Có thể bạn quan tâm

Cá rô kho tộ đậm đà hương vị miền Tây

Dù có hơi nhiều xương, nhưng cá rô lại rất nổi tiếng với vị béo, thơm, dai, ngon. Nếu có dịp, bạn nên thưởng thức món cá rô kho tộ, đây là món ăn được xem như món ăn độc đáo của miền Tây Nam Bộ.

Cá rô kho tộ

Cá rô kho tộ mang hương vị đồng quê, nguyên liệu sử dụng dân dã là cá rô và cách chế biến cũng đơn giản nhưng lại là sự lựa chọn  cho bữa cơm ngon.

Để làm được món này nhất thiết phải có cái “tộ”, tộ là dùng để ám chỉ cái tô đất hay nồi đất. Ngày nay có thể do lối sống dần hiện đại hơn trong gian bếp nhiều nhà không còn cái nồi đất nữa. Tuy nhiên, đa số người nội trợ khẳng định kho cá trong tô đất hay nồi đất thì cá mới ngon, mới mang hương vị đặt trưng mà không loại nồi nào có thể thay thế.

Cá rô kho tộ

Nguyên liệu:

  • Cá rô
  • Thịt ba chỉ
  • Hành lá, ớt và gia vị

Cách làm:

– Cá làm sạch, thịt ba chỉ cắt miếng mỏng vừa ăn, để thật ráo nước.

– Ướp cá, thịt trong nồi đất với nước màu, ít đường, bột ngọt, nước mắm, hạt nêm, ớt. Để thấm trong 15 phút.

– Đặt nồi lên bếp kho với lửa nhỏ. Khi nước trong nồi sôi đều, cá đã thấm gia vị thì cho thêm nước lọc vào.

– Tiếp tục kho đến khi cá, thịt chín và nước trong nồi còn xăm xắp nước, nêm lại vừa ăn sao cho vừa mặn lại vừa ngọt, thêm đầu hành và tiêu xay.

Khi trời chiều chuyển mưa, thời tiết có hơi se lạnh là lúc rất thích hợp để thưởng thức món cá rô kho tộ cùng chén cơm nóng. Giẽ miếng thịt cá rô, vị ngọt của cá hòa lẫn với mùi thơm của hành, vị cay cay của tiêu, ớt và cái mùi đặt trưng của “kho tộ”  thì không thể lẫn vào đâu được. Chắc chắn bạn sẽ có một bữa cơm thật ngon miệng dù món ăn rất dân dã nhưng đậm đà hương vị miền Tây…

Khu di tích nhà Trăm Cột Cần Đước

[vanhoamientay.com] Có dịp về Cần Đước, bạn đừng quên ghé thăm một công trình kiến trúc điêu khắc cổ ở xã Long Hựu Đông mà nhân dân địa phương thường gọi là Nhà Trăm Cột

Chủ nhân đời thứ 3 ,ông Trần Văn Ngộ kể rằng ngôi nhà này do ông nội ông, ông Trần Văn Hoa lúc ấy là Hương Sư làng Long Hựu, tổng Lộc Thành Hạ, tỉnh Chợ Lớn xây dựng vào những năm 1898-1903 do 15 nghệ nhân từ kinh đô Huế vào xây dựng, trong đó 2 năm để xây nền móng và 3 năm để chạm trổ trang trí hoa văn nội thất

Với diện tích 882m2, Nhà Trăm Cột tọa lạc trên một khu vườn rộng 4.044m2 ,chính diện quay về hưóng Tây Bắc. Nhà hoàn toàn bằng gỗ (cẩm lai, gõ đỏ, gõ mật), mái lợp ngói âm dương, nền nhà bằng đá tảng cao 0,9m, mặt nền lát gạch Tàu lục giác. Nhìn trên bình đồ Nhà Trăm Cột có kiểu chữ quốc ( ) , 3 gian , 2 chái. Ngôi nhà này nếu nói chính xác thì đến 160 cột chứ không phải một trăm, Trăm Cột chỉ là tên gọi tượng trưng.

