Có thể bạn quan tâm

Mẹo dân gian giúp trị ho cho trẻ

[vanhoamientay.com] Các chuyên gia y tế khuyên, khi trẻ bị ho cha mẹ không nên để trẻ dùng kháng sinh mà nên áp dụng một số bài thuốc dân gian để trị ho cho trẻ 

Trẻ bị ho khiến cha mẹ lo lắng. Theo Phó giáo sư Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai (Hà Nội), không chỉ người dân mà thậm chí đôi khi cả các bác sĩ cũng lạm dụng thuốc kháng sinh. Ho ở trẻ là nhóm bệnh hay bị lạm dụng kháng sinh trong điều trị nhiều nhất. Tốt nhất cha mẹ nên sử dụng nhựng bài thuốc dân gian sau.

Nước vo gạo và rau diếp cá

Một nắm lá diếp cá, rửa sạch, giã nhuyễn trộn đều với một chén nước vo gạo, đun sôi nhỏ lửa khoảng 20 phút. Chỉ cần lọc lấy nước cho bé uống sẽ giúp trị ho

Củ cải trắng, gừng xay nhuyễn

Củ cải trắng, gừng xay nhuyễn bỏ vào chén sứ, thêm một ít nước lọc và một ít mật ong đem hấp cách thủy khoảng 10-15 phút, mỗi lần cho bé uống 2-3 thìa cà phê, uống 3 lần/ một ngày.

Cây xương sông

Lá xương sông nên sử dụng búp lá non, không chỉ có tác dụng chữa ho mà còn chữa khàn tiếng do viêm thanh quản. Lá xương sông và một ít lá hẹ: rửa sạch, thái nhỏ, trộn đều với đường. Hấp cách thủy, rồi để nguội cho trẻ uống trong ngày.

Củ nghệ tươi

Củ nghệ tươi đem giã nhỏ, thêm nước lọc, 5g đường phèn đưa vào chưng cách thủy 10 phút cho bé uống, mỗi lần uống ½ thìa cà phê tùy vào độ tuổi của bé. Cứ như thế ngày uống 3 lần cho đến khi khỏi bệnh.

Quất xanh

2-3 quả quất xanh, rửa sạch, cắt ngang, để nguyên cả vỏ và hạt. Mang quất trộn với đường phèn hoặc mật ong rồi hấp cách thủy đến khi quất chín. Lưu ý là dằm cả vỏ, bỏ hạt, để nguội cho trẻ uống nhiều lần trong ngày.

Hạt quả quất xanh

Đối với hạt của quất xanh các mẹ không nên bỏ đi vì nó có tác dụng làm tiêu đờm và ấm thanh quản khi trẻ bị ho. Mùi vị quất có thể hơi khó uống đối với trẻ nên khi cho trẻ uống có thể cho thêm ít đường sẽ giúp trị ho hiệu quả

Lê + đường + xuyên bối

Chọn trái lê to, bỏ vỏ, cắt nắp, khoét bỏ lõi. Bỏ vào bên trong lê 2-3 cục đường phèn nhỏ. 5-6 hạt xuyên bối (mua ở quầy thuốc Đông y). Cho lê vào hấp cách thuỷ chừng 30 phút. Ngày cho bé ăn 2 lần. Có tác dụng chữa ho, viêm phổi, tiêu đờm.

Nước củ cải luộc

4-5 lát củ cải trắng cho vào một nồi nhỏ với ít nước, đun sôi, sau đó để lửa liu riu thêm 5-10 phút. Cho bé uống nước này khi còn nóng điều trị ho, khô mũi, đau hong, ho khan, có đờm.

Hoa hồng bạch

Lấy cánh hoa hồng bạch rửa sạch trộn với lượng đường phèn vừa đủ, một ít nước lọc, đem hấp cách thủy. Cho bé uống 3-4 lần/ngày, 1 thìa/lần.

