Có thể bạn quan tâm

Di Tích Chùa Trà Tim

Từ trên không nhìn xuống, di tích chùa Trà Tim và sân bay Sóc Trăng như cùng nằm trên một chiếc tàu thủy khổng lồ, mà ngôi chùa nằm án ngữ ở phía mũi tàu (từ hướng Bạc Liêu), còn sân bay nằm ở phía sau.

Chùa Trà Tim đã được khởi dựng cách nay gần 500 năm trên một vùng đất cát giồng cao ráo, tọa lạc trên khuôn viên rộng 38.631m2 với hàng trăm gốc sao, dầu cổ thụ và có một vòng rào bao quanh ngăn cách với bên ngoài.

Sau nhiều lần trùng tu, ngôi chùa được nâng cấp khang trang. Cổng chùa nhìn sang hướng Đông với kiến trúc bằng bê tông, vòm cổng là một khối hình 03 ngọn tháp với hoa văn đắp nổi, chân cổng có tượng hai con rồng 07 đầu hai bên mà phần thân rồng được kéo dài vào trong thành hai bờ lan can, trên có mái che cho khách ngồi nghỉ mát.

Từ cổng, một con đường láng xi măng rộng 4m đi thẳng vào chùa lần lượt qua các công trình chính điện, nhà hội (sà la), trường Pali, tháp cốt, nhà thiêu đều mang đậm phong cách họa tiết của Khmer Nam bộ… Chính điện là nơi phụng thờ Đức Phật Thích ca nên bao giờ cũng là công trình đồ sộ nhất, giữ vị trí trung tâm trong tổng thể ngôi chùa. Công trình vươn thẳng uy nghi trên một nền cao hơn mặt đất 2,60 m gồm có hai cửa cái quay về hướng Đông và hai cửa sau quay về hướng Tây. Nóc mái chính điện cao chừng 1,5m được nâng bằng cột tròn bê tông cao khoảng 6m, đầu cột có gắn một tượng thần mình chim có cánh, tư thế đang bay, hai tay nâng đỡ mái giúp cho công trình trông có vẻ thanh thoát, nhẹ nhàng hơn, bộ cột này cách đều vách trong tạo thành những hành lang, du khách có thể dạo quanh ngắm cảnh chùa trước khi bước vào bên trong điện thất.

Chẳng những là nơi thờ phụng, mà từ lâu chùa Trà Tim đã là cơ sở của lực lượng cách mạng trong những cuộc tiến đánh sân bay Sóc Trăng (1963, 1973). Đặc biệt, trong Cuộc tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, nơi đây còn là điểm tập hợp lực lượng bộ đội ta tiến vào thị xã Sóc Trăng, gây tổn thất nặng nề cho kẻ địch. Nhà chùa, phật tử đã nhiều lần biểu tình chống chiến dịch bắt lính đôn quân và nổi dậy chống ý định dời chùa của bọn ngụy quân ngụy quyền nhằm biến ngôi chùa thành phi trường để bọn chúng mở rộng bàn đạp tấn công đàn áp phong trào kháng chiến của quân dân ta.

Ngày nay, trong công cuộc kiến thiết xây dựng quê hương, nhà chùa mở nhiều lớp học chữ dân tộc cho con em quanh chùa, vận động bà con thực hiện phương châm tốt đời đẹp đạo, đóng góp công sức xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng, xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa. Chùa được công nhận là nơi thờ tự văn minh, được xếp vào danh lam thắng cảnh di tích văn hóa cấp tỉnh. Mỗi năm, vào các dịp lễ Chôl Chnăm Thmây, Đôlta và các lễ hội khác, ngoài bà con người Khmer còn thu hút đông đảo khách thập phương đến chiêm bái Đức Phật, tham quan cảnh chùa và vui chơi sinh hoạt văn nghệ với các tiết mục đậm đà bản sắc dân tộc.

Theo soctrang.gov.vn

Làng nghề bánh tráng Thuận Hưng Cần Thơ

[vanhoamientay.com] Làng nghề bánh tráng Thuận Hưng ( Thốt Nốt – Cần Thơ ) có hơn 300 lò làm bánh tráng đỏ lửa suốt ngày đêm mà vẫn không đủ hàng cung cấp cho các thương lái theo đơn đặt hàng. Bánh tráng Thuận Hưng giờ không còn quẩn quanh ở các tỉnh ĐBSCL mà đã có mặt và được ưa chuộng ở thị trường Campuchia.