Nhà gồm có hai phần: phần trước là phần nội tự – ngoại khách,phần sau là phần để ở và sinh hoạt. Lẫm lúa ở sau cùng đã tháo dở (vào năm 1952), nay chỉ còn nền móng. Kết cấu chính của Nhà Trăm Cột kiểu xuyên trính ( còn gọi là nhà đâm trính, nhà rường) ,khung sườn kiểu bát trụ, định vị theo hướng Tây – Đông, Tiền – Hậu. Các bộ phận của kết cấu chính như trính, trổng đều chạy chỉ , uốn cong kiểu nhà rường ở miền Trung. Tiếp giáp giữa bộ phận trính và trổng để đỡ đòn dông nóc nhà được cách điệu hình ”chày cối”,tượng trưng cho âm dương hòa hợp (nên còn gọi là kiểu nhà chày cối).Đây là kiểu nhà truyền thống có nhiều ưu điểm bởi bộ khung rất chắc chắn. Không gian ”rộng lòng căn” được tạo ra ở giữa nhà do không có hàng cột giữa thích hợp để thờ tự.

Đặc biệt, trang trí trong kiến trúc ở Nhà Trăm Cột cho thấy nghệ thuật điêu khắc của các nghệ nhân ngày trước ở vào trình độ bậc cao qua cách bố cục, thể hiện đề tài cũng như xử lý kỹ thuật. Toàn bộ hệ thống vì kèo, xuyên được chạm nổi, chạm lọng rất công phu các đề tài ”vân hóa long”, ” tứ thời” kiểu ”dây lá hóa” đặc trưng của Huế rất sắc sảo. Các gian nội tự và ngoại khách là nơi tập trung cao nhất giá trị thẩm mỹ của công trình mà người xưa đã gửi gấm trên từng nét chạm. Đó là một tập hợp đa dạng, phong phú các đề tài cổ điển như ”tứ linh”, ”tứ thời”,” bát quả”; các mô típ thể hiện Phúc – Lộc -Thọ bên cạnh các đề tài phương Tây như hoa hồng, sóc – nho, cùng các yếu tố Nam bộ như mãng cầu, bình bát,khế,măng cụt, đã được các nghệ nhân thể hiện công phu trên các bao lam, các khung ô hộc, vách ngăn, vách lá gió, bàn thờ , ghế nghi, bàn tròn , bàn dài, bằng kỹ thuật chạm lọng, chạm nổi, chạm bong kênh, chạm nổi trên nền chạm lọng, hết sức điêu luyện và tài tình.

Nét đặc thù trong phong cách chạm gỗ ở đây là bên cạnh phong cách tả thực khéo léo, tỉ mỉ nặng tính sao chép, gò bó bởi những qui phạm phong kiến là phong cách cách điệu phóng khoáng với khối lượng lớn các đồ án dạnhg ”dây lá hóa” đã tạo thêm sự phong phú, sinh động, gây xúc cảm cho người thưởng ngoạn. Gian ngoại khách ở Nhà Trăm cột còn được tô điểm bởi các bức hoành phi, đối liễng, sơn son ,thếp vàng ,cẩn ốc xa cừ có nội dung nói lên tư tưởng hướng đến cuộc sống an nhàn, (Thiên địa náo trường xuân mậu trúc mai thanh khai hảo cảnh, Hướng sơn y thắng cuộc vận phi điểu cách tráng kỳ quan) hay ca ngợi cảnh đẹp (Sơn trang cổ họa) ,cầu phúc ,chúc thọ. Tất cả được bố cục ,xử lý một cách hài hòa trong không gian kiến trúc làm toát lên nét trang nghiêm của một ngôi nhà thờ và cũng đầy tráng lệ của một công trình kiến trúc điêu khắc truyền thống.

Theo các nhà nghiên cứu, Nhà Trăm Cột là một ngôi nhà có kiểu trúc thời Nguyễn, về đại thể mang dấu ấn rõ rệt của phong cách Huế. Nhưng do được làm theo đơn đặt hàng của gia chủ trong bối cảnh Nam bộ thời thuộc Pháp nên có nhiều nét tiểu dị trong đề tài trang trí,tạo được sự phong phú và đa dạng. Đó cũng là một phần lịch sử – văn hóa đất phương Nam cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20.
Với giá trị ấy, năm 1997 Nhà Trăm Cột đã được Bộ Văn Hóa – Thông Tin xếp hạng là Di tích lịch sử – văn hóa Quốc Gia.

