Vị đắng của gỏi Sầu Đâu

“Mấy cây Sầu Đâu

Ngoại thường ra hái lá,

Trộn gỏi đắng mà

Nghe ngọt lạ bờ môi

Giờ ngoại của tôi

Chân run run tóc bạc lưng còng,

Mấy cây Sầu Đâu đã già xơ xác lá,

Ngoại vẫn kiếm tìm

Xin cho được Sầu Đâu.”

Hình ảnh lá sầu đâu đã trở nên quen thuộc với những người con của vùng đất Nam Bộ, với người yêu những câu hát dân ca. Lá sầu đâu không chỉ làm lưu luyến người nghe trong những câu hát, mà vị đắng của lá còn làm vươn vấn biết bao người yêu ẩm thực vùng đất An Giang.

Lá sầu đâu

Ở miền Nam, cây còn gọi là cây xoan, nhưng khác với cây xoan ở miền Bắc và miền Trung. Nếu cây xoan mọc ở 2 miền này có hoa màu tím, lá có độc không ăn được thì cây xoan ở miền Nam có hoa màu trắng, lá có vị đắng, là vị thuốc quý chữa được nhiều bệnh như thanh nhiệt, ngủ ngon, đau nhức khớp…

Cây xoan mọc nhiều ở vùng Tri Tôn, Châu Đốc, Tịnh Biên của An Giang, nếu có dịp ghé thăm vùng đất này của miền Tây bạn nhớ thưởng thức món gỏi sầu đâu nhé, vị đắng đặc trưng của món gỏi này sẽ làm luyến lưu thực khách đấy.

Cách chế biến món gỏi sầu đâu

Món gỏi này được chế biến khá đơn giản. Lá non và hoa sau khi rửa sạch thì trụng qua nước sôi cho bớt đắng, để ráo nước.

Dưa leo, thơm và xoài thái mỏng.

Khô cá lóc hay khô cá sặc đem nướng rồi xé nhỏ.

Thịt ba chỉ luộc xong thái mỏng, cho thêm ít tôm bóc vỏ.

Trộn các nguyên liệu lại với nhau, rưới đều nước mắm ớt tỏi pha chua ngọt, rồi tiếp tục trộn đều tay.

Cho thêm vào một ít rau thơm, ngò rí và đậu phộng.

Được xem là sự kết hợp tinh tế đầy tính sáng tạo của các đầu bếp gia đình, món gỏi dưa leo trộn thơm, lá sầu non và cá lóc nướng khiến thực khách cảm nhận được cái đăng đắng ngòn ngọt của lá, vị chua chua của thơm, nét giòn mát của dưa leo và miếng khô mằn mặn thơm lừng. Gỏi có thể ăn kèm với bánh phồng tôm chiên, hoặc cũng với bát cơm nóng. Đây còn là món mồi nhắm khoái khẩu của đấng mày râu trong những dịp rảnh rỗi. Có một số nơi, người ta không thích ăn đọt sống thì trụng sơ với nước sôi, và thay khô bằng cá lóc nướng, thêm tép bạc hay tôm cho lạ miệng.

Gỏi sầu đâu – món ăn không dễ thích và khi đã thích rồi thì chẳng thể nào quên

Cách làm nước chấm

Nước chấm của món này là nước mắm me chua ngọt được chế biến khá công phu,

Đun me với ít nước đẻ lộc lấy nước chua, pha thêm nước mắm, ít đường, tỏi ớt băm nhuyễn. Nước chấm ngon là khi nếm thử thấy hài hòa từng vị chua, cay, mặn, ngọt.

Khi thưởng thức món này, người chưa quen sẽ thấy… sợ vì vị đắng của lá, nhưng nếm đủ vị đắng, cay, mặn, chua, ngọt của đĩa gỏi hoàn chỉnh sẽ thấy thú vị.

Gỏi hoặc lá non có thể dùng kèm với cơm nóng hoặc ăn kèm với bún cá lóc, mắm thái, cá linh. Càng thú vị hơn nữa nếu có thêm một ly rượu bên cạnh đĩa gỏi sầu đâu, để món ăn đủ hương vị “cay, đắng”.

Theo người sành ăn, lá sầu đâu của vùng Châu Giang có hương vị đắng ngọt đậm đà hơn hơn hẳn các vùng khác.

Thành công Sao chép đường dẫn thành công !!