Có thể bạn quan tâm

Bánh lọt xào Hà Tiên

Nếu bánh lọt mặn, bánh lọt nước cốt dừa khá gần gủi với dân Sài gòn thì bánh lọt xào là món ăn còn rất xa lạ. Bánh lọt xào có nguồn gốc từ xứ chùa tháp Campuchia du nhập vào Hà Tiên và trở thành món ăn đặc sản của vùng đất này.

Bánh lọt xào Hà Tiên

Những sợi bánh lọt ngắn, mềm dễ nuốt, được làm bằng bột gạo cùng ít bột năng. Cách làm sợi bánh lọt xào cũng giống như cách làm sợi bánh lọt nước cốt dừa.

Bột gạo khuấy đều cùng bột năng, rồi đun trên bếp để lửa nhỏ cho bột chín đặc. Sau đó, ép bột xuống khuôn bánh lọt có chậu nước lạnh để phía dưới. Sợi bánh sẽ đông lại khi gặp lạnh, sợi bánh mềm mà vẫn dai vớt ra trộn với nước màu dứa để bành lọt có màu đẹp.

Bánh lọt xào Hà Tiên

Thành phần:

  • Bánh lọt
  • Trứng
  • Màu dứa
  • Giá, hẹ
  • Tôm hoặc thịt bò
  • Đậu phộng rang, hành lá… gia vị nêm

Cách làm bánh lọt xào

Tôm tươi bóc vỏ băm nhuyễn, ướp chút gia vị. Phi thơm tỏi và xào tôm cùng với giá ngắt đuôi, hẹ cắt khúc

Tiếp đó, cho dầu vào chảo, xào bánh lọt để bánh chín vàng thơm, cho phần tôm xào giá hẹ vào và nêm lại cho vừa ăn. Cuối cùng đập hay trứng gà hoặc trứng vịt lên hỗn hợp vừa xào xong, bạn sẽ có một màu vàng ươm của trứng rất đẹp.

Xúc bánh ra đĩa, rắc một ít đậu phộng rang vàng. Bánh lọt xào dùng với tương ớt hoặc nước món chua ngọt đầu rất ngon.

Bánh lọt xào Hà Tiên

Món bánh lọt xào ăn ngon nhất khi dùng nóng. Bạn sẽ cảm nhận hết vị tươi ngon từ thịt tôm tươi, ngọt của rau hẹ, giá hay mùi thơm bùi nhờ đậu phộng… Những sợi bánh trong, mềm, dai được xào cùng với tôm, giá hẹ, trứng sẽ là món ăn chơi vô cùng hấp dẫn trong hành trình khám phá vùng đất Hà Tiên, Kiên Giang.

Ở Hà Tiên bạn có thể tìm thấy ở rất nhiều nơi như món ăn sáng hay chiều, giá 30.000 – 50.000 đồng một đĩa.

Nếu như bạn từng thưởng thức món bánh lọt xào một lần, chắc hẳn bạn sẽ không thể nào quên hương vị đặc trưng thơm ngon.

Khám phá rừng tràm U Minh Hạ

[vanhoamientay.com] Về Cà Mau, du khách ngồi trên những chiếc vỏ lãi xuôi theo dòng sông Trèm Trẹm, Cái Tàu, sông Đốc để đến khám phá rừng tràm U Minh Hạ.

Rừng tràm U Minh Hạ tiếp giáp với rừng tràm U Minh Thượng (tỉnh Kiên Giang), có tổng diện tích khoảng 35.000 ha. Trong đó, có 8.256 ha được công nhận Vườn quốc gia U Minh Hạ.

Nơi đây có Vườn Quốc gia U Minh Hạ là một trong ba vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Mũi Cà Mau có nhiệm vụ bảo tồn, tái tạo các giá trị về cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái và đa dạng sinh học của hệ sinh thái đất ngập nước đặc thù, rừng tràm trên đất than bùn; bảo tồn và phát triển nguồn gen các loài động thực vật quý, các giá trị văn hóa, tinh thần, di tích lịch sử, phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, tham quan và phát triển du lịch.

Rừng U Minh Hạ với cây tràm chiếm ưu thế tuyệt đối. Có nhiều loài động vật như nai, heo rừng, khỉ, chồn trăn, rắn, rùa, trúc (tê tê)… và có 60 loài cá nước ngọt và cá nước lợ sinh sống trú ngụ.