Theo longangov

Làng nghề đóng xuồng ghe Bà Đài, Đồng Tháp

Hầu hết các làng nghề truyền thống ở nước ta thường xuất phát từ nhu cầu của địa phương và sau đó tiếp tục duy trì và trở thành nghề cha truyền con nối.

 Các làng nghề truyền thống ở nước ta

Miền đất Nam bộ với hệ thống sông ngồi chằng chịt, văn hóa gắn liền với văn minh sông nước miệt vườn, hình ảnh chợ nổi với ghe xuồng tấp nập trên sông mang một đặc trưng của vùng đất Nam bộ.

Cũng vì thế mà nghề đóng ghe xuồng được hình thành và phát triển từ rất sớm, chiếc xuồng không chỉ là phương tiện đi lại, vận chuyển hàng hóa mà nó còn gắn bó với quân dân ta trong công cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm…

Có nhiều người đã xem chiếc xuồng là ngôi nhà thứ 2 của mình, khi đặt tấm cà rèm lên trên làm nóc, thêm cái cà ràng, vài cái nồi thì những cặp vợ chồng chuyên nghề câu, lưới… hay cắt lúa mướn, nuôi vịt chạy đồng có thể sống hàng tuần thậm chí là hàng tháng trên sông …

Làng nghề đóng xuồng ghe Bà Lài 

“Chiếc xuồng quê hương tôi, đã có tự lâu rồi, gắn bó suốt cuộc đời, người dân nơi Đồng Tháp…”

Nếu bạn có dịp về Đồng tháp vào một ngày đẹp trời mùa nước nổi, nhớ ghé thăm làng nghề đóng xuồng ghe Bà Đài (thuộc xã Long Hậu, Lai Vung). Chiếc xuồng cui Bà Đài gắn liền với tên tuổi của “ông Sáu Xuồng Cui” đã tồn tại hơn một thế kỉ qua. Trải qua nhiều thăng trầm, sự đào thải của xã hội làng nghề đóng xuồng ghe ở đây vẫn tồn tại như một nét đặc trưng của vùng đất Nam bộ.

Cùng với những sản phẩm làng nghề đặc trưng, làng nghề này còn lưu giữ những nét văn hóa, tín ngưỡng dân gian trong nghề đóng xuồng, ghe như lễ cúng tổ, lễ ghim lô, lễ hạ thủy, lễ khai tâm điểm nhãn, một số luật lệ khi đi ghe, xuồng,…

Làng nghề đóng xuồng ghe Bà Lài 

Cũng như bao nghề thủ công khác, nghề đóng xuồng đòi hỏi tay nghề cao, sự khéo léo, cũng như kỹ thuật riêng, để tạo nên những chiếc xuồng vừa đẹp, vừa chắc, vừa cân bằng tuyệt đối…  để hoàn thiện một chiếc xuồng, người thợ phải làm qua các công đoạn như cưa ván, bỏ mực, rọc dọn, vô vỏ, ráp cong, dằn…

Mùa đóng xuồng cao điểm nhất là từ đầu tháng 4 âm lịch đến khoảng rằm tháng 5 trở đi. Và khoảng cuối tháng 8 âm lịch, nhịp độ đóng xuồng chậm lại. Ngay từ tháng 2, tháng 3 âm lịch, các cơ sở đã chuẩn bị mua cây, mua gỗ, vật liệu sẵn.

Tại xã Long Hậu, hiện có cả trăm hộ hành nghề đóng xuồng. Trong đó, chỉ có khoảng 1/3 tổng số hộ trên mới có điều kiện duy trì nghề đóng xuồng quanh năm. Những hộ còn lại chỉ tập trung làm theo mùa, bởi do thiếu vốn mua gỗ…

Xuồng ở rạch Bà Đài được đóng thành nhiều kiểu dáng như: xuồng cui, xuồng vỏ gáo, xuồng mũi bằng, xuồng ba lá… Bán chạy nhất là xuồng gỗ sao, gỗ sến, với kích cỡ 4,5- 6,5m.

