Có một điểm tham quan ở Cần Thơ, du khách có dịp ĐBSCL không nên bỏ qua là ngôi nhà cổ của gia đình họ Dương, còn gọi là nhà cổ Bình Thủy
Ngôi nhà cổ Bình Thủy có 5 gian 2 mái này được gia đình họ Dương xây dựng theo kiến trúc Pháp đến nay gần 150 năm, vẫn còn khá nguyên vẹn. Địa chỉ này còn có một tên gọi khác là vườn lan Bình Thủy, bởi hậu duệ đời thứ 5 sinh trưởng trong ngôi nhà này là ông Dương Văn Ngôn có thú chơi hoa kiểng, xương rồng. Vào thập niên 1960, ông Ngôn sưu tầm được nhiều giống hoa lan quý hiếm rồi bắt đầu tổ chức các hội chơi lan và kết hợp đón khách du lịch đến tham quan ngôi nhà cổ vào những năm 1980 để những người cùng sở thích có dịp trao đổi kinh nghiệm tìm hiểu và cùng thưởng thức thú chơi hoa và làm thơ. Hiện nay, hậu duệ đời thứ 6 là ông Dương Minh Hiển cùng gia đình tiếp tục kế thừa và giữ gìn ngôi nhà.
Căn nhà cổ Bình Thủy rộng 5 gian 2 chái, ngang 22m, sâu 16m, nằm trên lô đất có diện tích 6.000m2. Trước sân có hòn non bộ, hoa kiểng. Bên phải là vườn lan, góc bên trái có cây xương rồng Mexico Kim Lăng Trụ cao khoảng 8 mét có độ tuổi khoảng 40. Sau nhà là vườn cây ăn trái. Sân rộng lót gạch tàu, lối vào nhà xây bốn cầu thang hình cánh cung. Nhà rộng thênh thang với 6 hàng 24 chiếc cột gỗ lim đen bóng, đường kính khoảng 30 cm. Kết nối giữa hệ thống cột, xà là những chi tiết gỗ màu nâu chạm trổ hết sức tinh vi. Khi xây dựng, để chống mối mọt và giữ độ lạnh cho ngôi nhà, chủ nhân đã cho rải đều bên dưới nền gạch một lớp muối hột dày hơn 10 cm. Cùng với hệ thống cửa và cửa sổ thoáng đãng nên trời nắng chang chang mà trong nhà rất mát mẻ.
Ngôi nhà được bày trí theo phong cách đặc trưng Nam bộ. Bàn thờ uy nghi ngay gian giữa, khánh thờ được sơn son thếp vàng, giường thờ, tủ chè, sạp gụ, trường kỷ đều cẩn ốc xà cừ. Du khách sẽ tìm thấy ở đây sự bài trí rất hài hòa xen lẫn bộ bàn ghế Trung Quốc, bộ xa lông khảm trai kiểu Pháp đời Louis XIV, cặp đèn treo thế kỷ XIX, lavabô, cùng bốn trụ đèn dầu đặt ở bốn góc nhà cao hơn 3 mét của Pháp. Ngôi nhà còn mang dấu ấn rất lạ, từ gạch bông lót nền, hàng rào sắt, bộ đèn chùm pha lê tới bức tranh treo tường và đặc biệt là chiếc bồn rửa tay bằng men sứ trắng, hoa xanh đặt trên bục gỗ độc đáo… đều là hàng Pháp.
Nhà được chia làm ba phần: nhà trước, nhà giữa, nhà sau. Ngăn cách giữa nhà trước và nhà giữa là một hệ thống bao lam và liên ba gồm nhiều con tiện và ô hộc được tạo tác bằng gỗ, chạm khắc tỉ mỉ bởi các nghệ nhân Việt tài hoa với các đồ án, quy ước quen thuộc trong kiến trúc cổ cũng như gần gũi với đời sống của người việt Nam ở Nam bộ: mai, lan, cúc, trúc, sen, điểu, tùng lộc, dơi, chim, công, tôm, cua, nho…
Kiến trúc ngôi nhà: phòng cách bày trí theo phong cách Tây Âu nhưng nơi trang trọng nhất là gian thờ theo Đông phương. Điều này cho thấy sự giao tiếp văn hóa Đông – Tây một cách hài hòa, chọn lọc thể hiện thị hiếu thẩm mỹ tinh tường của chủ nhân: tiếp thu cái mới nhưng vẫn giữ cốt cách dân tộc, làm hco bộ mặt văn hóa ở vùng đất mới này ngày càng phong phú và đa dạng. Chính điều ấy đã lôi cuốn nhiều đạo diễn, hãng phim chọn nơi đây làm phim trường với nhiều bộ phim nổi tiếng, như: Chân trời nơi ấy, Những nẻo đường phù sa, Con nhà nghèo, Nợ đời… Đặc biệt là bộ phim nước ngoài rất nổi tiếng: L’ amant (Người tình) của đạo diễn Pháp J.J Annaud.
Đến nhà cổ Bình Thủy, du khách còn có thể đàm đạo với gia chủ để hiểu thêm những điều lý thú khác như vị trí trong bữa ăn của một gia đình xưa như thế nào (người con trai ngồi bên phải, con gái ngồi bên trái và cha mẹ ngồi giữa mặt hướng ra cửa chánh…), hòn non bộ vì sao xây trước cửa lớn; kích cỡ non bộ cùng tỉ lệ đá và nước theo nghiêm luật nào? Làm thế nào để phước vô họa ra và thể hiện được khát vọng của gia chủ về một giang san thái bình, gia đạo an vui, cốt cách hướng thiện (Thất sơn ngũ nhạc, Tiên ông đánh cờ, Ngư tiều canh mục, Tiều phu đốn củi, Ngư ông câu cá…).
Ngôi nhà còn chứa trong nó một “kho cổ vật” được tích trữ, gìn giữ qua nhiều đời nay, như hai bộ bàn ghế xuất xứ từ Vân Nam -Trung Quốc, mặt bàn bằng đá cẩm thạch vân xanh đường kính 1.5 m, dày hơn 6 cm, bộ xa lông kiểu Pháp đời Louis XV mặt bàn bằng đá cẩm thạch sắc xanh, chùm đèn bạch đăng, tách chén nậm trà – rượu đời Minh – Thanh (một bộ trà Tùng Đình, một bộ Ngũ Liễu, chén Tuyên Đức có niên đại cách đây 572 năm, 2 cái lục cao 0.2 tấc đời Thành Hóa 1465)…
Thú chơi đồ cổ của gia đình họ Dương đất Bình Thủy đã lẫy lừng “lục tỉnh” từ lâu lắm rồi và cũng dệt ra bao giai thoại đầy ngưỡng mộ. Thập niên 70, khi chỉ cần bỏ ra 2-3 cây vàng mua được căn nhà lầu giữa phố chợ đã có người dám trả cho bình Thượng ngọc men xanh cao 1.2 m những 25 cây vàng. Ly kỳ hơn là chuyện gia chủ mua cặp ngà voi châu Phi cao tới 2.2m trên Sài Gòn những năm 40. Cặp ngà này hiện đang được trưng bày tại bảo tàng TPHCM…
Đây là một công trình kiến trúc có giá trị dù đã trải qua hai cuộc chiến tranh nhất là sự xâm hại của thời gian, phủ thờ họ Dương đã may mắn còn tồn tại tới ngày nay và được các thế hệ nối tiếp, chăm sóc và giữ gìn cẩn thận.
Theo thesaigontimes