Có thể bạn quan tâm

Làng hoa kiểng Cái Mơn

[vanhoamientay.com] Không khí rộn ràng những ngày giáp xuân, cùng cảnh sắc thiên nhiên độc đáo của làng hoa kiểng Cái Mơn sẽ đem cho bạn những trải nghiệm khó quên.

Về đây, bạn như ôm trọn cả không gian văn hoá “miệt vườn” với những dấu xưa miền “Nam kỳ lục tỉnh” (hay “lục tỉnh”) từng được tái hiện trong các tác phẩm của nhà văn Hồ Biểu Chánh, với nếp nhà lá thân thương, chiếc xuồng ba lá xuôi ngược trên sông nước, mùi khói đốt đồng và câu hò xao xác trời chiều…

Làng hoa kiểng Cái Mơn ( thuộc xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, Bến Tre), quê hương Trương Vĩnh Ký, nơi từ lâu không chỉ nổi tiếng  cây lành, trái ngọt mà còn hoa kiểng. Nhiều người vươn lên thành tỉ phú với vỏn vẹn 2 công đất nhờ cây giống, hoa kiểng. Nhà nhà nối nhau làm hoa kiểng.

Tết, không gì thú vị bằng những ngày trước Tết, nhất là ở miền quê – nơi còn lưu giữ phong vị văn hóa cổ truyền đậm nét. Đây chính là lúc những đứa con xa quê hương đến tận nhà dân xem gói, nấu bánh tét và thử các món ăn ngày Tết đậm chất dân dã của người địa phương.

Trong khung cảnh làng quê Nam bộ thanh bình, cả gia đình ngồi quây quần bên những chiếc nong, nia đựng đầy gạo, thịt và lá chuối xanh cùng làn khói bếp từ nồi bánh tét bốc lên mang theo cả tâm trạng nao nao với hình ảnh báo hiệu Tết đã đến gần.

Du khách cũng có đi sâu trong miệt vườn ở vùng đất phương Nam để ngắm những loài hoa chân phương như cúc, dã yến thảo, lan, huệ, hồng tỷ muội… ở làng hoa Sa Đéc, Gò Công, làng hoa kiểng Cái Mơn (Chợ Lách, Bến Tre) hay thăm vườn kiểng của nghệ nhân Năm Công – nghệ sĩ xứ miệt vườn đã sáng tạo nên những mẫu kiểng từng được đưa vào công viên Gardens by the Bay và công viên Bách Thảo Singapore…

Từ 20 tháng chạp cũng là lúc các phiên chợ nổi ở Cái Bè (Tiền Giang), Cái Răng (Cần Thơ)… bước vào mùa hội nhộn nhịp nhất trong năm. Nơi đây biến thành chợ đầu mối quy tụ mọi sản vật, hoa trái của cả vùng đồng bằng châu thổ trù phú Cửu Long. Đến đây vào dịp này, bạn sẽ có cơ hội chứng kiến quang cảnh buôn bán tấp nập “trên bến dưới thuyền”, không khí khẩn trương vận chuyển hàng hóa mang Tết đi khắp nơi, tiếng gọi bạn í ới làm xao động cả khúc sông quê.

Xứ sở miền “lục tỉnh” còn ban tặng cho con người nhiều sản vật thơm ngọt, mát lành. Chuyến du ngoạn miền Tây trước Tết của bạn sẽ đong đầy cảm xúc với quà mang về là những trái vú sữa, quýt hồng Lai Vung mơn mởn sắc vàng cam, mứt dừa Bến Tre hay các món khô Châu Đốc…

Băng Tâm tổng hợp

Con đường khởi nghiệp của vua bánh Pía

[vanhoamientay.com] Ông chủ của Tân Huê Viên – công ty chế biến bánh pía lớn nhất Sóc Trăng, xuất thân từ phận làm thuê, khởi nghiệp làm bánh lạ đời chỉ với…con dao và một tấm nhôm, nhưng sau hơn 10 năm đã trở thành “vua bánh pía” của vùng đất miền Tây Nam Bộ.