Chiếc xuồng là phương tiện đi lại, chuyên chở hàng hóa rất thông dụng của người dân lao động miền sông nước Nam Bộ; đồng thời còn là phương tiện dùng để đánh bắt thủy sản mùa lũ. Do vậy, việc phát triển và mở rộng làng nghề đóng xuồng ở rạch Bà Đài là rất cần thiết.

Làng nghề đóng xuồng ghe Bà Lài 

Qua bàn tay khéo léo vá óc sáng tạo của anh Nguyễn Văn Tốt ở ấp Long Hưng 2, xã Long Hậu, những chiếc xuồng tưởng chừng chỉ đi trên sông nước giờ đây đã nằm trên tay khách du lịch. Những chiếc xuồng thu nhỏ của anh được rất nhiều người yêu thích, đây như một hướng đi mới cho nghề.

Và cuối năm 2014, làng nghề đóng xuồng rạch Bà Đài đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Rạch Bà Đài thông với sông Lai Vung chảy ra sông Hậu, lại nằm gần tuyến QL 80, tỉnh lộ 851 cùng với hệ thống cây ăn trái , đặc biệt là quýt hồng đã tạo điều kiện khá thuận lợi cho việc khai thác hoạt động du lịch làng nghề theo hướng liên kết điểm. Tận dụng tiềm năng về thiên nhiên, sông nước miệt vườn, những người làm công tác du lịch có thể lấy làng nghề đóng xuồng ghe Bà Đài làm điểm nhấn đưa khách đi tham quan các điểm khác trong vùng với phương tiện vận chuyển chủ yếu là ghe, xuồng.

Làng nghề đóng xuồng ghe Bà Đài góp phần quan trọng vào việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa của địa phương và của vùng đất Tây Nam Bộ

Về Tiền Giang du lịch cù lao Thới Sơn

[vanhoamientay.com] Cù lao Thới Sơn là điểm du lịch sinh thái miệt vườn nổi tiếng ở Tiền Giang và ĐBSCL, cách TP HCM khoảng 85 km. Về cù lao Thới Sơn bạn sẽ được đến với vùng sinh thái có nét nguyên sơ, môi trường sinh thái của miệt vườn, được trải nghiệm nhiều cảm giác mới lạ như chèo xuồng, đi xe ngựa…

Dọc theo cù lao là những vườn cây ăn trái sum suê chạy ngút ngàn, khí hậu mát mẻ dễ chịu, nhiều dãy nhà thẳng tắp bày bán đủ các mặt hàng thủ công mỹ nghệ sản xuất từ cây dừa; hàng thêu may, đan, rượu, bánh… những sản phẩm đặc thù của địa phương. Đặc biệt cu khách có thể thăm những vườn cây trái trĩu quả, trại nuôi ong, lò kẹo dừa… đặc trưng của người Nam Bộ.

Quang cảnh xanh tươi của khu du lịch, sự hấp dẫn, quyến rũ của Thới Sơn ở chỗ đến mảnh đất này, người ta sẽ quên sự ồn ào của phố phường. Miền Tây sông nước sẽ cho bạn có ngay một cảm giác thật yên bình, trong một không gian thoáng đãng bởi nét đặc trưng, với hình ảnh của sông nước trong veo, những hàng cây xanh ngát.. Du khách đến Thới Sơn, xuống đò chèo xuôi theo những con rạch ngoằn ngoèo giữa hai hàng dừa nước rậm rạp, giữa hàng thủy liễu ven sông luôn nghiêng mình ngả bóng đón chào.

Nếu muốn tản bộ, sẽ theo những con đường đá uốn lượn, băng qua những vườn cây trái xum xuê. Du khách cũng có thể ngồi trong những nhà vườn nhấm nháp tách trà mật ong thơm ngọt và lắng nghe đàn ca tài tử. Ðêm Thới Sơn thật huyền diệu với đầy trăng, gió, sóng nước mênh mang. Khách có thể đi thuyền trên sông, ngắm trăng lên, hoặc cùng bạn ngồi đối ẩm trong tiếng ca mượt mà, sâu lắng của thôn nữ.

