Notice: Function _load_textdomain_just_in_time was called incorrectly. Translation loading for the rocket domain was triggered too early. This is usually an indicator for some code in the plugin or theme running too early. Translations should be loaded at the init action or later. Please see Debugging in WordPress for more information. (This message was added in version 6.7.0.) in /var/www/html/wp-includes/functions.php on line 6114 Áo bà ba, nét đẹp phương nam |

Áo bà ba, nét đẹp phương nam

Trải qua nhiều thời đại, chiếc áo bà ba vẫn còn thông dụng đối với mọi người, nhất là lớp trung niên trở lên. Đây chính là nét đẹp văn hóa ngàn đời gây ấn tượng khó quên của dân tộc Việt Nam, một đất nước có truyền thống văn hóa đầy tính sáng tạo, đổi mới để tồn tại vượt qua thời gian và không gian…

Áo bà ba – Nét đẹp phương Nam

Ngược dòng lịch sử, trở về mảnh đất Nam bộ thuở sơ khai, cũng là tìm về gốc tích của chiếc áo bà ba. Khi đó, không thể lao động nhọc nhằn trong trang phục áo dài, vốn là trang phục truyền thống lúc bấy giờ, ông cha ta đã “biến tấu” và làm nên chiếc áo bà ba giản dị, gọn gàng, nhẹ nhàng và tiện lợi cho người mặc trong khi làm lụng vất vả mà vẫn giữ được nét đẹp mềm mại, dịu dàng.

Nhưng cũng có người lại cho rằng bộ bà ba Nam bộ phỏng theo y phục của các nước lân cận nhờ quá trình giao lưu văn hóa. Cụ thể hơn là trang phục của người “Ba Ba”, một nhóm người Hoa sống trên đảo Pesnang thuộc Malaysia ngày nay, được nhà bác học Trương Vĩnh Ký cách tân cho phù hợp với tính cách giản dị của dân ta.

Tuy nhiên, chúng ta phải luôn khẳng định một điều rằng dù xuất xứ như thế nào thì bộ bà ba đen, khăn rằn và nón lá đã kết hợp với nhau trở thành nét biểu trưng đặc sắc cho vẻ đẹp tâm hồn, vẻ đẹp văn hóa của người phụ nữ Nam bộ nói riêng và người phụ nữ Việt Nam nói chung.

Áo bà ba vốn là loại áo không có cổ. Cổ áo đa phần là cổ tròn, một ít thiết kế theo kiểu hình trái tim (cổ lá trầu) hoặc cổ vuông tùy sở thích mỗi người. Thân áo phía sau may bằng một mảnh vải nguyên, thân trước gồm hai mảnh, ở giữa có hai dải khuy cài chạy dài từ trên xuống. Áo chít eo, xẻ tả  vừa phải ở bên hông. Độ dài của áo chỉ trùm qua mông, gần ôm nhẹ thân mình người phụ nữ. Hai túi áo to hoặc nhỏ tùy ý, thông thường áo bà ba nam hai túi to, áo nữ hai túi nhỏ, song phải cân đối với thân áo cho vừa vặn kiểu dáng không chênh lệch và phải tương ứng với thân hình.

Cùng kết hợp áo bà ba với chiếc quần đen dài chấm cổ chân hoặc gót chấn sẽ làm tăng thêm nét đẹp mềm mại, thanh thoát, làm tôn thêm hình hài vóc dáng dịu dàng của người phụ nữ với chiếc lưng ong nhẹ nhàng làm say đắm lòng người.