Nước tỏi hấp trị ho cho trẻ

Lấy 2-3 tép tỏi, đập dập, cho vào bát, thêm một nửa chén nước, 1 viên đường phèn, hấp cách thuỷ 15 phút. Chỉ cần uống nước tỏi hấp này khi còn ấm, ngày 2-3 lần, vửa tốt cho dạ dày, phổi, vừa trị được ho, cảm lạnh.

Tỏi và mật ong

Giã nát hai tép tỏi, trộn với hai thìa cà phê mật ong, đem hấp cách thủy. Chú ý không được hấp chín tỏi, nếm thử thấy vị hắc mùi tỏi là được. Cho bé uống nửa thìa cà phê, ngày từ 1 – 2 lần. Trước khi uống, nên cho bé uống nước lọc trước

Lá hẹ và đường phèn

Chọn khoảng 5-10 lá hẹ và một ít đường phèn mang hấp cách thủy. Sau đó lấy nước cho bé uống. Mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 2-3 thìa.

Đu đủ chín

Một quả đu đủ gọt bỏ vỏ (lưu ý là đu đủ chín cây), cho 100ml mật ong vào, sau đó đun lên để ăn. Bài thuốc này dùng để chữa ho không có đờm.

Trà cam thảo

Cam thảo có chứa thành phần kháng khuẩn, làm dịu cổ họng. Trà cam thảo có vị ngọt, nên mẹ yên tâm khi cho trẻ uống, kể cả trẻ sơ sinh. Loại trà này sẽ giúp cơ thể trẻ ấm hơn và dịu họng hơn.

Húng chanh và quất

Chọn khoảng 15 – 16 lá húng chanh và từ 4 – 5 quả quất xanh, rửa sạch, cho vào máy xay sinh tố xay nhuyễn. Sau đó thêm lượng đường phèn vừa đủ, hấp cách thủy khoảng 20 phút. Cho bé uống liên tục 1 – 2 lần/ngày đến khi hết ho.

Theo Gia Đình

Bánh lọt nước cốt dừa Cần Thơ

Có những món ăn tưởng chừng rất “quê” đã trở thành món “độc” và khó tìm ở nơi phố thị. Bánh lọt nước cốt dừa là món ăn vặt mà Văn hóa miền Tây muốn nhắc đến… Một ngày nắng nóng thưởng thức 1 ly bánh lọt nước cốt dừa thì còn gì ngon bằng.

Một ngày nắng nóng thưởng thức 1 ly bánh lọt nước cốt dừa thì còn gì ngon bằng

Trong ký ức tuổi thơ của tôi, có 2 loại bánh lọt mà mẹ vẫn hay làm, bánh lọt mặn thường ăn cùng nước lèo có tôm – thịt giống như bánh canh, còn bánh lọt ngọt thì ăn cùng nước đường và nước cốt dừa. Đất Cần Thơ nổi tiếng có bánh lọt lá cẩm với màu tím lấy từ lá cẩm nhưng xanh lá dứa thì thông dụng hơn.

Bánh lọt Cần Thơ từ xưa đã nổi tiếng là ngon. Nhưng rất ít thấy ai bán ngoài phố. Tưởng chừng như các loại bánh, hay chè truyền thống đã không còn để nhường chổ cho các thứ bánh Tây như donut, su que, tiramisu…

Bánh lọt Cần Thơ từ xưa đã nổi tiếng là ngon

Không hẳn vậy, vẫn còn những không gian riêng dành cho món bánh ngon lành này, đó là những quán cốc vỉa hè hay trên những chiếc xe đẩy do các dì, các cô từ miền Tây lặn lội lên đây bán vì cuộc sống mưu sinh.

Cũng như bao loại bánh cổ truyền của người Việt, người làm bánh đều mua gạo tẻ về rồi xay lấy bột chứ không phải làm từ bột khô có sẳn ngoài chợ, vì làm từ bột xay nhà sẽ ngon hơn rất nhiều.

