Có thể bạn quan tâm

Cá Kèo Nướng Ống Sậy

Cá kèo nướng ống sậy rất được ưa chuộng tại Việt Nam do có hương vị riêng, trắng ngon và giá trị dinh dưỡng cao, đặc biệt túi mật để lại hương vị khó quên.

Cá kèo còn gọi là cá bống kèo, sống ở vùng phù sa ngập mặn. Cá thường phổ biến ở miền Tây Nam Bộ, nhất là tại các khu vực ao, hồ, nước lợ thuộc các tỉnh tại Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang,

Cá kèo có thể chế biến cá kèo thành nhiều món ăn như: kho tiêu, chiên giòn, kho rau răm, nướng muối ớt, nướng bơ tỏi, lẩu mắm cá kèo, cháo cá kèo… và thêm một món vừa cầu kỳ, vừa dân dã chính là cá kèo nướng ống sậy.

Sậy để nướng cá kèo nên chọn sậy non, mập và nhiều nước, cắt từng đoạn, có đầu rỗng để đưa cá vào. Cá kèo còn sống rửa sạch rồi ướp gia vị. Khi nhét cá vào sậy, chừa phần đuôi thòi ra. Cho lửa than hồng riu riu. Cách nướng trực tiếp này làm cho cá kèo mềm hơn, ngọt hơn, nhất là nước ống sậy tươm ra thấm vị ngọt và mùi thơm đặc trưng của sậy. Khi ống sậy vừa vàng, xẹp xuống nhanh là cá cũng vừa chín nhờ sức nóng của nước ống sậy tiết ra.

Rau thơm, chuối chát là món ăn kèm cùng cá. Cá nướng ống sậy không kén thức chấm. Chỉ cần muốt ớt chanh là đủ.

Xé ống sậy ra, hơi nóng từ con cá bốc lên, cho miếng cá vào miệng, vị ngọt của cá hòa cùng vị ngọt của sậy. Vị cay, mặn, chua của muối ớt chanh cho ta hương vị rất lạ, ngon không chê vào đâu được. Vị ngon của cá bống kèo tập trung ở gan, mật, vừa béo vừa nhân nhẫn nhưng hậu rất ngọt.

Hãy cùng chúng tôi thưởng thức món ăn đậm đà bản sắc Nam bộ

Làng nghề gốm người Khmer Nam bộ

Điểm đặc sắc trong làng nghề gốm Tri Tôn là không dùng bàn xoay hoặc ứng dụng bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào. Đơn thuần chỉ bằng tay với kinh nghiệm mang tính bẩm sinh

Đến Tri Tôn, tỉnh An Giang và tận mắt nhìn thấy làng gốm An Thuận của người Khmer, mà tiếng địa phương gọi là sóc Phnom Pi, có nghĩa là vùng đất đồi. Ngoài làm ruộng nước với những kinh nghiệm hàng chục thế kỷ miền sông nước này, người Khmer Nam Bộ còn có nghề dệt vải tơ tằm ở Tịnh Biên, nghề rèn nghề làm xe bò kéo, nghề làm rượu Thốt Nốt và nhiều nghề lâu đời khác.. nhưng độc đáo và mang tính cổ truyền nhất là nghề làm gốm ở Tri Tôn.

Lịch sử địa phương và những phóng sự cách nay hơn một thế kỷ ghi lại: Đến phiên chợ, các địa phương tấp ghe vô bến sông Tri Tôn nhận hàng. Trên bến dưới thuyền, những xe thồ, người gồng gáng chở hàng xuống bến, nồi niêu chất đầy trên các ghe lớn ghe bé. Nghe đâu hàng gốm Tri Tôn không chỉ có mặt ở hầu hết các tỉnh miền Tây mà còn ngược lên Tây Ninh, sang cả Campuchia, đủ sức cạnh tranh với sành sứ truyền thống vốn rất nổi tiếng của quốc gia láng giềng này. Mặt hàng cũng là những đồ gia dụng quen thuộc như nồi niêu, trã, cà ràng (một loại bếp lò), ống khói cho những hộ nấu đường thốt nốt. Gốm Tri Tôn có uy tín và ăn khách suốt nhiều thể kỷ, ngoài kỹ thuật “gia truyền”, tạo dáng bắt mắt, thế mạnh chủ yếu ở chất đất và kỹ thuật nung.

