Notice: Function _load_textdomain_just_in_time was called incorrectly. Translation loading for the rocket domain was triggered too early. This is usually an indicator for some code in the plugin or theme running too early. Translations should be loaded at the init action or later. Please see Debugging in WordPress for more information. (This message was added in version 6.7.0.) in /var/www/html/wp-includes/functions.php on line 6114 Nét đẹp chùa Vĩnh Tràng, Tiền Giang |

Nét đẹp chùa Vĩnh Tràng, Tiền Giang

Tiền Giang

Chùa Vĩnh Tràng là một trong những ngôi chùa cổ nhất ở miền Tây Nam bộ. Sau bao mưa nắng dãi dầu, sự tàn phá của bom đạn chiến tranh, ngôi chùa vẫn đứng sừng sững với vẻ đẹp lộng lẫy của mình.

Chùa tọa lạc trên một mảnh vườn cây ăn trái rộng gần 2 ha, thuộc làng Mỹ Hòa, nay là xã Mỹ Phong, TP.Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang

Trước kia, chùa vốn là một thảo am do ông Tri huyện Bùi Công Đạt xây cất vào khoảng đầu thế kỷ XIX. Đến năm 1849, Hòa thượng Thích Huệ Đăng trụ trì đã tổ chức xây dựng thành ngôi đại tự và đặt tên là chùa Vĩnh Tràng. Kế vị trụ trì là Hòa thượng Thích Thiện Đề. Khi ngài viên tịch, ngôi chùa hương tàn khói lạnh.

Năm 1890, bổn đạo đến chùa sắc tứ Linh Thứu thỉnh Hòa thượng Quảng Ân – Chánh Hậu về trụ trì. Năm 1895, ngài đã tổ chức xây lại ngôi chùa. Chùa lại bị hư hỏng nặng vì trận bão năm 1904. Từ năm 1907 đến năm 1911, ngài đã khuyến giáo tín đồ đóng góp công của đại trùng tu ngôi chùa và mời điêu khắc gia Tài Công Nguyên đảm nhận phần trang trí và tạc các tượng thờ trong chùa.

Điều đầu tiên đập vào mắt du khách khi đến viếng thăm chùa là vẻ đẹp tráng lệ của cổng Tam quan do những nghệ nhân xứ Huế thực hiện vào năm 1933. Nét độc đáo của cổng Tam quan này thể hiện ở nghệ thuật ghép mảnh sành, mảnh sứ để tạo nên những bức tranh với màu sắc hài hòa, minh họa những sự tích nhà Phật, những truyện dân gian và những đề tài tứ quý, tứ linh, hoa lá…

Mặt tiền chùa Vĩnh Tràng trang trí theo kiểu kết hợp đặc điểm kiến trúc cả Á lẫn Âu. Ở đây có những hoa văn theo kiểu thời Phục Hưng, vòm cửa theo kiểu La Mã, bông sắt của Pháp, gạch men của Nhật Bản…chữ Hán viết theo lối chữ triện cổ kính, còn chữ quốc ngữ lại viết theo lối chữ Gô-tích. Từ xa trông vào, du khách có thể hình dung ngôi chùa như Ăngco có 5 tháp.

Ở chính điện có bao lam được chạm trổ công phu, trong đó có bộ phù điêu bát tiên cưỡi thú do các nghệ nhân tại địa phương thực hiện vào khoảng năm 1907-1908. Trên bàn thờ có nhiều pho tượng như A Di Đà, Thích Ca, La Hán và các tượng Bồ Tát… Bộ tượng cổ nhất ở chùa Vĩnh Tràng là bộ Tam Tôn (Di Đà, Quan Âm, Thế Chí) được làm bằng đồng. Tượng Ngọc Hoàng cũng bằng đồng to bằng người thật.

Hai bên tường trong chánh điện là bàn thờ Thập Điện Minh Vương Bồ Tát. Đặc biệt ở đây còn có bộ tượng Thập Bát La Hán và những tác phẩm chạm khắc bằng gỗ độc đáo, mà một số nghệ nhân ở Nam bộ đã tạo vào năm 1907. Bộ tượng này bằng danh mộc, mỗi tượng cao khoảng 0,8 m, bề ngang gối 0,58 m được đặt hai bên điện Phật, mỗi vị La Hán có bửu bối riêng của mình tượng trưng cho các giác quan mà giáo lý nhà Phật gọi là sáu căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý; ở ba thời quá khứ, hiện tại và vị lai. Các tượng La Hán này được tạo hình cân đối, sinh động, cưỡi trên những con thú như: trâu, bò, ngựa, lạc đà, hà mã, tê giác…

Trong khuôn viên chùa còn có nhiều chậu cây cảnh, hòn non bộ nên tạo được cảm giác yên lành, thanh thản trong lòng du khách, đồng thời cũng là trang điểm cho ngôi chùa thêm lộng lẫy hơn.

Có thể nói, chùa Vĩnh Tràng là một trong những ngôi chùa cổ nhất, đẹp nhất ở miền Tây Nam bộ. Vì lẽ đó, hàng ngày chùa đón nhận một lượng lớn khách từ thập phương về đây viếng thăm, cúng bái.

Theo Báo Hậu Giang
Thành công Sao chép đường dẫn thành công !!