Quả là hình ảnh ấn tượng, bởi bánh pía lâu nay vốn chỉ được xem như một loại sản phẩm địa phương thông thường, nhưng nay nó đã được một doanh nghiệp nâng tầm, đưa mức tiêu thụ lên vài trăm tấn mỗi năm, được vận chuyển đi khắp cả nước, kể cả xuất khẩu.

Ấn tượng hơn, đây không phải lần đầu Giám đốc trực tiếp xuống làm cùng công nhân, mà đã gần 20 năm nay, hầu như mỗi ngày Thái Tuấn đều làm việc dưới xưởng tới gần 1 giờ sáng.

Anh Thái Tuấn sinh năm 1968 trong một gia đình nghèo ở thành phố Sóc Trăng. Năm 12 tuổi, Tuấn đã phải nghỉ học, lăn lộn vào đời kiếm tiền phụ giúp gia đình bằng nghề sửa xe.

Hết sửa xe, Tuấn xin vào làm không công cho một cơ sở sản xuất bánh pía ở Vũng Thơm (xã Phú Tâm, huyện Châu Thành, Sóc Trăng), cách nhà vài chục cây số. Làm ở đây, Tuấn chỉ được chủ nuôi cơm hằng ngày chứ không được trả lương như những người thợ khác vì lúc đó Tuấn chỉ mới 14 tuổi.

Miệt mài làm việc nhưng Tuấn không nguôi trăn trở: “Mình phải làm gì để có thể đổi đời?”. Để tìm ra câu trả lời, Tuấn chăm chỉ vừa làm vừa học.

Một năm sau, anh được chủ giao cho việc trộn nhân bánh. Công việc vất vả, phải làm quần quật suốt ngày đêm, lương lại không cao nhưng Tuấn không nản chí.

Nhiều đêm nằm vắt tay lên trán suy nghĩ: “Người ta làm được thì mình cũng làm được, phải thử mới biết…”. Và Tuấn âm thầm thực hiện giấc mơ đổi đời bằng việc làm hết sức táo bạo: Mua một tấm nhôm, một con dao để… mở lò sản xuất bánh.

Ước mơ đã có, nghị lực cũng thừa nhưng lại thiếu vốn. Khi người anh trai lập gia đình, Tuấn “đánh liều” hỏi mượn anh toàn bộ số tiền mừng đám cưới làm vốn mua: bột, đường, đậu… để sản xuất bánh. Thương em, người anh đồng ý để Tuấn thực hiện ước mơ của mình.

Theo Doanhnhansaigon

10 món ăn hấp dẫn ở quê hương công tử Bạc Liêu

[vanhoamientay.com] Nếu bạn có dịp ghé thăm quê hương công tử Bạc Liêu, một vùng đất sông nước mênh mông và tươi đẹp  thì đừng nên bỏ lỡ những món ăn này nhé, bánh tằm, bún bò cay hay lẩu mắm…

Bạc Liêu không chỉ nổi tiếng với chàng công tử đốt tiền để “tán” gái, sân chim rộng lớn hay nhà cổ Tòa tham biện, vùng đất thuộc Đồng bằng sông Cửu Long này còn sở hữu nền ẩm thực phong phú và tươi ngon, bổ dưỡng. Nhiều du khách khi đến đây đều say mê khám phá.

