Về Cần Giuộc thăm chùa Tôn Thạnh

Long An

Chùa Tôn Thạnh là ngôi chùa cổ nhất của tỉnh Long An và ngay chính tại nơi đây nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã từng sống làm thơ, làm thầy thuốc và sáng tác bài Văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc hào hùng.

Long An là vùng đất mang đậm nét đặc trưng của vùng sông nước đồng bằng Sông Cửu Long với những cánh đồng mênh mông và vườn trái cây trĩu quả do hai con sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây bồi đắp.

 Có thể nói, Long An là một điểm đến hết sức lý tưởng của du khách bởi nơi đây có một nền văn hóa đã hình thành và phát triển rất lâu đời trên châu thổ sông Cửu Long từ thế kỉ I đến thế kỉ VI sau Công Nguyên. Đó là nền văn hóa Óc Eo của Vương quốc Phù Nam, ảnh hưởng từ tinh hoa văn hóa Ấn Độ

Chùa Tôn Thạnh tọa lạc ở tỉnh lộ 835, cách trung tâm huyện Cần Giuộc Long An khoảng 3 km, nhìn bề ngoài cũng như hầu hết những ngôi chùa bình dị khác. Tuy nhiên ít ai biết được rằng, đây chính là ngôi chùa cổ nhất của tỉnh Long An và ngay chính tại nơi đây nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã từng sống làm thơ, làm thầy thuốc và sáng tác bài Văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc hào hùng.

Chùa Tôn Thạnh gắn liền với lịch sử kháng Pháp, ban đầu có tên là Lan Nhã, được thiền sư Viên Ngộ sáng lập năm 1808.

Ngôi chùa cổ kính này nằm khuất trong rừng cây xanh tốt um tùm lối vào Chùa là một con đường trải đá dài thẳng tấp. Hai bên là hoa kiểng muôn màu. Khoảng vài trăm mét phía tay phải bạn sẽ thấy bia tưởng niệm cụ Nguyễn Đình Chiểu uy nguy.

 “ Chùa Tôn Thạnh năm canh ưng đóng lạnh, tấm lòng son gởi lại bóng trăng rằm.

Dinh Lang Sa nửa khắc đặng rửa hờn, chút phận bạc trôi theo dòng nước đổ.

Đau đớn bấy, mẹ già ngồi khóc trẻ, ngọn đèn khuya leo lét trong lều.

Não nùng thay, vợ yếu chạy tìm chồng, cơn bóng xế dật dờ trước ngõ…”

 Đi thẳng vào phía trong khu vườn có tháp 3 tầng hình lục giác cao 4,5m là nơi yên nghỉ của Tổ sư Viên Ngộ, nghe kể lại rằng, lúc đầu Chùa có cấu trúc kiểu chữ Tam. Sau nhiều lần trùng tu sửa chữa, hiện tại Chùa có kiến trúc lối chữ Đinh, diện tích 940m2 nằm trong khuôn viên rộng khoảng 33.410m2.

Trải qua bao cuộc thăng trầm của lịch sử, Chùa Tôn Thạnh ngày nay không còn nguyên vẹn cảnh “rường cột tráng lệ, vàng son huy hoàng” như xưa thay vào đó là tổng thể kiến trúc bao gồm tiền điện, chánh điện, nhà giảng, đông lang, tây lang mái lộp ngói, tường gạch. Tuy nhiên, Chùa Tôn Thạnh vẫn giữ được nét cổ xưa qua hệ thống cột kiểu tứ tượng, cỏ chánh điện, những tượng Phật có từ đầu thế kỉ XIX và các hoành phi câu đối, chữ Hán sơn son thếp vàng .

 Những ai đã đến với Chùa Tôn Thạnh thì đều có một cảm giác như trải lòng mình ra suốt chặng đường dài của lịch sử.Gần 200 năm đã trôi qua nhưng hình ảnh của nhà thơ trẻ tuổi Viên Ngộ buổi đầu một mình đứng ra khai phá rừng hoang, tạo nên cuộc sống an lành cho người dân lao động cần cù tại vùng đất Cần Giuộc, một người đã góp phần mở mang xây dựng phố chợ ngày một sung túc, giao thông ngày một thuận lợi, mãi mãi là niềm tự hào của người dân Long An, Cần Giuộc.

Đến viếng Chùa Tôn Thạnh thăm lại một danh lam của đất Gia Định xưa, thắp nén hương tưởng niệm trước bảo tháp của vị cao tăng Viên Ngộ và tưởng nhớ nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu ngày nào ở đây để viết nên những áng văn tuyệt tác, chuyến tham quan của quý khách chắc hẳn sẽ rất thú vị và bổ ích.

Theo longangov

Thành công Sao chép đường dẫn thành công !!