Nghề làm bánh tráng ở đây đã có thâm niên trên 50 năm. Mới đầu chỉ có vài hộ làm bánh bán Tết. Sau đó vì bánh ngon, nhiều người biết tiếng tìm đến đặt hàng nên các lò bánh ngày càng mọc lên nhiều và phát triển mạnh trong khoảng 10 năm trở lại đây, lò bánh tập trung nhiều ở các ấp Tân Lợi 3, Tân Phú và Tân Thạnh. Nhiều gia đình khá, giàu nhờ nghề làm bánh tráng.

Bánh tráng Thuận Hưng được phân biệt theo 4 loại: bánh dịu (bánh mặn), bánh xốp (bánh lạt), bánh nem và bánh dừa. Bánh dịu là bánh để nhiều muối và giữ được lâu hơn so với bánh xốp. Bánh xốp để ít muối. Bánh nem là bánh có kích cỡ nhỏ. Bánh dừa là bánh có pha thêm nước dừa và mè. Tùy theo đơn đặt hàng, mỗi loại có thể có nhiều kích cỡ khác nhau: 3,2 tấc, 3,5 tấc, 3,8 tấc và bánh đại (hơn 3,8 tấc)..

Muốn cho bánh thơm ngon, không quá dai, không bở, để được lâu, phải chọn gạo của vùng Thốt Nốt. Khi xay gạo không được chọn loại mới thu hoạch hoặc để quá lâu ngày. Lấy gạo đó đem ngâm rồi đem xay thành bột mịn. Sau đó, lọc đi nước chua và pha bột với nước sao cho vừa, không loãng cũng không được đặc quá. Pha thêm chút muối để vị bánh đậm đà hơn. Lò tráng bánh cũng lắm công phu, gồm 3 phần liên thông, một phần để đưa củi, nhóm lửa, phần kia là chiếc nồi nước lớn có căng lớp vải mỏng bên trên để tráng bánh và phần cuối cùng là ống khói.

Lửa cho lò tráng bánh cũng phải chú ý, không được lớn, chỉ được để liu riu mà thôi. Tay tráng bánh phải nhanh, đều thì bánh mới tròn, mỏng đều mà khi lấy bánh mới không bị nát. Nghề làm bánh lại còn phải trông trời, canh cây cỏ, nhìn giọt sương để biết ngày mai nắng lớn hay âm u để tráng bánh trong đêm, rồi đem phơi bánh ngay khi nắng vừa lên. Phơi bánh, gỡ bánh cũng là một nghệ thuật. Để có chiếc bánh còn nguyên vẹn, không cong vênh, người phơi phải biết canh nắng để gỡ cho đúng lúc. Sau đó, xếp bánh thành từng chục rồi dằn cho bằng mặt trước khi giao hàng.

Loại bánh lạt để nhúng, mỗi khi tết về nhà nhà đều mua để dùng, bánh lấy ra đem nhúng nước cho ướt mà độ ướt cũng vừa phải nếu không bánh sẽ mềm sau đó ăn kèm với cá nướng, rau sống, rau củ xào… quấn lại giống như gỏi cuốn chấm với nước mấm chua chua ngọt ngọt, cảm giác thật lạ và ngon. Đây cũng là món ăn đặc trưng của người dân Nam Bộ ngày tết.

Với những thuận lợi về nguồn nguyên liệu sẵn có, lực lượng lao động dồi dào, nhiều năm kinh nghiệm trong nghề, thị trường tiêu thụ đang mở rộng…, làng nghề bánh tráng Thuận Hưng hứa hẹn nhiều tiềm năng phát triển trong thời gian tới. Vì vậy, việc xây dựng và quảng bá thương hiệu “Bánh tráng Thuận Hưng” là kỳ vọng chính đáng và cần thiết mà chính quyền và người dân Thuận Hưng cần sớm triển khai thực hiện.