  1. Lẩu Mắm

Nơi đây, người dân thường chế biến món lẩu này từ mắm cá sặc cùng nước dừa tươi, sả và tỏi phi thơm ngào ngạt. Lẩu mắm ăn kèm thịt ba chỉ, các loại cá lóc, cá ba sa… và rau cần, rau muống, mồng tơi, cải tím, ngó sen, bông so đũa, lục bình…

  1. Bánh tằm 

Là một trong những món ăn đặc trưng  miền Tây, bất kỳ du khách nào khi đặt chân tới Bạc Liêu đều nhất định muốn thử bánh tằm bì. Bánh được làm từ bột gạo khuấy chín, se thành sợi sau đó đem hấp, ăn cùng xíu mại, bì và thịt nạc luộc cắt sợi, đậu phộng rang giã nhuyễn, dưa chuột thái nhỏ, rau sống… Bánh tằm ở thị trấn Ngan Dừa là nổi tiếng nhất.

  1. Nhãn

Nhãn là một trong những đặc sản địa phương nổi tiếng, vị thanh ngọt và hương thơm quyến rũ. Nơi có nhiều nhãn ngon là những khu vườn tại xã Hiệp Thành – đây cũng là điểm du lịch thu hút khách thập phương ở Bạc Liêu.

  1. Bánh xèo

Thương hiệu được nhiều người biết đến khi tới Bạc Liêu chính là bánh xèo A Mật, nhân làm từ hành lá cắt nhỏ, những con tôm đỏ âu cùng hành tây thái mỏng, đậu xanh chín mềm và vài sợi củ sắn. Món này ăn kèm rau sống và chấm mắm ớt chua ngọt.

  1. Bún bò cay

Dù mang vị đặc trưng của miền Trung, bún bò cay lại là món ăn dân dã với những con người nơi đây. Nguyên liệu một bát bún gồm thịt bò nấu cùng sa tế, bún trắng ăn kèm rau thơm, giá. Một trong những địa điểm bán bún cò cay ngon là Phường 5.

  1. Bún nước lèo

Đến vùng đất cực nam của tổ quốc, bạn sẽ thấy bún nước lèo được bán ở khắp nơi, từ những gánh hàng rong đến các quán ăn gia truyền nổi tiếng. Nước lèo ngon phải nấu trong nồi đát để giữ vị ngọt của tôm, cá, nước dừa và dậy mùi thơm từ mắm. Bún ăn kèm bắp chuối thái mỏng, giá, húng quế… Một số nơi còn ăn thêm mực tươi, thịt lợn quay, chả giò, bánh cống…

  1. Cua, ốc mỡ, ốc len

Với lợi thế hơn 56km đường bờ biển, vùng đất trù phú này luôn nổi tiếng với nhiều loại hải sản tươi ngon, cuốn hút du khách ngay từ lần đầu đặt chân đến. Những món đặc sản mà bạn không nên bỏ lỡ là cua biển rang me, ốc mỡ xào sa tế, ốc len xào dừa…

  1. Xá pấu

Xá pấu là tên gọi của cộng đồng người Hoa cho món củ cải muối. Cách chế biến món đặc sản này cũng khá dễ: củ cải rửa sạch, cắt thành cọng nhỏ phơi khô sau đó muối với đường, ngũ vị hương, Món này ăn ngon nhất khi kết hợp cùng cháo trắng, đậu phụ rán giòn.

  1. Bồn bồn

Bạc Liêu là một trong những tỉnh có món dưa bồn bồn ngon nổi tiếng gần xa. Ngoài việc làm dưa chua, phần tươi non của cây bồn bồn còn được chế biến thành các món ăn hấp dẫn như xào tôm thịt, nấu canh, lẩu, làm gỏi…

10. Ba khía

Ba khía là một loài thuộc họ cua có càng to, đặc trưng ở vùng Nam bộ, sống tập trung chỗ nước lợ, mặn. Do có ba gạch ở trên lưng nên chúng được đặt tên Ba khía. Ngoài Ba khía luộc và muối, mắm Ba khía với hương vị cay, mặn, ngọt là một đặc sản nổi tiếng, thường ăn kèm cơm cháy giòn rụm.

Theo vnexpress

Ăn gì giống nấy

[vanhoamientay.com] Sau một thời gian dài đi làm ăn dài hạn ở phương xa anh Ba về thăm gia đình.

