Ở tuổi 63, sau khi kết thúc nhiệm kỳ Chủ tịch HĐQT CTCP Dược Hậu Giang (DHG), bà Phạm Thị Việt Nga vẫn tiếp tục giữ vị trí Tổng giám đốc Công ty
Đến với Giải thưởng EOY- Bản lĩnh doanh nhân lập nghiệp 2014, nữ doanh nhân Phạm Thị Việt Nga gây ấn tượng mạnh với Hội đồng bình chọn bởi sức sáng tạo không mệt mỏi của một vị thủ lĩnh có Tâm và Tầm, đã dẫn dắt DHG từ một xí nghiệp dược địa phương thành thương hiệu dược nội địa số
1. Lý do ở lại điều hành DHG được bà Phạm Thị Việt Nga chia sẻ là, Công ty đang trong giai đoạn chuyển mình, với nhà máy mới và chiến lược kinh doanh mới, đội ngũ lãnh đạo kế cận cần có thời gian để tiếp cận với công việc mới và bà có nhiệm vụ “anh em thiếu chỗ nào thì bù vào chỗ đó”. Gần 30 năm chèo lái con thuyền DHG cập bến nhiều thành công, dấu ấn của bà Nga rất sâu đậm.
63 tuổi, nhưng bà bảo vẫn duy trì được thói quen mỗi sớm cuốc bộ đến Công ty và bơi lội trước giờ làm việc để rèn luyện sức khỏe. Việc bơi lội như bà thú nhận chẳng theo một kỹ thuật nào mà như từ bản năng, bởi “14 tuổi chị đã tham gia Mặt trận Giải phóng miền Nam, sống giữa bưng biền, nếu không biết bơi sẽ chết chìm”.
Việc vực dậy Xí nghiệp Dược Hậu Giang đang bên bờ vực phá sản, gây dựng thành thương hiệu dược phẩm hàng đầu trong nước, với doanh thu từ dược phẩm tự sản xuất năm 2013 đạt 3.005 tỷ đồng, chiếm 11% thị phần thuốc sản xuất trong nước và lãi sau thuế 593 tỷ đồng, được bà Nga đúc kết giản dị: “Ông trời luôn chừa cho người ta một con đường sống, miễn sao mình có nỗ lực và cái tâm”.
Tự nhận mình là phụ nữ nhưng có cái đầu rất cứng, bà Nga chia sẻ, khi bà quyết định nhập dây chuyền máy móc về sản xuất thuốc viên nang thì DHG cũng là doanh nghiệp dược trong nước đầu tiên sản xuất được viên nang.
Năm 2004, khi DHG đang phát triển thuận lợi, bà quyết tâm cổ phần hóa Công ty dù chưa thuộc diện bắt buộc phải cổ phần hóa. “Cái được lớn nhất khi cổ phần hóa doanh nghiệp là tôi có thể chủ động hơn trong hoạch định cơ chế, chính sách đối với người lao động, khuyến khích tinh thần sáng tạo, cống hiến của cán bộ công nhân viên”, bà Nga chia sẻ .
Sau khi cổ phần hóa, Dược Hậu Giang được đưa lên niêm yết vào năm 2006 và luôn nằm trong danh sách những doanh nghiệp tốt nhất trên sàn chứng khoán.
Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng tự sản xuất giai đoạn 2009 – 2013 đạt 16,3%. Không chỉ nổi tiếng trên thị trường thuốc OTC (không kê đơn), mảng thuốc kê đơn cũng đem lại 500 – 600 tỷ đồng doanh thu hàng năm cho Công ty, tương đương với doanh thu của một xí nghiệp dược quy mô lớn trong nước.
2. Ở DHG, có một slogan rất nổi tiếng: “Ngày hôm nay phải tốt hơn ngày hôm qua, nhưng không bằng ngày mai”. Đó chính là cảm hứng không ngừng cống hiến, sáng tạo để mỗi ngày doanh nghiệp một tốt hơn mà vị nữ tướng của DHG muốn truyền đến các cán bộ công nhân viên Công ty.
Đầu năm nay, DHG đã khánh thành nhà xưởng mới NonBetalactam đạt tiêu chuẩn GMP WHO, có công suất thiết kế 4 tỷ đơn vị sản phẩm/năm. Nhà máy Betalactam có công suất thiết kế 1 tỷ đơn vị sản phẩm/năm dự kiến hoàn thành cuối năm 2014, nâng tổng công suất lên 9,5 tỷ đơn vị sản phẩm/năm trong 5 năm tới, bà Nga không giấu giếm tham vọng đưa DHG thành sản xuất dược phẩm, thực phẩm chức năng lớn nhất Việt Nam, tương đương với các nhà máy lớn trong khu vực châu Á, cán mốc doanh thu 7.000 – 8.000 tỷ đồng vào năm 2018.