Đất làm gốm được khai thác ở dưới chân ngọn đồi Nam Quy, cách ấp An Thuận chừng hai cây số. Đây là một loại đất sét nhuyễn, mịn, màu xám và theo kinh nghiệm của người làm nghề lâu năm đây là đất thích hợp nhất cho gốm. Ngoài đất sét Nam Quy, không còn nơi nào trong vùng có đất thích hợp để An Thuận làm gốm. Đất mang về được ủ một thời gian sau đó giã mịn, loại bỏ hết sạn, sỏi, tạp chất và làm cho mịn trước khi chế biến. Sau khi đất được sàng lọc kỹ, người thợ trộn với nước theo một tỷ lệ mà chỉ có kinh nghiệm lâu năm mới điều hoà được nước và đất thích hợp sao cho đất dẻo mà không nhão, dính kết mà không khô. Trông thì đơn giản thế, nhưng bí quyết gốm Tri Tôn có lẽ nằm ở trong cái đơn giản mang tính kinh nghiệm nghề nghiệp này đây.
Điểm đặc sắc trong nghề gốm Tri Tôn là không dùng bàn xoay hoặc ứng dụng bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào. Đơn thuần chỉ bằng tay với kinh nghiệm mang tính bẩm sinh. Sau khi nhào nặn công phu đất, người thợ đi vòng quanh vật nặn để đắp, bồi, xoa, vuốt. Thoạt đầu là tạo dáng cơ bản, sau đó chỉnh sửa uốn nắn cân đối hình dạng sau cùng là xoa mịn mướt bề mặt, có những mặt hàng cầu kỳ cần tới hoa hình thì dùng bàn in trang trí theo những hoa văn do các nghệ nhân tạo nên. Trong sóc Phnom Pi, hầu như nhà nào cũng nặn nồi, nặn lu, chum vại. Trẻ em đập tơi đất, thanh niên nhào nhuyễn, người kinh nghiệm thì nặn đồ vật. Hầu hết người đang nặn gốm ở trong sân hay sau vườn là phụ nữ. Đó là điều khác với những làng gốm mà tôi đã từng thấy ở những làng gốm phía Bắc. Họ làm chuyên cần, nhẫn nại và đặc biệt là rất ít nói. Thỉnh thoảng nghe rõ tiếng bồm bộp, đắp vỗ vào eo bình của những bàn tay. Còn những ngón tay sần sùi gân guốc thì dẻo quánh xoa vuốt , lướt quanh miệng bình. Những cái vò cái lu đựng nước, không có hình mẫu nào mà hình dáng cứ hiện dần lên, đều tăm tắp. Bốn năm người phụ nữ lặng lễ đắp đất, chuốt eo, nắn miệng bình và bốn năm cái chum như trong một cái khuôn đúc ra. Hỏi bà con về kinh nghiệm. Họ chỉ cười, “mình không biết nói đâu”.

Sau khi hoàn thiện hình dáng, chuốt bóng mặt ngoài và in xong hoa văn, gốm mộc được đem phơi kỹ qua nhiều ngày nắng nỏ rồi mới đưa vào nung. Người Khmer không xây lò. Hàng mộc được xếp lớp lớp trên sân hoặc khu đất phẳng trong vườn nhà , chất rơm đều trên bề mặt, nung cho đến “độ chín” rồi mới qua giai đoạn ủ. Nếu theo quy trình công nghệ, mỗi giai đoạn được tính bằng giờ, lò nung được kiểm tra nhiệt độ, nhưng với người Tri Tôn, tất cả đều thông qua kinh nghiệm. Khi đã qua ủ, gốm hiện lên màu đỏ nhạt, nâu hoặc vàng đậm. Hàng thành phẩm không cần mang đi bán xa. Các thương lái đã quen đường, quen chủ. Họ đến từng sân từng vườn và thường là mua cả lố, chuyên chở ra bến sông, xếp lên ghe. Từng ghe nặng nề nối đuôi nhau rời bến, đến với các chợ miền Tây lục tỉnh. Xét về giá trị kinh tế, ngày nay nghề làm gốm Tri Tôn thu nhập không cao bằng một số ngành nghề khác. Cũng có một số người trong sóc chuyển nghề và một số nữa thì vẫn theo đuổi nghề xưa như một thói quen yêu nghề và muốn giữ lại nét truyền thống của Tổ Tiên. Gần đây có một số chuyên gia văn hoá và lịch sử nước ngoài, số đông là người Nhật đã tìm về Tri Tôn để nghiên cứu, tìm hiểu làng nghề lâu đời này. Bảo tàng văn hoá-dân tộc học của Trung ương và một số địa phương đã sưu tầm và nghiên cứu nghề gốm của người Khmer Nam Bộ, của người Chăm và một số dân tộc anh em khác, coi đây không chỉ là một nghề sinh sống mà là một trong những di sản văn hoá đặc sắc và lâu đời bậc nhất của dân tộc.