Vợ anh đã sinh một con trai trong khi anh vắng mặt. Anh tin tưởng thằng bé là con của anh. Nhưng khi về nhìn thấy mặt con, anh đâm hoài nghi vì gương mặt thằng bé chẳng có gì giống anh cả, nhất là màu da.

Vợ anh hết lời giải thích cho chồng. Chị nói thằng con ngoài việc bú sữa mẹ, chị có cho nó ăn thêm cacao nên nước da nó nâu nâu, không được trắng như bố nó.

Anh Ba thấy vợ nói có lý nên đỡ nghi. Hôm sau anh về kể lại chuyện này cho má ruột anh nghe.

Má anh cười:

– Vợ mày nói đúng đấy. Cũng như mày lúc nhỏ tao nuôi bằng sữa bò nên bây giờ mày mới có sừng!!!

– Đúng là ăn gì giống nấy.

st

Về Cần Giuộc thăm chùa Tôn Thạnh

[vanhoamientay.com] Chùa Tôn Thạnh là ngôi chùa cổ nhất của tỉnh Long An và ngay chính tại nơi đây nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã từng sống làm thơ, làm thầy thuốc và sáng tác bài Văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc hào hùng.

Long An là vùng đất mang đậm nét đặc trưng của vùng sông nước đồng bằng Sông Cửu Long với những cánh đồng mênh mông và vườn trái cây trĩu quả do hai con sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây bồi đắp.

 Có thể nói, Long An là một điểm đến hết sức lý tưởng của du khách bởi nơi đây có một nền văn hóa đã hình thành và phát triển rất lâu đời trên châu thổ sông Cửu Long từ thế kỉ I đến thế kỉ VI sau Công Nguyên. Đó là nền văn hóa Óc Eo của Vương quốc Phù Nam, ảnh hưởng từ tinh hoa văn hóa Ấn Độ

Chùa Tôn Thạnh tọa lạc ở tỉnh lộ 835, cách trung tâm huyện Cần Giuộc Long An khoảng 3 km, nhìn bề ngoài cũng như hầu hết những ngôi chùa bình dị khác. Tuy nhiên ít ai biết được rằng, đây chính là ngôi chùa cổ nhất của tỉnh Long An và ngay chính tại nơi đây nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã từng sống làm thơ, làm thầy thuốc và sáng tác bài Văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc hào hùng.

Chùa Tôn Thạnh gắn liền với lịch sử kháng Pháp, ban đầu có tên là Lan Nhã, được thiền sư Viên Ngộ sáng lập năm 1808.

Ngôi chùa cổ kính này nằm khuất trong rừng cây xanh tốt um tùm lối vào Chùa là một con đường trải đá dài thẳng tấp. Hai bên là hoa kiểng muôn màu. Khoảng vài trăm mét phía tay phải bạn sẽ thấy bia tưởng niệm cụ Nguyễn Đình Chiểu uy nguy.

 “ Chùa Tôn Thạnh năm canh ưng đóng lạnh, tấm lòng son gởi lại bóng trăng rằm.

Dinh Lang Sa nửa khắc đặng rửa hờn, chút phận bạc trôi theo dòng nước đổ.

Đau đớn bấy, mẹ già ngồi khóc trẻ, ngọn đèn khuya leo lét trong lều.

Não nùng thay, vợ yếu chạy tìm chồng, cơn bóng xế dật dờ trước ngõ…”

 Đi thẳng vào phía trong khu vườn có tháp 3 tầng hình lục giác cao 4,5m là nơi yên nghỉ của Tổ sư Viên Ngộ, nghe kể lại rằng, lúc đầu Chùa có cấu trúc kiểu chữ Tam. Sau nhiều lần trùng tu sửa chữa, hiện tại Chùa có kiến trúc lối chữ Đinh, diện tích 940m2 nằm trong khuôn viên rộng khoảng 33.410m2.

