoạch nhãn chín. Nếu đến vào dịp lễ Tết như Trung thu, bạn còn có cơ hội vui chơi tại lễ hội địa phương, nghe đờn ca tài tử, nghe người Bạc Liêu hát bài “Dạ cổ hoài lang” của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu hay tìm hiểu văn hóa đất giồng giao thoa của người Kinh, người Khmer và người Hoa.
Theo ZiZi Travel