Có thể bạn quan tâm

Thịt kho tàu đậm đà hương vị ngày tết

[vanhoamientay.com] Thịt kho tàu đã trở thành một trong những món ăn không thể thiếu trong bữa cơm ngày tết của người miền Tây nói riêng và Nam bộ nói chung. Dường như đã thành thông lệ cứ đến gần tết người dân Nam bộ lại rủ nhau làm món thịt kho tàu để ăn tết như một phần tất yếu.

Ngày nay món ăn bắt cơm này còn hiện diện ngay trong bữa ăn hàng ngày của người dân việt. Để hiểu thêm về món ăn này, chúng ta hãy cùng sơ lược qua cách kho thịt của các vùng miền để thấy được nét đặc trưng của món thịt kho tàu miền Nam nhé. Miền Bắc lạnh giá thì gọi là thịt đông, nấu không có nước dừa và trứng luộc. Nhưng miền Nam nắng ấm lại nấu bằng nước dừa với vị béo ngậy. Và miếng thịt heo được cắt vuông vắn, lớn gấp 3 lần miếng thịt kho bình thường.

Nghe qua cái tên của món ăn là thịt kho tàu rất nhiều người sẽ nghĩ đây là món ăn được bắt nguồn từ Trung Hoa, tuy nhiên theo nhiều người Nam bộ xưa kể lại thì chữ “tàu”, ở đây, theo nghĩa của người “miền dưới” là “lạt”, như sông Cái Tàu Thượng, sông Cái Tàu Hạ là hai con sông nước lợ. Như vậy thịt kho tàu không phải là thịt kho của người Trung Hoa, mà chỉ đơn giản là món thịt kho lạt. Cũng có một số giả thuyết khác đặt ra về nguồn gốc của món ăn này tuy nhiên đến nay cũng chưa rõ đâu là giả thuyết đúng nhất.

Miếng thịt mềm rục có cả màu đỏ au của thịt nạc, trong trong của mỡ, nâu nâu của bì hầm nhừ, sóng sánh vàng ươm của nước màu chưng đường, kèm vị bùi của nước dừa xiêm, vị mặn của nước mắm đã được làm thanh đi bằng đường, thi thoảng có thêm vị hắc của chút xì dầu, điểm xuyết thêm mấy hột vịt luộc mà nước thịt ngấm đều từ trong lòng đỏ đến lòng trắng. Tất cả đã làm nên hương vị tuyệt vời của món thịt kho tàu.
Có thể nói thịt kho tàu hiện nay đã trở thành món ăn thường xuyên xuất hiện trong bữa ăn của nhiều người Việt Nam trên cả nước bởi sức hấp dẫn mà món ăn này mang lại. Cách chế biến không quá khó, các bạn hoàn toàn có thể thử qua để mang đến bữa ăn ấm áp cho gia đình mình sau một ngày làm việc mệt mỏi. Thịt kho tàu món ngon khó chối từ và dường như nó đã trở thành một phần văn hóa ẩm thực của người Nam bộ khi đi so sánh với các vùng miền khác trong cả nước.

Hy vọng đây sẽ là lựa chọn hàng đầu của các bạn mỗi khi tự tay nấu món ăn cho gia đình trong mỗi bữa tối. Thịt kho tàu món ngon đúng vị không thể chối từ.

Theo Vnexpress

Ngon lạ với gỏi củ hũ dừa

[vanhoamientay.com] Gỏi củ hũ dừa có vị chua ngọt vừa ăn, hợp khẩu vị cả gia đình. Đây là loại thực phẩm giàu dinh dưỡng và tốt cho sức khỏe. Củ hũ dừa thường được chế biến làm thức ăn và thanh đạm vì ít béo.

Bến Tre được nhắc đến là thiên đường của dừa, đi đâu ta cũng thấy rợp bóng dừa. Có lẽ chính bởi điều này mà người dân nơi đây khi chế biến món ăn thường bỏ dừa vào để tăng thêm hương vị thanh ngọt và béo cho món ăn. Trong đó gỏi củ hũ dừa được coi là món ăn đặc biệt hấp dẫn và thơm ngon khiến thực khách không khỏi nao lòng khi thưởng thức.

Chúng ta vẫn thường biết cây dừa là một trong những cây trồng được khai thác sử dụng triệt để từ gốc đến ngọn như: quả dừa, lá dừa, thân dừa, sọ dừa, vỏ quả dừa, sơ dừa… Trong đó củ hũ dừa thường được người dân chế biến nhiều món ăn khác nhau như kho, xào, tuy nhiên trộn gỏi vẫn là món ăn khiến nhiều người thích thú và muốn thưởng thức nhất. Bởi lẽ khi trộn gỏi củ hũ dừa còn giữ nguyên được vị thanh ngọt, mang đến cảm giác rất vui miệng khi thưởng thức tạo nên cảm giác thèm ăn cho thực khách.

