Người sáng lập thương hiệu kẹo dừa Bến Tre

Bến Tre

Người đã sáng lập ra thương hiệu Kẹo dừa Bến Tre khá nổi tiếng trên thị trường đó là bà Phạm Thị Tỏ, người ta thường gọi bà là bà Hai Tỏ hay với một cái tên rất gần gũi và thân thương là Bà già đeo kính.

Khi vừa đặt chân đến nơi được mệnh danh là thủ phủ của dừa- vùng đất sông nước Bến Tre, khách vãng lai dễ dàng bắt gặp ven hai bên đường, các bảng hiệu lớn nhỏ quảng cáo đặc sản Kẹo dừa Bến Tre, điểm đặc biệt rất giống nhau là một tấm hình chân dung của một người phụ nữ đeo kính trông rất hiền từ và giản dị

Bà Phạm Thị Tỏ năm nay đã 75 tuổi, với hơn 30 năm gắn bó với nghiệp sản xuất kẹo dừa. Bà đến với nghề từ hai bàn tay trắng, một người phụ nữ mang theo 8 người con đang tuổi ăn, tuổi lớn. Bà tâm sự rằng: “Phải làm thì mới có ăn, nhưng phải làm cái gì để có thể nuôi đầy đủ những đứa con mình ăn học nên người, tôi là một người mẹ, không đành tâm nhìn con mình khổ”, bà làm đủ nghề buôn bán các thứ, do thời buổi bao cấp, các công việc của bà đều chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn vì không đủ nuôi các con. Bằng với nghị lực, kiên cường và tấm lòng bao la của một người mẹ, bà không hề chùn bước. Khó khăn và thất bại không hạ gục được người phụ nữ mang đậm chất miền Tây chịu thương, chịu khó này. Và rồi, bà nhận ra rằng dừa chính là linh hồn của đất Bến Tre, là nguồn sống của người dân nơi đây, dừa xuất hiện mọi lúc, mọi nơi trong cuộc sống hàng ngày, thiên nhiên cao quí đã ban tặng cho mảnh đất quê hương bà là dừa, không dừa nơi đâu có thể tốt như dừa ở Bến Tre, thế là bà tận dụng nguồn nguyên liệu dồi dào này để sản xuất ra kẹo dừa, một sản phẩm mà theo bà, vừa mang nét đặc trưng của xứ dừa, vừa mang được hương vị tinh túy của cây dừa chính là nước cốt béo ngậy quyện với mạch nha.

Những buổi ban đầu khi va chạm với nghề, bà vấp phải nhiều sự khó khăn, bà chia sẻ: “Thành công chỉ có giá trị khi xuất hiện sau thất bại”, một mình bà phải vượt qua tất cả, khó khăn và thất bại không đánh gục nổi người phụ nữ ấy.

Bà kể khi nhận ra giấy gói kẹo của mình không được đẹp khi xuất đi bán so với các cơ sở khác, bà phải suy nghĩ để tự tay thiết kế giấy gói kẹo riêng cho sản phẩm của mình, thời ấy, chưa có đèn điện như bây giờ, đêm nào, bà cũng chong đèn cắt dán thủ công cho giấy gói. Đến khi vấn đề này được giải quyết thì sản phẩm gặp ngay một vấn đề khác, đó là kẹo bị dính vào giấy bọc bên ngoài, làm giảm chất lượng, bà cũng phải suy nghĩ tìm tòi ra giải pháp, và rồi, thật là một ý tưởng sáng tạo, nhấn mạnh được điểm khác biệt của sản phẩm với các đối thủ cạnh tranh, bà thiết kế một giấy gói nhỏ bằng bánh tráng mỏng bọc bên trong, không bị dính mà còn tạo được vị đặc trưng riêng.

Đấy là những vấn đề nhỏ thường gặp phải trong khâu sản xuất, còn những vấn đề lớn lao khác liên quan đến chủ quyền thương hiệu, sự sống còn của công ty, chén cơm của công nhân bị đánh mất, bà cũng tự xắn lấy tay giải quyết, người phụ nữ này phải ngược xuôi đến xứ người đấu tranh đòi lại quyền công bằng. Bà nói: “Mình tạo ra nó, thì nó cũng như là con mình vậy, đâu ai nhẫn tâm khi thấy con mình bị cướp mất”, với lòng dũng cảm và sự quyết tâm giành lại thương hiệu “Kẹo dừa Bến Tre”, bà đã thành công vẻ vang ngay tại đất khách, tạo một điểm sáng trong ngành sản xuất kẹo dừa nói riêng và ngành sản xuất sản phẩm nói chung, một tấm gương sáng đáng noi theo.

Trên thương trường là vậy, trở về với cuộc sống thực tại, bà vẫn là một người mẹ, một người bà, luôn vun vén cho gia đình luôn đầy đủ và hạnh phúc. Những người con bà đều thành đạt theo đúng như nguyện vọng ngày xưa và đang giúp bà củng cố cho sự nghiệp sản xuất kẹo dừa ngày càng vững mạnh.

Bên cạnh đó, bà tích cực tham gia các công tác hoạt động xã hội ở địa phương, làm từ thiện, xây dựng trùng tu đền miếu. Bà tâm sự: “Ngày xưa, còn nghèo, sợ con mình đói khổ, bây giờ, có đồng ra đồng vào, thấy người khác khổ, tôi không đành”.

Trách nhiệm trong công việc cao, yêu thương nhân công, đề cao giá trị sản phẩm đến khách hàng, đã giúp công ty của bà và thương hiệu kẹo dừa Bến Tre ngày càng được khẳng định vị trí trong lòng của người tiêu dùng trong nước và nước ngoài.

Với ý tưởng, chiến lược kinh doanh đúng đắn, kết hợp chính xác lợi thế cạnh tranh của vùng đất quê hương là dừa, thêm vào đó đạo đức nghề nghiệp và sự uy tín cao, bà đã rất thành công, gặt hái khá nhiều huy chương, bằng khen của Chính phủ, của Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Bến Tre tặng, danh hiệu cao quí Top 10 Nữ Doanh Nhân Việt Nam liên tiếp 2 năm 2012-2013 và nhiều thành tích vô giá khác.

Xuất phát từ tấm lòng thương con bao la của một người mẹ và tình người với nhân công, bà đã gây dựng nên một công ty vững chắc, một thương hiệu “Kẹo dừa Bến Tre” vững mạnh, xứng đáng là một hình tượng người phụ nữ hiện đại trong thời đại mới nhưng vẫn mang phẩm chất cao đẹp truyền thống của phụ nữ Việt Nam: “Công, Dung, Ngôn, Hạnh”

Theo Keoduabentre
Thành công Sao chép đường dẫn thành công !!