Băng Tâm tổng hợp

Làng du lịch Mỹ Khánh, Cần Thơ

[vanhoamientay.com] Khi nhắc đến những địa điểm vui chơi ở Cần Thơ hầu như Làng du lịch Mỹ Khánh luôn được nhắc đến đầu tiên như một thông tin gợi ý hiển nhiên cho bất cứ du khách nào

Trong diện tích hơn 50.000m2, khu du lịch sinh thái này có đầy đủ các dịch vụ và không gian vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng cho du khách. Với dịch vụ đa dạng của mình, Làng du lịch Mỹ Khánh đón du khách tham quan du lịch Cần Thơ 30/4,2/9, tết, thậm chí là những ngày nghỉ cuối tuần khá đông. Khách đên đây không chỉ được tận hưởng một không gian làng quê Nam Bộ yên bình, tham gia các chương trình tour đa dạng từ Mỹ Khánh đến các điểm tham quan khác của Cần Thơ, mà còn có thể vui chơi giải trí với nhiều dịch vụ câu cá, thử bơi thuyền trên ao hồ, tham gia các trò chơi dân gian,..Khách còn có thể tham quan nhà cổ Nam Bộ ở đây đã hơn 100 năm tuổi, biết thêm nhiều nét đặc trưng thú vị về văn hóa và nếp sống ,cũng như kiến trúc của người Nam Bộ xưa.

Ngôi nhà ẩn sau hàng trầu cau xanh mượt và những chậu kiểng. Vuông sân trải đầy thứ nắng miền Tây ấm áp. Bước qua ngạch cửa là lọt vào không gian cổ xưa. Những hoành phi, câu đối mang tính giáo dục con cháu, những tác phẩm điêu khắc hình loan phụng trên gỗ công phu và sắc sảo chạy dọc theo cột sà. Ngôi nhà chia thành 3 phần mà trọng tâm là chiếc bàn dài. Phía bên trái là dãy tủ đựng chén, đĩa men từ thế kỉ XIX, XX và tủ dùng làm gương soi. Phía bên trái là đi văng. Hai bên đối xứng nhau bởi hai chiếc bàn tròn. Bàn bên trái dùng để tiếp khách, phía còn lại để gia đình quây quần bên mâm cơm. Mọi đồ đạc trong nhà đều bằng gỗ cây nhong, gỗ lim tuổi 100 năm. Theo thời gian, màu gỗ trở nên cũ kĩ nhưng càng tô thêm ánh bạc toả ra từ những lát ngọc trai được cẩn hình bông hoa thật tỉ mĩ và sắc nét.

Ở ngoài mái hiên, từng cơn gió mát rượi, khách có thể ra ngồi uống nước và thưởng thức những câu giọng cổ phát ra từ chiếc máy hát tuổi gần 60 năm. Nam Bộ xưa là vậy đó. Ban đêm, ngôi nhà có một căn phòng duy nhất với chiếc giường cổ để cho ai muốn ngủ lại mà thấm thía “Đêm nằm năm ở” đất Cần Thơ xứ sở Nam Bộ. Buồng được nối với gian bếp bởi tấm vách ngăn. Tất cả các vật dụng trong nhà bếp vẫn còn nguyên vẹn từ cái thau, rổ, nồi đất… Một bếp lửa đã tàn nhưng có thể làm hâm nóng tình yêu, nỗi nhớ quê hương của những du khách xa xứ…

Nếu thích khám phá và tìm hiểu các làng nghề truyền thống tiêu biểu ở đây, phía sau nhà cổ là làng nghề làm bánh tráng và nấu rượu. Đến thăm làng nghề, du khách có thể thấy một quy trình làm bánh tráng thủ công khá tỉ mỉ và sản phẩm thu được từ sự tỉ mỉ ấy là những cái bánh tráng thật ngon và có hương vị rất đặc trưng của xứ sở này.