Bánh lọt đúng vị cổ truyền thì rời từng sợi bánh rời, mềm mại và nhỏ nhắn, thơm mùi lá dứa. Nếu bánh có pha quá nhiều bột năng thì sẽ dai và hơi cứng, sợi dày và dài rất thô lại dính chùm. Màu xanh dờn của chất hóa học chứ không xanh rêu như màu tự nhiên của lá dứa.

Bánh lọt đúng vị cổ truyền thì rời từng sợi bánh rời, mềm mại và nhỏ nhắn, thơm mùi lá dứa

Món bánh lọt chỉ đơn giản gồm bánh lọt màu lá dứa, nước cốt dừa trắng thật đặc và béo, nước đường thắng sóng sánh màu vàng mật. Khi ăn sẽ trộn tất cả chung vào một ly thêm nước đá.

Thật ra bánh lọt vốn chỉ có vậy thôi. Nhưng dân Sài Gòn thường có thối quen thêm hay bớt một vài thứ so với nguyên mẫu, nên người bán cho thêm hạt lựu, sương sa và đậu xanh nhuyễn để món ăn thêm thú vị hơn.

Bánh xèo miền Tây

[vanhoamientay.com]Bánh xèo miền Tây là món ăn dân gian rất nổi tiếng, hương vị đậm đà dân dã của món ăn khiến thực khách không thể nào quên được.

Xuất phát từ tiếng đổ bột vào chảo phát ra tiếng “xèo” mà loại bánh này được gọi tên là “bánh xèo”. Bánh có vị ngon đặc biệt, bánh mang những đặc trưng của văn hóa ẩm thực dân gian Nam Bộ.

Tùy theo sở thích của từng vùng, mà nhân bánh có thể là giá, đu đủ hoặc bông điên điển, thịt ba rọi, tép, thịt gà, hoặc thịt vịt bằm nhuyễn… Bánh được ăn kèm với nhiều loại rau như diếp cá, rau thơm, nhiều nơi bà con còn ăn với đọt xoài non, lá cách, lá lụa… nhưng nhất thiết không thể thiếu cải bẹ xanh.

Nước chấm cũng là một trong những yếu tố góp phần tăng vị ngon cho bánh xèo, nước mắm chấm bánh xèo phải có củ cải trắng, củ cải đỏ cắt sợi.

Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng thưởng thức bằng ngũ giác trong ẩm thực bánh xèo được ông cha ta áp dụng thực tế: nghe được tiếng xèo xèo khi chiên bánh, nhìn thấy sắc vàng của vỏ bánh, xanh của rau, đỏ, trắng, cam của nước chấm, nhân bánh… và ngửi được mùi thơm, nếm được vị ngon, béo. Độc đáo nhất là ăn bằng tay để cảm nhận được hết hương vị đặc trưng.

Cái ngon của bánh xèo miền Tây không chỉ từ cái bánh, mà hơn hết còn ở ý nghĩa sâu xa. Bởi, người Miền Tây không đổ bánh xèo mà ăn một mình. Thường thì phải cả gia đình xum họp.

Không có gì ngạc nhiên khi bánh xèo luôn hiện diện trong mâm cúng tết Đoan Ngọ, hay các dịp lễ – hội, đám tiệc khác. Bỡi lẽ có thể nó từ lâu, bánh xèo đã trở thành món “quốc hồn” trong ẩm thực của người Nam Bộ.

Băng Tâm tổng hợp

Món ăn miền Nam lên bàn tiệc 5 sao

[vanhoamientay.com] Không cầu kỳ trong cách nấu nướng, nguyên liệu chế biến lại đơn giản, nhưng sức hấp dẫn của những món ăn miền Nam … đủ khiến những ai mới thử lần đầu đã nhớ mãi.

