Có thể bạn quan tâm

Những bãi biển miền Tây đẹp

[vanhoamientay.com] Miền Tây không nổi tiếng bỡi những bãi biển phẳng lỳ, nước trong xanh mà biển miền Tây nổi tiếng với những nét riêng của mình, người ta thường gọi với cái tên thân thương là “biển miệt vườn’’

Biển Tân Thành, Biển và Nghêu

Bạn muốn bình yên ngắm mặt trời lặng, thong thả dạo bước trên bãi cát dài và mịn trải dài dưới chân, ngắm biển sinh sôi, người nông dân nuôi trồng trên biển thì mời bạn về với biển Tân Thành, Gò Công.

Biển Tân Thành dài hơn 7 km, nằm gần cửa sông nên nước khá đục. Tuy nhiên bạn đừng nên thất vọng vì đây thật sự là một trong những bãi biển đẹp nhất Việt Nam, lớp cát mềm mịn, êm như nhung mà ít nơi nào có được. Mặt biển phẳng như mặt ao, kéo dài hàng cây số. Bạn cứ việc tung tăng trên cát, vọc nước, vọt cát và ngắm những chòi nghêu đang chênh vênh giữa biển.

Tận hưởng không khí mát lành, thư giãn trong không gian yên tĩnh, tìm hiểu tập quán sinh hoạt của ngư dân, thưởng thức những món đặc sản. Ngoài ra, từ tháng 3 đến tháng 9 âm lịch, du khách còn thích thú với việc tự tay xúc nghêu và chế biến món ăn

Từ Mỹ Tho, trên Quốc lộ 1, rẽ vào Quốc lộ 50 khoảng 50kmlà đến Gò Công và đi thêm hơn 10 cây số nữa là đến biển Tân Thành.

Biển Ba Động, Trà Vinh

Tuy được khai thác từ lâu, nhưng biển Ba Động vẫn còn giữ được nét hoang sơ với những đụn cát nhấp nhô, hàng phi lao xanh vút, bãi cát phẳng lì sống động với vỏ ốc nhiều màu sắc.

Tên của bãi biển Ba Động được xuất phát từ những triền cát trắng.  Ngoài ra, Ba Động khác các bãi biển của vùng đất Cửu Long ở những đợt sóng dồn dập. Nơi đây được ví như biển miền Trung với không khí đậm mùi biển, thức những đặc sản là chù ụ, hải sản cùng họ với cua, còng nhưng hình dáng ù lì, chậm chạp hơn, nếu chưa thưởng thức chù ụ xem như chưa đến Ba Động.

Bãi biển Ba Động thuộc xã Trường Hoà, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh.

Biển Mũi Nai, Hà Tiên

Vắng và tự nhiên, điều này trở thành một nét riêng quyến rũ những ai muốn về với thiên nhiên. Muốn tận hưởng cảm giác lãng mạn của biển, bạn nên chờ đến buổi chiều. Ngồi trên bãi cát nhìn ánh hoàng hôn xuống dần, im lặng nghe tiếng lao xao của gió vờn trên sóng, của bầy hải âu chao lượn cuối trời mới thấy hết nét thi vị của biển.

Mang đậm đặc trưng của biển miền Tây Nam Bộ, Mũi Nai được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến. Từ đỉnh núi, phóng tầm mắt ra xa, du khách sẽ chiêm ngưỡng trọn vẹn vẻ đẹp của biển Mũi Nai, rừng Tà Pang, những hòn đảo xa xa trên biển hay ngọn hải đăng trầm mặc. Thưởng thức hải sản tươi ngon, trái cây theo mùa với giá trẻ là một trong những điểm thu hút bước chân của người lữ hành.

Biển Nam Phố, Kiên Giang

Nơi đây còn giữ nguyên những gì của thiên nhiên hoang dã. Cây cối mọc xanh tươi, tự nhiên. Những hàng dừa cao vút hàng chục năm tuổi như những mái tóc dài xõa xuống bờ biển xinh đẹp. Quanh năm, sóng biển chỉ là những đợt lăn tăn, không ồn ào như các vùng biển khác. Người đi biển bảo rằng, đây là vùng biển lành, không đá ngầm, không có vùng nước xoáy. Có những lúc mặt biển phẳng lặng đến mức người ta cứ ngỡ là mặt hồ giữa mùa thu yên ả.