Chương trình ban đêm cũng không kém phần hấp dẫn: chài cá về đêm, du thuyền trên sông. Con thuyền có sức chứa hơn 100 người và một đội chèo thuyền (chèo tay hoặc đò máy) sẵn sàng cho khách thưởng thức một buổi tối thanh bình của miền sông nước: hai bên bờ sông vắng lặng, đèn trong nhà dân thắp sáng, những chiếc thuyền vội vã phía xa, chỉ tiếng đàn hát trên thuyền vang rộn một khúc sông. Nhưng những tháng hè, khúc sông yên bình bỗng náo động lạ thường bởi tiếng reo mừng của những người chài lưới. Theo ông Phạm Minh Sáng, Phó giám đốc Công ty TNHH du lịch sinh thái Mỹ Khánh, loại hình này rất được du khách từ TP Hồ Chí Minh ưa chuộng. Trước khi ra nghề, họ được nhân viên của công ty du lịch chỉ dẫn cách quăng lưới. Không gì thích thú cho bằng khi nghe tôm, cá, tép… vùng vẫy trong lưới. Rồi bên bếp than hồng, khách tự tay nướng và thưởng thức chúng một cách nóng hổi, thơm tho.

Màn đêm buông xuống, khách quay về trong căn nhà bằng chất liệu xi măng được sơn giả gỗ, du khách còn nghe tiếng nước uà vào mạn thuyền, chập chờn bóng áo bà ba của những cô nhân viên phục vụ như muốn nói lời tạm biệt và hẹn gặp lại.

Băng Tâm tổng hợp

Cách đòi nợ của bác sĩ

[vanhoamientay.com] Cách đòi nợ của bác sĩ như thế này thì không trả không được

Bác sĩ vừa khám xong cho một bệnh nhân, cô y tá thắc mắc:

– Tại sao ông bắt anh ta kiêng nhiều thứ thế, chỉ được ăn rau thôi à?

– Uhm! Chính xác là như thế.

– Nhưng tôi thấy bệnh anh ta đâu có liên quan gì đến việc ăn uống.

– Cô không biết đó thôi. Hắn đang nợ tôi một khoản tiền, để hắn ăn tiêu thoải mái thì bao giờ mới trả được?!

st

Làng nghề chằm nón lá Cần Thơ

Ngoài vẻ đẹp trù phú mà thiên nhiên ban tặng, Cần Thơ còn là nơi được mọi người biết đến bởi sự đa dạng phong phú về các làng nghề truyền thống được lưu truyền từ nhiều thế hệ. Một trong những làng nghề đó là Làng nghề chằm nón lá…

Làng nghề chằm nón lá ở ấp Thới Tân A không ai nhớ rõ xuất hiện từ năm nào và tổ nghề là ai. Tuy nhiên, theo những người làm nghề lớn tuổi ở đây cho biết, nghề này có khoảng trên 70 năm, hiện nay đã thành lập được Nghiệp đoàn chằm nón lá với trên 36 hộ sống với nghề.

Cần Thơ hay có thời còn được gọi là Tây Đô, nằm ở vị trí trung tâm của đồng bằng châu thổ sông Cửu Long. Trước đây biển còn phủ hết Đồng Bằng Sông Cửu Long, mãi đến cách đây 2500, nước mới rút hết và hình thành vùng châu thổ như ngày nay. Cần Thơ được khai mở và có mặt trên bản đồ Việt Nam từ năm 1739 với tên gọi Trấn Giang. Đến với Cần Thơ lênh đênh trên xuồng khám phá hệ thống kênh rạch và chiêm ngưỡng cảnh đẹp nên thơ, bình dị được ví như vẻ đẹp thướt tha, đằm thắm của cô gái Tây Đô. Nơi đây không những mang nét trù phú của những làng xóm nép mình dưới rặng dừa mà còn mang dáng dấp xa hoa, lộng lẫy của đô hội sầm uất, chẳng thế mà ở đây lại nổi danh với câu ca: “Cần Thơ có bến Ninh Kiều Có dòng sông đẹp với nhiều giai nhân”.

Ngoài vẻ đẹp trù phú mà thiên nhiên ban tặng, Cần Thơ còn là nơi được mọi người biết đến bởi sự đa dạng phong phú về các làng nghề truyền thống được lưu truyền từ nhiều thế hệ. Một trong những làng nghề đó là Làng nghề chằm nón lá… Nghề chằm nón lá ở ấp Thới Tân A không ai nhớ rõ xuất hiện từ năm nào và tổ nghề là ai.

