Núi Sam An Giang – Điểm thu hút khách du lịch

An Giang

 [vanhoamientay.com] Cách trung tâm Thành Phố Long Xuyên, An Giang khoảng 60km đi về hướng tây theo Quốc lộ 91 là đến thị xã Châu Đốc, nơi có ngọn núi mà nhiều người biết và muốn đến đó là Núi Sam. Núi có tên Núi Sam vì từ xa ta thấy núi có dáng dấp như một con Sam đeo bám trên cánh đồng xanh mênh mông.

Ngoài ra còn có truyền thuyết cho rằng nơi đây xưa kia từng là hòn đảo nhô lên trên biển (lúc biển còn bao phủ toàn vùng), là nơi có nhiều Sam sinh sống nên được gọi là “Học lãnh Sơn” nghĩa là núi con Sam.

 Núi Sam có diện tích khoảng 280 ha, với độ cao vừa phải (241m), đây là loại núi trẻ, có cây xanh bóng mát, mỗi mùa hè đến trên sườn Núi Sam lại được tô điểm rực rỡ một màu đỏ của phượng vĩ, làm Núi Sam càng tươi mát hơn cùng với những hang động kỳ thú. Bên cạnh đó còn có cả một hệ thống kênh rạch bao quanh, cùng với hệ thống đền, chùa cổ kính trên sườn núi tạo nên một phong cảnh đẹp, hữu tình giữa vùng đồng bằng trù phú.

Vào thời nhà Nguyễn Núi Sam thuộc thôn Vĩnh Tế, phủ Tuy Biên, tỉnh An Giang, ngày nay là xã Vĩnh Tế, thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang. Với phong cảnh ấy, nên từ hai thế kỷ trước qua ngòi bút của Thoại Ngọc Hầu (trong bia “Vĩnh Tế Sơn”) thì Núi Sam đẹp như một bức tranh phong thuỷ. Di tích lịch sử và danh thắng Núi Sam đã in dấu trên sách sử từ đó. Từ lâu hình ảnh Núi Sam đã thấm đậm trong tâm hồn người dân An Giang nói riêng và niềm Nam nói chung. Bởi vì nơi đây tập trung nhiều công trình kiến trúc, di tích lịch sử văn hoá được Bộ Văn Hoá công nhận xếp hạng như: Chùa Tây An, Miếu Bà Chúa Xứ, Lăng Thoại Ngọc Hầu, chùa Hang… và nhiều thắng cảnh đẹp như đồi Bạch Vân, vườn Tao Ngộ…

Núi Sam còn có nhiều đền chùa am cốc, đặc biệt trong số đó Miếu Bà Chúa Xứ là công trình kiến trúc rất đẹp và tôn nghiêm hàng năm có lễ Vía vào tháng 4 từ sau tết Nguyên Đán, đông đảo khách trong và ngoài nước đến hành hương, cầu phúc lộc và chiêm ngưỡng. Và như thế từ lâu, Núi Sam đã trở thành một trong những nơi hành hương quan trọng của nhiều người dân. Ngày lễ chính, cũng là một lễ hội đậm đà bản sắc dân tộc: đó chính là lễ hội “Vía Bà Chúa Xứ – Núi Sam” được diễn ra hàng năm vào những ngày 23 đến 27/04 âm lịch.

Những truyền thuyết in trên núi đá

Phía bên trên miệng hang, nhìn thẳng lên vách núi dựng đứng có cái lỗ thông thiên, đường kính khoảng gần 1 mét vuông. Truyền thuyết kể lại đây chính là nơi ở của con đại bàng, nó đã bắt cóc công chúa và đi vào hang bằng lỗ thông thiên. Trên vách đá của hang in hình người màu trắng, trên vai quàng con vật hình thù như đầu chằn tinh, tay trái dìu công chúa, khiến người ta liên tưởng đây là ông Thạch Sanh.

Là chuyện từ cái hang này, sau khi Thạch Sanh giết đại bàng, giải thoát công chúa, Lý Thông muốn giành công nên gọi lính lấp miệng hang để giết Thạch Sanh. Không ra khỏi hang được, Thạch Sanh mới lần tìm lối đi khác, cuối cùng tìm ra cửa biển và gặp người có đuôi giống cá…

Bên cạnh cái hang được gọi là “vương địa” đại bàng, qua một lối đi lớn sẽ gặp cái hang thứ hai. Trên miệng hang có bàn thờ Thủy Tề, phía bên trong hang có 3 lối đi nhỏ. Ở dưới hang có loài đá rất lạ, không phản chiếu ánh sáng, rọi đèn vào ánh sáng bị hút hết. Chỉ có đèn dầu mới thắp sáng được dưới này, nhưng đèn dầu mà không có không khí thì không cháy. Cho đến bây giờ cái hang kỳ lạ này vẫn chưa được khám phá.

Theo thời gian, những lớp đá canxi gặp mưa nhiều hút nước trương ra tạo thành những hình thù rất kỳ lạ. Ở một nhánh cửa hang phía Nam, cạnh phiến đá Đại Hồng Chuông khá nổi tiếng là khối đá hình con sử tử từ trên trời bay xuống. Trên đầu sư tử có hình Đức Phật. Theo kinh Pháp Hoa, nhân vật cưỡi sư tử là Bồ Tát Văn Thù – người có tiếng nói êm dịu – tượng trưng cho trí tuệ, phá đêm tối của vô minh.

Được biết khối đá này đã xuất hiện từ khi thạch động xuất hiện và ngày càng lớn dần thêm.

Lại nói về Đại Hồng Chuông, nhìn kỹ sẽ thấy những khối đá rời, đá có tiếng kêu rất thanh. Nhưng đã nhiều năm trôi qua, kể từ ngày cái chui đánh chuông do người Miên khai phá mảnh đất này mang về xứ, ta có đẽo nhiều cái khác nhưng đánh vào chuông không kêu!

Và cứ thế, những câu chuyện kéo dài mãi… Những truyền thuyết sao lại ứng với tạo vật của thiên nhiên lạ thường, càng khiến cho lời kể thêm hấp dẫn hơn. Mãi nghe, tôi vô tình đưa tay chạm vào một nhũ thạch (vú đá). Vào mùa mưa từ nhũ thạch này phun lên dòng nước trong vắt, mát lành. Có người nói uống nước này có thể chữa được bệnh.

Chiều đã về rất muộn, chim yến gọi bầy quấn tổ, những du khách cuối cùng đã rời núi. Tiếng chuông chùa vọng lại xa xa. Từ biệt núi Sam, hẹn lòng sẽ quay trở lại vì còn nhiều truyền thuyết chưa kịp khám phá…

Băng Tâm tổng hợp
Thành công Sao chép đường dẫn thành công !!