  1. Gỏi củ hũ dừa tôm một nắng

Gỏi củ hũ dừa là một trong những món ăn đặc trưng của miền Tây Nam Bộ. Củ hũ dừa là phần thân non rất trắng trên cùng của cây dừa. Đây là loại thực phẩm giàu dinh dưỡng và tốt cho sức khỏe.  Món gỏi này kết hợp với vị ngọt tự nhiên của tôm mới chỉ qua một lần phơi nắng tạo hương vị đặc trưng riêng, khác hẳn với khi trộn chung cùng tôm khô hoặc thịt ba chỉ. Củ hũ dừa dân dã hòa quyện tinh tế với vị thơm ngọt của tôm một nắng đưa món này đến gần hơn với thực khách nước ngoài.

Gỏi củ hũ dừa có vị chua ngọt vừa ăn, hợp khẩu vị cả gia đình. Củ hũ dừa thường được chế biến làm thức ăn và thanh đạm vì ít béo.

Qua bàn tay khéo léo và sự sáng tạo trong cách chế biến của đầu bếp, những nguyên liệu tưởng chừng đơn giản, “nhà quê” đã được nâng lên thành các món ăn cao cấp và ngự trị trên bàn tiệc của khách sạn 5 sao ở Sài Gòn.

Đây là món ăn đạt giải nhì vòng loại cuối cùng cuộc thi “Chiếc thìa vàng 2014” diễn ra vào ngày 7 đến 8-10 tại TP HCM.

  1. Lẩu gà lá chúc nước cốt dừa

Lá chúc, thuộc họ chanh rừng, mọc nhiều ở An Giang, cho hương vị thật độc đáo, trái, lá chúc hương thơm nồng, vị the the độc đáo, được sử dụng như một loại gia vị giúp món ăn dậy mùi thanh ngọt. Gà nấu với nước cốt dừa thêm lá chúc cho vị đậm đà, khó lẫn với bất kỳ món ăn nào bởi hậu vị ngọt dịu của nước dừa thấm vào từng miếng thịt gà và hương thơm nồng đượm của lá chúc. Món ăn đúng điệu khi dùng kèm với bún, cù nèo, bông bí, bông súng, so đũa. Chính sự kết hợp độc đáo của những nguyên liệu bình dị, chân quê này giúp món ăn này chinh phục được ban giám khảo và nhận giải nhì.

  1. Tôm càng xông lá chúc

Sự kết hợp giữa tôm càng xanh (loại tôm sống tự nhiên trong môi trường sông nước) và lá chúc đem lại cho món ăn sự hấp dẫn, ngon miệng bởi vị ngọt tự nhiên của tôm vẫn giữ nguyên.

Món ăn mang đến khẩu vị khác biệt khi mỗi miếng thịt tôm pha lẫn mùi thơm nồng của lá chúc. Chính sự biến tấu mới mẻ này ghi điểm với thực khách, giám khảo trong cuộc thi và nhận giải nhì.

  1. Gỏi mắm hào hoa điên điển

Bông điên điển nở nhiều nhất vào mùa nước nổi ở miền Tây Nam Bộ. Vị nhẫn đắng của nó thích hợp để ăn kèm với các món mặn hoặc nấu canh chua hay lẩu. Nếu muốn phá cách một chút, bạn có thể thưởng thức điên điển với cách kết hợp mới cùng gỏi mắm hào.

Lưu ý chọn mắm ngon, pha thêm tỏi ớt, chanh, cùng các gia vị cho vừa ăn, có thể cho ít gừng để khử mùi tanh của mắm hào. Vị ngọt tự nhiên của mắm xen lẫn với vị nhẫn đặc trưng nhưng giòn giòn của điên điển sẽ là trải nghiệm ẩm thực khó quên cho người mới lần đầu thưởng thức. Đây cũng là món ăn nhận giải nhì.

5. Gỏi cá lá bàng

Cây bàng hiện diện khắp nơi người ta đã sử dụng hạt bang để làm mức, nhưng sử dụng lá bàng chế biến món ăn thì không phải ai cũng nghĩ tới.