Theo mekongdeltaexplorer

Đổi vị cuối tuần với bún cá Châu Đốc

[vanhoamientay.com] Thịt cá mềm ngọt, nước lèo có màu vàng đặc trưng của nghệ cùng hương vị đậm đà đem là những nét đặc trưng riêng của bún cá Châu Đốc.

Món bún cá đã trở thành món ăn quen thuộc của dân miền Tây, có thể nhắc đến bún cá Sóc Trăng, bún cá Kiên Giang… nhưng nổi tiếng hơn cả là bún cá Châu Đốc, An Giang, vì món bún cá nơi đây gần như giữ nguyên hương vị nguyên sơ của món bún cá.

Món bún cá có nguồn gốc từ Campuchia, trải qua nhiều nhiều biến tấu trong món ăn đã trở thành ón ăn đặc trưng của người Việt. Món ăn đơn giả chỉ gồm có cá lóc, nước lèo và bún tươi, vài miếng thịt heo quay, điểm nhấn trong món ăn được tạo nên từ những miếng cá lóc tươi ngon được rút xương tỉ mỉ và xào sơ với nghệ và mùi vị nước lèo không lẫn vào đâu được.

Nước lèo là phần tốn nhiều thời gian nhất, người nấu phải dùng xương ống để ninh, vừa ninh vừa vớt bọt để nước dùng trong. Nước lèo có mùi vị đậm đà, lớp mỡ trong nước lèo chỉ mỏng nhẹ, không gây ngán. Sẽ ngon hơn nếu bạn thưởng thức cùng với một ít ớt bột,  đi ăn bún cá Châu Đốc mà thiếu ớt bột thì xem như món ăn mất đi một nửa vị ngon. Thật vậy chỉ khi được ăn đúng điệu thì bún cá mới cho hương vị đặc trưng và tạo được dư âm đối với thực khách khi thưởng thức.

Sở dĩ người nấu chỉ sử dụng cá lóc cho món ăn này là vì thịt chắc, ít xương, ăn không bở ngán, đầu cá lóc cũng nhiều thịt hơn một số loại cá nước sông khác, lại mang nét đặc trưng của vùng đất này. Đầu cá sẽ được giữ nguyên dành cho những vị khách thích thưởng thức cùng với đĩa nước mắm ngon có chút ớt xanh sẽ vô cùng thú vị.

Ngoài ra, một món ăn kèm không thể thiếu trong tô bún cá Châu Đốc chính là thịt heo quay. Heo quay phải là loại vừa có nạc, vừa có mỡ và da giòn nhẹ. Đó thật sự là một sự kết hợp đầy ngẫu hứng nhưng tạo nên một hương vị tuyệt vời khó có thể quên.

Món bún thì rau xanh là không thể thiếu: các loại rau thơm, rau muống bào, diếp cá, bắp chuối bào và đặc biệt là bông điên điển. Sự hấp dẫn và thơm ngon từ món bún này chắc chắn sẽ khiến các bạn nhớ mãi không thôi.

