Làng trống Bình An tỉnh Long An

Long An

Làng trống Bình An làng trống “độc nhất của phía Nam, làm trống phải qua hơn 20 công đoạn, nghề làm trống đòi hỏi sức mạnh, sự cẩn trọng, tỉ mỉ đến từng chi tiết.

Làng trống Bình An làng trống “độc nhất của phía Nam

Ở nước ta, hầu hết các đình, chùa, miếu, trường học, đến các đoàn hát, đoàn lân… nơi nào cũng có trống. Có thể nói, nhiều năm nay trống gắn liền với các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng dân gian của dân tộc.

Nếu bạn có dịp về thăm Long An, nhớ ghé xã Bình Lãng, huyện Tân Trụ. Nơi đây có làng trống Bình An, nơi sản xuất và cung cấp trống “độc nhất” ở phía Nam – một điểm nhấn của văn hóa Tây Nam Bộ và là nét đặc trưng của du lịch tỉnh Long An.

Làng trống Bình An có thể được xem là điểm du lịch khá mới mẻ. Tuy nhiên, làng nghề nhanh chống trở thành trở thành một điểm tham quan văn hóa được nhiều người tìm đến.

Làng nghề trống độc nhất phía Nam

Ấn tượng đầu tiên khi đến với làng trống Bình An là hình ảnh những mảnh gỗ sao, lồng mứt được phơi trên sân cạnh những tấm da trâu được căng ra trên chiếc khung rộng.
Làng trống được cho là hình thành cách đây gần 200 năm. Người có công đưa nghề trống phát triển trong làng là ông Nguyễn Văn Ty. Đa số người dân nơi đây đã làm nghề từ vài chục năm, theo nghiệp cha truyền con nối.

Làng nghề trống độc nhất phía Nam

Thời đó, ông Ty có ghe chài chuyên đi mua bán nước mắm từ Long An sang các tỉnh miền Tây. Trong quá trình đi buôn bán, ông Ty phát hiện dọc sông Vàm Cỏ nhiều người làm thịt trâu bỏ phần da. Thấy vậy, ông mang da trâu về phơi khô rồi mày mò làm trống.

Sau khi ông Ty qua đời, con cháu ông tiếp tục làm trống. Nếu như trước đây làm trống nhằm mục đích giải trí cho vui, thì những đời sau này bắt đầu tính chuyện làm trống để “bán”.
Theo đó, những thợ làm trống sáng chế ra phương pháp dùng giàn chò, giàn giáo… để làm công cụ bịt trống, thân trống được làm bằng gỗ sao rất tốt đảm bảo độ bền cao. Trống được sơn màu đỏ và thiết kế bề ngoài khá đẹp.

Thân trống được làm bằng gỗ sao rất tốt đảm bảo độ bền cao

Làng trống Bình An

Mặc dù có lúc thăng lúc trầm nhưng nghề bịt trống ở Bình An vẫn tồn tại nhờ những người có tâm huyết với nghề. Mặc dù hiện nay việc mua nguyên liệu làm trống khó khăn hơn, nhất là tìm da trâu già để bịt trống, nhưng những cơ sở ở đây vẫn cố gắng duy trì nghề truyền thống của ông cha để lại.
Nghề làm trống đòi hỏi sức mạnh, sự cẩn trọng, tỉ mỉ đến từng chi tiết. Người nghệ nhân thoăn thoắt tay, sau mỗi lần gõ, chiếc trống được cơi lên, những sợi dây buộc vào tấm da căng dần để miếng da bịt trên mặt trống căng hết cỡ. Dùng chiếc dùi gõ mạnh vào mặt trống, tiếng kêu tùng tùng vang lên mới đúng chuẩn.

Làm trống phải qua hơn 20 công đoạn. Muốn trống bền phải chọn gỗ sao. Gỗ đem về phơi khô, đo cắt, uốn cong, xử lý mối mọt trước khi ghép lại. Phải khéo léo dùng tay ghép mạnh từng miếng ván lại sao cho mép ván không bị hở. Khó nhất là công đoạn bịt da.

Nghề bịt trống ở Bình An vẫn tồn tại nhờ những người có tâm huyết với nghề

Da trâu được mua về sau khi xử lý đem ra phơi nắng cho khô. Ngày trước phơi da trâu bằng những sợi dây thừng căng ra 4 góc nhưng giờ căng bằng những khung thép để da không bị thủng. Đặc biệt, muốn trống có tiếng kêu thanh, vang, trước khi bịt, da phải được bào thật kỹ.

Trống Bình An không chỉ bền, đẹp, đa dạng mẫu mã mà âm thanh cũng vang vọng, trầm bổng hơn nhiều loại trống khác. Chính kỹ thuật ghép gỗ khéo léo, bí quyết bào da đã tạo nên sự khác biệt cho từng chiếc trống của làng trống Bình An.
Như thế, tiếng trống của làng đã vang xa và cũng chính tiếng trống ấy, đã kéo du khách đến gần với làng nghề hơn.
Hy vọng, làng trống Bình An sẽ trở thành điểm đến được thật nhiều du khách biết đến, thêm yêu thích hơn tiếng trống Bình An, lẫn con người tài hoa và rất chân thành hiền hậu của xứ trống này.

Thành công Sao chép đường dẫn thành công !!