Điểm đặc biệt của món ăn này là thịt cá tươi hòa quyện với vị hăng hăng của những chiếc lá bàng non mang đến trải nghiệm ẩm thực khác biệt cho người thưởng thức. Đó còn là sự kết hợp độc đáo giữa nguyên liệu dân dã, gần như không phải mất tiền để mua (lá bàng) với loài hải sản cao cấp vốn chỉ có ở biển đảo (cá mú đỏ). Đây là điểm cộng để đầu bếp khách sạn cao cấp ở TP HCM lọt vào vòng trong.

Có nhiều cách chế biến món ăn từ loài cá đắt đỏ này, nhưng không phải nơi nào cũng đưa vào thực đơn món gỏi cá lá bàng.

Cách chế biến như sau: nước tương, đường, giấm, mù tạt xanh trộn với nhau thành hỗn hợp nước gỏi rồi nhúng cá vào. Hành tây, khế chua, dưa leo, ớt đỏ trộn với nước gỏi. Sau đó lấy lá bàng non cuộn tất cả thành cuốn vừa ăn, dùng cọng hành đã trụng qua nước sôi cột lại.

6. Cá lóc nướng lá dứa

Nếu đã thử qua cá lóc nướng trui hay nướng trên giấy bạc, bạn nên trải nghiệm thêm món cá lóc nướng lá dừa để cảm nhận hương vị độc đáo riêng của nó.

Món cá lóc nướng dân dã nơi đồng ruộng sau những buổi nông nhàn ở vùng quê ngày nào, giờ đây, nó đã có mặt ở những bàn tiệc sang trọng tại Sài Gòn. Vị ngọt của cá lóc đi cùng mùi thơm dịu đặc trưng của lá dứa là gợi ý cho những ai đã ngấy với thực đơn thông thường và muốn đổi khẩu vị. Món ăn này đã chinh phục ban giám khảo cuộc thi “Chiếc thìa vàng” để có mặt ở vòng bán kết.

7. Chè hạt bàng

Nếu đã ngấy với các loại chè bán đầy khắp các chợ, siêu thị, thực khách có thể thử qua chè hạt bàng dân dã. Sự đơn giản nhưng hấp dẫn của món chè nằm ở nguyên liệu chế biến, gồm: nếp, đậu xanh, nước cốt dừa, hạt bàng. Chỉ cần như thế là bạn đã có ngay chén chè có vị bùi của hạt bàng, béo thơm của đậu xanh và nước dừa, hòa quyện với từng hạt nếp dẻo mềm cho vị thơm ngon rất riêng, giúp món ăn thắng giải trong cuộc thi.

Cuộc thi do Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam VCCI, Tổng cục du lịch Việt Nam cùng nhãn hàng Ly’s Horeca của công ty Gốm sứ Minh Long I tổ chức.

8. Chả giò chuối cau

Chỉ cần biến tấu một chút, món chả giò khai vị trở nên lạ miệng hơn khi kết hợp cùng chuối cau. Chính vị ngọt tự nhiên của chuối cau hòa với phần thịt, cua đã tẩm ướp gia vị tạo nên độ mặn ngọt vừa phải trong từng cuốn chả giò. Khi ăn sẽ giảm cảm giác ngấy.

Tận dụng nguyên liệu sẵn có hoặc chọn nguyên liệu dễ tìm, gần gũi với đời sống thường nhật và cố gắng phát huy giá trị dinh dưỡng của chúng vào bữa ăn là điều mà nhiều đầu bếp hiện nay hướng đến. Chính sự giản dị, dân dã trong thành phần món ăn và cách chế biến không quá cầu kỳ đã chiếm được cảm tình của người sành ăn, hay đó là người mới lần đầu nếm thử đi nữa.

Các món ăn này được chế biến tại vòng loại cuộc thi Chiếc Thìa Vàng khu vực TP HCM. Kết thúc cuộc thi, Ban giám khảo đã trao 2 giải nhất cho Khách sạn Đệ Nhất và Khách sạn Caravelle; 6 giải nhì cho: Khu du lịch Văn Thánh, Nhà hàng Kingdom, Khách sạn Kim Đô – nhà hàng Boulevard, nhà hàng Hoa Mua – khu du lịch Bình Quới 1, khách sạn Kim Đô – Royal Café và The Compass Parkview. 8 đội thi này sẽ đại diện cho khu vực TP HCM tham dự vòng bán kết khu vực miền Nam được tổ chức tại TP HCM vào ngày 19-11-2014.