Băng Tâm tổng hợp

Le le xào bầu – món ăn dân dã mà cao sang

[vanhoamientay.com] Thịt le le được coi là món ngon đại bổ, le le xào bầu được coi là món chính trong bữa cơm. Và nước chấm phải là thứ chua – cay – ngọt. Chỉ cần thưởng thức một lần thôi cũng sẽ nhớ mãi món ăn vừa dân dã vừa cao sang này…

Theo kinh nghiệm dân gian, thịt le le là một món ăn có đẳng cấp, một loại thực phẩm giá trị dinh dưỡng cao, có khả năng tăng cường sinh lực. Cũng chính vì vậy thịt le le từ lâu đã trở nên quý hiếm, giá cao hơn thịt vịt gắp nhiều lần. Giới sành điệu ẩm thực thì coi đây là “hàng độc”, nằm trong nhóm đại bổ

Thịt le le vừa ngon ngọt, vừa bổ dưỡng lại kết hợp với bầu nên càng đậm đà thi vị, vượt trội các loài gia cầm khác. Ở vùng bưng biền, các bà nội trợ thường chế biến le le thành nhiều món ngon độc đáo như nấu cháo, luộc, rôti nước dừa…đặc biệt là món “le le xào bầu”.

Le le là một loài chim trời, thường sống ở những đồng cỏ hoang vu, nơi có nhiều lung bào, nhất là ở Đồng Tháp và vùng tứ giác Long Xuyên.

Le le thân hình cũng giống như vịt nhưng con lớn nhất chỉ nặng khoảng 300g. Nếu so với vịt trời, le le có trọng lượng chỉ bằng phân nửa, nhưng thịt lại ngon, bổ và mắc hơn nhiều lần.

Thịt đem ướp thịt với tiêu, hành, tỏi. ớt, nước mắm, bột nêm và chút rượu độ 15 phút cho thấm đều. Kế đến bắc chảo lên xào cho đến khi thịt săn lại. Tiếp theo cho bầu vào xào chung, thêm nhiều hành cọng hoặc hành lá. Bầu, nên chọn những trái còn tươi, không quá non, cũng không quá già, gọt vỏ, xắt miếng nhỏ, dài chừng 5 cm.

Với bàn tay khéo léo của người nội trợ, món le le xào bầu có thể trở thành một món ăn hấp dẫn, vừa thơm ngon vừa quyến rũ. Sở dĩ bầu trở thành món ăn đa phong cách như thế bởi vừa mềm, ngọt dịu, đậm đà hương vị đồng quê. Một dĩa le le xào bầu vừa dọn ra đã bốc mùi thơm phức nhờ người nội trợ biết chăm chút từ cách xào, cách chọn gia vị và nêm nếm cho vừa ăn.

Nên nhớ, khi xào đừng để cho bầu chín quá sẽ mất ngon. Thịt bầu còn hơi giòn là hấp dẫn nhất. Le le xào bầu vừa ngon, ngọt, vừa đậm đà, mùi vị đặc trưng nhờ nước bầu và gia vị thấm vào thịt, đồng thời thịt cũng thấm vào bầu.

Theo Tuổi Trẻ

Làng nghề thớt Định An, Đồng Tháp

[vanhoamientay.com] Chiếc thớt đóng vai trò quan trọng, góp phần tạo nên bữa ăn ngon của cả gia đình, để có những chiếc thớt chất lượng ấy cần phải nhắc đến ngôi làng đã làm ra chúng, làng nghề thớt Định An, Đồng Tháp

Nghề làm thớt ấp An Hòa, xã Định An, huyện Lấp Vò hoạt động quanh năm. Hơn 60 năm qua nơi đây đã hình thành một làng chuyên làm thớt gỗ. Đây là một nghề cha truyền con nối.

Khi mới hình thành, thớt ở đây được làm bằng loại cây mù u, một loại gỗ rất chắc thường mọc hoang ven sông, Gỗ mù u là loại gỗ phù hợp nhất để làm thớt vì khi chặt hay băm,… gỗ của thớt mù u không bị băm nát và lưu lại vết đen. Nhưng hiện nay nguyên liệu để làm thớt thường là gỗ cây xà cừ, me.

 Để có được một chiếc thớt, người thợ phải thực hiện nhiều công đoạn như phân đoạn, cắt thớt, lấy mực, ra vóc, đẽo, gọt láng, bào mặt… Những ngày đầu những công đoạn này làm thủ công nên tốn nhiền thời gian mà lại vất vã, hai người chỉ làm được 10 – 15 chiếc thớt/ngày.Từ khi sử dụng các loại máy như máy cưa, máy cắt, bào điện… năng suất tăng lên nhiều lần so với trước.

