Vui buồn với nghề sửa giày, dép cũ

Tiền Giang

[vanhoamientay.com] Chỉ cần vài cái dùi, cái kéo, những người thợ đã có thể “vá lại cuộc đời” cho những đôi giày, dép cũ, đôi khi là vá lại cuộc đời mình. Và nghề sửa giày, dép cũ  này đã có những người thợ gắn bó với nghề gần 30 năm.

Nghề truyền thống của gia đình

Tại một ngã tư TP Mỹ Tho (Tiền Giang) hai chị em bà Ngọc và bà Đào, đã có thâm niên gần 30 năm gắn bó với nghề sửa giày, dép cũ. Nhờ cái nghề này mà hai bà đã nuôi các con mình khôn lớn và giờ đây khi tuổi đã xế chiều, hai bà lại có thể tự nuôi bản thân mình mà không cần vướn bận đến các con.

Đôi tay thoăn thoắt luồn từng mũi kim may lại đôi giày rách cho khách, theo ba chia sẻ để sửa lại đế một đôi giày khá đơn giản. Trước tiên, bà phủ một mảnh vải lên ngang đùi, gót đôi giày được cắt cho vừa, rồi một miếng cao su có phết keo dính vào bên bị mòn nhiều hơn để tạo sự cân bằng. Bà Ngọc dùng con dao nhỏ cắt, gọt, tỉa phần vừa dính, ngắm lại kỹ càng rồi tiếp tục cắt một miếng cao su khác dính chắc vào toàn bộ phần gót và dùng keo dán cho thật chặt phần đế với phần thân giày.…

Vậy là chiếc giày có gót mòn, một bên thấp, bên cao trước đây đã trở lại hình dáng ban đầu, phẳng lỳ chỉ sau vài công đoạn đơn giản của bà Ngọc.

Đầu tư cho nghề sửa giày vỉa hè không quá lớn: Vài ba chiếc ghế nhựa, cái kệ nho nhỏ để đủ các loại giày cũ, một miếng da, dao, kéo, keo, kìm, kim chỉ,… tất cả chỉ khoảng 500.000 đồng, cùng một chỗ ngồi đúng quy định, dễ dàng cho người ta nhìn thấy là đã có thể hành nghề.

Dù chỉ là nghề mưu sinh trên vỉa hè, đường phố nhưng nghề sửa giày, dép cũ mang lại thu nhập khá ổn định, bình quân thu nhập cho mỗi ngày lao động khoảng 100.000 – 200.000 đồng. Làm nghề này không thể giàu, chỉ đủ để trang trải chi phí sinh hoạt hằng ngày.

Hần hết những người thợ sửa giày ở Mỹ Tho đều có điểm chung là mưu sinh bằng nghề truyền thống của gia đình. Tuy nhiên, nếu những thế hệ trước có thể “ăn nên làm ra” bằng nghề đóng giày, thì nay con cháu chỉ có thể mưu sinh được bằng nghiệp sửa chữa, khâu vá.

Nghề vá lại cuộc đời

 Sau bao nhiêu thăng trầm trong  cuộc sống, anh Dương tại TP Biên Hòa (Đồng Nai) quyết tâm chọn góc chợ Tam Hòa để hoàn lương bằng nghề sửa giày, dép cũ.

Năm 2010, ông Ba Dương (56 tuổi) được đặc xá ra tù trước thời hạn 3 năm. Lúc ấy không vợ con, cha mẹ thì đã mất, tưởng cuộc đời sẽ hết không ngờ ông được một lòng hảo tâm giúp đở 1 triệu đồng. Từ số vốn ít ỏi đó, ông Ba Dương đã từng bước “vá lại cuộc đời” mình bằng những đường kim, mũi chỉ vốn học lóm được từ các bạn tù. Tuy thu nhập không cao nhưng ông thấy cuộc sống mình có y nghĩa hơn, dần quên được quá khứ tội lỗi khi tự nuôi sống được bản thân.

Cũng như ông Ba Dương, bao năm hành nghề sửa giày, dép cũ cho các bà, các cô nơi góc chợ Dầu Giây (huyện Thống Nhất, Đồng Nai) đã giúp cho Sáu Thanh hoàn thiện được lẽ sống của đời mình.

 Để sửa đôi giày, dép vừa chân, người thợ phải tỉ mỉ và khéo léo, quan trọng là sửa cho vừa chân để khách hài lòng. khách hàng của nghề này đa số là giới bình dân, người lao động nghèo.

Dù đắt hay ế, dù mưa hay nắng, người thợ vẫn ra mở tiệm vì công việc này đòi hòi sự kiên trì, nhẫn nại, và khi được chăm chút đôi chân cho các cô, các bà, các cháu thiếu nhi, các anh chị lao động nghèo đó là hạnh phúc.

Băng Tâm tổng hợp
Thành công Sao chép đường dẫn thành công !!