Làng nghề bánh tráng Thuận Hưng ( Thốt Nốt – Cần Thơ ) có hơn 300 lò làm bánh tráng đỏ lửa suốt ngày đêm mà vẫn không đủ hàng cung cấp cho các thương lái theo đơn đặt hàng. Bánh tráng Thuận Hưng giờ không còn quẩn quanh ở các tỉnh ĐBSCL mà đã có mặt và được ưa chuộng ở thị trường Campuchia.
Nghề làm bánh tráng ở đây đã có thâm niên trên 50 năm. Mới đầu chỉ có vài hộ làm bánh bán Tết. Sau đó vì bánh ngon, nhiều người biết tiếng tìm đến đặt hàng nên các lò bánh ngày càng mọc lên nhiều và phát triển mạnh trong khoảng 10 năm trở lại đây, lò bánh tập trung nhiều ở các ấp Tân Lợi 3, Tân Phú và Tân Thạnh. Nhiều gia đình khá, giàu nhờ nghề làm bánh tráng.
Bánh tráng Thuận Hưng được phân biệt theo 4 loại: bánh dịu (bánh mặn), bánh xốp (bánh lạt), bánh nem và bánh dừa. Bánh dịu là bánh để nhiều muối và giữ được lâu hơn so với bánh xốp. Bánh xốp để ít muối. Bánh nem là bánh có kích cỡ nhỏ. Bánh dừa là bánh có pha thêm nước dừa và mè. Tùy theo đơn đặt hàng, mỗi loại có thể có nhiều kích cỡ khác nhau: 3,2 tấc, 3,5 tấc, 3,8 tấc và bánh đại (hơn 3,8 tấc)..
Muốn cho bánh thơm ngon, không quá dai, không bở, để được lâu, phải chọn gạo của vùng Thốt Nốt. Khi xay gạo không được chọn loại mới thu hoạch hoặc để quá lâu ngày. Lấy gạo đó đem ngâm rồi đem xay thành bột mịn. Sau đó, lọc đi nước chua và pha bột với nước sao cho vừa, không loãng cũng không được đặc quá. Pha thêm chút muối để vị bánh đậm đà hơn. Lò tráng bánh cũng lắm công phu, gồm 3 phần liên thông, một phần để đưa củi, nhóm lửa, phần kia là chiếc nồi nước lớn có căng lớp vải mỏng bên trên để tráng bánh và phần cuối cùng là ống khói.
Lửa cho lò tráng bánh cũng phải chú ý, không được lớn, chỉ được để liu riu mà thôi. Tay tráng bánh phải nhanh, đều thì bánh mới tròn, mỏng đều mà khi lấy bánh mới không bị nát. Nghề làm bánh lại còn phải trông trời, canh cây cỏ, nhìn giọt sương để biết ngày mai nắng lớn hay âm u để tráng bánh trong đêm, rồi đem phơi bánh ngay khi nắng vừa lên. Phơi bánh, gỡ bánh cũng là một nghệ thuật. Để có chiếc bánh còn nguyên vẹn, không cong vênh, người phơi phải biết canh nắng để gỡ cho đúng lúc. Sau đó, xếp bánh thành từng chục rồi dằn cho bằng mặt trước khi giao hàng.
Loại bánh lạt để nhúng, mỗi khi tết về nhà nhà đều mua để dùng, bánh lấy ra đem nhúng nước cho ướt mà độ ướt cũng vừa phải nếu không bánh sẽ mềm sau đó ăn kèm với cá nướng, rau sống, rau củ xào… quấn lại giống như gỏi cuốn chấm với nước mấm chua chua ngọt ngọt, cảm giác thật lạ và ngon. Đây cũng là món ăn đặc trưng của người dân Nam Bộ ngày tết.
Với những thuận lợi về nguồn nguyên liệu sẵn có, lực lượng lao động dồi dào, nhiều năm kinh nghiệm trong nghề, thị trường tiêu thụ đang mở rộng…, làng nghề bánh tráng Thuận Hưng hứa hẹn nhiều tiềm năng phát triển trong thời gian tới. Vì vậy, việc xây dựng và quảng bá thương hiệu “Bánh tráng Thuận Hưng” là kỳ vọng chính đáng và cần thiết mà chính quyền và người dân Thuận Hưng cần sớm triển khai thực hiện.
Băng Tâm tổng hợp