Có thể bạn quan tâm

Ngon lạ với bún Suông, Trà Vinh

[vanhoamientay.com] Ai từng ghé Trà Vinh sẽ có cơ hội thường thức món bún dân dã – bún suông, 01 trong 10 món ăn đặc sản nổi tiếng của Việt Nam đạt giá trị ẩm thực châu Á

Bún suông còn được gọi là bún đuông, bún này có xuất xứ từ Trà Vinh, Suông cũng như một dạng chả tôm (được gọi là suông tôm), có người thì mang hấp, có người thì đem chiên, vừa tươi ngon vừa mềm mịn được tạo hình như một con đuông. Sự hấp dẫn của món ăn này chính là nước lèo mang đậm chất Trà Vinh, nước lèo phải dùng xương heo để nấu, nước lèo không trong mà có màu nâu đậm, bởi được thêm một ít me và tương hạt, vừa tạo nên vị ngọt thanh lại vừa thoang thoảng hương thơm của tương rất hấp dẫn.

 Để làm suông tôm, tôm lột bỏ vỏ, đem ướp nước mắm ngon rồi lau khô, xay nhuyễn, thêm một ít hạt tiêu cho chả tôm thơm ngon. Sau đó, cho chả tôm vào trong bao ni lông, cắt một đầu nhỏ để “nặn” suông như ngón tay út và thả vào chảo dầu nóng hay là nồi nước sôi. Khi suông nổi lên và vàng ươm, là suông đã chín.

Tạo hình của cọng suông giống như một con đuông dừa, cũng có thể làm sợi suông hơi dài và trông như sợi bánh canh,  có màu đỏ gạch của tôm.

Theo như một chủ quán chia sẻ, thì ở Trà Vinh chỉ còn vài điểm bán loại bún này , và chỉ bán một buổi chứ không thể bán cả ngày vì công đoạn làm suông tôm rất công phu và mất nhiều thời gian.

Tô bún suông gồm một ít nạc heo, một ít giò heo và suông tôm, món ăn này ăn kèm bắp cải trắng bào sợi, giá và hành ngò. Chén nước chấm là hỗn hợp của tương xay và ớt xay.

Ở Sài Gòn, bạn có thể thưởng thức món ăn đặc sản của đất Trà Vinh tại quán bún suông 130 Nguyễn Đình Chiểu – quận 3 (bán vào buổi sáng) hoặc quán bún suông Diệu trong chợ Bến Thành. (theo Ngoisao)

Bún Suông Trà vinh được Tổ chức Kỷ lục Châu Á xác lập, công nhận là 01 trong 10 món ăn đặc sản nổi tiếng của Việt Nam đạt giá trị ẩm thực châu Á năm 2014

Tự hào biết mấy về ẩm thực Việt Nam, từ những món ăn bình dị, dân dã nhất  trở thành đặt sản vùng miền, rồi được ghi tên trên những trang vàng của ẩm thực thế giới. Hãy cùng vanhoamientay.com quản bá những tinh hoa ẩm thực của Việt Nam nhé.

 Băng Tâm tổng hợp

Cách nấu bún nước lèo Sóc Trăng

[vanhoamientay.com] Nét đặc biệt của nước lèo Sóc Trăng là không lợn cợn mà trong veo bởi nó được nấu bằng một công thức khá lạ.Cách nấu bún nước lèo không khó, món ngon chính vị mằn mặn thơm phức của mắm bồ hóc, ngọt dai của tôm tươi, thêm vài miếng cá lóc phi lê mềm tan, mùi thơm đặc trưng của ngải bún hòa quyện trong bát nước lèo trong veo, làm nên chất quê của bún nước lèo Sóc Trăng.