Tuy nhiên, theo những người làm nghề lớn tuổi ở đây cho biết, nghề này có khoảng trên 70 năm, hiện nay đã thành lập được Nghiệp đoàn chằm nón lá với trên 36 hộ sống với nghề. Gia đình bà Diện đã 3 đời theo nghề chằm nón. Khác với miền Trung làm nón Bài thơ bằng lá buông và dây thao, người dân ở ấp Thới Tân A cũng như các vùng khác ở Nam bộ chọn loại lá mật cật và cây trúc làm nguyên liệu chính để làm nón. Lá mật cật là lọai cây có lá xòe rộng như lá cọ, mọc nhiều ở Tây Ninh, Phú Quốc, Cà Mau,…Thân cây nhỏ và thấp, mọc thành từng đám hoặc bụi, hai bên cọng của tàu lá đầy gai nhọn. Mỗi cây mật cật chỉ có 01 lá non và được người ta chọn để làm nón. Muốn làm nón đòi hỏi người thợ phải có cái khung chằm hình chóp có kích thước bằng chiếc nón lá mà người dân vùng này thường gọi là cái Mô được bày bán ở chợ. Vào những thập niên 80 trở về trước, nón lá được làm từ Mô có 15 vành. Sau thập niên 80, thị hiếu của người tiêu dùng thay đổi, người Nam bộ nói chung bắt đầu chuộng nón lá kiểu xứ Huế có 16 vành hay còn gọi là nón Bài thơ.

Vì lẽ đó, người thợ ở Thới Tân A cũng nhanh chóng thay đổi cách làm, họ bắt đầu sử dụng Mô nón của xứ Huế để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Vật liệu để làm ra chiếc nón lá gồm: kim may tay số 10, chỉ màu, dây gân số 04, giấy báo dùng để lót nón, nan (được làm từ trúc) và lá mật cật.Khác với cách làm nón lá ở Tây Ninh là vừa chằm vừa gác nan tre lên khuôn để làm sườn nón lá. Ở ấp Thới Tân A, người thợ sẽ kiềng vành lên khuôn (mô) nón trước rồi kế đến là kết lá. Bước kế tiếp là họ bắt đầu xoay lá trên khuôn. Công đoạn này rất quan trọng, đòi hỏi người thợ phải có kinh nghiệm mới xoay lá đều, đẹp: đầu tiên là xoay lớp lá bên trong trước, rồi đến lớp giấy báo, cuối cùng là xoay lớp lá bên ngoài. Sau khi xoay đầu nón xong, người thợ sẽ dùng một cái vành, chụp lên bên ngoài khuôn nón để giữ cho lá nằm cố định, giúp người thợ chằm được dễ dàng. Tiếp đến là thao tác chằm nón, công đoạn này tương đối dễ so với các công đoạn khác khi làm nón. Chỉ cần mũi kim đều, khoảng cách giữa các mũi kim vừa phải, không xa quá là đã đạt yêu cầu. Cuối cùng là nức vành, đây là công đoạn khá quan trọng, người thợ sẽ vót 01 cọng nan có thân dẹp gọi là cây tiến, cặp vào vành nón số 16 để khi nức, vành nón được tròn và chắc chắn, nón sử dụng được lâu bền. Ngoài ra, người thợ còn trang trí bên trong của chóp nón bằng chỉ thêu màu đỏ, xanh, hồng,… hình ngôi sao hay hình cái bông để tăng thêm nét đẹp cho sản phẩm của mình.

Được biết giá một kg lá mật cật trên thị trường hiện nay giao động từ 80.000 đồng đến 90.000 đồng, chằm được 20 cái nón thường. Khi thành phẩm, thương lái mua vào một cái nón lá khoảng 15.000 đồng. Nếu tính sơ, mỗi cái nón người thợ có thể thu lãi khoảng 8.000 đồng, trung bình một người, ngoài công việc chính trong ngày, có thể làm thêm được từ 2 đến 3 chiếc nón, phần nào phụ giúp được gia đình có thêm nguồn thu nhập. Sản phẩm của Nghiệp đoàn chằm nón lá ở ấp Thới Tân A chủ yếu bán ở chợ Thới Lai và một số nơi khác như ở chợ Vĩnh Thuận, Vĩnh Tuy … Mặc dù nghề chằm nón lá ở đây không mang lại sự giàu có cho các hộ gia đình nhưng nhờ có đầu ra nên đã tạo được nguồn thu nhập ổn định cho người dân địa phương và đặc biệt cũng thu hút sự chú ý của Du khách từ mọi miền về thăm làng nghề truyền thống này!