Vậy củ hũ dừa là gì? Củ hũ dừa thật ra là phần búp non nhất nằm giữa ngọn cây dừa. Mỗi cây dừa chỉ có một củ hũ dừa. Phía ngoài củ hũ dừa được bọc bằng một lớp mo xơ, bên trong là phần trắng, non và ngọt nhất.
Gỏi cổ hủ dừa đúng điệu thường có đủ tôm sú bóc nõn, thịt ba chỉ, tai heo thái mỏng, củ hũ dừa bào mỏng, rau răm, hành tây, đậu phộng rang giòn… Tất cả trộn đều lên cùng với các loại gia vị tạo thành một đĩa gỏi củ hũ dừa tôm thịt đầy màu sắc, đậm đà hương vị khó quên. Đi kèm với món gỏi này bao giờ cũng có thêm chén nước mắm chua ngọt và những chiếc bánh phồng tôm giòn tan, béo ngậy.

Gỏi củ hũ dừa được đánh giá là một món ăn thơm ngon, hấp dẫn khiến thực khách cảm thấy ngon miệng và thích thú khi thưởng thức. Đặc biệt cái vị thanh ngọt của món ăn còn khiến cho các thực khách không khỏi nao lòng. Món ăn này có mặt ở nhiều quán ăn, tuy nhiên bạn phải lựa chọn ra quán quen để có được đĩa gỏi tươi mới và hấp dẫn nhất.

Củ hũ dừa nghe qua thì thấy lạ nhưng khi thưởng thức chắc chắn người ăn sẽ cảm thấy thật tuyệt vời. Cái vị thanh mát của củ hũ dừa kết với vị ngọt của tôm, vị béo của thịt, giòn giòn của lỗ tai heo ăn kèm với nước mắm chua ngọt và một ít bánh phồng mới ngon làm sao.

Theo kinhdo20nam

Dưa cải – món quê mà không quê

[vanhoamientay.com] Bước qua tháng 8 âm lịch bắt đầu có cá linh non, cá sặt non từ đầu nguồn xuống, một bữa cơm chiều với món cá kho lạt thì không thể nào thiếu món ăn kèm là dưa cải, dưa cải chấm cá kho lạt, chỉ nhắc tới thôi là tự dưng thấy thèm.

Hầu như loại rau củ quả nào cũng có thể làm dưa chua được, nhưng với dưa cải thì không món nào qua.

Cải dùng làm dưa là giống cải tùa xại,người ta còn gọi là cải xại (xại cũng có nghĩa là cải),  cải này có vị cay nồng hơn các loại cải khác. Nó chỉ dùng cho việc làm dưa! Cải tùa xại rất dễ trồng, có thể gieo hột trồng trực tiếp hoặc gieo hột trên liếp ương và bầu.

Cải tùa xại trồng trên đất rẫy, mọc thành từng bụi giống như cây cải xanh, nhưng cọng cải tùa xai tròn, to và cứng hơn nhiều. Cây tốt có thể có chiều dài 6-7 tấc, cọng cải tròn lớn bằng ngón tay cái.

Cải này có đặc điểm cứng cọng nhưng nấu vừa chín tới ăn vẫn ngọt và mềm chớ không cứng, không dai, ăn không hết thì để thêm chút muối hâm đi hâm lại nhiều lần cọng cải vẫn ngon như lúc mới nấu, không bị nhũn hay rã ra như các loại cải khác.

Mẹ tôi từng chia sẻ bí quyết làm dưa cải ngon với bà con trong xóm:

Cải nhổ lên phải lúc có nắng cho héo để chuyên chở không bị giập gãy bẹ, trước khi làm dưa phải trụng cải bằng nước sôi cho vừa ngả màu xanh của cải, rồi đem rửa sạch từng bẹ từng cây.

Rửa xong vắt cho khô ráo nước xếp vô khạp, xếp cho đầy khạp, càng dẽ dặt càng tốt, xong đậy lá chuối gài lại cho chắc, không cho nổi lên. Trong khi đó nước lóng phèn cho thật trong nêm chút muối và cho bột nghệ vào (bột nghệ làm cho cây cải vàng và thơm) rồi đổ vô khạp dưa cải.

Qua 4 đêm là cải bắt đầu chua có thể dùng được. Dưa cải rất dễ làm, nhưng cũng rất khó làm sao cho dưa cải vừa ăn, cọng cải vàng và thơm thấy thèm.

Khâu rửa cải phải thật sạch, không còn bợn để cho dưa cải có nước vàng óng ánh. Muốn cho cải chua, giòn không phải dễ, khi nhổ cải không quá già, không quá non, khi trụng cải không quá chín, ít nhất phải có trải qua kinh nghiệm nhiều lần mới làm ngon được.