Ở Nam Phố có hai bãi tắm là Hòn Heo và Bãi Ớt, mỗi bãi sở hữu một đặc điểm khác nhau. Bãi Ớt bao la với cát vàng mịn, mặt nước trong xanh. Còn Hòn Heo nằm lọt trong làng chài ven biển cùng tên.

Biển Nam Phố thuộc xã Dương Hoà, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang.

Biển Khai Long, Cà Mau

Bãi biển Khai Long nằm phía biển Đông trong khu vực hệ sinh thái rừng ngập mặn. Đứng ở bãi Khai Long, du khách có thể ngắm nhìn trọn vẹn vẻ đẹp hoang sơ của cụm đảo Hòn Khoai hùng vĩ. Khai Long có bãi biển cát vàng tương đối bằng phẳng, cường độ sóng không lớn. Khi mặt trời lặn, cả vùng biển rực sáng.

Biển Khải Long sở hữu nước biển trong xanh sẽ khiến du khách ồ lên thích thú. những du khách thích cảm giác mạnh chọn thám hiểm rừng ngập mặn. Việc luồn lách qua những lau sậy, vừa tìm cách thoát khỏi những cành đước khẳng khiu vừa như muốn chạm nhẹ, mang lại cho họ những trải nghiệm hiếm có trong một chuyến du lịch biển.

 Biển Khai Long ấp Khai Long, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.

Băng Tâm tổng hợp

Nữ doanh nhân ngành sữa

Bà Mai Kiều Liên, sinh năm 1953, quê gốc Cần Thơ nhưng được sinh ra tại Pháp. Bà được coi là một hiện tượng trong giới nữ doanh nhân và là nữ doanh nhân ngành sữa Việt.

Dưới sự lãnh đạo tài năng của bà Kiều Liên doanh thu của Vinamilk đã đạt trên 1 tỷ USD, luôn là doanh nghiệp được đánh giá hàng đầu tại Việt Nam cũng như tại Châu Á.

Đội ngũ nhân sự của công ty quy tụ những kỹ sư, nhân viên có trình độ cao, nhiệt huyết trong công việc. Với sự đổi mới không ngừng trong kinh doanh, cùng tầm nhìn mới của bà Liên, 2014 này Vinamilk sẽ mở cuộc “viễn chinh” sang nước láng giềng Campuchia.

Nhớ lại lúc được phân công học ở Nga, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) bà Mai Kiều Liên tin nó giống như “định mệnh”. Khi đó cô học sinh 17 tuổi chưa hề có khái niệm gì về ngành sẽ theo học – chế biến sữa, nhất là thời điểm đó (1969), ngành sữa ở Việt Nam chưa phát triển. 5 năm đại học cũng là khoảng thời gian khiến bà trăn trở nhiều về đường hướng sau khi tốt nghiệp. “Đã có lúc tôi muốn chọn lại ngành, có thể là sư phạm hoặc bác sĩ như mong ước từ nhỏ”, vị lãnh đạo Vinamilk hồi tưởng. Song, thân phụ của bà cho rằng đây là ngành sẽ giúp cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng cho trẻ em Việt Nam khi đất nước bước vào thời bình. Lời khuyên này giúp bà Liên kiên định mục tiêu hoàn thành khóa học, song trong tâm trí vẫn chưa có ý nghĩ sẽ xây dựng doanh nghiệp sữa lớn mạnh.