Đặc biệt, dưới tán rừng, quanh năm loài ong cần mẫn đi hút mật từ những nhụy bông tràm về xây tổ, hàng năm cho khai thác sản lượng lớn. Vào mùa ăn ong, du khách sẽ được theo chân những người thợ gác kèo ong của tập đoàn Phong Ngạn để vào rừng cùng ăn ong, lấy mật. Tại đây, du khách được thưởng thức món ăn ong non vừa được cắt xuống, chấm thêm tí mật của hương rừng tràm U Minh thì ngọt thanh đến thao đầu lưỡi. Quý khách có thể mua mật ong tinh khiết của rừng tràm U Minh về làm thuốc, hay làm quà biếu cho người thân.

Sau những chuyến xuyên rừng, du khách có thể xem tát đìa hay tự tay giăng lưới, câu cá, hái rau rừng, nhổ bông súng…Rồi thưởng thức nhiều món ăn đặc sản của xứ sở rừng tràm U Minh mà ít nơi nào có được như cá lóc nướng trui, cá rô đồng nấu lẩu mắm, lươn um lá nhàu, rắn hổ hành nấu cháo đậu xanh, hầm sả hay trích nướng mọi, chuột đồng chiên cùng nhiều món ăn dân dã khác.

Đến với rừng tràm U Minh Hạ, du khách được đến thăm quê hương của Bác Ba Phi. Đêm xuống, du khách có thể tham gia đờn ca tài tử, đi soi cá, đổ trúm, bắt chuột đồng hay giăng lưới chim ở miệt rừng U Minh.

Theo camaugov

Thú nhận tình vụng trộm trước khi cưới

[vanhoamientay.com] Chàng trai nói với vị hôn thê:

– Em ạ! Chỉ còn hai ngày nữa là chúng mình sẽ làm lễ thành hôn, nên anh thấy cần phải thú thực với em về một vài mối tình vụng trộm lăng nhăng của anh.

Vị hôn thê của chàng vội cười:

– Ồ! Sao anh khéo vẽ vời đến thế. Anh quên rằng anh đã kể tất cả và xin lỗi em ngày hôm kia rồi hay sao.

Chàng bèn nhăn mặt:

– Phải, anh nhớ đã kể hết cho em, thế nhưng còn chuyện đêm hôm qua nữa chứ!

st

F Band dùng khăn Piêu làm khố

[vanhoamientay.com] Việc nhóm F Band dùng khăn Piêu làm khố trong đêm bán kết X–Factor đêm 12.10 được các nhà nghiên cứu văn hóa cho là nhố nhăng, còn người Thái lên tiếng họ cần lời xin lỗi

Bán kết X – Factor – Nhân tố bí ẩn diễn ra đêm 12.10 là đêm của những tình khúc vượt thời gian hay những ca khúc mới được trình diễn.

Trong số những tiết mục đêm bán kết, F Band mang đến sân khấu sở trường mash – up các ca khúc với nhau. Đó là chuỗi các ca khúc nổi tiếng của hai nhạc sĩ Trần Tiến và Nguyễn Cường: Ngọn lửa cao nguyên, Còn yêu nhau thì về Buôn Mê Thuột, Đôi mắt Pleiku.

Ở tiết mục này, các thành viên F Band đã mặc áo của người Tây Nguyên cho phù hợp với tinh thần bài hát, nhưng điều đáng nói, là họ dùng chiếc khăn Piêu đội đầu của phụ nữ Thái Tây Bắc biến tấu thành chiếc khố đóng ở phía dưới, thay vì sử dụng một chiếc khố đúng trang phục của người Tây Nguyên.

Sự việc này khiến nhiều người thấy phản cảm, đặc biệt là những người Thái ở Tây Bắc hết sức phẫn nộ. Chị Tòng Thị Lan đã chia sẻ trên facebook nỗi bức xúc của mình: “Chúng tôi cần một lời xin lỗi!!! Khăn Piêu của người Thái không thể trở thành chiếc khố trong một chương trình truyền hình được!”.

Liên hệ với Ông Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam; giám đốc Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hoá tín ngưỡng Việt Nam, ông cho biết, chiếc ‘khố’ mà các thành viên trong nhóm nhạc đóng thực chất là chiếc khăn Piêu của phụ nữ Thái.