Do vậy, dưa cải của mẹ tôi làm ngon có tiếng trong xóm, ra chợ ai dùng qua cũng khen đáo để. Món dưa cải đã có lâu đời trong dân dã, người ở nông thôn, thành thị ai cũng ưa thích vì nó có mùi vị chua chua, nồng nồng rất ấn tượng lại kích thích vị giác.

Dưa cải còn được chế biến nhiều món ăn như: bao tử xào dưa cải, giò heo hầm dưa cải, thịt sườn kho dưa cải,… Trong bữa ăn, vị chua chua làm tăng kích thích khẩu vị và giúp thức ăn dễ tiêu hóa. Là món dân dã nhưng nay dưa cải có mặt trong thực đơn của nhà hàng cao cấp góp phần cho ẩm thực Việt đa dạng và phong phú.

Mỗi lần lên mâm cơm, thấy dĩa dưa cải xắt ra trộn với đường, bột ngọt có tỏi ớt phất mùi chua chua là tôi nhớ đến mẹ tha thiết. Nhớ người mẹ quê đã một thời vất vả luôn chế biến những món đơn sơ đạm bạc thành những món ăn hương vị ngon ngọt, đậm đà chứa đầy.

Theo VinhLongOnline

Làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc

Đã từ lâu, hình ảnh những chiếc bánh tráng – bánh phồng ở làng nghề nổi tiếng của huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre đã khá quen thuộc với du khách gần xa, chiếc bánh mộc mạc ấy đã dâng tặng cho đời những hương vị ngọt ngào, thấm đậm tình người, tình đất, tình quê. Để khi lúc đi xa, mỗi khi ăn những chiếc bánh ấy, chúng ta sẽ cảm nhận được những niềm nhớ thương dạt dào của quê hương xứ sở.

Nồng nàn hương vị bánh tráng Mỹ Lồng

Từ thành phố Bến Tre, xuôi theo tỉnh lộ 885 qua cầu Chẹt Sậy du khách đã đến với huyện Giồng Trôm, xã Mỹ Thạnh, nơi mà có một làng nghề bánh tráng nổi tiếng bao đời nay vẫn tồn tại, giữ gìn và phát triển cho đến hôm nay để tạo ra cho đời những chiếc bánh quê mộc mạc. Vừa đến làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng, du khách sẽ bắt gặp hình ảnh dọc hai bên đường là những phên bánh tráng trải dài thẳng tắp, được hong dưới cái nắng mặt trời, trước sân nhà của những hộ dân nơi làng nghề là một màu trắng của những phên bánh tráng nối liền nhau từ nhà này sang nhà khác, sát mặt đường là những quầy hàng được bày bán với nhiều mặt hàng đặc sản khác nhau của Bến Tre để du khách lựa chọn, nhưng nhiều nhất vẫn là những chiếc bánh tráng Mỹ Lồng nổi tiếng, có cả bánh còn sống và cả bánh đã được nướng chín.

Nồng nàn hương vị bánh tráng Mỹ Lồng

Mùi thơm của bánh tỏa ra khiến người lữ khách say nhừ như cách người ta vẫn thường ví với những người say men, nhưng đó là sự say của hương thơm ngào ngạt của loại bánh mộc mạc ở xứ dừa. Ở đây, nhà nhà, bất kể người già, trẻ con, thanh niên trai tráng đều tham gia, mỗi người một công đoạn, thuần phục, lành nghề.

Người dân ở đây rất chân chất và hiếu khách, vừa ngỏ ý vào thăm thì mọi người đã vui vẻ nhận lời, trò chuyện với cô Hồng- một thợ làm bánh có trên 25 năm tuổi nghề cô cho biết: “Làng nghề truyền thống làm bánh tráng này đã có từ lâu lắm rồi, nghe ông bà xưa kể lại chắc cũng cả trăm năm tuổi, qua bao thế hệ, gia đình tôi cũng gắn bó với nghề này, nó như một phần không thể thiếu trong gia đình tôi, lớn lên thì nối nghiệp, nghề sinh nghề là vậy, làm bánh không chỉ có thêm thu nhập mà làm bánh còn là một thú vui tao nhã, gia đình tôi quyết tâm giữ gìn không cho nghề này mai một theo thời gian”.