Trở về nước, bà được phân công làm kỹ sư theo ca tại nhà máy sữa Trường Thọ. Sau đó, trải qua nhiều vị trí khác nhau và tới năm 1992, bà trở thành người đứng đầu Công ty Sữa Việt Nam. Người điều hành Vinamilk từng trăn trở ngành sữa ở Việt Nam chưa thể chủ động hoàn toàn nguồn nguyên liệu, trong khi đây là yếu tố then chốt, ảnh hưởng lớn tới hoạt động kinh doanh. Vì thế, bà đã chủ trương phát triển chăn nuôi bò sữa tại Việt Nam bằng cách chuyển giao con giống, kỹ thuật chăn nuôi, thu mua sữa tươi của nông dân với giá cao hơn nguyên liệu nhập khẩu để kích thích chăn nuôi trong nước. Song song với đó, đầu năm 1990, Vinamilk nhập máy móc hiện đại để sản xuất sữa tươi tiệt trùng. Đối tượng nhắm tới vẫn là thị trường nội địa nhiều tiềm năng, bởi lượng tiêu thụ ở Việt Nam hiện thấp hơn rất nhiều so với thế giới.

Gần 20 năm giữ trọng trách “thuyền trưởng”, bà Mai Kiều Liên gặt hái nhiều thành công nhưng cũng không ít thất bại. Sau cổ phần hóa năm 2003, đến năm 2006 Vinamilk niêm yết trên thị trường chứng khoán, lúc đó vốn hoá trên thị trường là 530 triệu đôla Mỹ, qua 5 năm, nay vốn hoá đạt được 2 tỷ đôla Mỹ, tăng gần 4 lần. Đà thăng hoa đó khiến Vinamilk định hướng phát triển thành tập đoàn thực phẩm và nước giải khát đa ngành với sữa, các sản phẩm từ sữa và ngoài ngành sữa như bia, cà phê… thương hiệu Vinamilk. Thế nhưng việc hợp tác đầu tư liên doanh sản xuất bia Zorok cùng SabMiller, nhà máy sản xuất cà phê không như mong đợi, Vinamilk phải chuyển nhượng lại 2 dự án này để bảo toàn vốn.

Ngoài việc chờ can thiệp, người điều hành Vinamilk cho rằng bản thân doanh nghiệp phải tự cứu mình trước, bởi “nước xa không cứu được lửa gần”. Thay vì chờ lãi suất hạ, bản thân doanh nghiệp tự xoay sở nguồn vốn ở kênh khác, cắt giảm chi phí ở những khâu nào còn có thể, tìm đến phân khúc thị trường mới, sáng tạo ra sản phẩm mới… Vinamilk đặt mục tiêu cuối năm nay đạt doanh thu 1 tỷ USD, đứng trong top 50 công ty sữa có doanh thu cao nhất thế giới vào năm 2017 với 3 tỷ USD mỗi năm. Năm 2010, Vinamilk là doanh nghiệp Việt duy nhất lọt vào danh sách 200 doanh nghiệp tốt nhất tại khu vực châu Á do Tạp chí Forbes Asia bình chọn.

Theo thời gian, sự đam mê thay thế cho những bỡ ngỡ, thậm chí hoài nghi về chọn lựa ngành chế biến sữa khi còn là sinh viên. Tới nay, 90% ý tưởng mới của Vinamilk xuất phát từ chính “thuyền trưởng” Mai Kiều Liên, dựa trên sự quan sát nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng và sở thích tìm tòi thêm những hương vị mới lạ. Lạc quan khi cho rằng không khó khăn nào không thể vượt qua, mà chính những trải nghiệm này sẽ giúp bản thân dày dạn kinh nghiệm ứng chiến, nữ doanh nhân ngành sữa luôn tâm niệm phải tìm ra mắt xích nào đang có vấn đề trong tổng thể, từ đó chỉ việc giải quyết nó.

Theo VNEXPRESS

Tục đi tu để thành người của người Khmer Nam bộ

Tục đi tu để thành người vẫn còn phổ biến trong người Khmer ở miền Tây Nam Bộ. Bởi vì theo họ, tu không phải để thành Phật mà để thành người, chuẩn bị cho cuộc sống tốt đẹp ở ngày mai, là một cơ hội tốt để cho họ được học chữ nghĩa, đạo lý và rèn luyện đức hạnh.

Ngày xưa, nếu người con trai nào không qua giai đoạn tu trong chùa thì bị xã hội và gia đình cho là bất hiếu và lớn lên rất khó lấy vợ. Bởi vì người con gái Khmer đến tuổi lấy chồng, thường chọn những chàng trai đã qua tu luyện trong chùa, đã hoàn tục. Theo họ, đó là người đã hoàn thành nghĩa vụ và học được cách làm người, nhất là biết chữ nghĩa, được mọi người trọng vọng.