Đến cù lao Thới Sơn, bạn được thưởng thức một loại nước uống với sự pha trộn giữa trà, rượu thuốc, phấn hoa, mật ong và tắc. Ngoài ra, những món quà mang nét đặc trưng nới đây mà bạn có thể mua về làm quà như kẹo dừa, dầu dừa, rượu rắn… Nam nữ có thể thay áo bà ba và xuống ao để tự mình có thể bắt cá.

Bạn sẽ được thả hồn vào không khí trong lành của miền Tây khi tận mắt thấy được cảnh làng quê thanh bình, hàng dừa xanh mát. Điểm thú vị nhất là ngồi trên xuồng để đến cồn Thới Sơn. Dọc theo dòng sông dài gần 2 km là những hàng dừa rợp bóng cùng hàng trăm chiếc xuồng nối tiếp nhau tạo cho bạn cảm giác thật thư thái, dễ chịu.

Sau cù lao Thới Sơn, đến cù lao Ngũ Hiệp nơi có trái sầu riêng đặc sản cũng làm du lịch. Rồi xứ vườn vú sữa Lò Rèn cũng mở cửa đón khách tham quan.

Băng Tâm tổng hợp
Đậm đà bún cá Kiên Giang

Đậm đà bún cá Kiên Giang

Kiên Giang không những nổi tiếng với địa danh mang tên “hòn ngọc biển đông” mà khi đến Kiên Giang bạn đừng quên thưởng thức món ăn đặc sản nơi đây. Bún cá Kiên Giang là một trong những món ăn góp phần tạo nên tên tuổi của vùng đất này.

Đậm đà bún cá Kiên Giang

Dù chỉ là món ăn bình dân nhưng khi thưởng thức chắc người ăn sẽ đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác bởi hương vị tuyệt vời mà món bún cá này mang lại.

Bún cá Kiên Giang có nguyên liệu là những con cá lóc béo tròn trên các dòng sông, đồng ruộng. Cá đồng sẽ cho thịt thơm, dai và có vị ngọt chứ không mềm và bở. Bởi lẽ chọn cá là một trong những phần cực kỳ quan trọng để có thể nấu thành một món bún ngon.

Cá làm sạch rồi cắt thành 3 khúc, phần đầu phải làm cho thật kỹ, khéo léo tách đầu ra sao cho dính nguyên cả bộ đồ lòng cá. Làm sạch bao tử, rồi dùng muối rửa thật sạch vì nếu không sạch thì còn tanh, mất ngon, cẩn thận đừng để vỡ mật và gan cá.

Cá luộc chín, sau đó gỡ riêng phần thịt, xương rồi giã nát, cho vào túi lưới thả vào nồi ninh chung với các loại cá nhỏ để lấy nước dùng. Chính nhờ quá trình này nên nước dùng bún cá luôn có vị ngọt thanh tự nhiên.

Tô bún cá Kiên Giang còn hấp dẫn người ăn nhờ phần trứng cá được đánh tơi vàng ươm trên bề mặt. Vào mùa cá không có trứng, trứng cá sẽ được thay thế bằng lòng đỏ trứng gà pha với tôm tươi bằm nhuyễn, đánh tơi và hấp chín.

Trong tô bún cá Kiên Giang không thể thiếu loại tép đất, hoặc tép bạc. Tép đem rửa sạch, lột vỏ, bỏ đầu, ướp chút muối, một ít tiêu, tỏi… phi tỏi mỡ cho thơm, bỏ tép vào rim nhỏ lửa để tép săn lại, cuộn tròn vàng ươm, thơm lừng

Người có tay nghề nấu nước lèo, khi ăn vào bạn vẫn có thể cảm nhận được vị ngọt và vị mặn rất hấp dẫn.