Trải qua bao cuộc thăng trầm của lịch sử, Chùa Tôn Thạnh ngày nay không còn nguyên vẹn cảnh “rường cột tráng lệ, vàng son huy hoàng” như xưa thay vào đó là tổng thể kiến trúc bao gồm tiền điện, chánh điện, nhà giảng, đông lang, tây lang mái lộp ngói, tường gạch. Tuy nhiên, Chùa Tôn Thạnh vẫn giữ được nét cổ xưa qua hệ thống cột kiểu tứ tượng, cỏ chánh điện, những tượng Phật có từ đầu thế kỉ XIX và các hoành phi câu đối, chữ Hán sơn son thếp vàng .

 Những ai đã đến với Chùa Tôn Thạnh thì đều có một cảm giác như trải lòng mình ra suốt chặng đường dài của lịch sử.Gần 200 năm đã trôi qua nhưng hình ảnh của nhà thơ trẻ tuổi Viên Ngộ buổi đầu một mình đứng ra khai phá rừng hoang, tạo nên cuộc sống an lành cho người dân lao động cần cù tại vùng đất Cần Giuộc, một người đã góp phần mở mang xây dựng phố chợ ngày một sung túc, giao thông ngày một thuận lợi, mãi mãi là niềm tự hào của người dân Long An, Cần Giuộc.

Đến viếng Chùa Tôn Thạnh thăm lại một danh lam của đất Gia Định xưa, thắp nén hương tưởng niệm trước bảo tháp của vị cao tăng Viên Ngộ và tưởng nhớ nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu ngày nào ở đây để viết nên những áng văn tuyệt tác, chuyến tham quan của quý khách chắc hẳn sẽ rất thú vị và bổ ích.

Theo longangov


Làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc

Đã từ lâu, hình ảnh những chiếc bánh tráng – bánh phồng ở làng nghề nổi tiếng của huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre đã khá quen thuộc với du khách gần xa, chiếc bánh mộc mạc ấy đã dâng tặng cho đời những hương vị ngọt ngào, thấm đậm tình người, tình đất, tình quê. Để khi lúc đi xa, mỗi khi ăn những chiếc bánh ấy, chúng ta sẽ cảm nhận được những niềm nhớ thương dạt dào của quê hương xứ sở.

Nồng nàn hương vị bánh tráng Mỹ Lồng

Từ thành phố Bến Tre, xuôi theo tỉnh lộ 885 qua cầu Chẹt Sậy du khách đã đến với huyện Giồng Trôm, xã Mỹ Thạnh, nơi mà có một làng nghề bánh tráng nổi tiếng bao đời nay vẫn tồn tại, giữ gìn và phát triển cho đến hôm nay để tạo ra cho đời những chiếc bánh quê mộc mạc. Vừa đến làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng, du khách sẽ bắt gặp hình ảnh dọc hai bên đường là những phên bánh tráng trải dài thẳng tắp, được hong dưới cái nắng mặt trời, trước sân nhà của những hộ dân nơi làng nghề là một màu trắng của những phên bánh tráng nối liền nhau từ nhà này sang nhà khác, sát mặt đường là những quầy hàng được bày bán với nhiều mặt hàng đặc sản khác nhau của Bến Tre để du khách lựa chọn, nhưng nhiều nhất vẫn là những chiếc bánh tráng Mỹ Lồng nổi tiếng, có cả bánh còn sống và cả bánh đã được nướng chín.

Nồng nàn hương vị bánh tráng Mỹ Lồng

Mùi thơm của bánh tỏa ra khiến người lữ khách say nhừ như cách người ta vẫn thường ví với những người say men, nhưng đó là sự say của hương thơm ngào ngạt của loại bánh mộc mạc ở xứ dừa. Ở đây, nhà nhà, bất kể người già, trẻ con, thanh niên trai tráng đều tham gia, mỗi người một công đoạn, thuần phục, lành nghề.