Theo Canthotourist

Đọt choại luộc, món ăn mùi nhớ

[vanhoamientay.com] Đọt choại có thể xem là một món ăn mang đậm chất khẩn hoang của thời cha ông ta đi mở cõi, loại rau sạch có vị thơm, ngọt nhẹ đặc trưng, nhơn nhớt

Nghe 2 từ đọt choại (còn gọi chại, chạy), kỷ niệm trong tôi chợt hiện về. Có thể nói cây choại gắn chặt với ký ức tuổi thơ tôi. Choại là loại dây leo, thường mọc hoang nơi bưng biền, nhiều nhất ở Cà Mau, Hậu Giang, Rạch Giá…. Thân cây rất dài (đến khoảng 20 mét), có nhiều rễ bám chặt vào thân các loại cây khác (nhất là cây tràm) để sống. Lá kép hình lông chim có chiều dài gần cả mét. Lá non màu nâu pha lẫn xanh dợt, và trên đầu lá non uốn cong, thoạt nhìn ta liên tưởng đến hình con cuốn chiếu cuộn mình.

Đây là một loại rau sạch có vị thơm, ngọt nhẹ đặc trưng, nhơn nhớt và được các bà nội trợ miệt vườn khéo tay chế biến thành những món ăn ngon như: đọt choại nấu canh chua cá rô đồng, canh chua lươn với bông điên điển, nhúng lẩu, xào tép, ăn sống (hoặc luộc) chấm nước mắm cá chiên thật “bá phát”!!…

Đọt choại non không những được ưa chuộng để chế biến các thức ăn, mà dây choại già cũng lắm hữu dụng. Tôi vẫn nhớ như in – trước khi lũ về trắng xóa cánh đồng – để chuẩn bị đồ nghề đánh bắt cá, ba tôi thường vào rừng chặt những dây choại già, bó từng bó phơi khô sau đó bện đăng, đó, lợp…, và làm dây buộc cột, kèo nhà tránh giông bão rất bền chắc, vì dây choại khi ngấm nước rất dẻo. Sau này, dây choại già còn được thêm công dụng làm đồ thủ công mỹ nghệ nữa.

Những năm tháng chiến tranh, quê tôi nằm trong vùng bị địch tạm chiếm. Gia đình ba má tôi quyết bám trụ, không chịu di tản. Lúc bấy giờ, cuộc sống gia đình rất khó khăn, mỗi khi ra đồng kiếm thức ăn rất ngại vì sợ cảnh bom rơi đạn lạc. Vì thế, quanh đi ngoảnh lại chỉ có rau, củ quanh nhà. Và, món ăn được má tôi chế biến thường xuyên trong những bữa cơm, đó là: đọt choại luộc chấm nước mắm kho quẹt (hoặc nước mắm tỏi ớt), hay đọt choại sống ăn kèm với cá hủn hỉn kho quẹt.

Tuy đạm bạc như thế nhưng nồi cơm lúc nào cũng được vét sạch, và phần cơm cháy khét còn lại dưới đáy nồi, anh em chúng tôi dùng đũa bếp cạy lên và chia nhau mỗi người một miếng ăn với nước mắm kho quẹt hay đường thẻ (loại đường mía màu vàng, đổ khuôn có hình chữ nhật), và được xem như là món “quà vặt” tráng miệng.

Hôm nay, tôi đang ngồi trong quán sang trọng, ấm cúng với người bạn thân, trước những món ăn dân dã được biến tấu ít nhiều. Dĩa đọt choại luộc giòn, xanh mướt (tuy cũng có những cọng già, chắc do chủ tiếc rẻ vì hàng hiếm), trông khá bắt mắt, khác với dĩa đọt choại luộc nơi quê nhà xanh màu cỏ úa, mềm nhũn vì luộc quá lửa. Chắc là đầu bếp đã dùng bí quyết, bỏ vào nồi nước sôi một ít muối trước khi luộc chín, và sau đó phủ một lớp dầu ăn lên cho bóng mượt.

