Có thể bạn quan tâm

Làng nghề đan cỏ bàng Phú Mỹ

Nghề đan cỏ bàng xuất hiện ở huyện Tân Phước – Tiền Giang từ rất lâu. Dưới bàn tay khéo léo của những người thợ, từ nguyên liệu là cây cỏ bàng, rất nhiều sản phẩm đẹp, có giá trị như đệm, túi xách, nón… đã được tạo nên.

Làng nghề đan bàng Phú Mỹ

Đồng cỏ bàng Phú Mỹ rộng hàng ngàn hecta là nguồn nguyên liệu khá dồi dào để địa phương phát triển ngành nghề thủ công mỹ nghệ. Như nhiều khu vực khác của vùng đất mới Nam Bộ, trước đây cây cỏ bàng mọc hoang dại rất nhiều ở Tân Phước. Khi khô đi, thân cỏ bàng rất chắc, bền, nên người địa phương đã dùng thân cỏ bàng khô đan thành các vật dụng như: Giỏ xách, đệm ngủ, nón đội đầu… Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế mang lại không cao.

Đến năm 2004, Dự án “Khai thác bền vững đồng cỏ bàng kết hợp bảo tồn nghề thủ công địa phương” được triển khai, không những góp phần giải quyết việc làm trực tiếp và gián tiếp cho hàng ngàn lao động nghèo, phần lớn là đồng bào dân tộc Khmer. Mà còn duy trì nguồn thức ăn dồi dào và môi trường sống thân thiện, lý tưởng cho Sếu đầu đỏ di trú về.

Làng nghề đan bàng Phú Mỹ

Công việc đan lát các sản phẩm từ bàng khá nhẹ nhàng nhưng đòi hỏi sự khéo léo, rất thích hợp cho cả phụ nữ và trẻ em tham gia.

Ngày nay, loại cỏ này đã được trồng như một loại cây chuyên canh, đến một năm tuổi thì thu hoạch.  Sau mang về, cỏ sẽ được phân loại ra thành từng bó, tùy vào độ dài ngắn khác nhau. Những bó như vậy được gọi là “neo”

Khi phơi đủ 2 nắng, cọng cỏ bàng  còn phải ép qua máy để cọng mỏng đều và khô tuyệt đối.

Công việc đan lát không khó khăn nhưng đòi hỏi những người thợ sự khéo léo mới có những thành phẩm vừa chắc vừa đẹp. Làng nghề đan bàng Phú Mỹ Kiên Giang hàng năm cung cấp một số lượng lớn sản phẩm đan lát từ bàng cho thị trường trong nước lẫn xuất khẩu, làng nghề không chỉ làm sản phẩm theo mẫu mã sẵn có mà còn sáng tạo với nhiều mẫu mã đẹp, làm cho sản phẩm đan lát của mình có chỗ đứng ổn định.

Làng nghề đan bàng Phú Mỹ

Ai có dịp đi qua vùng biên giới Tây Nam sẽ tận mắt chứng kiến khung cảnh làm nghề đan cỏ bàng nhộn nhịp của làng nghề đan bàng Phú Mỹ – Vĩnh Điều huyện Kiên Lương.

Nghề đan bàng đang có nhiều khởi sắc hơn vì thị trường xuất khẩu đang mở rộng. Hiện nay đời sống của nhân dân vùng đồng cỏ bàng ngày càng được nâng lên rõ rệt, bộ mặt nông thôn đang từng ngày khởi sắc.

Ghe ngo – truyền thống của người Khmer Nam Bộ

Lễ hội Óc om bóc hay đua ghe ngo truyền thống của người Khmer là một trong những lễ hội lớn mang tính nhân văn sâu sắc, thể hiện sự gắn bó cộng đồng của người Khmer Nam bộ và tinh thần đoàn kết, thủy chung của 03 dân tộc anh em Kinh – Khmer – Hoa khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Ghe ngo của người Khmer Nam Bộ

Trong lễ hội Óc om bóc, có nhiều lễ: lễ cúng trăng, lễ thả đèn nước, lễ thả đèn gió… và sinh động nhất là hội đua ghe ngo. Năm 2013, hội đua ghe ngo được nâng lên thành Festival Đua ghe ngo, mang tầm khu vực và quốc gia.

Chiếc ghe ngo mang nhiều ý nghĩa, giá trị văn hóa đặc trưng riêng biệt của người Khmer.