Nguyên Liệu:

o Mắm sặc ngon: 500g
o Tép bạc đất : 500g
o Cá lóc : 700g / 1 con
o Thịt heo quay: 200g
o Ngải bún: 200g, đập dập
o Sả: 5 cây, đập dập
o Dừa xiêm: 2 trái
o Hẹ: 100g
o Giá: 200g
o Rau ghém: rau sống, bắp chuối, rau muống…
o Chanh, ớt
o Muối, đường
o Bún

Cách nấu bún nước lèo

Cách nấu bún nước lèo Sóc Trăng rất dễ. Nguyên liệu đầu tiên không thể thiếu của món này là mắm bồ hóc (prohok). Đây là một loại mắm đặc trưng làm từ cá lóc, cá trê đồng, tôm, tép tươi đem ủ muối từ 6 tháng trở lên. Ngày nay, người ta có thể dễ dàng tìm mua được loại mắm bồ hóc chế biến sẵn có bán ở chợ hay siêu thị.

Mắm sặc nấu với 1 lít nước, sôi hớt bọt kỹ, lọc bỏ xương lấy nước. Cho nước mắm vào nấu chung với nước luộc tép, cá, nước dừa xiêm và thêm nước lã cho đủ 10 tô. Sau đó cho ngải bún, sả cây vào nấu sôi, đây là giai đoạn quan trọng phải hớt bọt thật kỹ thì nồi nước lèo mới trong. Nêm nếm lại cho vừa ăn là được.

Trình bày:

Cho bún đã trụng vào tô, xếp cá đã gỡ bỏ xương, thịt heo quay cắt miếng mỏng, tép, cho thêm hẹ cắt khúc cỡ 2cm lên trên mặt. Múc nước lèo sôi cho vào tô ăn kèm với rau ghém, chanh, ớt.

Băng Tâm tổng hợp

Đổi vị cuối tuần với bún cá Châu Đốc

[vanhoamientay.com] Thịt cá mềm ngọt, nước lèo có màu vàng đặc trưng của nghệ cùng hương vị đậm đà đem là những nét đặc trưng riêng của bún cá Châu Đốc.

Món bún cá đã trở thành món ăn quen thuộc của dân miền Tây, có thể nhắc đến bún cá Sóc Trăng, bún cá Kiên Giang… nhưng nổi tiếng hơn cả là bún cá Châu Đốc, An Giang, vì món bún cá nơi đây gần như giữ nguyên hương vị nguyên sơ của món bún cá.

Món bún cá có nguồn gốc từ Campuchia, trải qua nhiều nhiều biến tấu trong món ăn đã trở thành ón ăn đặc trưng của người Việt. Món ăn đơn giả chỉ gồm có cá lóc, nước lèo và bún tươi, vài miếng thịt heo quay, điểm nhấn trong món ăn được tạo nên từ những miếng cá lóc tươi ngon được rút xương tỉ mỉ và xào sơ với nghệ và mùi vị nước lèo không lẫn vào đâu được.

Nước lèo là phần tốn nhiều thời gian nhất, người nấu phải dùng xương ống để ninh, vừa ninh vừa vớt bọt để nước dùng trong. Nước lèo có mùi vị đậm đà, lớp mỡ trong nước lèo chỉ mỏng nhẹ, không gây ngán. Sẽ ngon hơn nếu bạn thưởng thức cùng với một ít ớt bột,  đi ăn bún cá Châu Đốc mà thiếu ớt bột thì xem như món ăn mất đi một nửa vị ngon. Thật vậy chỉ khi được ăn đúng điệu thì bún cá mới cho hương vị đặc trưng và tạo được dư âm đối với thực khách khi thưởng thức.

Sở dĩ người nấu chỉ sử dụng cá lóc cho món ăn này là vì thịt chắc, ít xương, ăn không bở ngán, đầu cá lóc cũng nhiều thịt hơn một số loại cá nước sông khác, lại mang nét đặc trưng của vùng đất này. Đầu cá sẽ được giữ nguyên dành cho những vị khách thích thưởng thức cùng với đĩa nước mắm ngon có chút ớt xanh sẽ vô cùng thú vị.

Ngoài ra, một món ăn kèm không thể thiếu trong tô bún cá Châu Đốc chính là thịt heo quay. Heo quay phải là loại vừa có nạc, vừa có mỡ và da giòn nhẹ. Đó thật sự là một sự kết hợp đầy ngẫu hứng nhưng tạo nên một hương vị tuyệt vời khó có thể quên.