Theo vnexpress
Cháo cá lóc rau đắng miền Tây

Cháo cá lóc rau đắng miền Tây

Đi theo dọc Quốc lộ 1A về Miền Tây, đoạn qua tỉnh Tiền Giang, bạn sẽ bắt gặp khá nhiều quán ăn bán các món đặc sản miền Tây, trong đó có Cháo cá lóc rau đắng.

Cháo cá lóc rau đắng miền Tây

Đây là món ăn mang hương vị đặc trưng dân dã, không những ngon mà còn giúp giải nhiệt, giải cảm. Cá lóc thịt hiền, ngọt, còn rau đắng là vị thuốc giúp phòng và trị nhiều bệnh. Hãy một lần trổ tài và thưởng thức để cảm nhận vị ngon của món ăn này nhé.

Nguyên liệu nấu cháo cá lóc rau đắng

1 con cá lóc lớn

Nấm rơm

1 nắm gạo dẻo

Rau đắng, giá sống

Gia vị, hành tím…

Cách nấu cháo cá lóc

Các lóc làm sạch, đánh hết vẩy và bỏ nội tạng, lưu ý không để vỡ mật sẽ làm cá bị đắng.

Tiến hành luộc cá với khoảng một lít nước, hành tím đập giập, một ít hạt nêm, khi nước sôi sẽ xuất hiện bọt, nên vớt bỏ phần bọt này để nước luộc cá trong hơn, nấu cháo ngon và đẹp mắt hơn.

Điểm đặc biệt của cháo cá lóc miền Tây là dùng nước luộc cá này để nấu cháo, từ đó vị ngọt của cá sẽ lan đều vào vào từng hạt cháo.

Gạo tiến hành rang qua đến khi ngã màu vàng và thơm, sau đó cho vào nồi nước lúc cá khi nảy để nấu thành cháo. Bí quyết để gạo nhanh nở hơn là nên để gạo vào nước đang sôi. Hạt gạo rang sẽ bung nỡ như những cánh hoa lài rất thơm.

Nấm rơm rửa sạch cắt đôi và cho luôn vào nồi cháo để nấu cùng.

Nguyên liệu nấu cháo cá lóc rau đắng

Thịt cá sau khi gỡ xương xong, ướp cùng với ít hạt nêm, tiêu, đợi cá thấm gia vị cho cá vào nồi cháo đang sôi trên bếp. Đến khi cháo nở đều thì nêm nếm gia vị sao cho vừa ăn, thêm ít hành lá cắt nhuyễn.

Khi ăn múc cháo ra tô lớn sau đó ăn kèm với rau đắng, giá sống và ít gừng cắt sợi, ít hạt tiêu, nước mắm trong, thêm vài lát ớt. Nếu muốn trình bày cầu kỳ hơn, có thể bắt nồi cháo trên chiếc lò nhỏ và trụng rau đắng như hình thức ăn lẩu.

Cháo cá lóc rau đắng miền Tây

Lưu ý không nên để rau đắng nấu cùng cháo vì nếu rau đắng chín quá sẽ rất đắng và khó ăn.

Những ngày đông, cả nhà quay quần quanh bếp lửa, húp sùm sụp chén cháo cá lóc rau đắng thì không còn gì bằng. Món cháo cá lóc rau đắng này có tác dung giải cảm cho cơ thể rất tốt, bởi lẽ bản thân rau đắng cũng đã là một vị thuốc rất tốt cho việc giải độc cơ thể.

Miền Tây sông nước luôn nổi tiếng với những món ăn độc đáo, nhất là món ăn từ cá. Dù cách chế biến đơn giản, nguyên liệu dễ tìm nhưng món cháo cá lóc rau đắng đã đi sâu vào tiềm thức của khá nhiều người xa quê. Những khi trái gió trở trời lại thèm tô cháo cá lóc mẹ nấu, đó không chỉ là món ăn giải cảm mà còn là món ăn tinh thần của quê hương.