Nồng nàn hương vị bánh tráng Mỹ Lồng

 Muốn có chiếc bánh tráng Mỹ Lồng thật ngon thì khâu chọn và pha bột rất quan trọng, và thứ bột đó mới thật sự là bí quyết làm nên tên tuổi bánh tráng Mỹ Lồng. Gạo được chọn phải là gạo thơm vừa, nở nang, không được quá khô. Các nguyên liệu khác như: Đường, muối, mè cũng được cân định lượng cho đúng, nhưng với người thợ lành nghề, chỉ cần đong bằng mắt, bằng tay là không sai li nào, nhưng bí quyết chính thống có lẽ nằm trong phần nước cốt dừa béo ngậy của xứ sở quê hương. Theo người dân ở đây thì cái khác rõ rệt nhất của bánh tráng Mỹ Lồng với bánh vùng khác là bánh được làm từ gạo dẻo và nước cốt dừa đậm đặc…

Đây là đặc sản với nhiều loại bánh tráng khác nhau như: Bánh tráng sữa trứng gà, bánh ngang chỉ có dừa không sữa, bánh tráng sữa không dừa để đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách nhưng ngon nhất là loại bánh tráng dừa vừa béo vừa xốp, đặt lên lò than hồng đã tỏa hương thơm lừng làm ngất ngây lòng người.

Nghĩa tình chiếc bánh phồng Sơn Đốc

Cũng như Mỹ Lồng, làng nghề bánh phồng Sơn Đốc cũng lấy từ tên từ một địa danh của chợ Sơn Đốc thuộc xã Hưng Nhượng, huyện Giồng Trôm, nơi mà từ lâu đã nổi danh với loại bánh phồng nếp. Lúc trước, nghề làm bánh phồng của người dân ở đây còn tự phát, nhỏ lẻ, chủ yếu làm bánh phồng để phục vụ cho các lễ cúng ông bà tổ tiên, lễ Tết, hoặc để biếu người thân, bạn bè để làm quà, một số ít đem ra chợ Sơn Đốc bán để kiếm thêm thu nhập cho gia đình chứ chưa ai nghĩ đến việc loại bánh phồng nếp này lại nổi tiểng cho tới bây giờ.

Nghĩa tình chiếc bánh phồng Sơn Đốc

Khi người ta mua loại bánh phồng nếp này về ăn thử, thấy ngon với hương vị rất lạ, vị ngọt của bánh, mùi thơm của mè, vị béo ngậy của nước cốt dừa, qua nhiều kênh thông tin khác nhau du khách các nơi mới biết ở Giồng Trôm có một loại đặc sản độc đáo như vậy, kể từ đó bánh phồng Sơn Đốc ngày càng được biết đến và vươn xa trong suốt chặng đường phát triển của làng nghề, bánh phồng Sơn Đốc đi khắp nơi trong nước kể cả nước ngoài, và tên tuổi trở thành thương hiệu hàng trăm năm nay.

Có lẽ làm bánh phồng còn cực hơn bánh tráng, bánh phồng được làm bằng loại nếp sáp, là giống nếp nổi tiếng của Bến Tre, gạo nếp đồ thành xôi rồi cho vào cối giã nhuyễn cùng với các phụ liệu khác như đường cát, nước cốt dừa…Đến làng nghề buổi sáng, chúng ta dễ dàng nhận biết nhà ai sẽ làm bánh phồng bằng cách nghe tiếng chày giã bột rộn rã. Đây cũng là công đoạn mệt nhất khi làm bánh phồng. Ngày xưa, công việc giã bột thường là công việc của đàn ông, thanh niên, hiện nay, khâu quết bánh phồng đã đỡ vất vả hơn nhờ có máy, giã xong bột sẽ chuyển sang khâu bắt bột và cán bánh.

Cũng như bánh tráng, phơi bánh phồng là cả một kỳ công. Nghề làm bánh tráng, bánh phồng luôn phải phụ thuộc vào thời tiết, ai cũng mong nắng tốt để công đoạn phơi bánh đỡ vất vả hơn, bánh sẽ ngon hơn. Bánh phồng Sơn Đốc khi nướng nở to gấp 3-4 lần so với trước khi đem nướng, bánh muốn ngon phải nướng trên bếp than hồng đỏ rực, bánh nướng chín thơm, xốp, ngon miệng. Hiện nay, ngoài loại bánh phồng nếp còn có bánh phồng mì, bánh phồng chuối để tạo nên sự đa dạng cho các loại bánh. Làm bánh tráng, bánh phồng thường thì theo mùa vụ, đặc biệt là những tháng giáp Tết Nguyên đán, người dân ở làng nghề phải thức thâu đêm. Từ năm 2007, bánh phồng Sơn Đốc được Cục sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu hàng hóa và được ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Bến Tre công nhận là làng nghề truyền thống. Đây cũng là đòn bẩy làng nghề phát triển trong tương lai.