Món bún thì rau xanh là không thể thiếu: các loại rau thơm, rau muống bào, diếp cá, bắp chuối bào và đặc biệt là bông điên điển. Sự hấp dẫn và thơm ngon từ món bún này chắc chắn sẽ khiến các bạn nhớ mãi không thôi.

Băng Tâm tổng hợp

Đọt choại luộc, món ăn mùi nhớ

[vanhoamientay.com] Đọt choại có thể xem là một món ăn mang đậm chất khẩn hoang của thời cha ông ta đi mở cõi, loại rau sạch có vị thơm, ngọt nhẹ đặc trưng, nhơn nhớt

Nghe 2 từ đọt choại (còn gọi chại, chạy), kỷ niệm trong tôi chợt hiện về. Có thể nói cây choại gắn chặt với ký ức tuổi thơ tôi. Choại là loại dây leo, thường mọc hoang nơi bưng biền, nhiều nhất ở Cà Mau, Hậu Giang, Rạch Giá…. Thân cây rất dài (đến khoảng 20 mét), có nhiều rễ bám chặt vào thân các loại cây khác (nhất là cây tràm) để sống. Lá kép hình lông chim có chiều dài gần cả mét. Lá non màu nâu pha lẫn xanh dợt, và trên đầu lá non uốn cong, thoạt nhìn ta liên tưởng đến hình con cuốn chiếu cuộn mình.

Đây là một loại rau sạch có vị thơm, ngọt nhẹ đặc trưng, nhơn nhớt và được các bà nội trợ miệt vườn khéo tay chế biến thành những món ăn ngon như: đọt choại nấu canh chua cá rô đồng, canh chua lươn với bông điên điển, nhúng lẩu, xào tép, ăn sống (hoặc luộc) chấm nước mắm cá chiên thật “bá phát”!!…

Đọt choại non không những được ưa chuộng để chế biến các thức ăn, mà dây choại già cũng lắm hữu dụng. Tôi vẫn nhớ như in – trước khi lũ về trắng xóa cánh đồng – để chuẩn bị đồ nghề đánh bắt cá, ba tôi thường vào rừng chặt những dây choại già, bó từng bó phơi khô sau đó bện đăng, đó, lợp…, và làm dây buộc cột, kèo nhà tránh giông bão rất bền chắc, vì dây choại khi ngấm nước rất dẻo. Sau này, dây choại già còn được thêm công dụng làm đồ thủ công mỹ nghệ nữa.

Những năm tháng chiến tranh, quê tôi nằm trong vùng bị địch tạm chiếm. Gia đình ba má tôi quyết bám trụ, không chịu di tản. Lúc bấy giờ, cuộc sống gia đình rất khó khăn, mỗi khi ra đồng kiếm thức ăn rất ngại vì sợ cảnh bom rơi đạn lạc. Vì thế, quanh đi ngoảnh lại chỉ có rau, củ quanh nhà. Và, món ăn được má tôi chế biến thường xuyên trong những bữa cơm, đó là: đọt choại luộc chấm nước mắm kho quẹt (hoặc nước mắm tỏi ớt), hay đọt choại sống ăn kèm với cá hủn hỉn kho quẹt.

Tuy đạm bạc như thế nhưng nồi cơm lúc nào cũng được vét sạch, và phần cơm cháy khét còn lại dưới đáy nồi, anh em chúng tôi dùng đũa bếp cạy lên và chia nhau mỗi người một miếng ăn với nước mắm kho quẹt hay đường thẻ (loại đường mía màu vàng, đổ khuôn có hình chữ nhật), và được xem như là món “quà vặt” tráng miệng.

Hôm nay, tôi đang ngồi trong quán sang trọng, ấm cúng với người bạn thân, trước những món ăn dân dã được biến tấu ít nhiều. Dĩa đọt choại luộc giòn, xanh mướt (tuy cũng có những cọng già, chắc do chủ tiếc rẻ vì hàng hiếm), trông khá bắt mắt, khác với dĩa đọt choại luộc nơi quê nhà xanh màu cỏ úa, mềm nhũn vì luộc quá lửa. Chắc là đầu bếp đã dùng bí quyết, bỏ vào nồi nước sôi một ít muối trước khi luộc chín, và sau đó phủ một lớp dầu ăn lên cho bóng mượt.