Cách nấu món thịt kho tàu

Thịt kho tàu là món có thể được ăn với nhiều món như: cơm trắng, dưa kiệu, dưa giá nhưng có lẽ phổ biến nhất là ăn kèm với dưa cải muối chua. Vị mặn, vị ngọt, vị bùi béo của thịt kho tàu kết hợp với vị chua xen lẫn cay cay của dưa cải muối xối, tạo nên hương vị quyến rũ đến bất ngờ. Thịt kho tàu không phải là món ăn mới, nhưng để có một nồi kho tàu ngon thì không đơn giản

Nguyên liệu làm món thịt kho tàu:

– 500g thịt chân giờ hoặc thịt ba chỉ (nên lựa thịt có da mỏng mới ngon và mau mềm)

– 10 quả trứng vịt (hoặc trứng gà)

– 1 trái dừa tươi

– Nước mắm ngon

– Đường, muối, hạt tiêu

– hành củ

Cách làm món thịt kho tàu:

– Ướp thịt ít nhất từ 30 phút đến 1 tiếng với nước mắm ngon, đường, ít muối và hạt tiêu, hành, tỏi cho thịt thật thấm gia vị. Lưu ý nên cắt miếng thịt vuông, to và phải để thật ráo nước trước khi ướp gia vị.

– Đảo thịt cho thật săn lại rồi mới đổ nước dừa vào ngập thịt. Ban đầu vặn lửa lớn cho sôi và vớt bỏ bọt. Sau đó, vặn lửa liu riu để thịt mềm dần và nước dừa chuyển thành màu vàng cánh gián. Để nước thịt trong và đẹp, không nên đậy nắp trong khi nấu nhé.

– Khi thịt hơi mềm cho trứng vịt (trứng gà hoặc trứng cúc) luộc chín, đã bóc vỏ vào kho chung. Trứng không nên bỏ vào sớm kho lâu sẽ bị chai cứng, đổi màu nâu không ngon.

– Nêm nếm lại cho vừa ăn, thường nước thịt đã có vị ngọt tự nhiên của nước dừa nên chỉ thêm một tí nước mắm là nồi thịt đã đậm đà.

Lưu ý khi nấu món thịt kho tàu:

– Nên chọn thịt chân giò, miếng có cả nạc lẫn mỡ và da thì kho xong thịt sẽ mềm, trông đẹp mắt hơn. Tốt nhất là tỷ lệ mỡ và thịt bằng nhau nhưng nếu sợ ăn béo có thể mua miếng nhiều nạc hơn.

– Ướp thịt ít nhất từ 30 phút đến 1 tiếng với nước mắm ngon, đường, ít muối và hạt nêm cho thịt thật thấm gia vị. Hành, tỏi giã nát giúp thịt thơm ngon hơn nhưng kho để dành ăn lâu thì đừng nên bỏ thêm hai nguyên liệu này.

– Tao thịt cho thật săn lại rồi mới đổ nước dừa vào ngập thịt. Ban đầu vặn lửa lớn cho sôi và vớt bỏ bọt. Sau đó, vặn lửa liu riu để thịt mềm dần và nước dừa chuyển thành màu vàng cánh gián. Để nước thịt trong và đẹp, không nên đậy nắp trong khi nấu.

– Nếu nước dừa cạn thì châm thêm nước sôi vào. Đừng ham kho nhiều nước dừa, nồi thịt sẽ có màu quá sậm không đẹp.

– Để món thịt kho tàu ăn trong nhiều ngày mà vẫn ngon như mới thì bạn nên chia nồi thịt kho thành nhiều phần và cho vào ngăn đá. Hôm nào muốn ăn thì lấy từng hộp ra hâm nóng. Như vậy, thịt và trứng không bị cứng do hâm đi hâm lại quá nhiều lần.