Ghe ngo không phải là sản phẩm của một cá nhân hay một tập thể bất kỳ nào. Mỗi chiếc ghe ngo là do một ngôi chùa, đại diện cho một hay nhiều phum sóc người Khmer, tạo ra và tham gia tranh tài. Do đó, sự thắng bại giữa các ghe ngo thực chất là sự thắng bại giữa các chùa, sự thắng bại giữa những phum, sóc người Khmer với nhau.

Ghe ngo của người Khmer Nam Bộ

Sự thành bại của ghe ngo trong hội đua còn là niềm vinh dự, là tiếng thơm của ngôi chùa, của một địa phương tham gia thi đấu. Vì vậy, nhằm để tạo nên sự thành công của ghe đua, người Khmer Nam Bộ đã vận dụng nhiều phương thức, kỹ thuật khác nhau trong việc tạo ra ghe ngo cũng như trong tham gia thi đấu. Yếu tố tâm linh cũng là một trong những yếu tố giúp thành công cho ghe ngo

Ghe ngo nguyên thủy là một chiếc thuyền độc mộc, khoét ruột từ một thân cây, nhưng này nay, việc tìm cây sao vừa to, vừa dài rất khó khăn, nên người Khmer đã dùng những mảnh ván với nhau để thay thế.

Ghe ngo được làm gần giống hình con rắn dài khoảng từ 25 đến 30m. Ở giữa chỗ rộng nhất là 1,1m. Đầu được uốn cong lên, như hình đầu rắn. Ở đuôi ghê hay gọi là sau lái cũng được uốn cong lên nhưng cao hơn phía đầu một chút. Người ta đóng từ 24 đến 27 cây thanh ngang trên chiếc ghe, để vừa cho hai người ngồi. Mỗi ghe phải đảm bảo từ 40 đến 60 người ngồi bơi và chỉ huy, như ghe ngo chùa Bốn Mặt (Sóc Trăng) có 53 người, ghe ngo chùa Ông Mek (Trà Vinh) 57 người.

Ghe ngo của người Khmer Nam Bộ

Dù cho ghe có bao nhiêu vận động viên, nhưng luôn luôn có ba người điều khiển, một người ngồi mũi chuyên về chỉ đạo tâm linh của ghe đua, tổ chức lễ cúng xuống ghe, chỉ đạo toàn ghe, điều khiển kỹ thuật bơi của ghe đua; Một người ngồi giữa và một người ngồi đuôi giữ nhiệm vụ thổi còi để thúc giục và điều chỉnh kỹ thuật bơi của các vận động viên.

Mỗi chiếc ghe có một biểu tượng riêng, đây là dấu hiệu để ghi nhớ mà còn thể hiện sức mạnh của ghe đua, thường được chọn cho quan niệm truyền thống của từng chùa, như các con vật có sức mạnh, hoặc có khả năng chạy nhanh…

Biểu tượng ghe ngo chùa Bốn Mặt (Sóc Trăng) là con chim, Chùa Champa (Sóc Trăng) chọn biểu tượng con cọp, chùa Ông Mek (Trà Vinh) biểu tượng con cá nược…Người Khmer tin rằng, trong quá trình thi đấu, ghe ngo sẽ có khả năng lao đi với tốc độ nhanh và mạnh như con vật được chọn làm biểu tượng. Hai bên thân ghe, mũi ghe và đuôi ghe được trang trí hoa văn, màu sắc phù hợp với biểu tượng của ghe để tạo nên sức mạnh. Nếu biểu tượng của ghe là rắn thần Naga, thì các họa tiết hai bên sườn ghe cũng toát lên được hình ảnh của một con rắn, khi ghe lướt sóng, người xem sẽ có cảm giác như xem hình ảnh một con rắn thần đang lượn sóng.

Để tạo nên sức mạnh giúp ghe di chuyển nhanh trong khi thi đấu, người Khmer đã dùng một cây hoặc hai cây dài cột chặt vào giữa ghe. Người Khmer gọi là cây cần câu, một số nơi gọi là cây kềm. Cây này có tác dụng như đòn bẩy, đẩy ghe lướt nhanh về phía trước. Đó là cây gỗ tốt, rất cứng, thường là cây sao có đường kính khoảng 0,2m.