Tục đi tu để thành người thường được tổ chức vào ngày đầu Tết Chôl Chnam Thmây. Vào ngày này, gia đình nào muốn đưa con vào chùa tu (vài tháng trước đó, người con trai này phải vào chùa học thuộc vài bài kinh cơ bản) sẽ tổ chức một lễ gọi là Bank-Bom-Buôn để người đi tu từ giã họ hàng, bạn bè và được mọi người cầu chúc sức khoẻ. Khi vào lễ, anh ta cạo đầu, thay quần bằng chiếc xà rông, thay áo bằng một khăn vải trắng đắp lên vai từ trái sang phải gọi là Pênexo, chứng tỏ rằng anh ta từ bỏ thế tục. Lúc đó người ta gọi anh là Nec (rồng).

Để vào lễ, buổi tối họ mời sư sãi đến tụng kinh, cúng Tam bảo và thọ giới theo Phật. Sáng hôm sau, khi cơm nước xong, họ đưa con trai lên chùa, có bạn bè thân quyến mang lễ vật cùng đi theo. Đến chùa, họ đi vòng quanh chánh điện ba vòng rồi mới vào trong làm lễ. Ở đây có một nhà sư ngồi gọi là Uppachhe giảng dạy, hỏi và đọc các điều của luật tu hành cho các nec nghe.

Sau đó mới cầm áo cà sa đi vào hàng giữa sư sãi và đọc lời xin tu. Khi vị thượng toạ chấp thuận thì nec mới đi thay xà rông và khăn trắng bằng áo cà sa. Tiếp theo là lễ thọ giới 10 điều của Phật giáo:

  1. Không sát sinh
  2. Không trộm cắp
  3. Không tà dâm
  4. Không nói dối
  5. Không uống rượu
  6. Không ăn ngoài bữa
  7. Không xem múa hát
  8. Không dùng đồ trang sức
  9. Không chiếm ghế cao và giường êm
  10. Không đụng đến vàng bạc

Cuối cùng, các nhà sư cùng Phật tử tụng kinh cầu phước cho người mới tu hành và chúng sinh để chấm dứt buổi lễ.

Đi tu đồng thời theo nếp nghĩ truyền thống của người Khmer ở miền Tây Nam Bộ cũng là một cách tích phước cho cha mẹ, gia đình và chính bản thân. Tuy nhiên, ngày nay người con trai Khmer vì theo học ở một trường nào đó hoặc có những gia đình quá khó khăn, thiếu lao động thì không phải đi tu và luật tu hành cũng không quá khắt khe như xưa nữa.

Theo Đại Đoàn Kết

Bánh Tét Lá Cẩm

[vanhoanmientay] Bánh tét lá cẩm là loại bánh truyền thống của người miền Nam thường được làm trong các dịp lễ Tết hoặc đám giỗ. Bánh được ưa chuộng không chỉ đẹp bởi màu tím rực rỡ, mà còn bởi mùi vị đặt trưng.

Bánh  được nấu bằng cách dùng lá cẩm để lấy nước xào với nếp dẻo, nước cốt dừa và dùng thịt, trứng vịt muối làm nhân.

Để có những đòn bánh tét như ý, khâu nào cũng quan trọng. Đầu tiên là nếp,nếp được dùng để làm bánh tét này phải là nếp ngon, ngâm với nước lá cẩm để có màu tím hồng rất bắt mắt. Lá cẩm tươi luộc lên với một ít nước, sau đó ngâm trong khoảng 8 giờ mới tạo ra màu sẫm đẹp.

Hột nếp ngon, phải thử bằng cách cắn trong răng. Hễ cắn thấy hột nếp rít, dẻo, giòn và bể bấy là nếp lộn gạo. Loại nếp này khi nấu thành bánh sẽ khiến miếng ăn mất ngon, bị “chỏi” vì lẫn những hột khô cứng.