Không thể lai căng bằng cách dùng chiếc khăn đội đầu của dân tộc này biến thể thành chiếc khố của dân tộc khác. Tôi không hiểu họ nghĩ gì khi kết hợp như vậy?’, ông Ngô Đức Thịnh nêu quan điểm.

Câu chuyện quanh chiếc khăn Piêu mang rất nhiều ý nghĩa, không chỉ là thước đo đánh giá người phụ nữ tài hoa siêng năng hay vụng dại, lười nhác, mà chiếc khăn Piêu còn là cầu nối đời sống tình cảm của các cô gái và chàng trai người dân tộc Thái.

Đây là một lỗi sai trầm trọng về kiến thức, nếu không muốn nói là sự phản văn hóa.

Liên hệ với một nhà nghiên cứu văn hóa tên tuổi, người đã từng có nhiều năm nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam, ông bức xúc: Một kênh truyền hình quốc gia, phát sóng một chương trình cho cả nước xem lại biến tấu trang phục một cách nhố nhăng là không thể chấp nhận được.

Đạo diễn Nguyễn Anh Tuấn, người từng có nhiều năm giảng dạy ở vùng Tây Bắc, đã xem trang phục phản cảm này là ‘tối kiến’:

“Chính xác đó là chiếc khăn Piêu đội đầu của phụ nữ Thái Tây Bắc, đưa làm vật trang trí của phục trang nam Tây Nguyên là bất nhã. Hơn nữa, nam Tây Nguyên truyền thống chỉ đóng khố, không hiểu ai đã có ‘tối kiến’ như vậy”.

Về phía công ty sản xuất chương trình X Factor, bà Mai Linh, phụ trách truyền thông chương trình của Cát Tiên Sa cho biết rất bất ngờ khi nhận được ý kiến phản hồi này. Bà Mai Linh hứa sẽ có trao đổi lại với ê kíp sản xuất trước khi có trả lời chính thức báo chí.

Theo VTC News

Phụ nữ nên làm việc nhẹ nhàng

[vanhoamientay.com] Phụ nữ chỉ nên làm việc nhẹ nhàng thôi

Một ông chồng tâm sự với bạn:

– Cậu biết không, phụ nữ cần được làm những công việc nhẹ nhàng. Như vợ tớ chẳng hạn, mỗi ngày cô ấy mang trên tay không quá một kg.

– Thế cô ấy làm việc gì?

– Bán vé số!

st

Câu chuyện độc đáo về lúa ma, Đồng Tháp Mười

[vanhoamientay.com] Lúa ma hay còn gọi là lúa trời, sinh sôi phát triển rất mạnh vào mùa nước nổi. Người dân xứ Tháp Mười coi đây là tặng vật thiên nhiên quý giá ở vùng ngập nước khắc nghiệt.

Là giống lúa mọc tự nhiên hoang dã, không cần trồng trọt nên người dân gọi là lúa trời. Người dân ở đây nói rằng lúa ma rất kỳ lạ, khi chín chúng rất sợ mặt trời. Lúa chín tới, nếu không có người đập thì khi mặt trời sẽ tự nhiên rụng, nên gọi là lúa ma (theo truyền thuyết ma sợ mặt trời)

Khi mùa mưa bắt đầu, lúa sinh sôi lẫn lộn cùng cây cỏ dày đặc tại những khu vực như Gò Trâu, Gò Tre, Gò Lao Vôi… nên người không quen đi vào đây không thể phân biệt đâu là lúa, đâu là cỏ. Đến khoảng tháng 8, lúc nước lũ dâng cao, lúa ma với sức sống mãnh liệt đã bỏ lại các loài cỏ thường khác để ngoi lên. Bất kể nước dâng tới đâu, lúa cũng vượt lên khỏi mặt nước để làm đòng, trổ bông… Kéo dài tới tháng 12, lũ rút, cũng hết một đời lúa.

Thân lúa cứng cỏi, lá to, phát triển đều đặn nhờ sương gió và mưa. Bông lúa dài, cứng hơn bình thường và khi chín không “cong trái me” mà thẳng đứng theo thân cây. Hạt lúa ma cũng dài gấp rưỡi bình thường.

Lúa chín chỉ vài hạt mỗi lần và khoảng 8,9h sáng là lúa lại rụng xuống nước, nên việc thu hoạch lúa ma cũng chỉ diễn ra trước khi trời sáng.