Ghe ngo của người Khmer Nam Bộ

Đầu mỗi chiếc ghe đều vẽ hai mắt nổi, để ghe thấy đường đi và tránh nguy hiểm. Quan niệm này gần giống với tục vẽ mắt cho thuyền đã có từ lâu đời ở Nam Bộ.

Ghe ngo chỉ được sử dụng vào việc thi đấu, mội hoạt động liên quan đến ghe đều phải cử hành lễ cầu xin, như: lễ khởi công làm ghe ngo, lễ khánh thành ghe ngo, lễ mặc áo cho ghe ngo

Ghe Ngo cùng với dàn nhạc ngũ âm trở thành 2 tài sản văn hóa, sinh hoạt cộng đồng, tôn giáo độc đáo và quý giá của đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ.

Xuồng ba lá, văn hóa miền sông nước

Từ nhiều đời nay, phương tiện chủ yếu để đi lại, làm ăn của người dân vùng sông nước Cửu Long Giang là ghe xuồng, mà chiếc xuồng ba lá mang nét đặc trưng rất độc đáo. Cư ngụ giữa vùng sông nước, dù nhà nghèo ít nhất cũng có một chiếc xuồng ba lá.

Xuồng ba lá được coi là phương tiện mang tính văn minh sông nước ở một vùng phù sa trẻ, xứ ruộng sình kinh ngập, mùa mưa lũ kéo dài tới 6 tháng mỗi năm.

Xưa, vùng đất sình lầy quanh năm ngập nước này đường bộ rất ít, kênh rạch thì dọc ngang. Kênh rạch đi vào tận trước cửa mỗi nhà. Mùa lũ và những đợt triều cường càng khó khăn cho người dân đi lại. Người dân vùng Đồng Tháp Mười còn nhớ câu hò quen thuộc:

Dẫu xuồng ba lá lênh đênh
Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi
Anh ơi chớ ngại ngần chi
Ngồi xuồng ba lá giữa kỳ nước lên.

Nơi đây, tại các vùng làm ăn, cư trú, sinh hoạt của người dân hầu như quanh năm sình lầy, ngập nước, đường bộ khó bồi đắp và hiếm hoi, chỉ có xuồng ba lá làm phương tiện đi lại hữu dụng, phổ biến ở mọi vùng quê.

Từ nhà ra vườn cũng phải đi bằng xuồng. Hàng xóm đến với nhau cũng bằng xuồng. Ở những làng quê nghèo, thông dụng nhất vẫn là xuồng ba lá. Người ta gọi xuồng ba lá là đôi chân của người dân vùng sông nước Nam bộ. Và cũng như thế, còn gọi là ” đi bằng tay “ chỉ cần hai tay chèo xuồng là đi gần đi xa đều có xuồng nâng bước. Có những chàng trai, cô gái miệt vườn siêu nghệ, chỉ cần ngồi trên xuồng dùng hai bàn chân chèo xuồng ba lá, cho xuồng lướt nhẹ trên dòng nước trong xanh và thơ mộng. Nhà ai không sắm được xuồng ba lá, cứ như bị cột chân. Nghèo đến mấy, tối thiểu trong nhà cũng phải sắm được một chiếc xuồng ba lá.

Xuồng ba lá nguyên gốc ban đầu, theo chiều dọc chiếc xuồng, được đóng bằng ba mảnh ván phẳng, đẹp và chắc. Một mảnh rộng (to bản) hơn được dùng làm đáy xuồng, hay còn gọi là lồng xuồng. Hai mảnh hai bên làm mạn xuồng, địa phương gọi là be xuồng. Thế là ba lá. Có một nhà thơ đã viết:

Chiếc xuồng ba lá quê ta
Mảnh mai như chiếc lá đa giữa dòng
Liềm trăng sông nước cong cong
Nhỏ nhoi mà vẫn ngược dòng lũ dâng

Riết rồi, theo bao thời cuộc và năm tháng, gỗ rừng ngày càng khan hiếm và đắt đỏ, người đóng xuồng ba lá buộc phải nghĩ cách ghép nhiều mảnh ván lại, mới đóng được chiếc xuồng, cũng vẫn gọi xuồng ba lá. Công nghệ cao hiện nay, người ta còn làm ra xuồng bằng các loại vật liệu hợp kim và vật liệu hợp chất phi kim loại. Gần đây đã thấy trên kênh rạch có khá nhiều xuồng làm bằng vật liệu compozite.

