Cách trung tâm thành phố Mỹ Tho, Tiền Giang khoảng 5km, trại rắn Đồng Tâm được mệnh danh là vương quốc các loài rắn của Việt Nam, với hơn 400 loài rắn các loại.
Dù bạn là người yêu rắn, dù bạn là người sợ rắn thậm chí bạn ghét rắn, thì hãy một lần đến với vương quốc này để chiêm ngưỡng thế giới tuyệt vời của loài bò sát không chân này.
Trại rắn Đồng Tâm là tên gọi quen thuộc mà người dân vẫn hay gọi, còn tên chính thức là Trung tâm nuôi trồng nghiên cứu chế biến dược liệu Quân khu 9, thuộc ấp Bình Đức, xã Tân Thuận, huyện Châu Thành,Tiền Giang
Bạn chỉ việc mua vé vào trung tâm người lớn là 25.000 đồng/vé và trẻ em 15.000 đồng/vé là có thể bước vào một thế giới hoàn toàn khác, thế giới của rắn. Đầu tiên đến phòng chiếu phim để được nghe giới thiệu về trung tâm nuôi rắn đặc biệt này. Trại rắn Đồng Tâm được thành lập vào năm 1979 theo sáng kiến của Trung tá Trần Văn Được. Là một người có kiến thức sâu rộng, am tường và say mê các loài rắn, Trung tá Được muốn xây dựng một trại rắn đa dạng để lấy huyết thanh kháng nọc rắn và góp phần vào việc xuất khẩu nọc rắn.
Trong không gian rộng khoảng 30ha xanh mát của những cây cổ thụ cao vút là một khu du lịch sinh thái độc đáo, hấp dẫn. Đến đây bạn như lạc vào “mê cung rùng rợn” nhưng đầy hấp dẫn, một thế giới chỉ có rắn và rắn.
Trại rắn Đồng Tâm được chia thành 3 khu vực nuôi chứa các động vật bò sát. Theo chân người hướng dẫn viên, du khách lạc bước vào một thế giới mới mẻ gây tò mò về những con vật được cho là ghê rợn, nguy hiểm.
Đầu tiên là khu nuôi rắn theo kiểu đảo hồ nước, bốn bề xây tường cao ngang ngực người lớn, có một cửa ra vào. Bên trong, đáy hồ sâu khoảng 30 – 40cm, xăm xắp nước. Giữa hồ là tiểu đảo, cỏ mọc um tùm, là nơi trú ẩn của cóc, nhái, ễnh ương… đây là nguồn thức ăn cho rắn.
Tiểu đảo có mấy chòm cây xanh cao ngang tường hồ. Trên chòm lá là những con rắn bò lúc nhúc. Thoạt nhìn ai cũng cảm thấy lo sợ lẫn chút hoang mang bởi chỉ đứng cách những chú rắn không xa. Nhưng bạn đừng lo bỡi các chuyên gia đã tính toán mọi thứ cẩn thận để rắn không thể phóng khỏi những tàn cây, vượt qua tường”.
Với cây sắt dài, một đầu có móc, người hướng dẫn viên nhẹ nhàng móc một chú rắn đưa về phía du khách để giới thiệu đặc tính sinh trưởng cùng những hoạt động tương thích của nó… Thật thích thú, vì sẽ không có bao nhiêu cơ hội bạn đến gần với loại bò sát được cho là khá nguy hiểm này.
Lần lượt đi qua các chuồng hồ, du khách dần hiểu sâu về thế giới loài rắn nào là rắn lục, rắn gáo, rắn nước, rắn ri voi, rắn ri cá… đây là những loại rắn hiền, không có độc.
Rời khu nuôi chứa rắn này là khu nuôi rắn độc, như rắn hổ ngựa, rắn hổ cạp nong, rắn hổ mái gầm… Đặc biệt là rắn hổ mang chúa, một loại rắn cực độc, được xếp bậc “E” trong Sách Đỏ Việt Nam. Chúng được nuôi trong những chiếc chuồng riêng biệt.
Để nuôi được loài rắn dữ này là cả một kỳ công và đầy nguy hiểm. Người nuôi rắn độc khi mở cửa chuồng phải rất cẩn thận, nhẹ nhàng và chậm rãi để con rắn đang đói không phóng ra ngoài, hoặc cắn người. Chăm sóc rắn chẳng khác nào chăm sóc một đứa trẻ, người nuôi phải thường xuyên theo dõi để kịp phát hiện con nào có dấu hiệu bệnh để điều trị kịp thời.
Trung tâm có đến vài trăm con rắn hổ chúa, một con rắn hổ chúa ăn 1,5kg rắn tạp/lần. Mỗi tuần cho ăn 2 lần. Còn rắn hổ mang chỉ ăn cóc, nhái và chuột. Vì vậy trong mùa nắng, Trung tâm phải trữ rất nhiều thức ăn thậm chỉ là cả tấn trong tủ đông để cho rắn ăn dần.
Ngoài ra, ở đây còn nuôi cá sấu, ba ba, cáo, gấu, công, đà điểu, nhím, kỳ đà, vượn má vàng…
Đến trại rắn, du khách sẽ nghe kể về nhiều trường hợp bị rắn cắn thập tử nhất sinh được cứu sống nhờ huyết thanh kháng nọc rắn. Những câu chuyện ly kỳ tưởng chừng không bao giờ có, vậy mà đã xảy ra nơi đây. Từ khi thành lập đến nay, Trung tâm đã chữa trị tốt cho rất nhiều người bị rắn cắn, không có trường hợp nào tử vong.
Để lấy huyết thanh rắn là cả một kỳ công, mỗi lần lấy nọc rắn chỉ từ 1 đến 2 giọt nọc/con. Mỗi năm, một con rắn chỉ cho khoảng mười mấy giọt nọc. 10 gram nọc rắn có thể điều chế một lượng huyết thanh đủ phục vụ nhu cầu cả nước trong 1 năm. Tuy nhiên, chỉ với 1gram nọc rắn là có thể giết chết 165 người với trọng lượng trung bình 60kg/người!
Đến với trại rắn Đồng Tâm là đến với bảo tàng rắn đầu tiên của Việt Nam, bảo tàng này được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác nhận là Bảo tàng rắn đầu tiên của Việt Nam, nơi lưu giữ nhiều loài rắn nhất Việt Nam với hơn 40 loài rắn đặc trưng ở ĐBSCL. Trong đó, đáng kể nhất là rắn hổ chúa 17 tuổi, dài 4,2m, nặng 18kg.
Mỗi loài vật đều có nét đẹp riêng của chúng, đối với rắn trong chí tưởng tượng của đa số người là rất nguy hiểm, không thể đến gần. Nhưng đến với trại rắn Đồng Tâm chắc hẳn bạn sẽ có suy nghĩ khác hơn, vẫn có nhiều loài rắn hiền lành, không độc… và dù chúng rất độc đi nữa nhưng nếu biết cách khai thác thì chúng vẫn có lợi cho con người. Thế giới về rắn vẫn luôn là một thế giới kỳ bí cần chúng ta tìm hiểu.
Theo Báo CanTho