Thưởng thức bánh phồng, du khách mới cảm nhận cái giá trị tinh thần chứa đựng trong từng chiếc bánh mộc mạc ấy của người làm bánh. Cũng như bánh tráng, bánh phồng không hẳn là đặc sản riêng của Bến Tre mà một số tỉnh khác cũng có làm bánh phồng như: Cần Thơ, An Giang, Vĩnh Long,… Nhưng bánh phồng Sơn Đốc ngon không chỉ có bí quyết riêng, có hương vị dừa độc đáo mà bánh ngon còn bởi cái tình, cái nghĩa con người cũng thể hiện trong từng chiếc bánh, và chỉ có hương quê mới làm chiếc bánh thêm phần trọn vẹn.

Nghĩa tình chiếc bánh phồng Sơn Đốc

Hàng năm, làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng và bánh phồng Sơn Đốc đóng góp hàng tỉ đồng trong GDP tỉnh, góp phần nâng cao đời sống cho người dân, giải quyết việc làm cho lực lượng lao động địa phương, chuyển dịch cơ cấu kinh tế huyện nhà, đóng góp vào sự phát triển chung của làng nghề Bến Tre nói chung, làng nghề huyện Giồng Trôm nói riêng. Hiện nay, cả hai làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng và bánh phồng Sơn Đốc đã được nhiều du khách biết đến, đặc biệt là du khách quốc tế. Các doanh nghiệp lữ hành trong tỉnh và ngoài tỉnh, trong chương trình tour du lịch Bến Tre cũng đưa du khách đến tham quan trải nghiệm nhằm giới thiệu những nét độc đáo của làng nghề.

Năm 2013, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bến Tre đã triển khai dự án “Phát triển kinh doanh cho người lao động ở nông thôn” hỗ trợ công nghệ cho người dân ở làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng và bánh phồng Sơn Đốc, nâng thời gian bảo quản bánh từ ba tháng lên sáu tháng, trang bị ống đo độ đậm đặc của bột trước khi tráng bánh, bồi dưỡng kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm, hỗ trợ vốn vay,…để đầu tư mua trang thiết bị, máy móc như: cối xay bột, máy nạo dừa, ép dừa, cối quết bánh, máy cán bánh phồng…nhằm nâng cao nâng suất lao động, tiết kiệm thời gian, cải tiến mẫu mã đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Con đường khởi nghiệp của vua bánh Pía

[vanhoamientay.com] Ông chủ của Tân Huê Viên – công ty chế biến bánh pía lớn nhất Sóc Trăng, xuất thân từ phận làm thuê, khởi nghiệp làm bánh lạ đời chỉ với…con dao và một tấm nhôm, nhưng sau hơn 10 năm đã trở thành “vua bánh pía” của vùng đất miền Tây Nam Bộ.

Quả là hình ảnh ấn tượng, bởi bánh pía lâu nay vốn chỉ được xem như một loại sản phẩm địa phương thông thường, nhưng nay nó đã được một doanh nghiệp nâng tầm, đưa mức tiêu thụ lên vài trăm tấn mỗi năm, được vận chuyển đi khắp cả nước, kể cả xuất khẩu.

Ấn tượng hơn, đây không phải lần đầu Giám đốc trực tiếp xuống làm cùng công nhân, mà đã gần 20 năm nay, hầu như mỗi ngày Thái Tuấn đều làm việc dưới xưởng tới gần 1 giờ sáng.

Anh Thái Tuấn sinh năm 1968 trong một gia đình nghèo ở thành phố Sóc Trăng. Năm 12 tuổi, Tuấn đã phải nghỉ học, lăn lộn vào đời kiếm tiền phụ giúp gia đình bằng nghề sửa xe.

Hết sửa xe, Tuấn xin vào làm không công cho một cơ sở sản xuất bánh pía ở Vũng Thơm (xã Phú Tâm, huyện Châu Thành, Sóc Trăng), cách nhà vài chục cây số. Làm ở đây, Tuấn chỉ được chủ nuôi cơm hằng ngày chứ không được trả lương như những người thợ khác vì lúc đó Tuấn chỉ mới 14 tuổi.

Miệt mài làm việc nhưng Tuấn không nguôi trăn trở: “Mình phải làm gì để có thể đổi đời?”. Để tìm ra câu trả lời, Tuấn chăm chỉ vừa làm vừa học.

Một năm sau, anh được chủ giao cho việc trộn nhân bánh. Công việc vất vả, phải làm quần quật suốt ngày đêm, lương lại không cao nhưng Tuấn không nản chí.

Nhiều đêm nằm vắt tay lên trán suy nghĩ: “Người ta làm được thì mình cũng làm được, phải thử mới biết…”. Và Tuấn âm thầm thực hiện giấc mơ đổi đời bằng việc làm hết sức táo bạo: Mua một tấm nhôm, một con dao để… mở lò sản xuất bánh.