Người dân ở đây rất chân chất và hiếu khách, vừa ngỏ ý vào thăm thì mọi người đã vui vẻ nhận lời, trò chuyện với cô Hồng- một thợ làm bánh có trên 25 năm tuổi nghề cô cho biết: “Làng nghề truyền thống làm bánh tráng này đã có từ lâu lắm rồi, nghe ông bà xưa kể lại chắc cũng cả trăm năm tuổi, qua bao thế hệ, gia đình tôi cũng gắn bó với nghề này, nó như một phần không thể thiếu trong gia đình tôi, lớn lên thì nối nghiệp, nghề sinh nghề là vậy, làm bánh không chỉ có thêm thu nhập mà làm bánh còn là một thú vui tao nhã, gia đình tôi quyết tâm giữ gìn không cho nghề này mai một theo thời gian”.

Nồng nàn hương vị bánh tráng Mỹ Lồng

 Muốn có chiếc bánh tráng Mỹ Lồng thật ngon thì khâu chọn và pha bột rất quan trọng, và thứ bột đó mới thật sự là bí quyết làm nên tên tuổi bánh tráng Mỹ Lồng. Gạo được chọn phải là gạo thơm vừa, nở nang, không được quá khô. Các nguyên liệu khác như: Đường, muối, mè cũng được cân định lượng cho đúng, nhưng với người thợ lành nghề, chỉ cần đong bằng mắt, bằng tay là không sai li nào, nhưng bí quyết chính thống có lẽ nằm trong phần nước cốt dừa béo ngậy của xứ sở quê hương. Theo người dân ở đây thì cái khác rõ rệt nhất của bánh tráng Mỹ Lồng với bánh vùng khác là bánh được làm từ gạo dẻo và nước cốt dừa đậm đặc…

Đây là đặc sản với nhiều loại bánh tráng khác nhau như: Bánh tráng sữa trứng gà, bánh ngang chỉ có dừa không sữa, bánh tráng sữa không dừa để đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách nhưng ngon nhất là loại bánh tráng dừa vừa béo vừa xốp, đặt lên lò than hồng đã tỏa hương thơm lừng làm ngất ngây lòng người.

Nghĩa tình chiếc bánh phồng Sơn Đốc

Cũng như Mỹ Lồng, làng nghề bánh phồng Sơn Đốc cũng lấy từ tên từ một địa danh của chợ Sơn Đốc thuộc xã Hưng Nhượng, huyện Giồng Trôm, nơi mà từ lâu đã nổi danh với loại bánh phồng nếp. Lúc trước, nghề làm bánh phồng của người dân ở đây còn tự phát, nhỏ lẻ, chủ yếu làm bánh phồng để phục vụ cho các lễ cúng ông bà tổ tiên, lễ Tết, hoặc để biếu người thân, bạn bè để làm quà, một số ít đem ra chợ Sơn Đốc bán để kiếm thêm thu nhập cho gia đình chứ chưa ai nghĩ đến việc loại bánh phồng nếp này lại nổi tiểng cho tới bây giờ.

Nghĩa tình chiếc bánh phồng Sơn Đốc

Khi người ta mua loại bánh phồng nếp này về ăn thử, thấy ngon với hương vị rất lạ, vị ngọt của bánh, mùi thơm của mè, vị béo ngậy của nước cốt dừa, qua nhiều kênh thông tin khác nhau du khách các nơi mới biết ở Giồng Trôm có một loại đặc sản độc đáo như vậy, kể từ đó bánh phồng Sơn Đốc ngày càng được biết đến và vươn xa trong suốt chặng đường phát triển của làng nghề, bánh phồng Sơn Đốc đi khắp nơi trong nước kể cả nước ngoài, và tên tuổi trở thành thương hiệu hàng trăm năm nay.