Còn dĩa cơm cháy thì trông rất hấp dẫn, đồng nhất một màu vàng ruộm, cắt đôi hình bán nguyệt, giòn thơm, béo ngậy vì được chiên trên chảo mỡ, khác với miếng cơm cháy khét, khô cứng, có vị đăng đắng xưa kia. Món nước mắm kho quẹt cũng là nước mắm nhỉ Phú Quốc, thơm ngon, có màu cánh gián, sền sệt, không giống nhiều với mùi vị nước mắm đồng mặn quéo kết hợp tinh túy từ thịt của con cá sặt, cá rô, cá linh… với hạt muối quê nhà. Không những thế, quán còn “vẽ duyên” thêm đường, tóp mỡ, hành, cùng một trái ớt sừng chín đỏ.

Thử bẻ một miếng cơm cháy, quẹt một chút nước mắm kho quẹt đưa vào miệng nhai giòn tan, thêm vào cọng đọt choại luộc có vị thơm thoảng, nhơn nhớt để trung hòa vị ngọt mặn của nước mắm. Tất cả quyện thấm vào vị giác, len xuống tận cổ! Chạnh lòng, nhớ về miền quê nghèo da diết, nơi đó có ba má và những người nông dân lam lũ cần cù…

Theo Ấp Bắc

Trở về tuổi thơ với món chuối quết dừa

[vanhoamientay.com] Nếu bây giờ, ai đó chưa từng ăn, chưa từng nghe qua thì sẽ cảm thấy lạ với cái tên này, vì cái tên nghe sao lạ lạ, ngộ ngộ. Thực ra, cái tên gọi cũng chính là cách làm món ăn này đấy, “chuối quết dừa” chỉ là chuối đem đi quết với dừa, nghe mà sao thân quen quá.

Nếu như trẻ con Sài Gòn thế hệ 8x, 9x có những món ăn vặt là sô cô la, kẹo hay bánh quy… thì trẻ con miền nông thôn như tôi lại có món ăn vặt được làm từ khoai lang, củ mì hay chuối… Trong đó, có một món mà tôi khá thích, đó là chuối quết dừa cho chính tay mẹ làm.

Món chuối quết dừa trông bên ngoài giống như cốm dẹp, Ăn vào vừa dẻo của chuối vừa béo của dừa, vừa ngọt ngọt, mặn mặn. Đây là món ăn dân dã, giản dị và khá quen thuộc với bọn trẻ 8x như tôi.

Vì ở nông thôn nên sau nhà tôi lâu lâu lại có buồng chuối, tranh thủ hôm nào mẹ không ra đồng thì cả nhà lại quay quần làm món này. Mó ngon mà chẳng tốn tiền mua.

Để làm món này ngon nhất thì chuối dùng để làm phải là chuối già (hay còn gọi là chuối xanh, chuối già là tên gọi của quê tôi) chuối già phải thật già, có vẻ ngoài tròn trịa, không còn gân chuối, da thẳng. Sauk hi đốn buồng chuối từ cây vào mẹ thường cắt từng trái ra rồi cắt bỏ hai đầu, đen ngâm vài giờ trước khi nấu. Mẹ nói ngâm chuối trước để chuối ra bớt mũ, mặt khác chuối sẽ thơm mùi nước , như vậy sẽ ngon hơn. Nấu chuối cũng khá đơn giản, chỉ cần xếp chuối gọn vào một cái nồi, đổ nước xăm xắp mặt, cho thêm tý muối, nấu khi nào vỏ chuối nứt ra hết, ruột chuối hơi vàng ngà làm được.

Khi chuối chín, vớt ra người nấu lưu ý là nên xối nước lạnh lên chuối, như vậy sẽ giúp thịt chuối xoăn lại làm tăng thêm độ dẻo.