Tuy làm bằng nhiều cách thức khác nhau, tác dụng của chiếc xuồng ba lá đối với người dân vùng sông nước Nam bộ vẫn nguyên giá trị, vẫn là truyền thống được kế thừa, vẫn giữ được nét độc đáo trong làm ăn và sinh hoạt của người dân nơi đây. Nhiều người vẫn nhớ câu ca được cải biên từ một điệu lý: …

Nhà anh cách nhà em hai kinh một rạch
Anh ngó thấy em tóc dài buông hờ bà ba tím
Anh nghèo chưa sắm xuồng ba lá
Chẳng đành lội kinh dính sình sang bển gặp em
Thì mai anh sang nhà Năm Cua mượn xuồng ba lá

Nay khắp vùng đồng bằng châu thổ Cửu Long Giang đã mở mang nhiều tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ, liên thôn, liên xã. Dọc theo hai bên bờ kênh nay cũng đường bộ, cầu bê tông, xe honđa, xe đạp chạy vèo vèo. Thế nhưng, trên kênh rạch, nhất là các bến đò, chợ nổi vẫn không thể vắng bóng xuồng ba lá. Du khách mọi miền đất nước và cả khách du lịch nước ngoài về với miền Tây Nam bộ có nhiều người muốn ngồi trên xuồng ba lá đi du ngoạn trên dòng kênh thanh bình, khỏa tay xuống dòng nước mát lành, hoặc trong đêm miệt vườn ngắm trăng soi dòng kênh lấp lánh, một nét quê hương ai cũng lắng đọng nhớ thương, ai đi xa cũng nhớ về

Theo mekongculture

Làng nghề chằm nón lá Cần Thơ

Ngoài vẻ đẹp trù phú mà thiên nhiên ban tặng, Cần Thơ còn là nơi được mọi người biết đến bởi sự đa dạng phong phú về các làng nghề truyền thống được lưu truyền từ nhiều thế hệ. Một trong những làng nghề đó là Làng nghề chằm nón lá…

Làng nghề chằm nón lá ở ấp Thới Tân A không ai nhớ rõ xuất hiện từ năm nào và tổ nghề là ai. Tuy nhiên, theo những người làm nghề lớn tuổi ở đây cho biết, nghề này có khoảng trên 70 năm, hiện nay đã thành lập được Nghiệp đoàn chằm nón lá với trên 36 hộ sống với nghề.

Cần Thơ hay có thời còn được gọi là Tây Đô, nằm ở vị trí trung tâm của đồng bằng châu thổ sông Cửu Long. Trước đây biển còn phủ hết Đồng Bằng Sông Cửu Long, mãi đến cách đây 2500, nước mới rút hết và hình thành vùng châu thổ như ngày nay. Cần Thơ được khai mở và có mặt trên bản đồ Việt Nam từ năm 1739 với tên gọi Trấn Giang. Đến với Cần Thơ lênh đênh trên xuồng khám phá hệ thống kênh rạch và chiêm ngưỡng cảnh đẹp nên thơ, bình dị được ví như vẻ đẹp thướt tha, đằm thắm của cô gái Tây Đô. Nơi đây không những mang nét trù phú của những làng xóm nép mình dưới rặng dừa mà còn mang dáng dấp xa hoa, lộng lẫy của đô hội sầm uất, chẳng thế mà ở đây lại nổi danh với câu ca: “Cần Thơ có bến Ninh Kiều Có dòng sông đẹp với nhiều giai nhân”.

Ngoài vẻ đẹp trù phú mà thiên nhiên ban tặng, Cần Thơ còn là nơi được mọi người biết đến bởi sự đa dạng phong phú về các làng nghề truyền thống được lưu truyền từ nhiều thế hệ. Một trong những làng nghề đó là Làng nghề chằm nón lá… Nghề chằm nón lá ở ấp Thới Tân A không ai nhớ rõ xuất hiện từ năm nào và tổ nghề là ai.