Món ăn không chỉ đẹp mắt mà còn ngon miệng. Đơn giản là vậy mộc mạc là vậy nhưng khi thưởng thức chắc chắn bạn sẽ cảm thấy bị mê hoặc

Khi thưởng thức món ăn này không thể thiếu đĩa rau sống cùng chén nước mắm ớt nguyên chất đậm đà. Những dư vị ngọt ngào, thơm thơm từ các nguyên liệu sẽ khiến bạn khó có thể quên.

“Ai về Rạch Giá, Kiên Giang

Ăn tô bún cá chứa chan tình người”.

Đậm đà bún cá Kiên Giang


Bún nước lèo Sóc Trăng

[vanhoamientay.com] Bún nước lèo Sóc Trăng có ít nhiều khác biệt với một số địa phương lân cận trong vùng. Sang thì tô bún có đủ thứ: cá lóc, tép bạc, heo quay…, đơn giản hơn thì chỉ cần con cá lóc trọng trọng cũng có thể nấu được nồi nước lèo.

Song có hai thứ không thể thiếu là ngải bún và mắm bò hóc. Ngải bún trước đây thường mọc hoang, sau được người ta trồng trong vườn nhà làm gia vị. Ngải bún có tác dụng khử mùi tanh của mắm. Mắm bò hóc được người Khmer làm từ các loại cá đồng trộn với muối và cơm nguội.

Để có được nồi nước lèo ngon phải kiếm con cá lóc đồng tối thiểu trên 0,5kg, được cá có trứng càng hấp dẫn vì nồi nước lèo sẽ nổi váng trứng vàng ươm, bắt mắt. Cá làm sạch, cắt thành hai phần đầu và đuôi: đầu dính với bộ đồ lòng là phần ngon nhất.

Tép bạc hoặc tôm thẻ luộc, bỏ vỏ cứng. Thêm mấy miếng thịt heo quay xắt miếng cỡ lóng tay hoặc chả cá thác lác, cá mè vinh thì tô bún càng ngon miệng. Nước lèo có thể nấu bằng nước dừa tươi để tăng thêm vị ngọt, cho mắm bò hóc vào nồi nước lèo đang sôi.

Ngải bún nướng sơ qua lửa than và gốc sả đập dập thả vô nấu tiếp. Hớt bọt kỹ, đến khi nước trong thả cá làm sạch vào.

Bún nước lèo được ăn kèm với rau muống chẻ, giá sống, bắp chuối bào nhỏ, chuối xắt ghém… thêm ít lá rau húng, rau quế, ớt sừng trâu chín đỏ xắt lát xéo, nước mắm hòn Lại Sơn hay nước mắm Phú Quốc mới đúng điệu và làm tăng hương vị đậm đà. Đây là món ăn thể hiện sự giao thoa cũng là sự sáng tạo văn hóa ẩm thực giữa các dân tộc anh em ở địa phương.

Theo Vietnamnet

Làng nghề nắn nồi đất huyện Hòn Đất – Kiên Giang

Trong khi có nhiều làng nghề đang dần bị mai một bởi sự thay thế của những tiến bộ của công nghệ, thì làng nghề nắn nồi đất ở huyện Hòn Đất – Kiên Giang lại là một ngoại lệ khá thú vị

Làng nghề nắn nồi đất tại huyện Hòn Đất – Kiên Giang đã góp phần bảo tồn những giá trị truyền thống mang dấu ấn văn hóa vùng.

Nằm ở trung tâm huyện Hòn Đất, làng nghề truyền thống này đã góp phần bảo tồn những giá trị truyền thống mang dấu ấn văn hóa vùng, chuyên tạo ra những sản phẩm  bằng đất nung như: cà ràng, nồi, om, ơ…

Xuất hiện vào cuối những năm 20 của thế kỷ XX, vị sư tổ của làng nghề là người Khmer, về sau người Việt đã học và phát triển thành nghề truyền thống của người Việt. Nghề nắn nồi là một thuật ngữ chứa một khái niệm chung chỉ công việc tạo ra các sản phẩm làm từ đất nung.