Áo bà ba gắn liền với hình ảnh người phụ nữ Nam bộ đôn hậu, mạnh mẽ, trung kiên trong hai cuộc chiến tranh giữ nước. Khăn rằn, nón lá, áo bà ba theo các mẹ, các chị xông pha trong các cuộc nổi dậy, đồng khởi. Có biết bao chiếc áo bà ba nâu chàm, lam lũ, đã thấm đẫm mồ hôi và máu của những nữ anh hùng Nam bộ, những người phụ nữ đã chiến đấu, hi sinh cho Tổ quốc. Vậy mà hình ảnh các mẹ, các chị trong chiếc áo bà ba vẫn đẹp, vẫn mãi mãi lung linh trong sáng, dệt nên trang sử đẹp của một thời hào hùng của dân tộc.

Ngày nay, giữa nhịp sống ồn ào náo nhiệt, áo bà ba vẫn giữ nguyên nét đẹp dịu dàng, đằm thắm, nét duyên dáng thướt tha cho người phụ nữ. Áo bà ba thấp thoáng bên những rặng dừa xanh, áo bà ba thơm mùi khói bếp, áo bà ba đảm đang giữa chợ đông người, hay những thiếu nữ e ấp trong chiếc áo bà ba đang chèo thuyền trên sông, áo bà ba phấp phới bay trên những chiếc cầu lắt lẻo qua sông. Dù ở đâu, khi nào đi nữa, người ta cũng dễ dàng say đắm trước vẻ đẹp mộc mạc, duyên dáng của chiếc áo bà ba, và nhớ người con gái trong chiếc áo bà ba nền nã đó đến nao lòng…

Miền nam khí hậu nóng ẩm quanh năm với hai mùa mưa nắng đi về, nên vải để may áo bà ba luôn là loại vải mềm, mát, nhằm giúp người mặc cảm thấy thoải mái, mát mẻ ngay trong những ngày nắng nóng gay gắt. Nếu ngày xưa, người ta dùng lá bàng, vỏ cây đà, cây cóc… để nhuộm lên nâu của áo, thì nay, màu sắc, họa tiết và hoa văn đã được đưa vào áo bà ba, làm cho áo thêm đẹp, thêm duyên. Phải chăng vì thế mà áo bà ba vẫn muôn đời là đại diên cho nét đẹp mộc mạc, duyên dáng của người phụ nữ miền đất Nam bộ thân thương.

Càng về sau, chiếc áo bà ba càng được cải tiến dần, tăng vẻ thanh thoát, lả lướt, cao sang, áo bà ba phụ nữ được chế tác biến tấu, nửa thân trên bóp lại có eo, thân sau nhấn “pen”, nửa thân dưới bùng ra trông thân hình tròn trịa.

Áo bà ba mang đến nét duyên đằm thắm, dịu dàng cho người mặc, cho ta liên tưởng đến vẻ đẹp mộc mạc, hiền hòa giữa sông nước miền Tây Nam bộ.

Nếu so sánh các trang phục truyền thống trong và người nước, thì có lẽ áo bà ba Nam bộ là bộ trang phục đơn giản nhất. Sự khiêm tốn này phù hợp với quan điểm sống của người Việt luôn đề cao sự giản dị, nền nã. Chỉ thế thôi nhưng nó đã dệt nên những bản hòa tấu nhẹ nhàng trầm bổng nối hai bờ quá khứ và hiện tại, làm nao lòng bao lữ khách qua đây.

Dù cuộc sống vội vã hơn, ồn ã hơn, dù thời gian có làm cho bao giá trị thay đổi, nhưng đó dây trên con đường thời gian đằng đẵng, mẹ ta, chị ta, em ta vẫn mặc chiếc áo ấy như một nét hồn quê vẫn còn ẩn hiện đâu đây, vẫy gọi ta tìm về bên cõi nhớ…

Không phải ngẫu nhiên mà GS,TS Trần Văn Khê khi nói về không gian văn hóa Nam bộ luôn nói tới chiếc áo bà ba như mội nét đẹp độc đáo. Ông thường nhắc nhở đừng bao giờ để mất nét đẹp đó trong trong cuộc sống của người Việt Nam hôm nay và mai sau.

Theo Báo An Giang
Thành công Sao chép đường dẫn thành công !!