Có dịp đến thăm làng nghề làm thớt Định An, du khách luôn thấy cảnh nhộn nhịp với tiếng cưa, tiếng đục, tiếng vận hành máy. Người kéo xe, kẻ phơi thớt, với hơn chục hộ hành nghề dọc theo quốc lộ 54.

Theo những người có kinh nghiệm trong làng nghề thớt, để có một chiếc thớt tốt phải chọn loại cây gỗ già , đem sấy hết nhựa mang ra cắt thành từng miếng rồi phơi nắng để không bị mốc.

Dù khó khăn, vất vả nhưng hơn mấy chục năm qua, người dân ấp An Hòa, xã Định An vẫn miệt mài cùng với nghề bởi đây vừa là nghề tạo thu nhập vừa là nghề truyền thống.

Vào những tháng này, khoảng tháng 9 âl con nước rong bắt đầu rút, làng thớt Định An lại bắt đầu nhộn nhịp với tiếng cưa, tiếng đục, tiếng máy. Tất cả đang háo hức chuẩn bị cho ra lò nhiều loại thớt để bạn hàng bỏ mối bán Tết.

Trục quốc lộ 54 chạy dọc theo con sông Hậu có không khí luôn mát mẻ, cảnh vật xanh tươi là tuyến đi rất thích hợp cho tour đạp xe khám phá làng nghề, trải nghiệm cuộc sống yên bình của vùng quê Nam bộ.


Dưa cải – món quê mà không quê

[vanhoamientay.com] Bước qua tháng 8 âm lịch bắt đầu có cá linh non, cá sặt non từ đầu nguồn xuống, một bữa cơm chiều với món cá kho lạt thì không thể nào thiếu món ăn kèm là dưa cải, dưa cải chấm cá kho lạt, chỉ nhắc tới thôi là tự dưng thấy thèm.

Hầu như loại rau củ quả nào cũng có thể làm dưa chua được, nhưng với dưa cải thì không món nào qua.

Cải dùng làm dưa là giống cải tùa xại,người ta còn gọi là cải xại (xại cũng có nghĩa là cải),  cải này có vị cay nồng hơn các loại cải khác. Nó chỉ dùng cho việc làm dưa! Cải tùa xại rất dễ trồng, có thể gieo hột trồng trực tiếp hoặc gieo hột trên liếp ương và bầu.

Cải tùa xại trồng trên đất rẫy, mọc thành từng bụi giống như cây cải xanh, nhưng cọng cải tùa xai tròn, to và cứng hơn nhiều. Cây tốt có thể có chiều dài 6-7 tấc, cọng cải tròn lớn bằng ngón tay cái.

Cải này có đặc điểm cứng cọng nhưng nấu vừa chín tới ăn vẫn ngọt và mềm chớ không cứng, không dai, ăn không hết thì để thêm chút muối hâm đi hâm lại nhiều lần cọng cải vẫn ngon như lúc mới nấu, không bị nhũn hay rã ra như các loại cải khác.

Mẹ tôi từng chia sẻ bí quyết làm dưa cải ngon với bà con trong xóm:

Cải nhổ lên phải lúc có nắng cho héo để chuyên chở không bị giập gãy bẹ, trước khi làm dưa phải trụng cải bằng nước sôi cho vừa ngả màu xanh của cải, rồi đem rửa sạch từng bẹ từng cây.

Rửa xong vắt cho khô ráo nước xếp vô khạp, xếp cho đầy khạp, càng dẽ dặt càng tốt, xong đậy lá chuối gài lại cho chắc, không cho nổi lên. Trong khi đó nước lóng phèn cho thật trong nêm chút muối và cho bột nghệ vào (bột nghệ làm cho cây cải vàng và thơm) rồi đổ vô khạp dưa cải.

Qua 4 đêm là cải bắt đầu chua có thể dùng được. Dưa cải rất dễ làm, nhưng cũng rất khó làm sao cho dưa cải vừa ăn, cọng cải vàng và thơm thấy thèm.