Tuy nhiên, theo những người làm nghề lớn tuổi ở đây cho biết, nghề này có khoảng trên 70 năm, hiện nay đã thành lập được Nghiệp đoàn chằm nón lá với trên 36 hộ sống với nghề. Gia đình bà Diện đã 3 đời theo nghề chằm nón. Khác với miền Trung làm nón Bài thơ bằng lá buông và dây thao, người dân ở ấp Thới Tân A cũng như các vùng khác ở Nam bộ chọn loại lá mật cật và cây trúc làm nguyên liệu chính để làm nón. Lá mật cật là lọai cây có lá xòe rộng như lá cọ, mọc nhiều ở Tây Ninh, Phú Quốc, Cà Mau,…Thân cây nhỏ và thấp, mọc thành từng đám hoặc bụi, hai bên cọng của tàu lá đầy gai nhọn. Mỗi cây mật cật chỉ có 01 lá non và được người ta chọn để làm nón. Muốn làm nón đòi hỏi người thợ phải có cái khung chằm hình chóp có kích thước bằng chiếc nón lá mà người dân vùng này thường gọi là cái Mô được bày bán ở chợ. Vào những thập niên 80 trở về trước, nón lá được làm từ Mô có 15 vành. Sau thập niên 80, thị hiếu của người tiêu dùng thay đổi, người Nam bộ nói chung bắt đầu chuộng nón lá kiểu xứ Huế có 16 vành hay còn gọi là nón Bài thơ.

Vì lẽ đó, người thợ ở Thới Tân A cũng nhanh chóng thay đổi cách làm, họ bắt đầu sử dụng Mô nón của xứ Huế để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Vật liệu để làm ra chiếc nón lá gồm: kim may tay số 10, chỉ màu, dây gân số 04, giấy báo dùng để lót nón, nan (được làm từ trúc) và lá mật cật.Khác với cách làm nón lá ở Tây Ninh là vừa chằm vừa gác nan tre lên khuôn để làm sườn nón lá. Ở ấp Thới Tân A, người thợ sẽ kiềng vành lên khuôn (mô) nón trước rồi kế đến là kết lá. Bước kế tiếp là họ bắt đầu xoay lá trên khuôn. Công đoạn này rất quan trọng, đòi hỏi người thợ phải có kinh nghiệm mới xoay lá đều, đẹp: đầu tiên là xoay lớp lá bên trong trước, rồi đến lớp giấy báo, cuối cùng là xoay lớp lá bên ngoài. Sau khi xoay đầu nón xong, người thợ sẽ dùng một cái vành, chụp lên bên ngoài khuôn nón để giữ cho lá nằm cố định, giúp người thợ chằm được dễ dàng. Tiếp đến là thao tác chằm nón, công đoạn này tương đối dễ so với các công đoạn khác khi làm nón. Chỉ cần mũi kim đều, khoảng cách giữa các mũi kim vừa phải, không xa quá là đã đạt yêu cầu. Cuối cùng là nức vành, đây là công đoạn khá quan trọng, người thợ sẽ vót 01 cọng nan có thân dẹp gọi là cây tiến, cặp vào vành nón số 16 để khi nức, vành nón được tròn và chắc chắn, nón sử dụng được lâu bền. Ngoài ra, người thợ còn trang trí bên trong của chóp nón bằng chỉ thêu màu đỏ, xanh, hồng,… hình ngôi sao hay hình cái bông để tăng thêm nét đẹp cho sản phẩm của mình.

Được biết giá một kg lá mật cật trên thị trường hiện nay giao động từ 80.000 đồng đến 90.000 đồng, chằm được 20 cái nón thường. Khi thành phẩm, thương lái mua vào một cái nón lá khoảng 15.000 đồng. Nếu tính sơ, mỗi cái nón người thợ có thể thu lãi khoảng 8.000 đồng, trung bình một người, ngoài công việc chính trong ngày, có thể làm thêm được từ 2 đến 3 chiếc nón, phần nào phụ giúp được gia đình có thêm nguồn thu nhập. Sản phẩm của Nghiệp đoàn chằm nón lá ở ấp Thới Tân A chủ yếu bán ở chợ Thới Lai và một số nơi khác như ở chợ Vĩnh Thuận, Vĩnh Tuy … Mặc dù nghề chằm nón lá ở đây không mang lại sự giàu có cho các hộ gia đình nhưng nhờ có đầu ra nên đã tạo được nguồn thu nhập ổn định cho người dân địa phương và đặc biệt cũng thu hút sự chú ý của Du khách từ mọi miền về thăm làng nghề truyền thống này!

Theo Canthotourist
Hủ tiếu Pa tê ở Bến Tre

Hủ tiếu Pa tê ở Bến Tre

Hủ tiếu pa tê là một trong bốn loại hủ tiếu được người dân xứ dừa đặc biệt ưa chuộng. Sự khác biệt của món hủ tiếu này nằm vỏn vẹn trong ba bốn lát pa tê xắt góc tư xếp gọn gàng trên mặt tô.