Nhân của bánh tét lá cẩm cũng là đậu xanh, có thịt, đặc biệt nhất là có thêm hột vịt muối. Sau khi gói và luộc bánh chừng 4-5 tiếng đồng hồ, bánh chín được cắt ra vừa thơm ngon vừa có màu sắc đẹp rực rỡ, tô điểm cho mâm cỗ ngày Tết

Lá chuối gói bánh không được non hoặc già quá, được lau sạch, không cần phết dầu, vì nước cốt dừa trong hột nếp khi nấu tiết ra đủ để không làm nếp dính lá khi nấu bánh chín. Xào cũng là khâu quan trọng. Nếu xào dư liều nước, bánh nhão, không ngon.

Bánh tét lá cẩm ở Cần Thơ gói dẻ, cắt thành từng khoanh không bời rời. Màu tím hồng của nếp cẩm làm nổi bật lớp nhân đậu xanh chắc nịch, thịt mỡ trong veo và trứng muối vàng ươm. Khi thưởng thức, miếng nếp thơm và béo quyện trong miếng thịt mềm như có thể tan chảy cùng vị đậu xanh, trứng muối mặn mặn bùi bùi… khiến bất cứ ai thử qua cũng không thể cưỡng lại vị thơm ngon đậm đà của bánh.

Bánh tét lá cẩm Cần Thơ – ghi dấu khá đậm nét trong nền ẩm thực miền Tây Nam Bộ nói chung

Dưa cải – món quê mà không quê

[vanhoamientay.com] Bước qua tháng 8 âm lịch bắt đầu có cá linh non, cá sặt non từ đầu nguồn xuống, một bữa cơm chiều với món cá kho lạt thì không thể nào thiếu món ăn kèm là dưa cải, dưa cải chấm cá kho lạt, chỉ nhắc tới thôi là tự dưng thấy thèm.

Hầu như loại rau củ quả nào cũng có thể làm dưa chua được, nhưng với dưa cải thì không món nào qua.

Cải dùng làm dưa là giống cải tùa xại,người ta còn gọi là cải xại (xại cũng có nghĩa là cải),  cải này có vị cay nồng hơn các loại cải khác. Nó chỉ dùng cho việc làm dưa! Cải tùa xại rất dễ trồng, có thể gieo hột trồng trực tiếp hoặc gieo hột trên liếp ương và bầu.

Cải tùa xại trồng trên đất rẫy, mọc thành từng bụi giống như cây cải xanh, nhưng cọng cải tùa xai tròn, to và cứng hơn nhiều. Cây tốt có thể có chiều dài 6-7 tấc, cọng cải tròn lớn bằng ngón tay cái.

Cải này có đặc điểm cứng cọng nhưng nấu vừa chín tới ăn vẫn ngọt và mềm chớ không cứng, không dai, ăn không hết thì để thêm chút muối hâm đi hâm lại nhiều lần cọng cải vẫn ngon như lúc mới nấu, không bị nhũn hay rã ra như các loại cải khác.

Mẹ tôi từng chia sẻ bí quyết làm dưa cải ngon với bà con trong xóm:

Cải nhổ lên phải lúc có nắng cho héo để chuyên chở không bị giập gãy bẹ, trước khi làm dưa phải trụng cải bằng nước sôi cho vừa ngả màu xanh của cải, rồi đem rửa sạch từng bẹ từng cây.

Rửa xong vắt cho khô ráo nước xếp vô khạp, xếp cho đầy khạp, càng dẽ dặt càng tốt, xong đậy lá chuối gài lại cho chắc, không cho nổi lên. Trong khi đó nước lóng phèn cho thật trong nêm chút muối và cho bột nghệ vào (bột nghệ làm cho cây cải vàng và thơm) rồi đổ vô khạp dưa cải.

Qua 4 đêm là cải bắt đầu chua có thể dùng được. Dưa cải rất dễ làm, nhưng cũng rất khó làm sao cho dưa cải vừa ăn, cọng cải vàng và thơm thấy thèm.

Khâu rửa cải phải thật sạch, không còn bợn để cho dưa cải có nước vàng óng ánh. Muốn cho cải chua, giòn không phải dễ, khi nhổ cải không quá già, không quá non, khi trụng cải không quá chín, ít nhất phải có trải qua kinh nghiệm nhiều lần mới làm ngon được.