Ước mơ đã có, nghị lực cũng thừa nhưng lại thiếu vốn. Khi người anh trai lập gia đình, Tuấn “đánh liều” hỏi mượn anh toàn bộ số tiền mừng đám cưới làm vốn mua: bột, đường, đậu… để sản xuất bánh. Thương em, người anh đồng ý để Tuấn thực hiện ước mơ của mình.

Theo Doanhnhansaigon

Vui buồn với nghề sửa giày, dép cũ

[vanhoamientay.com] Chỉ cần vài cái dùi, cái kéo, những người thợ đã có thể “vá lại cuộc đời” cho những đôi giày, dép cũ, đôi khi là vá lại cuộc đời mình. Và nghề sửa giày, dép cũ  này đã có những người thợ gắn bó với nghề gần 30 năm.

Nghề truyền thống của gia đình

Tại một ngã tư TP Mỹ Tho (Tiền Giang) hai chị em bà Ngọc và bà Đào, đã có thâm niên gần 30 năm gắn bó với nghề sửa giày, dép cũ. Nhờ cái nghề này mà hai bà đã nuôi các con mình khôn lớn và giờ đây khi tuổi đã xế chiều, hai bà lại có thể tự nuôi bản thân mình mà không cần vướn bận đến các con.

Đôi tay thoăn thoắt luồn từng mũi kim may lại đôi giày rách cho khách, theo ba chia sẻ để sửa lại đế một đôi giày khá đơn giản. Trước tiên, bà phủ một mảnh vải lên ngang đùi, gót đôi giày được cắt cho vừa, rồi một miếng cao su có phết keo dính vào bên bị mòn nhiều hơn để tạo sự cân bằng. Bà Ngọc dùng con dao nhỏ cắt, gọt, tỉa phần vừa dính, ngắm lại kỹ càng rồi tiếp tục cắt một miếng cao su khác dính chắc vào toàn bộ phần gót và dùng keo dán cho thật chặt phần đế với phần thân giày.…

Vậy là chiếc giày có gót mòn, một bên thấp, bên cao trước đây đã trở lại hình dáng ban đầu, phẳng lỳ chỉ sau vài công đoạn đơn giản của bà Ngọc.

Đầu tư cho nghề sửa giày vỉa hè không quá lớn: Vài ba chiếc ghế nhựa, cái kệ nho nhỏ để đủ các loại giày cũ, một miếng da, dao, kéo, keo, kìm, kim chỉ,… tất cả chỉ khoảng 500.000 đồng, cùng một chỗ ngồi đúng quy định, dễ dàng cho người ta nhìn thấy là đã có thể hành nghề.

Dù chỉ là nghề mưu sinh trên vỉa hè, đường phố nhưng nghề sửa giày, dép cũ mang lại thu nhập khá ổn định, bình quân thu nhập cho mỗi ngày lao động khoảng 100.000 – 200.000 đồng. Làm nghề này không thể giàu, chỉ đủ để trang trải chi phí sinh hoạt hằng ngày.

Hần hết những người thợ sửa giày ở Mỹ Tho đều có điểm chung là mưu sinh bằng nghề truyền thống của gia đình. Tuy nhiên, nếu những thế hệ trước có thể “ăn nên làm ra” bằng nghề đóng giày, thì nay con cháu chỉ có thể mưu sinh được bằng nghiệp sửa chữa, khâu vá.

Nghề vá lại cuộc đời

 Sau bao nhiêu thăng trầm trong  cuộc sống, anh Dương tại TP Biên Hòa (Đồng Nai) quyết tâm chọn góc chợ Tam Hòa để hoàn lương bằng nghề sửa giày, dép cũ.

Năm 2010, ông Ba Dương (56 tuổi) được đặc xá ra tù trước thời hạn 3 năm. Lúc ấy không vợ con, cha mẹ thì đã mất, tưởng cuộc đời sẽ hết không ngờ ông được một lòng hảo tâm giúp đở 1 triệu đồng. Từ số vốn ít ỏi đó, ông Ba Dương đã từng bước “vá lại cuộc đời” mình bằng những đường kim, mũi chỉ vốn học lóm được từ các bạn tù. Tuy thu nhập không cao nhưng ông thấy cuộc sống mình có y nghĩa hơn, dần quên được quá khứ tội lỗi khi tự nuôi sống được bản thân.

Cũng như ông Ba Dương, bao năm hành nghề sửa giày, dép cũ cho các bà, các cô nơi góc chợ Dầu Giây (huyện Thống Nhất, Đồng Nai) đã giúp cho Sáu Thanh hoàn thiện được lẽ sống của đời mình.

 Để sửa đôi giày, dép vừa chân, người thợ phải tỉ mỉ và khéo léo, quan trọng là sửa cho vừa chân để khách hài lòng. khách hàng của nghề này đa số là giới bình dân, người lao động nghèo.