Hủ tiếu patê lòng

Người Bến Tre rất ưa hủ tiếu, ưa hơn bất cứ người dân ở miền Tây nào mà tôi biết. Ở đây người ta có thể ăn hủ tiếu tối ngày, từ hủ tiếu chay, hủ tiếu bò viên, hủ tiếu xương heo đến hủ tiếu thập cẩm… Và cũng duy chỉ có ở Bến Tre mới có món hủ tiếu không đụng hàng: hủ tiếu patê.

Hủ tiếu Pate

Người Bến Tre rất ưa hủ tiếu, ưa hơn bất cứ người dân ở miền Tây nào mà tôi biết. Ở đây người ta có thể ăn hủ tiếu tối ngày, từ hủ tiếu chay, hủ tiếu bò viên, hủ tiếu xương heo đến hủ tiếu thập cẩm… Và cũng duy chỉ có ở Bến Tre mới có món hủ tiếu không đụng hàng: hủ tiếu patê.

Pa tê ở đây không phải là loại pa tê gan dùng để phết lên mặt trong bánh mì mà mọi người thường gọi. Pa tê theo cách gọi của người Bến Tre thực chất là một loại “chả” rất đặc biệt: dai giòn sần sật, thơm tho beo béo mà người dân xứ dừa hay làm thủ công đãi trong các bữa tiệc, chung với nhiều loại “đồ nguội” khác. Thành phần của “chả” gồm có lưỡi heo, da đầu, thịt nạc, da heo, mỡ, tiêu hạt, các loại gia vị và được pha trộn với công thức bí truyền nào đó để đạt đến độ dai mà không bở nát, có mùi thơm đặc trưng, ăn hoài không ngán, bó chặt thành từng đòn như bánh tét.

Pa tê thịt heo được xắt thành từng lát mỏng

Trong các dịp đám tiệc ở địa phương, pa tê thịt heo được xắt thành từng lát mỏng, xếp chung với chả lụa, chả da đầu heo, nem chua và ít bánh phồng tôm để làm nên một món riêng mà người quê gọi là “đồ nguội”. Ngoài ra, đây là nguyên liệu chính làm nên món hủ tiếu pa tê mà người Bến Tre đi đâu cũng thèm, cũng nhớ.
Hủ tiếu pa tê là một trong bốn loại hủ tiếu được người dân xứ dừa đặc biệt ưa chuộng (ba loại còn lại là hủ tiếu chay, hủ tiếu bò viên và hủ tiếu mực) và tôi đoan chắc rằng, chỉ ở Bến Tre mới có loại hủ tiếu này. Hủ tiếu Bến Tre nói chung và hủ tiếu pa tê nói riêng khác với hủ tiếu Sài Gòn trước hết ở sợi bánh. Sợi hủ tiếu khô và dai, khi có khách gọi chủ quán mới thoăn thoắt kéo lấy một vắt cỡ nắm tay, trụng sơ trong nước sôi chừng một phút cho nở mềm vừa ăn rồi mới cho ra tô.
Sự khác biệt của hủ tiếu pa tê nằm vỏn vẹn trong ba bốn lát pa tê xắt góc tư xếp gọn gàng trên mặt tô. Nước dùng có ngọt đến mấy, sợi bánh có dai đến mấy mà miếng pa tê không vừa miệng thì coi như thất bại. Cái ngon của hủ tiếu pa tê chính là sự hòa quyện giữa các thành phần, để thực khách phải vừa xì xụp húp muỗng nước lèo thơm ngọt, vừa hít hà cắn miếng pa tê dai dai, giòn giòn mới chấm vào dĩa nước mắm trong dầm ớt.

Pa tê thịt heo được xắt thành từng lát mỏng

Một tô hủ tiếu với ba hoặc bốn lát pa tê đối với nhiều người dường như chưa “tới”, ăn đến miếng pa tê cuối cùng rồi mà còn cảm giác thòm thèm nên kêu thêm vài lát chả không đem về nhà. Đặc biệt, nhà nào có trẻ con thì mấy lát pa tê chính là món ăn vặt ưa thích của chúng.
Trước đây hủ tiếu pa tê chỉ đơn thuần có hủ tiếu và pa-tê, thỉnh thoảng có thêm vài lát thịt nạc. Nhưng ngày nay, để nồi nước dùng thêm đậm đà và cũng để thực khách có nhiều sự lựa chọn hơn, người ta có pa tê đi kèm với lồng, chủ yếu là tim, gan, bao tử và phèo non. Một tô hủ tiếu pa tê với đầy đủ tất cả các nguyên liệu ấy giá chỉ từ 25.000-30.000 đồng.