Thu hoạch lúa ma cũng không gặt, cắt mà phải dùng cây để đập. Vì lúa mọc giữa đồng cỏ âm u, lại chín ngay mùa nước lên nên phải thu hoạch bằng xuồng. Khi đập lúa ma cần hai người ngồi trên xuồng. Dụng cụ thu hoạch lúa ma được thiết kế đặt biệt. Mgười cầm sào chống, còn người kia điều khiển cần đạp nhịp nhàng làm bông lúa chín rơi vào tấm mê bồ đặt trên thuyền. Đập từ gà gáy đến khi mặt trời ló dạng là lúa rụng đầy xuồng.

Hạt lúa ma hơi ngà nhưng là loại gạo ngon nhất trên đời. Hạt gạo chắc, nấu rất lâu chín. Một nồi cơm gạo lúa ma nấu tốn thời gian gấp ba lần nồi cơm nấu gạo bình thường. Nhưng được cái cơm rất thơm, hạt béo, ngọt lạ lùng.

Gạo lúa trời còn được người dân nơi đây ưa dùng nấu cháo đặc, dùng đũa bếp quậy nhừ, sau đó đổ vào mâm lớn trông như chiếc bánh đúc khổng lồ. Khi ăn, bạn sẽ dùng dao cắt từng miếng, dùng cùng nước đường thắng kẹo, vị rất ngon.

Đó là câu chuyện của ngày trước, giờ lúa ma trở nên rất quý hiếm, người giàu có tiền cũng không thể mua được. Đây là một nguồn lợi tự nhiên quan trọng giúp nhân dân Đồng Tháp Mười vượt qua cơn thiếu ăn để chờ mùa chính vụ. Nó còn là nguồn lương thực dự trữ đáng kể giúp bộ đội Việt Nam chống đói trong những năm tháng kháng chiến.

Có thể nói đó chỉ còn là huyền thoại , bây giờ, lúa ma chỉ có ở những nơi mà con người ít lui tới. Cả vùng Đồng Tháp Mười giờ chỉ còn thấy bóng dáng của loại lúa huyền thoại này ở VQG Tràm Chim.

Ngày nay, giống lúa AS 996 là sự kết hợp những tính năng chịu đựng ưu việt của lúa ma trong điều kiện sống khắc nghiệt nhất với giống lúa cao sản.

Trong điều kiện thời tiết ngày càng không thuận lợi thì thành công của giống lúa “mạnh” này đã mang đến nhiều tương lai cho cây lúa, mà “công đầu” thuộc về giống lúa ma kỳ ẩn chốn đồng trũng Tháp Mười.

 Băng Tâm tổng hợp

Tục thờ Thông Thiên

Tục thờ Thông Thiên là một tính ngưỡng thờ Trời phổ biến ở miền Nam nước ta. Theo tín ngưỡng dan gian, Trời được xếp trước phật trong các đối tượng được thờ, theo thứ tự “Trời – Phật – Thánh – Thần”, nên việc thờ Trời là việc đầu tiên của mỗi người, mỗi nhà.

Từ trước năm 1975, ở các vùng quê Nam Bộ, hầu như nhà nào cũng có đặt một bàn thờ Thông Thiên trước nhà (nhiều khi gọi là bàn thờ Ông Thiên). Bàn thờ thường được làm bằng gỗ đơn sơ, gồm một cây cột cao khoảng 1,5 m, phía trên đặt một tấm ván hình vuông, mỗi cạnh dài khoảng 0,4 m, khá giả thì đổ cột bê-tông và dán gạch men. Trên bàn thờ lúc nào cũng có một lư hương và mấy ly nước mưa (loại ly nhỏ uống trà).

Vào những ngày quan trọng như mồng một, ngày rằm thì có thêm hai chén đựng gạo, muối và mấy dĩa hoa quả. Hằng ngày, vào lúc chập tối, chủ nhà đốt một nén nhang, chắp tay đứng trước bàn thờ khấn vái, cầu Trời ban phước lành, sức khỏe, bình an… hy vọng qua làn khói nhang tỏa lên Trời mang theo những lời cầu khẩn của gia chủ, để nguyện vọng được “thông” đến Trời (thông thiên), để Trời phù hộ cho người thân và gia đình mình.