Công ty đang nhắm đến thị trường mới nổi, quy mô dân số đông và có sự tương đồng với Việt Nam. Bước đầu, Công ty đã có phương án đưa sản phẩm ra thị trường khu vực, trong đó, có Singapore. Việc đổi tên Công ty thành DHG Pharma cũng nằm trong chiến lược vươn ra thị trường thế giới.
Những bước đi đầy tham vọng, nhưng bà Nga chia sẻ, mỗi kế hoạch kinh doanh đều được tính toán rất kỹ lưỡng: “Từ trước tới giờ, chị chỉ làm những điều mình biết, dứt khoát không làm những gì không hiểu”. Với những đức tính cẩn trọng, tỉ mỉ của người lãnh đạo nữ, bà chia sẻ, sau một ngày làm việc, về đến nhà, bà thường lục lại những việc đã làm trong ngày xem có điều gì nghĩ chưa tới. Không ít lần, bà đã thay đổi quyết định lớn chỉ sau một đêm, bởi bà cho rằng, có những chi tiết nhỏ có thể gây ảnh hưởng lớn đến Công ty sau này.
Tự hào về văn hóa doanh nghiệp, mà như bà nói “trong đám đông, có thể bóc ra người Dược Hậu Giang”, bà Nga chia sẻ, DHG đặt nặng tiêu chí sáng tạo đối với bộ phận marketing và nghiên cứu phát triển. Bản thân bà cũng là người chịu học và chịu nghe tư vấn. Năm 2004, khi Công ty đã vận hành tốt, bà lấy bằng tiến sĩ dược, rồi xoay qua học thạc sĩ quản trị kinh doanh để nâng cao kiến thức quản trị doanh nghiệp.
Bà Nga cũng tiết lộ một chi tiết, khi DHG xây dựng bức tường tri ân, bà đã mời một chuyên viên tư vấn bán hàng năm xưa ký tên lên đó, bởi “nhờ anh ấy tư vấn mà chị thay đổi cách bán hàng”.
3. Từng được Forbes vinh danh trong Top 50 doanh nhân kinh doanh thành công nhất châu Á, người phụ nữ của đổi mới, nhưng vị thủ lĩnh của DHG lại toát ra sự giản dị, tự nhiên và rất đỗi chân thành.
Hỏi bà có lời khuyên gì cho thế hệ kế cận, bà chia sẻ ngắn gọn: Thứ nhất là không đầu hàng trước khó khăn. Thứ hai là biết huy động sức lực và trí tuệ của tập thể. Thứ ba là làm gì cũng phải có cái “Tâm”. Và bà bảo, chính vì luôn thật lòng với mọi người, nên mỗi khi bà gặp khó, luôn có nhiều người “nhảy vô giúp đỡ”.
Thấm nhuần tư tưởng “Lấy dân làm gốc” từ những ngày đi kháng chiến, bà Nga luôn ứng xử với nhân viên bằng tình người, tình đồng chí. Bà bảo, bà có được thành công ngày hôm nay là nhờ sự sống chết của mấy ngàn nhân viên Công ty: “Trong khi chị ngồi phòng máy lạnh thì nhiều nhân viên của chị đang chạy ngoài trời nóng tới 40 độ C ở miền Trung để bán hàng. Nhờ họ mà chị mới đạt chỉ tiêu doanh thu, được ĐHCĐ khen”. Chính vì sự chân thành, gần gũi với cấp dưới mà nhân viên DHG coi bà như một người chị cả, có thể chạy đến chia sẻ mọi nỗi vui buồn.
Là người kiến tạo ra chiến lược phát triển cho DHG, để đưa Công ty thành thương hiệu dược phẩm hàng đầu trong nước, bà Nga bảo, nếu vì lợi ích bản thân, bà có thể ra ngoài lập doanh nghiệp, “bê theo” bí quyết kinh doanh và đội ngũ nhân sự chủ chốt của Công ty, nhưng bà không bao giờ làm vậy. Bởi bà luôn dặn lòng: bao người đã đổ máu hy sinh trong kháng chiến vì nhà máy, mình ăn cơm của dân từ nhỏ, được Nhà nước cho đi học, làm sao có thể quay ra cạnh tranh với chính nơi đã nuôi mình.
Vẫn say sưa với những kế hoạch mới của Công ty, nhưng bà Nga cũng tiết lộ, bà đã chuẩn bị cho ngày nghỉ hưu bằng việc mở một trường mầm non, để “về già được chơi với con nít”.
Theo Tintucmientay