Do vậy, dưa cải của mẹ tôi làm ngon có tiếng trong xóm, ra chợ ai dùng qua cũng khen đáo để. Món dưa cải đã có lâu đời trong dân dã, người ở nông thôn, thành thị ai cũng ưa thích vì nó có mùi vị chua chua, nồng nồng rất ấn tượng lại kích thích vị giác.

Dưa cải còn được chế biến nhiều món ăn như: bao tử xào dưa cải, giò heo hầm dưa cải, thịt sườn kho dưa cải,… Trong bữa ăn, vị chua chua làm tăng kích thích khẩu vị và giúp thức ăn dễ tiêu hóa. Là món dân dã nhưng nay dưa cải có mặt trong thực đơn của nhà hàng cao cấp góp phần cho ẩm thực Việt đa dạng và phong phú.

Mỗi lần lên mâm cơm, thấy dĩa dưa cải xắt ra trộn với đường, bột ngọt có tỏi ớt phất mùi chua chua là tôi nhớ đến mẹ tha thiết. Nhớ người mẹ quê đã một thời vất vả luôn chế biến những món đơn sơ đạm bạc thành những món ăn hương vị ngon ngọt, đậm đà chứa đầy.

Theo VinhLongOnline

Làng hoa kiểng Sa Đéc

[vanhoamientay.com]Làng hoa kiểng Sa Đéc – một trong những trung tâm hoa kiểng của miền Nam, nằm trên địa phận xã Tân Quy Đông, thị xã Sa Đéc, rộng khoảng 60 ha, với 600 hộ – 3.600 lao động chuyên trồng hoa và cây cảnh.

Khi cánh én bay về báo hiệu mùa xuân đã đến, cũng là lúc Làng hoa kiểng Sa Đéc vào hội. Từng đoàn tàu, xe tấp nập đổ về. Đủ các loài hoa, kiểng khoe sắc hối hả theo nhau chảy về TP Hồ Chí Minh và các tỉnh bạn để khoe sắc, khoe màu trong những ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Đến với làng hoa Sa Đéc bên bờ sông Tiền quanh năm lộng gió, màu mỡ phù sa, ngập tràn ánh nắng, là xứ sở của hàng trăm loài “kỳ hoa dị thảo”.

Du khách có thể thấy ở đây các loại cây kiểng quí hiếm, tuổi thọ hàng trăm năm. Có những loại cây rất bình dị gần gũi với đời sống người lao động như: khế, cau, bùm sụm, sung, si, mai… qua bàn tay khéo léo, cần mẫn, tài hoa, với tâm hồn nghệ sĩ của các nghệ nhân đã trở thành những cây kiểng quí, có hình dáng đẹp, lạ.

Ở làng hoa này – ngôi làng có 4 mùa xuân, dù bất cứ tháng nào trong năm bạn cũng được ngắm thỏa thích cả một rừng hoa với đủ màu sắc, hương thơm. Đặc biệt nơi đây còn lưu giữ được khoảng 50 giống hoa hồng: hồng nhung đỏ thắm, mượt mà; hồng tím sen; hồng phấn; hồng gạch tôm, hồng gạch tôm đậm; hồng trong đỏ ngoài vàng; hồng phớt; hồng cam; hồng trắng; hồng vàng hột gà…

Hoa kiểng không chỉ cho màu sắc, hưng thơm mà còn dùng để trang trí nội thất, tạo cảnh quan cho công viên, cơ quan, công sở, công trình văn hoá, nhà ở. Ngoài ra một số loài có dược tính dùng để chữa bệnh. Làng hoa kiểng Sa Đéc, một trong những điểm du lịch hấp dẫn, chắc chắn sẽ làm thoả lòng du khách khi đến với tỉnh Đồng Tháp sen hồng.

Theo Báo Đồng Tháp

Về Tri Tôn thăm đồi Tà Pạ

Nằm ở ngay trung tâm huyện Tri Tôn, An Giang, Núi Tà Pạ hay gọi là đồi Tà Pạ có vẻ đẹp như một bức tranh thủy mạc, quyến rũ biết bao du khách trong và ngoài nước.

