Các địa điểm du lịch Bến Tre nổi tiếng

Bến Tre

Không những nổi tiếng là một xứ sở những vườn dừa, Bến tre còn nổi tiếng với loại hình du lịch sinh thái, nổi tiếng với các địa điểm du lịch như: Cồn Phụng (Cồn Ông Đạo Dừa), Cồn Ốc, Cồn Qui, Cồn Tiên,…

Được biết đến là một tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, với khí hậu ôn hòa thuận lợi phát triển nông nghiệp lúc nước, đồng thời là vùng đất có nhiều loại cây ăn trái như cam, quýt, sầu riêng, chuối, chôm chôm, măng cụt, mãng cầu, vú sữa… Hơn thế nữa Bến Tre còn có điều kiện thuận tiện để phát triển du lịch sinh thái, bởi ở đó còn giữ được nét nguyên sơ của miệt vườn, giữ được môi trường sinh thái trong lành trong màu xanh của những vườn dừa, vườn cây trái rộng lớn.

Khu du lịch làng bè

Một số địa điểm du lịch có tiếng ở Bến Tre

Du lịch Bến Tre: Cồn Phụng (Cồn Ông Đạo Dừa)

Thuộc xã Tân Thạch, huyện Châu Thành, nằm trên một cù lao nổi giữa sông Tiền, đến Cồn Phụng du khách có thể đi xuồng máy dọc cồn thăm các cơ sở sản xuất kẹo dừa, sản xuất đồ lưu niệm từ cây, vỏ trái dừa… lên xe ngựa thăm vườn cây ăn trái, dừng chân ngồi nghỉ dưới ngôi nhà lợp lá dừa để uống trà với mật ong và quất, thưởng thức các món ăn trái cây miền nhiệt đới, nghe nhạc đờn ca tài tử.

Cồn Phụng có di tích Đạo Dừa trên diện tích chừng 1.500m², hiện được bảo tồn nguyên trạng các hạng mục kiến trúc được xây dựng từ thời giáo chủ Đạo Dừa là Nguyễn Thành Nam: sân 9 con rồng; tháp Hoà bình (cửu trùng đài) – nơi ông Đạo Dừa ngồi giảng kinh pháp và truyền bá đạo giáo, toà tháp có kiến trúc lạ mắt với những mảng đắp chạm rồng, phượng được gắn bằng những mảnh vỡ của bát đĩa, ấm chén; một đỉnh lớn. Nguyễn Thành Nam tự xưng là “Xứ giả của hòa bình”, chủ trương mang lại hoà bình từ mọi tôn giáo, sống bằng hoa trái (không ăn các sản vật khác).Tại đây có nhiều món đồ lưu niệm từ những chiếc mặt nạ xanh đỏ, khung ảnh, chiếc xe ba gác, đến đồ dùng nhà bếp như chén, bát, muỗng, thìa… hầu hết được chế tác từ dừa.

Du lịch Bến Tre: Làng du kích Đồng Khởi

Du lịch Bến Tre: Làng du kích Đồng Khởi

Thuộc xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre, cách Tx. Bến Tre 15km. Đây là nơi nổi dậy đầu tiên của phong trào Đồng Khởi năm 1960. Ở đây có nhà triển lãm tất cả các loại vũ khí thô sơ tự tạo trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Bến Tre đang xây dựng khu di tích Đồng Khởi để tái tạo lại hình ảnh của một làng đã từng là cái nôi cách mạng của miền Nam.

 Về thăm nơi đây, con dân Việt Nam như sống lại cùng lịch sử hào hùng của dân tộc cha ông xưa.

Du lịch Bến Tre: Làng du kích Đồng Khởi

Du lịch Bến Tre: Cồn Ốc

Cồn Ốc cách thị xã Bến Tre khoảng hơn 10km có chiều dài 8,3km, rộng hơn 1km. Đây là cồn nổi lớn nhất trên sông Hàm Luông. Từ một cồn nhỏ, thấp ban đầu, có nhiều ốc bám vào các loài cây ngập nước trên nền phù sa và sinh sôi nảy nở nhanh chóng, trở thành một nguồn lợi đáng kể của dân địa phương từ đó cồn mang tên Cồn Ốc. Vào khoảng đầu thế kỷ XIX, Cồn Ốc mới có người đến khai phá và định cư. Trong thời kỳ kháng chiến, nhiều gia đình ở Cồn Ốc đã nuôi giấu cán bộ cách mạng trong những ngày đen tối khó khăn nhất. Đến với Cồn Ốc khách du lịch còn được thưởng thức thủy hải sản vùng nước ngọt lợ và các loại hoa quả đặc sản nơi đây.

Du lịch Bến Tre: Cồn Ốc

Du lịch Bến Tre: Cồn Qui

Đây là một cồn đất rộng 65ha, nằm trên sông Tiền Giang giữa 2 xã Tân Thạch và Quới Sơn thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, cách trung tâm thị xã Bến Tre 22km đường sông. Trên Cồn Qui là các khu vườn trồng cây ăn trái như: sa-pô-chê, nhãn, bưởi…Dạo chơi sông Tiền, du khách thường ghé vào Cồn Qui để thưởng thức trái cây thơm ngon và các loại tôm cá.