Hủ tiếu pa tê ở Bến Tre nổi tiếng như vậy nhưng vốn không phải là món bán đại trà. Người Bến Tre sành ăn chỉ đến đúng quán chính gốc mà người ta quen gọi là hủ tiếu “ngã ba Tháp” hay hủ tiếu “cổng chào”.

Hủ tiếu pate

Khách ở nơi xa đến Bến Tre, muốn thưởng thức hủ tiếu pa tê “chính gốc”, cứ vào thành phố rồi nhắm người nào đó cũng được, hỏi thăm quán hủ tiếu ở “ngã ba Tháp”, hủ tiếu “cổng chào” hay hủ tiếu “công viên tượng đài”, chắc chắn ai cũng rành, chỉ cho bạn vanh vách. Quán không có tên riêng mà lấy luôn tên là “Hủ tiếu pa tê” như một cách khẳng định thương hiệu, chỉ bán buổi chiều tối nên cứ tầm 5, 6 giờ chiều là bắt đầu tấp nập khách ra vào.
Nếu có dịp đến Bến Tre, nhớ tìm quán hủ tiếu patê mà thử qua một lần, cam đoan bạn sẽ nhớ mãi hương vị đặc biệt của thức ăn đặc biệt này.


Cách nấu vịt nấu Chao

[vanhoamientay.com] Vịt là món ăn giàu dinh dưỡng, làm được rất nhiều món như: nướng, luộc, chiên, xào, quay, gỏi, cháo, tiết canh… Cách nấu vịt nấu chao rất đơn giản, món ngon vì hương vị thơm giữa vịt và chao hòa quyện vào nhau tạo ra một món ăn ẩm thực có hương vị độc đáo.

Nguyên liệu:

– 1 con vịt .

– 1 củ khoai môn

– 1 bó rau muống.

– 1 hũ chao vừa.

– 1 trái dừa xiêm.

– 1 cân bún tươi.

– Gừng, tỏi, ớt…

Mách nhỏ:

Chọn con vịt vừa nếu vịt nhỏ quá sẽ bị hôi lông, khi mua chúng ta bóp ức vịt thấy to rắn chắc là ngon vì vịt mập thịt nhiều. Nếu muốn kỹ hơn, bạn vạch phía sau đuôi xem hậu môn vịt không bị dính phân chảy là vịt không bị bệnh như thế sẽ có món lẩu vịt nấu chao hoàn hảo đấy!

Chọn chao đỏ hay chao trắng đều ngon nhưng phải chọn chao cũ, chao nổi lên trên thì mới có độ béo hơn.

Chọn dừa bạn đừng nên chọn nhưng trái dừa đã ngâm hóa chất trắng tươi không tốt cho sức khỏe, nên chọn nhưng trái dừa thiên nhiên trông xấu xí mà rất an toàn nha.

Chuẩn bị:

Làm cho sạch vịt, bạn nhớ lấy 2 cục hôi ngay ở phao câu vịt nếu bỏ sót điều này thì sẽ rất hôi và không ăn được.

Băm gừng nhuyễn + 1 ít rượu trắng trộn đều chà sát vào toàn bộ da vịt để khử mùi đặc trưng của vịt.

Rửa sạch vịt một lần nữa. Chặt vịt ra thành từng miếng vừa đủ ăn, sau đó đem thịt vịt vào thố để ướp gia vị.

Ta cho vào 3 muỗng cafe nước mắm, 10 miếng chao nhỏ, 1 muỗng cafe đường, 1/2 muỗng cafe muối, 1 muỗng cafe bột ngọt, 1 nhánh gừng nhỏ băm, 1 ít tỏi băm. Bạn đeo bao tay, bóp thịt trộn đều bằng tay, để cho thịt vịt thấm.