Dù đắt hay ế, dù mưa hay nắng, người thợ vẫn ra mở tiệm vì công việc này đòi hòi sự kiên trì, nhẫn nại, và khi được chăm chút đôi chân cho các cô, các bà, các cháu thiếu nhi, các anh chị lao động nghèo đó là hạnh phúc.

Băng Tâm tổng hợp

Bánh mì – ẩm thực đường phố Việt Nam trên toàn thế giới

[vanhoamientay.com] Bánh mì – món bánh trên đường phố Việt Nam, đã được người nước ngoài ca ngợi trong xuốt thời gian gần đây, có vẻ như món bánh mì đã thật sự “soán ngôi” của phở và trở thành món ăn Việt Nam được người nước ngoài yêu thích nhất.

Có một điều tôi vẫn luôn ấm ức mỗi khi nghĩ về ẩm thực Việt Nam trên thế giới, đó là người ta cứ cố dịch hết tên các món ăn tiếng Việt ra tiếng Anh. Phở hay bún cứ chung chung thành noodle còn đôi khi bún lại bị đánh đồng thành soup. Kể cả sự chuyển ngữ này có đúng đi nữa, tôi vẫn thật lòng không muốn người ta làm vậy. Chẳng ai gọi Sushi là fish and rice, chẳng ai gọi Tom Yum là spicy soup hay Thai soup và cũng chẳng ai gọi Beef bourguignon là beef stew cả. Tại sao phở không cứ đơn giản là phở và bún không cứ đơn giản là bún? Dù khó phát âm, nhưng đó là món ăn của người Việt và chẳng thể tuyệt hơn nếu cái tên của nó được biết đến với chính tiếng Việt, một cái tên mà khi nhắc đến người ta sẽ nghĩ ngay đến bát phở nóng với nước xương thơm lừng mùi quế hồi và những lát thịt bò tái chín mềm, chứ không phải là một bát mì kiểu Hàn, kiểu Nhật hay kiểu Trung Quốc rất đỗi chung chung.

Tôi cứ ấm ức như thế cho tới mãi đợt gần đây, khi khắp các trang web về du lịch hay ẩm thực thế giới, các food blog và thậm chí cả những blogger lừng danh về lifestyle, tất cả như… phát điên vì món bánh mì. Và họ gọi bánh mì đúng là “banh mi” một cách say mê và đầy ngưỡng mộ, chứ không phải “Vietnamese baguette” hay bất cứ cái tên tiếng Anh nào khác. Tôi nghĩ đây thực sự là một dấu ấn khi mà bánh mì đã thực sự khiến người nước ngoài phải nhớ đến nó bằng cái tên riêng, một cái tên độc nhất vô nhị trong trí óc họ mỗi khi muốn ăn bánh mì kiểu Việt Nam. Và với tôi, điều này còn thể hiện được rằng, món bánh mì đã thật sự “soán ngôi” của phở và trở thành món ăn Việt Nam được người nước ngoài yêu thích nhất.

Khó mà tin được, phải không? Cả một thập kỉ, món ăn chúng ta tự hào đem khoe với người nước ngoài nhất là phở. Phở xuất hiện ở mọi nơi, trên mọi tạp chí và mọi cuốn sách hướng dẫn du lịch. Nó trở thành môt biểu tượng, một thứ mà bạn phải ăn khi đến Việt Nam. Thậm chí, nếu có một cuộc khảo sát khi đó thì cam đoan tất cả đều sẽ nói họ đến Việt Nam và thích ăn phở. Nhưng dường như tất cả mọi chuyện vừa mới thay đổi chỉ trong 1-2 năm trở lại đây. Khi tất cả những gì khiến người nước ngoài nói đến về ẩm thực Việt Nam là bánh mì. Bánh mì ở khắp mọi nơi, ở trên các mặt báo, ở các bài trải nghiệm du lịch của các food blogger. Ở Anh hay Mỹ (và tất nhiên là nhiều nước phương Tây khác), những cửa hàng bánh mì mọc lên như nấm với những cái tên như Bun mee, Banh mi My Tho (Mỹ) hay Kêu, Banh Mi Bay, Banhmi11 (Anh). Ở Malay, có một thương hiệu bánh mì mang tên Ô Bánh Mì và nó thực sự là một “cú nổ lớn” khi trở thành địa điểm yêu thích của người Malay. Tại Thái Lan, có một xe bán bánh mì lưu động ở khắp thành phố và nó trở thành cái tên được chú ý và săn đón nhất. Yum Brands -Tập đoàn sở hữu KFC và Pizza Hut thậm chí đã mở ra một tiệm bánh mì ở Texas và đặt tên thân thương là Banh Shop. David Farley – cây viết về ẩm thực và du lịch của BBC đã hào phóng cho rằng: Bánh mì Việt Nam ngon nhất thế giới! Còn Iamfoodblog – Blooger ẩm thực nổi tiếng thẳng thừng tuyên bố: Tôi nghĩ rằng bánh mì là loại sandwich mà tôi mến mộ nhất! Thật sự, thế giới đang phát cuồng bởi cơn sốt bánh mì, một sự ám ảnh hoàn toàn mới và tất cả những gì người ta nghĩ đến bây giờ chỉ là bánh mì mà thôi.