Có lẽ làm bánh phồng còn cực hơn bánh tráng, bánh phồng được làm bằng loại nếp sáp, là giống nếp nổi tiếng của Bến Tre, gạo nếp đồ thành xôi rồi cho vào cối giã nhuyễn cùng với các phụ liệu khác như đường cát, nước cốt dừa…Đến làng nghề buổi sáng, chúng ta dễ dàng nhận biết nhà ai sẽ làm bánh phồng bằng cách nghe tiếng chày giã bột rộn rã. Đây cũng là công đoạn mệt nhất khi làm bánh phồng. Ngày xưa, công việc giã bột thường là công việc của đàn ông, thanh niên, hiện nay, khâu quết bánh phồng đã đỡ vất vả hơn nhờ có máy, giã xong bột sẽ chuyển sang khâu bắt bột và cán bánh.

Cũng như bánh tráng, phơi bánh phồng là cả một kỳ công. Nghề làm bánh tráng, bánh phồng luôn phải phụ thuộc vào thời tiết, ai cũng mong nắng tốt để công đoạn phơi bánh đỡ vất vả hơn, bánh sẽ ngon hơn. Bánh phồng Sơn Đốc khi nướng nở to gấp 3-4 lần so với trước khi đem nướng, bánh muốn ngon phải nướng trên bếp than hồng đỏ rực, bánh nướng chín thơm, xốp, ngon miệng. Hiện nay, ngoài loại bánh phồng nếp còn có bánh phồng mì, bánh phồng chuối để tạo nên sự đa dạng cho các loại bánh. Làm bánh tráng, bánh phồng thường thì theo mùa vụ, đặc biệt là những tháng giáp Tết Nguyên đán, người dân ở làng nghề phải thức thâu đêm. Từ năm 2007, bánh phồng Sơn Đốc được Cục sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu hàng hóa và được ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Bến Tre công nhận là làng nghề truyền thống. Đây cũng là đòn bẩy làng nghề phát triển trong tương lai.

Thưởng thức bánh phồng, du khách mới cảm nhận cái giá trị tinh thần chứa đựng trong từng chiếc bánh mộc mạc ấy của người làm bánh. Cũng như bánh tráng, bánh phồng không hẳn là đặc sản riêng của Bến Tre mà một số tỉnh khác cũng có làm bánh phồng như: Cần Thơ, An Giang, Vĩnh Long,… Nhưng bánh phồng Sơn Đốc ngon không chỉ có bí quyết riêng, có hương vị dừa độc đáo mà bánh ngon còn bởi cái tình, cái nghĩa con người cũng thể hiện trong từng chiếc bánh, và chỉ có hương quê mới làm chiếc bánh thêm phần trọn vẹn.

Nghĩa tình chiếc bánh phồng Sơn Đốc

Hàng năm, làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng và bánh phồng Sơn Đốc đóng góp hàng tỉ đồng trong GDP tỉnh, góp phần nâng cao đời sống cho người dân, giải quyết việc làm cho lực lượng lao động địa phương, chuyển dịch cơ cấu kinh tế huyện nhà, đóng góp vào sự phát triển chung của làng nghề Bến Tre nói chung, làng nghề huyện Giồng Trôm nói riêng. Hiện nay, cả hai làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng và bánh phồng Sơn Đốc đã được nhiều du khách biết đến, đặc biệt là du khách quốc tế. Các doanh nghiệp lữ hành trong tỉnh và ngoài tỉnh, trong chương trình tour du lịch Bến Tre cũng đưa du khách đến tham quan trải nghiệm nhằm giới thiệu những nét độc đáo của làng nghề.

Năm 2013, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bến Tre đã triển khai dự án “Phát triển kinh doanh cho người lao động ở nông thôn” hỗ trợ công nghệ cho người dân ở làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng và bánh phồng Sơn Đốc, nâng thời gian bảo quản bánh từ ba tháng lên sáu tháng, trang bị ống đo độ đậm đặc của bột trước khi tráng bánh, bồi dưỡng kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm, hỗ trợ vốn vay,…để đầu tư mua trang thiết bị, máy móc như: cối xay bột, máy nạo dừa, ép dừa, cối quết bánh, máy cán bánh phồng…nhằm nâng cao nâng suất lao động, tiết kiệm thời gian, cải tiến mẫu mã đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.