Cách nấu vịt nấu chao

Cho 4 muỗng canh dầu vào nồi, đợi cho nóng, ta bỏ tỏi và phi cho thơm, xong bỏ thịt vịt vào xào cho săn thịt lại mới đổ nước dừa cho ngập thịt. Khi nước rút xuống thì phải châm thêm nước đảm bảo thịt phải ngập nước, thịt vịt vừa mềm mới đổ khoai môn vào, để sôi lại một lúc dùng đũa bẻ thử khoai thấy mềm là được. Các bạn nêm lại một lần nữa theo khẩu vị của người ăn.

Ngoài món này ra, bạn có thể biến tấu thành món vịt nấu măng, vịt nấu tiêu… cũng đều hấp dẫn cả.

Cách làm nước chấm:

Cho 4 miếng chao vào chén, sau đó cắt nửa trái chanh vắt nước vào, bỏ 2 muỗng cafe đường vào đánh tan cho đều, thêm tỏi và ớt bằm vào (mặn, ngọt, chua, cay các bạn có thể thêm bớt tùy thích sau cho vừa khẩu vị).

Vịt nấu chao phải ăn nóng như món lẩu mới ngon bạn nên bắc qua một bếp nhỏ. Với không khí se lạnh của mùa thu như hiện nay thì việc cả nhà quây quần bên bếp thì cũng vui và hạnh phúc còn gì bằng phải không các bạn?

Theo eva.vn

Le le xào bầu – món ăn dân dã mà cao sang

[vanhoamientay.com] Thịt le le được coi là món ngon đại bổ, le le xào bầu được coi là món chính trong bữa cơm. Và nước chấm phải là thứ chua – cay – ngọt. Chỉ cần thưởng thức một lần thôi cũng sẽ nhớ mãi món ăn vừa dân dã vừa cao sang này…

Theo kinh nghiệm dân gian, thịt le le là một món ăn có đẳng cấp, một loại thực phẩm giá trị dinh dưỡng cao, có khả năng tăng cường sinh lực. Cũng chính vì vậy thịt le le từ lâu đã trở nên quý hiếm, giá cao hơn thịt vịt gắp nhiều lần. Giới sành điệu ẩm thực thì coi đây là “hàng độc”, nằm trong nhóm đại bổ

Thịt le le vừa ngon ngọt, vừa bổ dưỡng lại kết hợp với bầu nên càng đậm đà thi vị, vượt trội các loài gia cầm khác. Ở vùng bưng biền, các bà nội trợ thường chế biến le le thành nhiều món ngon độc đáo như nấu cháo, luộc, rôti nước dừa…đặc biệt là món “le le xào bầu”.

Le le là một loài chim trời, thường sống ở những đồng cỏ hoang vu, nơi có nhiều lung bào, nhất là ở Đồng Tháp và vùng tứ giác Long Xuyên.

Le le thân hình cũng giống như vịt nhưng con lớn nhất chỉ nặng khoảng 300g. Nếu so với vịt trời, le le có trọng lượng chỉ bằng phân nửa, nhưng thịt lại ngon, bổ và mắc hơn nhiều lần.

Thịt đem ướp thịt với tiêu, hành, tỏi. ớt, nước mắm, bột nêm và chút rượu độ 15 phút cho thấm đều. Kế đến bắc chảo lên xào cho đến khi thịt săn lại. Tiếp theo cho bầu vào xào chung, thêm nhiều hành cọng hoặc hành lá. Bầu, nên chọn những trái còn tươi, không quá non, cũng không quá già, gọt vỏ, xắt miếng nhỏ, dài chừng 5 cm.

Với bàn tay khéo léo của người nội trợ, món le le xào bầu có thể trở thành một món ăn hấp dẫn, vừa thơm ngon vừa quyến rũ. Sở dĩ bầu trở thành món ăn đa phong cách như thế bởi vừa mềm, ngọt dịu, đậm đà hương vị đồng quê. Một dĩa le le xào bầu vừa dọn ra đã bốc mùi thơm phức nhờ người nội trợ biết chăm chút từ cách xào, cách chọn gia vị và nêm nếm cho vừa ăn.

Nên nhớ, khi xào đừng để cho bầu chín quá sẽ mất ngon. Thịt bầu còn hơi giòn là hấp dẫn nhất. Le le xào bầu vừa ngon, ngọt, vừa đậm đà, mùi vị đặc trưng nhờ nước bầu và gia vị thấm vào thịt, đồng thời thịt cũng thấm vào bầu.

Theo Tuổi Trẻ
Thành công Sao chép đường dẫn thành công !!