Về Tri Tôn thăm đồi Tà Pạ

Đồi Tà Pạ thuộc xã Núi Tô, cách Tri Tôn khoảng 1km, là một trong bảy ngọn núi tạo nên địa danh “Thất Sơn” huyền bí. Đồi Tà Pạ có độ cao trên 120m so với mực nước biển, nhưng do sau một thời gian dài khai thác đá, đồi chỉ còn lại độ cao khiêm tốn là 45m.

Từ chợ Tri Tôn đi hết đường Nguyễn Trãi theo hướng về Khu du lịch đồi Tức Dụp, bạn sẽ đến chùa Tà Pạ, người dân hay gọi là chùa Núi hay chùa Chưn Num (theo tiếng Khmer). Cổng chùa được xây dựng hoành tráng với đôi cột đá, phía trên có tượng thần Bốn Mặt.

Chùa Núi hay chùa Chưn Num (theo tiếng Khmer).

Từ cổng chùa đi khoảng 400m là sẽ lên tơí đỉnh đôì Tà Pạ. Đồi Tà Pạ mang vẻ đẹp hoang sơ với những vách đá cao như bức tường thành cùng nhiều vạch ngang, vạch dọc, nhiều cột đá cao lêu nghêu, nham nhở, những tảng đá đỏ quạch màu gan gà, những bức tường đá góc cạnh như có ai đẽo gọt thành những hình thù kỳ quái.

Trên đỉnh đồi hoang sơ này có một hố sâu 7m lúc nào cũng có nước xanh màu ngọc bích, gọi là hồ Tà Pạ. Hồ xuất hiện cách đây khoảng gần 10 năm, là dấu vết còn sót lại của quá trình khai thác đá. Dù chỉ là vô tình được tạo ra nhưng đã trở thành một cảnh quan hấp dẫn, thu hút rất nhiều du khách.

Hồ được bao bọc bởi những vách đá sừng sững  từ trên nhìn xuống nước trong vắt đến tận đáy, những chỗ có độ sâu lớn thì nước có màu xanh thẫm. những chỗ cạn hơn thì có màu xanh nhạt, nhưng có chỗ màu đen, màu cam sẫm hay màu vàng nhạt. Những màu sắc đó cũng là do những tảng đá bên dưới góp phần tạo nên. Khi trời trong xanh nước hồ hiện lên một màu ngọc bích, phẳng lỳ như một mặt gương. Chính vì thế hồ Tà Pạ xinh đẹp như một bức tranh thủy mạc.

Hồ Tà Pạ

Đồi Tà Pạ giống như một bức tranh “sơn thủy hữu tình”, đẹp quyến rũ lòng người đến từng góc cạnh. Nơi đây còn có không khí trong lành, môi trường sạch đẹp, du khách đến đây còn cảm nhận được sự hoang dã và trù phú của vùng đất này, sự cổ kính và uy nghiêm của ngôi chùa trên núi của Phật giáo dòng Nam tông Khmer, sự mến khách của người dân bản địa…

Đến với An Giang bạn không chỉ đến với hồ Tà Pạ mà sự kết hợp với núi Cô Tô sẽ làm bạn có chuyến đi thêm phần thú vị. Từ trên núi nhìn xuống thung lũng cánh đồng thung lũng Tà Pạ hiện lên rất đẹp. Đặc biệt trong mùa lúa chín, màu vàng của lúa trải bạt ngàn xa ngút tầm mắt trên đó có tô điểm những cây dầu tạo nên sự kết hợp hài hòa, quyến rũ.

Đồi Tà Pạ

Đồi Tà Pạ vì thế có sức thu hút mạnh mẽ đối với “dân phượt”, những tay săn ảnh trong và ngoài nước. Đây cũng là địa điểm nghỉ ngơi vào dịp cuối tuần, ngày lễ; là nơi hẹn hò lý tưởng, nơi chụp hình cưới tuyệt đẹp của những đôi vợ chồng nguyện gắn bó trăm năm…

Thành công Sao chép đường dẫn thành công !!