Về Tiền Giang du lịch cù lao Thới Sơn

[vanhoamientay.com] Cù lao Thới Sơn là điểm du lịch sinh thái miệt vườn nổi tiếng ở Tiền Giang và ĐBSCL, cách TP HCM khoảng 85 km. Về cù lao Thới Sơn bạn sẽ được đến với vùng sinh thái có nét nguyên sơ, môi trường sinh thái của miệt vườn, được trải nghiệm nhiều cảm giác mới lạ như chèo xuồng, đi xe ngựa…

Dọc theo cù lao là những vườn cây ăn trái sum suê chạy ngút ngàn, khí hậu mát mẻ dễ chịu, nhiều dãy nhà thẳng tắp bày bán đủ các mặt hàng thủ công mỹ nghệ sản xuất từ cây dừa; hàng thêu may, đan, rượu, bánh… những sản phẩm đặc thù của địa phương. Đặc biệt cu khách có thể thăm những vườn cây trái trĩu quả, trại nuôi ong, lò kẹo dừa… đặc trưng của người Nam Bộ.

Quang cảnh xanh tươi của khu du lịch, sự hấp dẫn, quyến rũ của Thới Sơn ở chỗ đến mảnh đất này, người ta sẽ quên sự ồn ào của phố phường. Miền Tây sông nước sẽ cho bạn có ngay một cảm giác thật yên bình, trong một không gian thoáng đãng bởi nét đặc trưng, với hình ảnh của sông nước trong veo, những hàng cây xanh ngát.. Du khách đến Thới Sơn, xuống đò chèo xuôi theo những con rạch ngoằn ngoèo giữa hai hàng dừa nước rậm rạp, giữa hàng thủy liễu ven sông luôn nghiêng mình ngả bóng đón chào.

Nếu muốn tản bộ, sẽ theo những con đường đá uốn lượn, băng qua những vườn cây trái xum xuê. Du khách cũng có thể ngồi trong những nhà vườn nhấm nháp tách trà mật ong thơm ngọt và lắng nghe đàn ca tài tử. Ðêm Thới Sơn thật huyền diệu với đầy trăng, gió, sóng nước mênh mang. Khách có thể đi thuyền trên sông, ngắm trăng lên, hoặc cùng bạn ngồi đối ẩm trong tiếng ca mượt mà, sâu lắng của thôn nữ.

Đến cù lao Thới Sơn, bạn được thưởng thức một loại nước uống với sự pha trộn giữa trà, rượu thuốc, phấn hoa, mật ong và tắc. Ngoài ra, những món quà mang nét đặc trưng nới đây mà bạn có thể mua về làm quà như kẹo dừa, dầu dừa, rượu rắn… Nam nữ có thể thay áo bà ba và xuống ao để tự mình có thể bắt cá.

Bạn sẽ được thả hồn vào không khí trong lành của miền Tây khi tận mắt thấy được cảnh làng quê thanh bình, hàng dừa xanh mát. Điểm thú vị nhất là ngồi trên xuồng để đến cồn Thới Sơn. Dọc theo dòng sông dài gần 2 km là những hàng dừa rợp bóng cùng hàng trăm chiếc xuồng nối tiếp nhau tạo cho bạn cảm giác thật thư thái, dễ chịu.

Sau cù lao Thới Sơn, đến cù lao Ngũ Hiệp nơi có trái sầu riêng đặc sản cũng làm du lịch. Rồi xứ vườn vú sữa Lò Rèn cũng mở cửa đón khách tham quan.

Băng Tâm tổng hợp
Thành công Sao chép đường dẫn thành công !!