Tôi không cảm thấy lạ khi người Tây mê mẩn bánh mì đến thế. Với nhiều sự tương đồng với món sandwich (và tất cả chúng ta đều biết họ yêu món sandwich như thế nào), thì bánh mì thực sự là môt làn gió mới nếu đặt đứng cạnh những CubaSandwich hay Kebab hoặc những chiếc sandwich footlong kiểu Mỹ dài khủng khiếp và đầy ự những rau diếp, bacon cùng vài ba loại pho mát. Sự yêu thích bánh mì có thể giải thích bởi món ăn này là kết quả của một cú va chạm hoàn hảo giữa ẩm thực phương Tây và tinh tuý của ẩm thực Việt, nó mang đầy đủ đặc điểm của một món ăn hiện đại mà bất cứ người bận rộn nào cũng cần. Nó gần gũi với người phương Tây nhưng cũng mang đầy hương vị cầu kỳ, tinh tế của châu Á.

Ý tôi là, các bạn thấy đấy, có ai lại không thích bánh mì cơ chứ? Tôi còn nhớ ngày bé, sáng nào cũng được mẹ để lại cho 5-10 nghìn ăn sáng. Thế là trong lúc bố mẹ đi vắng, tôi đạp xe ra con phố cạnh nhà mua bánh mì ăn. Ngày ấy, một chiếc bánh mì tôi ăn chỉ có giá 5 nghìn, vỏ giòn rụm còn nhân thì ngập những miếng xúc xích bì màu đỏ hồng tai tái. Hoặc đôi khi, chỉ cần bánh mì với thứ bơ rẻ tiền nhàn nhạt và vài ba nắm ruốc trải vào, thế là đủ để một đứa trẻ ăn uống đơn giản như tôi có thể thoả mãn. Và trời! Các bạn có nhớ cái tiếng đó không, tiếng lớp vỏ bánh mì vỡ vụn ra trong miệng khi bạn cắn miếng đầu tiên. Nó là thứ âm thanh rộn ràng và vui tươi nhất mà một món ăn có thể tạo ra. Rồi lớp ruột mềm mại như một lớp đệm bên trong nữa, chúng được thấm đều bơ và nước thịt nên lại càng đậm đà. Và làm sao chúng ta có thể bỏ qua phần nhân, phần nhân mới thực sự là linh hồn của chiếc bánh. Thịt xá xíu, pa tê, giò chả hay trứng rán, xúc xích bì,… mỗi hàng bánh mì lại có một cách riêng để khiến phần nhân của mình trở nên đặc biệt. Chúng vừa béo ngậy, vừa đậm đà, vừa đầy hương vị như một khu rừng. Rồi cuối cùng là một chút vị thanh chua của dưa góp và chỉ với vài sợi rau thơm, cả chiếc bánh đã ngào ngạt hương vị thảo mộc, tất cả quyện vào với lớp vỏ thần kỳ và đó, chúng ta có một thiên đường vị mặn, ngọt, giòn, dai, mềm, một thiên đường của tất cả các hương vị trên trần thế.

Chúng ta đã có phở “mở đường” cho ẩm thực Việt Nam đến với quốc tế, đã có hủ tiếu khiến cho ngay cả một gã đầu bếp được mệnh danh là “Ác quỷ” như Gordon Ramsay cũng phải ngả mũ và thừa nhận là một trong những món ăn ngon nhất ông từng ăn trong đời. Và bây giờ, chúng ta có bánh mì – hiện tượng “sandwich” khiến cả thế giới phải sùng mộ. Điều tuyệt vời nhất, đó là không chỉ món ăn trở nên nổi tiếng, mà còn cả một nền văn hoá, phong thái của cả một dân tộc thể hiện trong đó cũng được truyền tay nhau qua một món ăn giản dị. Con đường ngắn nhất để đên trái tim là qua dạ dày. Vậy nên, đôi khi, chẳng cần một chiến dịch gì to tát, chẳng cần một cái gì đấy hoành tráng, chỉ một chiếc bánh cũng đủ để kéo bạn bè thế giới gần hơn với chúng ta rồi.

PiterDeeDee / MASK Online

Theo Kênh14
Thành công Sao chép đường dẫn thành công !!