Từ xưa, nghề nắn nồi đối với người dân ở đây chỉ là một nghề phụ, phát triển nhất vào mùa nông nhàn, được người dân làm sau khi sạ lúa xong. Trước năm 1980, vùng này chỉ làm ruộng một vụ nên sau khi sạ lúa có khoảng thời gian dài rảnh rỗi người dân lại làm nghề…

Từ xưa, nghề nắn nồi đối với người dân ở đây chỉ là một nghề phụ.

Hòn Đất là huyện thuộc tỉnh Kiên Giang, với thành phần dân cư chủ yếu gồm ba tộc người chính là Việt, Khmer và Hoa. Từ thị xã Rạch Giá, du khách đi khoảng 30km theo Quốc lộ 80 về hướng Tây Bắc sẽ đến trung tâm huyện Hòn Đất, Kiên Giang. Trãi rộng trên một không gian bao la, du khách sẽ bắt gặp những cánh đồng lúa xanh ngút ngàn, đan xen vào không gian ấy là cảnh mây trời và núi rừng, có cả cảnh biển bao la đang ẩn hiện trước mắt.

Cũng như bao nơi khác, nguyên liệu dùng để nắn nồi là đất sét, phải có đủ các tiêu chuẩn như dễ đánh bóng, chịu nhiệt cao, tính kết dính cao… mà loại đất này có sẵn trên địa bàn huyện. Để hoàn thành một sản phẩm bằng đất phải qua nhiều công đoạn, công đoạn đầu là nắn hay còn gọi là tạo hình vì tất cả các sản phẩm đều có khuôn (khung) bằng gỗ hoặc bằng đất nung, đến công đoạn vỗ, do đất ướt chứa nhiều nước nên sản phẩm mới đầu thường biến dạng, đòi hỏi người làm phải có kỹ thuật vỗ  bằng các thanh tre, sau đó là công đoạn làm bóng, tạo hoa văn để sản phẩm được nhẵn bóng hoàn chỉnh. Nếu được chứng kiến các công đoạn làm mới thấy để có được sản phẩm như ý đòi hỏi người thợ phải có kỹ thuật cao, bàn tay phải uyển chuyển, mềm mại, sáng tạo.

Sản phẩm như ý đòi hỏi người thợ phải có kỹ thuật cao, bàn tay phải uyển chuyển, mềm mại, sáng tạo

Sau một tuần lễ, các sản phẩm được phơi khô và có thể đưa vào nung, gọi theo tiếng nhà nghề là “đốt nồi”.  Công đoạn đốt nồi khá đơn giản nhưng phải là người có nhiều kinh nghiệm trong nghề, trước kia cũng có nhiều thợ đốt nồi chuyên nghiệp đi đốt thuê nhưng đến nay ai cũng có thể đốt được. Trước khi “nung” người thợ phải sắp mọi sản phẩm lên mặt đất, chèn rơm hoặc cỏ khô vào các sản phẩm, phía trên lớp rơm có một lớp củi tràm. Người ta thường tiến hành đốt vào lúc ban đêm để dễ theo dõi lửa cháy cho đều. Thông thường, các loại sản phẩm “nặng lửa” được đặt ở trung tâm, loại “nhẹ lửa” sắp ở chung quanh để sản phẩm không bị sống hoặc chín quá.

Có vậy mới biết, sức sống của một làng nghề truyền thống không những phải phù hợp với nhu cầu cuộc sống, mà còn là câu chuyện của thời gian, của quá khứ và những kỷ niệm đẹp, mang bóng dáng của miệt đồng quê, không dễ lãng quên.

Trước sự phát triển của kim loại, nhiều vật dụng đã thay thế các sản phẩm bằng đất nung nhưng  nghề nắn nồi ở Hòn Đất vẫn tồn tại và được nhiều người biết đến. Những hình ảnh cái nồi đất không phai mờ trong sinh hoạt của con người, càng ngày càng được tái hiện sinh động và chân thực dưới bàn tay tài hoa của những nghệ nhân nắn nồi. Giờ đây nhắc đến nồi đất là người ta nhớ đến một làng nghề nắn nồi ở Hòn Đất, một làng nghề thủ công truyền thống nổi tiếng ở Kiên Giang.

Thành công Sao chép đường dẫn thành công !!