Để món ăn tuyệt nhất, cần chọn loại dừa thật ngon, đó là dừa vừa rám nắng, chỉ vừa chuyển sang khô, có cơm mềm, béo nhưng không gắt dầu. Nạo dừa nên nạo thành từng sợi dài.

Chuối lột vỏ, để vào cái thau to và quết cùng với dừa nạo, thêm chút đường, chút muối, sẽ giúp vị ngọt mặn, béo hòa quyện đậm đà.

Mỗi khi mẹ quết chuối là tôi hay ngồi cạnh để đưa từng trái chuối vào thau cho mẹ, chuối không cần phải quết quá nhuyễn sẽ bị mất ngon, cái âm thanh “kịch kịch” do cái chày quết vào cái thau nghe rất vui tay. Đôi khi, có miếng nào văng ra khỏi thau là tôi “bóc lủm” ngay, rồi cười toe toét.

Quết xong anh em đứng xếp hàng để cho mẹ chia phần, mẹ thường nắn cho mỗi đứa mỗi phần tròn vo rất dẻo rồi chúng tôi mang đi khắp nhà để ăn. Đôi khi vì hơi “ham ăn” tôi đòi mẹ nắn cho tôi một phần khá to, ăn xong tôi bỏ luôn buỗi cơm chiều hôm đó.

Món này bây giờ người ta ăn món này trong dĩa cho đẹp mắt và lịch sự, rắc thêm đậu phộng rang giã nhuyễn ăn kèm với rau thơm, rau ghém lá cách… hoặc bánh tráng, chấm nước mắm chua ngọt. Khi thưởng thức sẽ cảm nhận được vị béo, bùi của chuối, dừa nạo, vị ngọt lẫn chua của nước chấm hòa lẫn mùi thơm đặc trưng của các thứ rau vườn tạo thành một món ăn thật hấp dẫn.

Dù thời gian có làm món ăn thay đổi như thế nào nhưng cái hương vị đặt trưng của món chuối quết dừa ngày xưa vẫn không thay đổi. Vẫn đậm đà và yêu biết bao món ăn từ tay mẹ làm.

Băng Tâm tổng hợp

Nữ doanh nhân ngành sữa

Bà Mai Kiều Liên, sinh năm 1953, quê gốc Cần Thơ nhưng được sinh ra tại Pháp. Bà được coi là một hiện tượng trong giới nữ doanh nhân và là nữ doanh nhân ngành sữa Việt.

Dưới sự lãnh đạo tài năng của bà Kiều Liên doanh thu của Vinamilk đã đạt trên 1 tỷ USD, luôn là doanh nghiệp được đánh giá hàng đầu tại Việt Nam cũng như tại Châu Á.

Đội ngũ nhân sự của công ty quy tụ những kỹ sư, nhân viên có trình độ cao, nhiệt huyết trong công việc. Với sự đổi mới không ngừng trong kinh doanh, cùng tầm nhìn mới của bà Liên, 2014 này Vinamilk sẽ mở cuộc “viễn chinh” sang nước láng giềng Campuchia.

Nhớ lại lúc được phân công học ở Nga, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) bà Mai Kiều Liên tin nó giống như “định mệnh”. Khi đó cô học sinh 17 tuổi chưa hề có khái niệm gì về ngành sẽ theo học – chế biến sữa, nhất là thời điểm đó (1969), ngành sữa ở Việt Nam chưa phát triển. 5 năm đại học cũng là khoảng thời gian khiến bà trăn trở nhiều về đường hướng sau khi tốt nghiệp. “Đã có lúc tôi muốn chọn lại ngành, có thể là sư phạm hoặc bác sĩ như mong ước từ nhỏ”, vị lãnh đạo Vinamilk hồi tưởng. Song, thân phụ của bà cho rằng đây là ngành sẽ giúp cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng cho trẻ em Việt Nam khi đất nước bước vào thời bình. Lời khuyên này giúp bà Liên kiên định mục tiêu hoàn thành khóa học, song trong tâm trí vẫn chưa có ý nghĩ sẽ xây dựng doanh nghiệp sữa lớn mạnh.