Bàn thờ Thông Thiên là nơi nối kết tâm linh giữa con người với Trời, với tổ tiên, nơi giữ mối liên hệ giữa Trời và Đất, giữa người sống và người đã khuất. Điều này thể hiện bằng việc thắp nhang thường xuyên mỗi ngày, vào lúc chập tối – là thời điểm giao nhau giữa ngày và đêm, nén nhang được cắm trên lư hương – nơi ở giữa Trời và Đất.

Hình thức thờ Trời cũng được thực hiện trong nhiều tôn giáo xuất hiện ở miền Nam. Đạo Cao Đài thờ Thiên Nhãn, có nghĩa là “mắt của Trời”, với biểu tượng hình một con mắt, tượng trưng cho Thượng Đế toàn năng, thấu rõ tất cả những hành vi của con người. Đạo Hòa Hảo ngoài việc thờ Cửu Huyền Thất Tổ và các anh hùng liệt sĩ có công với đất nước, mỗi gia đình tín đồ còn có một bàn thờ Thông Thiên trước sân nhà để tưởng nhớ Trời Đất.

Đối với người nông dân, ông Trời được xem là đối tượng có tài năng, có phép màu và có lòng từ bi để cứu giúp con người, nên mỗi khi gặp tai nạn thì “cầu Trời, khẩn Phật” để cho “tai qua, nạn khỏi”. Trời có khi lại hữu hình, và cũng đồng dạng với con người nên được gọi là “Ông”,

ông Trời có mắt:

Trời ơi ngó xuống mà coi.

Vợ tôi nó đánh bằng roi trâm bầu” (ca dao)

và cũng có tai

Ai ơi chớ có ăn lời.

Bụt kia có mắt, ông Trời có tai” (ca dao)

Và ông Trời là người có trách nhiệm nên người ta tin rằng “Trời sinh voi, Trời sinh cỏ”, “Trời sinh, Trời dưỡng”, “Trời không phụ lòng người”.

Như vậy, ông Trời từ một “đấng siêu nhiên” đã đi vào nhà người nông dân Nam Bộ, thấu hiểu tâm tư, tình cảm, chứng kiến những vui buồn, thấy được những khó khăn, vất vả của người nông dân và sẵn sàng ra tay cứu giúp. Ông Trời trở nên gần gũi như ông bà, cha mẹ, như người thân trong gia đình, nên việc thờ Trời là hết sức bình thường, hết sức tự nhiên.

Người Nam Bộ vốn chất phác và phóng khoáng trong cuộc sống và sinh hoạt nên sự hỗn dung trong việc thờ tự cũng được biểu hiện rõ nét. Người ta dễ nhận thấy nhiều bàn thờ Thông Thiên đôi khi còn có kết hợp thờ ông Tà bên cạnh, có khi là mấy hòn đá đặt bên cạnh lư hương, có khi là một góc nhỏ dưới chân bàn thờ Thông Thiên. Gặp ngày giỗ ông bà, hoặc ngày lễ, ngày Tết, cúng tổ nghề, tổ nghiệp… người ta cũng kết hợp luôn để cúng “ông Trời”.

Nếu trong nhà có một mâm cơm cúng thì trên bàn thờ Thông Thiên cũng có lễ vật, hoặc là hoa quả, hoặc dĩa xôi, có khi rượu thịt. Ngày tất niên, gia đình nào cũng có mâm ngũ quả đặt trên bàn thờ Thông Thiên, hoặc trái dưa hấu tròn đầy đặn để cúng Trời, cầu nguyện cho sự sung túc cả năm.

Hiện nay, nhiều địa phương ở Nam Bộ vẫn còn giữ tục lệ này, nhất là những vùng nông thôn. Quan sát bàn thờ Thông Thiên có thể nhận thấy sự mộc mạc, giản dị và chân thành của người dân đất phương Nam. Tuy nhiên, ẩn sâu trong đó là triết âm – dương đã tồn tại qua hàng ngàn năm với biểu tượng vuông – tròn vốn hiện hữu lâu đời trong tâm thức của người Lạc Việt.

Bàn thờ hình vuông tượng trưng cho đất (thuộc âm), lư hương hình tròn tượng trưng cho Trời (thuộc dương). Khát khao vươn đến sự hoàn hảo của người phương Nam được thể hiện thường trực hằng ngày qua hình ảnh bàn thờ Thông Thiên: có vuông – có tròn, có âm – có dương.

Theo Cà Mau Online
Thành công Sao chép đường dẫn thành công !!