Du lịch Bến Tre: Cồn Qui

Du lịch Bến Tre: Cồn Tiên

Ở trên sông Hàm Luông thuộc xã Tiên Long, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, cách trung tâm Tx. Bến Tre 23km (đường bộ), 15km (đường sông). Với diện tích 7ha, ven bờ Cồn Tiên gồm đất pha cát, mỗi khi thủy triều xuống lộ ra bãi cát rộng lớn. Hằng năm, vào dịp tết Đoan Ngọ (mùng 5 tháng 5 âm lịch), hàng vạn du khách từ các nơi trong tỉnh, ngoài tỉnh, kể cả Sài Gòn đổ về đây tắm lội, vui chơi, thưởng thức trái cây của các nhà vườn trong vùng.

Du lịch Bến Tre: Cồn Tiên

Du lịch Bến Tre: Vườn cây ăn trái Cái Mơn

Thuộc xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre. Vườn cây ăn trái Cái Mơn là một làng quê thuần chất Nam Bộ với những con đường nhỏ hẹp bao phủ bởi rặng cây xanh nặng trĩu quả ngọt. Làng nghề Cái Mơn là nơi chuyên cung ứng các loại cây giống như sầu riêng, măng cụt, xoài cát, nhãn tiêu, bòn bon, các loại cây có múi, các loại cây cảnh hình nai, phượng, rồng… Đến với vườn cây ăn trái Cái Mơn là đến với du lịch miệt vườn chính gốc.

Du lịch Bến Tre: Vườn cây ăn trái Cái Mơn

Du lịch Bến Tre: Sân chim Vàm Hồ

Vàm Hồ là vùng đất ngập mặn, nhiều loại cây hoang dã mọc thành rừng, là nơi trú ngụ của hàng nghìn con cò, vạc và nhiều loại chim khác. Quần thể chim ở sân chim Vàm Hồ gồm: 84 loài thuộc 35 họ và 12 bộ. Khách đến tham quan mỗi năm trên 2.000 lượt người, đông nhất là vào thời gian chim về cư trú sinh sản từ tháng 4 đến tháng 10 âm lịch. Đây là vùng đất thuộc địa phận hai xã Mỹ Hoà và Tân Xuân, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, cách thị xã Bến Tre khoảng 52km, cách Tp. Hồ Chí Minh 120km đường bộ, 100km đường thủy.

Du lịch Bến Tre: Sân chim Vàm Hồ

Du lịch Bến Tre: Chùa Tuyên Linh

Chùa Tuyên Linh ở xã Minh Đức, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre được xây năm Tân Dậu (1861), dưới triều Tự Đức năm thứ 14. Lúc đầu, chùa có tên là Tiên Linh do Hòa thượng Khánh Phong trụ trì và được làm bằng tre, lá để thờ bà Sầm. Chùa Tuyên Linh là nơi mà cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh Bác Hồ, nhiều lần ghé lại tá túc. Thời gian cụ Phó bảng ở đây lâu nhất là từ năm 1927 đến 1929. Trong 2 cuộc kháng chiến, chùa Tuyên Linh là nơi che giấu, nuôi dưỡng cán bộ cách mạng nên đã hai lần bị giặc dùng máy bay ném bom, phá hủy và đốt chùa. Chùa được trùng tu nhiều lần và được xây mới vào năm 1999 trên nền cũ rất khang trang. Tuy nhiên, những hiện vật gắn với quá khứ của chùa không còn nhiều. Tại đây, ngày 19/5 hàng năm đều diễn ra ngày hội với nhiều hoạt động giao lưu văn hóa và mít-tinh kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ.

Du lịch Bến Tre: Chùa Tuyên Linh

Du lịch Bến Tre: Đền thờ nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu

Nguyễn Đình Chiểu tự Mạnh Trạch, hiệu Trọng Phủ, sau khi mù lấy hiệu Hối Trai, sinh ngày 1.7.1822 tại làng Tân Khánh, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định. Ông đỗ tú tài ở trường thi Gia Định năm 1843. Khi 3 tỉnh miền Đông rơi vào tay quân Pháp, không chịu sống trong vùng chiếm đóng của giặc, cụ Nguyễn Đình Chiểu cùng gia đình chạy về làng An Đức, tổng Bảo An, tỉnh Vĩnh Long ( nay là huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre ). Tại đây ông dạy học trò, bốc thuốc chữa bệnh cho dân và sáng tác thơ văn. Hàng năm, vào ngày 1/7 là ngày hội truyền thống văn hóa của người Bến Tre để tưởng nhớ nhà thơ yêu nước vào bậc nhất của Nam Bộ nói riêng, của Việt Nam nói chung trong thời kỳ chống Pháp. Lễ hội 1.7 được tổ chức long trọng, trang nghiêm nhưng không kém phần sôi nổi với những hoạt động như biểu diễn võ thuật, múa lân, đánh trống hội, liên hoan đờn ca tài tử, thi hóa trang các nhân vật trong truyện Lục Vân Tiên, thi nấu mâm cơm ngày giỗ, triển lãm ảnh nghệ thuật, thi viết thư pháp, ngâm thơ, diễn cải lương, tuồng cổ.

Du lịch Bến Tre: Đền thờ nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu

Ngoài ra Bến Tre có nhiều điểm thú vị để đi du lịch, có biển, có vườn, có nhiều đặc sản trái cây và nhiều di tích văn hóa, thuận lợi để phát triển loại hình du lịch sinh thái, và các loại hình du lịch miệt vườn sông nước…

Thành công Sao chép đường dẫn thành công !!