Trở về nước, bà được phân công làm kỹ sư theo ca tại nhà máy sữa Trường Thọ. Sau đó, trải qua nhiều vị trí khác nhau và tới năm 1992, bà trở thành người đứng đầu Công ty Sữa Việt Nam. Người điều hành Vinamilk từng trăn trở ngành sữa ở Việt Nam chưa thể chủ động hoàn toàn nguồn nguyên liệu, trong khi đây là yếu tố then chốt, ảnh hưởng lớn tới hoạt động kinh doanh. Vì thế, bà đã chủ trương phát triển chăn nuôi bò sữa tại Việt Nam bằng cách chuyển giao con giống, kỹ thuật chăn nuôi, thu mua sữa tươi của nông dân với giá cao hơn nguyên liệu nhập khẩu để kích thích chăn nuôi trong nước. Song song với đó, đầu năm 1990, Vinamilk nhập máy móc hiện đại để sản xuất sữa tươi tiệt trùng. Đối tượng nhắm tới vẫn là thị trường nội địa nhiều tiềm năng, bởi lượng tiêu thụ ở Việt Nam hiện thấp hơn rất nhiều so với thế giới.

Gần 20 năm giữ trọng trách “thuyền trưởng”, bà Mai Kiều Liên gặt hái nhiều thành công nhưng cũng không ít thất bại. Sau cổ phần hóa năm 2003, đến năm 2006 Vinamilk niêm yết trên thị trường chứng khoán, lúc đó vốn hoá trên thị trường là 530 triệu đôla Mỹ, qua 5 năm, nay vốn hoá đạt được 2 tỷ đôla Mỹ, tăng gần 4 lần. Đà thăng hoa đó khiến Vinamilk định hướng phát triển thành tập đoàn thực phẩm và nước giải khát đa ngành với sữa, các sản phẩm từ sữa và ngoài ngành sữa như bia, cà phê… thương hiệu Vinamilk. Thế nhưng việc hợp tác đầu tư liên doanh sản xuất bia Zorok cùng SabMiller, nhà máy sản xuất cà phê không như mong đợi, Vinamilk phải chuyển nhượng lại 2 dự án này để bảo toàn vốn.

Ngoài việc chờ can thiệp, người điều hành Vinamilk cho rằng bản thân doanh nghiệp phải tự cứu mình trước, bởi “nước xa không cứu được lửa gần”. Thay vì chờ lãi suất hạ, bản thân doanh nghiệp tự xoay sở nguồn vốn ở kênh khác, cắt giảm chi phí ở những khâu nào còn có thể, tìm đến phân khúc thị trường mới, sáng tạo ra sản phẩm mới… Vinamilk đặt mục tiêu cuối năm nay đạt doanh thu 1 tỷ USD, đứng trong top 50 công ty sữa có doanh thu cao nhất thế giới vào năm 2017 với 3 tỷ USD mỗi năm. Năm 2010, Vinamilk là doanh nghiệp Việt duy nhất lọt vào danh sách 200 doanh nghiệp tốt nhất tại khu vực châu Á do Tạp chí Forbes Asia bình chọn.

Theo thời gian, sự đam mê thay thế cho những bỡ ngỡ, thậm chí hoài nghi về chọn lựa ngành chế biến sữa khi còn là sinh viên. Tới nay, 90% ý tưởng mới của Vinamilk xuất phát từ chính “thuyền trưởng” Mai Kiều Liên, dựa trên sự quan sát nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng và sở thích tìm tòi thêm những hương vị mới lạ. Lạc quan khi cho rằng không khó khăn nào không thể vượt qua, mà chính những trải nghiệm này sẽ giúp bản thân dày dạn kinh nghiệm ứng chiến, nữ doanh nhân ngành sữa luôn tâm niệm phải tìm ra mắt xích nào đang có vấn đề trong tổng thể, từ đó chỉ việc giải quyết nó.

Theo VNEXPRESS

Thành công Sao chép đường dẫn thành công !!