Còn dĩa cơm cháy thì trông rất hấp dẫn, đồng nhất một màu vàng ruộm, cắt đôi hình bán nguyệt, giòn thơm, béo ngậy vì được chiên trên chảo mỡ, khác với miếng cơm cháy khét, khô cứng, có vị đăng đắng xưa kia. Món nước mắm kho quẹt cũng là nước mắm nhỉ Phú Quốc, thơm ngon, có màu cánh gián, sền sệt, không giống nhiều với mùi vị nước mắm đồng mặn quéo kết hợp tinh túy từ thịt của con cá sặt, cá rô, cá linh… với hạt muối quê nhà. Không những thế, quán còn “vẽ duyên” thêm đường, tóp mỡ, hành, cùng một trái ớt sừng chín đỏ.

Thử bẻ một miếng cơm cháy, quẹt một chút nước mắm kho quẹt đưa vào miệng nhai giòn tan, thêm vào cọng đọt choại luộc có vị thơm thoảng, nhơn nhớt để trung hòa vị ngọt mặn của nước mắm. Tất cả quyện thấm vào vị giác, len xuống tận cổ! Chạnh lòng, nhớ về miền quê nghèo da diết, nơi đó có ba má và những người nông dân lam lũ cần cù…

Theo Ấp Bắc

Cây lộc vừng – từ quê ra phố

Tuổi thơ tôi trải dài theo những nhánh sông quê, trải dài theo những cây lộc vừng mộc hoang bên triền đê lộng gió, thời đó tôi chẳng biết cây lộc vừng có tên đẹp thế. Tụi nhỏ xóm tôi vẫn gọi cái tên thân quen là cây Chiếc

Cây lộc vừng – từ quê ra phố

Tôi vẫn tự hỏi tại sao loại cây mọc hoang mà có hoa đẹp kiêu kỳ đến vậy, cánh hoa trắng tinh khôi, nở thành chùm.

Nhớ khi xưa, vào độ tháng 2 âm lịch, khi cây lộc vừng bung nở lá non, người dân quê tôi vẫn hái ăn kèm với cá kho, hay gói bánh xèo, vị chan chát của lá làm bữa ăn thêm lạ miệng, lá lộc vừng non có màu tím, bóng và mọng nước. Cũng nhờ thế, nơi đồng quê xa xôi, thức ăn thiếu thốn, những người lao động có thêm sức sau những bữa cơm ngon với rau rừng.

Hoa cây lộc vừng

Cũng có những món ăn được chế biến cầu kỳ hơn, lá lộc vừng non làm gỏi trộn với chanh, đậu phộng . Vì lá non có vị hơi chát nên mỗi khi lộc vừng ra lá, trở thành cái cớ để các mẹ đổ bánh xèo, làm làm món ngon ăn cùng lá.

Lộc vừng có hai loại, hoa màu trắng và hoa màu đỏ, loại cây có hoa màu trắng có hoa to hơn. Tuy nhiêu, loại hoa nào cũng có vẻ đẹp kiêu kỳ đáng tự hào của chúng.

Cây lộc vừng – từ quê ra phố

Bây giờ khi đời sống phát triển hơn, người ta vẫn dần ít ăn dần loại lá ngon một thời này. Không cần ra tận đồng xa hay lên rừng nữa, từ thành phố đến nông thôn có thể đâu đâu ta cũng thấy cây lộc vừng đứng trong sân nhà như một biểu tượng của sự mai mắn, sung túc.

Cây lộc vừng – từ quê ra phố

Tuy bị “thuần dưỡng” nhưng đến mùa lộc vừng vẫn thay lá, vẫn cho những đọt non. Nhìn lộc vừng trổ lá non, tôi nhớ về một thời tuổi nhỏ từng băng đồng chăn bò, làm đồng; nhớ về những bữa cơm giữa đồng lúc trời nắng chang chang hay mưa như trút, chỉ có cơm nguội muối vừng và lá cây lộc vừng non; nhớ mẹ tôi với dáng vóc lưng còng, nắm lá lộc vừng trên tay loay hoay chuẩn bị bữa ăn và miệng cứ khen ngon tấm tắc…

Quảng cáo

Thành công Sao chép đường dẫn thành công !!