Khâu rửa cải phải thật sạch, không còn bợn để cho dưa cải có nước vàng óng ánh. Muốn cho cải chua, giòn không phải dễ, khi nhổ cải không quá già, không quá non, khi trụng cải không quá chín, ít nhất phải có trải qua kinh nghiệm nhiều lần mới làm ngon được.

Do vậy, dưa cải của mẹ tôi làm ngon có tiếng trong xóm, ra chợ ai dùng qua cũng khen đáo để. Món dưa cải đã có lâu đời trong dân dã, người ở nông thôn, thành thị ai cũng ưa thích vì nó có mùi vị chua chua, nồng nồng rất ấn tượng lại kích thích vị giác.

Dưa cải còn được chế biến nhiều món ăn như: bao tử xào dưa cải, giò heo hầm dưa cải, thịt sườn kho dưa cải,… Trong bữa ăn, vị chua chua làm tăng kích thích khẩu vị và giúp thức ăn dễ tiêu hóa. Là món dân dã nhưng nay dưa cải có mặt trong thực đơn của nhà hàng cao cấp góp phần cho ẩm thực Việt đa dạng và phong phú.

Mỗi lần lên mâm cơm, thấy dĩa dưa cải xắt ra trộn với đường, bột ngọt có tỏi ớt phất mùi chua chua là tôi nhớ đến mẹ tha thiết. Nhớ người mẹ quê đã một thời vất vả luôn chế biến những món đơn sơ đạm bạc thành những món ăn hương vị ngon ngọt, đậm đà chứa đầy.

Theo VinhLongOnline

Bộ ván ngựa 3 tỷ đồng độc nhất miền Tây

Được làm bằng gỗ gõ bông lau nặng 2,2 tấn với chiều ngang 2,15m, dài 4m, bộ ván ngựa độc đáo ở An Giang này được trả giá đến hơn 3 tỷ đồng.

Chủ nhân của bộ ván ngựa 3 tỷ đồng độc nhất vô nhị này là anh Nguyễn Thanh Hải, ở ấp Mỹ Phó, xã Mỹ Đức, huyện Châu Phú (An Giang). Là người buôn bán gỗ, sau nhiều làm ăn, anh Hải quyết định chuyển sang kinh doanh dịch vụ du lịch, sinh thái. Hiện tại, anh Hải là giám đốc một khu du lịch tư nhân ở huyện Châu Phú, An Giang.

Ngôi nhà cổ được anh xây dựng để thờ cúng tổ tiên. Đồ đạc trong nhà cũng hầu hết được làm bằng gỗ, với nhiều món độc nhất vô nhị, với tổng trị giá ước tính 45 tỷ đồng, trong đó có bộ ván ngựa được trả giá lên tới 3 tỷ đồng

Để có được bộ ván trên chủ nhân của nó phải bỏ công gần 3 năm tìm kiếm. Bộ ván ngựa bằng gỗ gõ bông lau nặng 2,2 tấn được tìm thấy tại vùng giáp ranh Việt Nam – Lào. Ông chủ khu du lịch ở miền Tây chia sẻ thêm, lúc nhìn thấy tấm gỗ anh thích đến nỗi không thể thốt nên lời. Khi người chủ phát giá, anh không mặc cả mà chi tiền mua luôn. “Lúc ấy, trong kho có 3 tấm gỗ gõ bông lau kích thước bằng nhau được xẻ sẵn. Tôi xin mua 2 tấm nhưng người chủ nhất định không bán. Cuối cùng, họ nể tình khách ở xa lặn lội đến nơi, nên bán chia cho 1 miếng”, anh Hải nhớ lại. Về nhà, anh dùng chính tấm gỗ đó làm ra bộ ván ngựa độc nhất vô nhị ở miền Tây hiện nay.

Bộ ván ngựa này chính là một trong những vật dụng thu hút khách đến tham quan khu du lịch tư nhân của mình.  theo những người sành đồ gỗ, ước tính cây gõ bông lau phải trên 500 năm tuổi. Ngoài ra, bộ ván tạo cho người nằm cảm giác mát lưng và có thể trị được nhức mỏi, cảm thông thường.

Theo Người Đưa Tin
Thành công Sao chép đường dẫn thành công !!