Theo vaobepnauan.com

Vườn cò Bằng Lăng

[vanhoamientay.com] Vườn cò Bằng Lăng thuộc huyện Thốt Nốt tỉnh Cần Thơ. Từ quốc lộ 9 rẽ vào tầm hơn 1km, băng qua chiếc cầu nhỏ rồi men theo đường làng, bạn đã thấy thấp thoáng vườn cò Bằng Lăng rộng trên 2ha hiện ra trước mắt. Đoạn đường đi vào nhỏ hai bên là hai hàng tre xanh thẳm rợp bóng mát vừa đi vừa cảm nhận được cái không khí miền quê thanh bình và yên ả.

Vào mùa xuân, đi bằng thuyền vào vườn cò, cảm giác bồng bềnh trên sóng nước cùng hình ảnh hoa bằng lăng nở tím dọc bên bờ sông in bóng xuống mặt nước làm du khách ấn tượng. Từ xa đã thấy thấp thoáng vườn cò rộng mênh mông. Người ta nói vườn cò Bằng Lăng là sân chim lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long quả không sai

Chủ nhân của khu vườn độc đáo này là một nông dân Nam Bộ chính hiệu, ông Nguyễn Ngọc Thuyền  còn gọi là ông Bảy cò cho biết, khoảng tháng 1/1983, bỗng dưng một đàn cò ma, loại cò nhỏ, mình đen, cánh màu xám trắng tiệp với màu lá cây đông tới hàng trăm con bay về đậu kín một góc vườn. Ít lâu sau chúng đột ngột bỏ đi cả đàn, phải đến gần một năm sau mới thấy chúng quay trở lại và lần này chúng kéo theo đám bạn mới tính ra đến gần chục loại cò với đủ các kích cỡ và số lượng ước tới cả chục nghìn con. Lần này chúng định cư luôn tại đây và sinh sôi nảy nở đông hơn. Cò thường đi kiếm ăn theo từng cặp, có lúc thì đi theo đàn. Quanh năm cò tự đi kiếm ăn, nhưng vào mùa khô hạn, ông chủ vườn Bảy Cò phải cho ăn phụ thêm hàng ngày. Khu vườn nay đã rộng 15 công và tất cả những bụi tre, ô môi trong vườn từ lâu đã được xem là nhà của chúng. Mỗi năm, ông còn sửa sang lại “nhà cửa” cho chúng ở, vét sâu thêm các mương rạch, thả thêm cá, ốc, trồng thêm cây xanh cho mát mẻ. Cũng như con người, đất lành thì chim đậu.

Phần lớn các loài cò trên tập trung đông đúc về vườn vào mùa sinh đẻ từ tháng 8 đến tháng giêng âm lịch hằng năm, riêng cò ma chúng tập chung về vườn làm tổ và đẻ trứng từ tháng hai đến tháng tư âm lịch.

Vườn cò Bằng Lăng có đủ các loại cò, thuộc đủ chủng loại khác nhau. Để có thể ngắm những cảnh đẹp khó quên, bạn có thể tới lúc 6-7h để xem từng đàn cò trắng tỏa đi kiếm ăn, hoặc là đến lúc 17h để đón chúng bay về. Trong ráng chiều đỏ hồng, từng đàn cò nối đuôi nhau bay về, cánh chao nghiêng theo chiều gió, rồi rối rít gọi nhau. Nếu muốn hòa mình vào chất Tây Nam Bộ, bạn có thể nghe những giai điệu dân ca da diết của đồng bào nơi đây hòa cùng tiếng xào xạc của đàn cò.

Vườn cò Bằng Lăng là địa điểm du lịch hấp dẫn cho những ai thích tìm hiểu về thiên nhiên, thích khung cảnh một vùng quê thanh bình với đồng lúa, vườn tre, vườn trúc xanh mướt với cánh cò bay lả. Hãy đến và cảm nhận!!!

Băng Tâm tổng hợp
Thành công Sao chép đường dẫn thành công !!