Notice: Function _load_textdomain_just_in_time was called incorrectly. Translation loading for the rocket domain was triggered too early. This is usually an indicator for some code in the plugin or theme running too early. Translations should be loaded at the init action or later. Please see Debugging in WordPress for more information. (This message was added in version 6.7.0.) in /var/www/html/wp-includes/functions.php on line 6114 Xuồng ba lá, văn hóa miền sông nước |

Xuồng ba lá, văn hóa miền sông nước

Từ nhiều đời nay, phương tiện chủ yếu để đi lại, làm ăn của người dân vùng sông nước Cửu Long Giang là ghe xuồng, mà chiếc xuồng ba lá mang nét đặc trưng rất độc đáo. Cư ngụ giữa vùng sông nước, dù nhà nghèo ít nhất cũng có một chiếc.

Những chiếc xuồng vẫn ngược xuôi khắp các kênh rạch của miền Tây. Chúng có thể ít dần theo năm tháng, nhưng hình ảnh con xuồng cong cong, lướt nhẹ trên mặt nước đỏ ngầu phù sa giữa mùa nước đổ vẫn là một hồi ức đẹp.

Đây được coi là phương tiện mang tính văn minh sông nước ở một vùng phù sa trẻ, xứ ruộng sình kinh ngập, mùa mưa lũ kéo dài tới 6 tháng mỗi năm.

Xưa, vùng đất sình lầy quanh năm ngập nước này đường bộ rất ít, kênh rạch thì dọc ngang. Kênh rạch đi vào tận trước cửa mỗi nhà. Mùa lũ và những đợt triều cường càng khó khăn cho người dân đi lại. Người dân vùng Đồng Tháp Mười còn nhớ câu hò quen thuộc:

Dẫu xuồng ba lá lênh đênh
Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi
Anh ơi chớ ngại ngần chi
Ngồi xuồng ba lá giữa kỳ nước lên.

Nơi đây, tại các vùng làm ăn, cư trú, sinh hoạt của người dân hầu như quanh năm sình lầy, ngập nước, đường bộ khó bồi đắp và hiếm hoi, chỉ có xuồng làm phương tiện đi lại hữu dụng, phổ biến ở mọi vùng quê.

Xuồng ba lá đã từng được ví von như cái chân người, không có xuồng coi như không có chân, không đi lại được. Đặc điểm địa hình của vùng đồng bằng sông Cửu Long “đất ít nước nhiều” giao thông đường bộ không phải là chủ đạo. Ảnh: Van Long Bui

Từ nhà ra vườn cũng phải đi bằng xuồng. Hàng xóm đến với nhau cũng bằng xuồng. Ở những làng quê nghèo, thông dụng nhất vẫn là xuồng. Người ta gọi xuồng ba lá là đôi chân của người dân vùng sông nước Nam bộ. Và cũng như thế, còn gọi là ” đi bằng tay “ chỉ cần hai tay chèo xuồng là đi gần đi xa đều có xuồng nâng bước. Có những chàng trai, cô gái miệt vườn siêu nghệ, chỉ cần ngồi trên xuồng dùng hai bàn chân chèo, cho xuồng lướt nhẹ trên dòng nước trong xanh và thơ mộng. Nhà ai không sắm được chiếc xuồng, cứ như bị cột chân. Nghèo đến mấy, tối thiểu trong nhà cũng phải sắm được một chiếc xuồng.

Xuồng ba lá nguyên gốc ban đầu, theo chiều dọc chiếc xuồng, được đóng bằng ba mảnh ván phẳng, đẹp và chắc. Một mảnh rộng (to bản) hơn được dùng làm đáy xuồng, hay còn gọi là lồng xuồng. Hai mảnh hai bên làm mạn xuồng, địa phương gọi là be xuồng. Thế là ba lá. Có một nhà thơ đã viết:

Chiếc xuồng ba lá quê ta
Mảnh mai như chiếc lá đa giữa dòng
Liềm trăng sông nước cong cong
Nhỏ nhoi mà vẫn ngược dòng lũ dâng

Riết rồi, theo bao thời cuộc và năm tháng, gỗ rừng ngày càng khan hiếm và đắt đỏ, người đóng buộc phải nghĩ cách ghép nhiều mảnh ván lại, mới đóng được chiếc xuồng, cũng vẫn gọi xuồng ba lá. Công nghệ cao hiện nay, người ta còn làm ra xuồng bằng các loại vật liệu hợp kim và vật liệu hợp chất phi kim loại. Gần đây đã thấy trên kênh rạch có khá nhiều xuồng làm bằng vật liệu compozite.

