Tháng tư đong đậu nấu chè
Ăn Tết Đoan ngọ trở về tháng năm” (ca dao).
Dù không rộn ràng, náo nhiệt như ngày Tết cổ truyền nhưng Tết Đoan ngọ vẫn được lưu truyền và có một vị trí nhất định trong lòng người dân đất Việt.
Năm nay Tết Đoan ngọ rơi vào ngày 20/6 dương lịch. Có thể nói, đây là một trong những ngày Tết quan trọng trong tín ngưỡng dân gian. Không ai biết chính xác Tết Đoan ngọ có từ khi nào, chỉ nhớ thời xưa, khi nông dân ăn mừng vì trúng mùa thì rất nhiều sâu bọ kéo đến phá hoại. Giữa lúc bà con không biết làm gì thì có một ông lão xuất hiện. Theo lời ông, mỗi nhà hãy lập bàn cúng bánh ú tro, trái cây và vận động thể lực. Không ngờ sâu bọ hết thật! Trước khi đi, ông lão còn dặn, mỗi năm cứ đến ngày này phải làm như vậy- đó là ngày mùng 5 tháng 5 âl.
Cũng có nhiều gia đình giữ phong tục của gia đình, cứ đến mùng 5-5, bà sẽ bắt những con côn trùng (kiến, sâu, gián…) quanh nhà đem lên chảo nóng chiên. Kèm theo đó là những lời khấn tốt đẹp sẽ đến với gia đình, xóm làng. Bởi vậy, Tết Đoan ngọ còn được gọi với cái tên là ngày diệt sâu bọ.
Năm nào cũng vậy, cách mùng 5-5 một tuần, các khu chợ lại nhộn nhịp hẳn lên, nhất là khu vực bán hoa, trái cây. Sẽ thật là thiếu sót khi nhắc đến Tết Đoan ngọ, mà không nói về bánh ú lá tre – loại bánh luôn hiện diện trên các mâm cúng ông bà.
Không chỉ là dịp để mọi người nhớ đến tích xưa, mà còn dịp để nhiều gia đình tăng thêm thu nhập từ nghề gói bán ú nước tro.
Kế thừa nghề gói bánh ú từ bà mình, chị Bé Hai (TP. Long Xuyên) đã gắn bó với nó từ thời con gái. Ngày thường, chị vẫn gói bánh ú tro (bánh ú lá tre) để bán. Tuy nhiên, số lượng bán tăng hơn nhiều khi Tết nửa năm đến. Hơn một tuần nay, mọi người đến đặt hàng rất đông. Có người đặt mua đến 700 cái bánh. Tất nhiên, giá bán vẫn không thay đổi dù là ngày Tết. Ngoài việc để cúng, loại bánh này có vị thanh mát. Nguyên liệu bánh chỉ là đậu xanh và nếp ngâm nước tro nên hợp khẩu vị nhiều người.
Ở thành thị đôi khi vì công việc nên Tết Đoan ngọ trông không rơm rả như ở vùng quê. Về những vùng nông thôn, người dân ăn mừng Tết Đoan ngọ rôm rả hơn nhiều. Tôi nhớ khi còn bé, cứ đến mùng 5 tháng 5 thì anh em chúng tôi được ba mẹ mua cho quần áo đẹp đi viếng ông bà. Mẹ đi chợ mua thật nhiều đồ về cúng như Tết Nguyên đán vậy.
Thường, mâm cơm cúng mùng 5 được mọi người dọn lên vào giờ trưa. Sau khi người có vai vế lớn nhất cúng lạy mới tới con cháu. Sau nghi thức cúng, mọi người sẽ cùng ngồi lại thưởng thức bữa cơm gia đình ấm áp, yêu thương.
Qua thăng trầm cuộc sống, Tết Đoan ngọ ngày nay có đôi chút khác xưa. Song, niềm mong ước, những ý nghĩa tốt đẹp mà nó mang lại vẫn là những giá trị không gì thay thế được.