Tuy làm bằng nhiều cách thức khác nhau, tác dụng của chiếc đối với người dân vùng sông nước Nam bộ vẫn nguyên giá trị, vẫn là truyền thống được kế thừa, vẫn giữ được nét độc đáo trong làm ăn và sinh hoạt của người dân nơi đây. Nhiều người vẫn nhớ câu ca được cải biên từ một điệu lý: …

Nhà anh cách nhà em hai kinh một rạch
Anh ngó thấy em tóc dài buông hờ bà ba tím
Anh nghèo chưa sắm xuồng ba lá
Chẳng đành lội kinh dính sình sang bển gặp em
Thì mai anh sang nhà Năm Cua mượn xuồng ba lá

Nay khắp vùng đồng bằng châu thổ Cửu Long Giang đã mở mang nhiều tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ, liên thôn, liên xã. Dọc theo hai bên bờ kênh nay cũng đường bộ, cầu bê tông, xe honda, xe đạp chạy vèo vèo. Thế nhưng, trên kênh rạch, nhất là các bến đò, chợ nổi vẫn không thể vắng bóng chiếc xuồng. Du khách mọi miền đất nước và cả khách du lịch nước ngoài về với miền Tây Nam bộ có nhiều người muốn ngồi trên xuồng đi du ngoạn trên dòng kênh thanh bình, khỏa tay xuống dòng nước mát lành, hoặc trong đêm miệt vườn ngắm trăng soi dòng kênh lấp lánh, một nét quê hương ai cũng lắng đọng nhớ thương, ai đi xa cũng nhớ về

Ghe, xuồng ở miền Tây đa phần được đóng bằng gỗ sao rất đa dạng và phong phú với nhiều kiểu loại, tên gọi khác nhau như: Ghe bầu, ghe tam bản, chẹc, vỏ lãi, xuồng ba lá, xuồng năm lá, tam bản, xuồng vỏ gòn, xuồng độc mộc, xuồng chèo, xuồng máy, xuồng đuôi tôm…

Vỏ lãi, còn gọi là vỏ tắc ráng hay vỏ vọt, là tên một loại thuyền máy, hoặc xuồng, ghe nhỏ và dài hình thoi, thường làm bằng gỗ và gắn thêm máy, là phương tiện di chuyển chủ yếu và phổ biến ở các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là vào mùa nước nổi. Ảnh: Vincent Nguyen
Xuồng tam bản có dáng thon dài, kích thước 3,5 m, 4,5 m, 5,5 m…, nếu dùng để chuyên chở nhẹ thì lợp thêm mui ống bằng lá chằm. Xuồng thường dùng máy đuôi tôm hoặc chèo (từ 2-4 bổ chèo) để điều khiển phương tiện. Ảnh: Van Long Bui
Có loại ghe được đóng lớn từ 15 – 100 tấn có thể vẩn chuyển nông sản hàng hóa đi khắp nơi. Ảnh: Van Long Bui
Vỏ lãi, một loại thuyền có hình dáng lạ mắt, tốc độ di chuyển nhanh, đã từng phổ biến trên vùng sông nước Tây Nam Bộ, đặc biệt có nhiều ở các tỉnh Nam sông Hậu.

Theo mekongculture

Nếu bạn có dịp về Đồng tháp vào một ngày đẹp trời mùa nước nổi, nhớ ghé thăm làng nghề đóng xuồng ghe Bà Đài (thuộc xã Long Hậu, Lai Vung). Chiếc xuồng cui Bà Đài gắn liền với tên tuổi của “ông Sáu Xuồng Cui” đã tồn tại hơn một thế kỉ qua. Trải qua nhiều thăng trầm, sự đào thải của xã hội làng nghề đóng xuồng ghe ở đây vẫn tồn tại như một nét đặc trưng của vùng đất Nam bộ.

Làng nghề đóng xuồng ghe Bà Đài, Đồng Tháp

Thành công Sao chép đường dẫn thành công !!