Có thể bạn quan tâm

Bộ ván ngựa 3 tỷ đồng độc nhất miền Tây

Được làm bằng gỗ gõ bông lau nặng 2,2 tấn với chiều ngang 2,15m, dài 4m, bộ ván ngựa độc đáo ở An Giang này được trả giá đến hơn 3 tỷ đồng.

Chủ nhân của bộ ván ngựa 3 tỷ đồng độc nhất vô nhị này là anh Nguyễn Thanh Hải, ở ấp Mỹ Phó, xã Mỹ Đức, huyện Châu Phú (An Giang). Là người buôn bán gỗ, sau nhiều làm ăn, anh Hải quyết định chuyển sang kinh doanh dịch vụ du lịch, sinh thái. Hiện tại, anh Hải là giám đốc một khu du lịch tư nhân ở huyện Châu Phú, An Giang.

Ngôi nhà cổ được anh xây dựng để thờ cúng tổ tiên. Đồ đạc trong nhà cũng hầu hết được làm bằng gỗ, với nhiều món độc nhất vô nhị, với tổng trị giá ước tính 45 tỷ đồng, trong đó có bộ ván ngựa được trả giá lên tới 3 tỷ đồng

Để có được bộ ván trên chủ nhân của nó phải bỏ công gần 3 năm tìm kiếm. Bộ ván ngựa bằng gỗ gõ bông lau nặng 2,2 tấn được tìm thấy tại vùng giáp ranh Việt Nam – Lào. Ông chủ khu du lịch ở miền Tây chia sẻ thêm, lúc nhìn thấy tấm gỗ anh thích đến nỗi không thể thốt nên lời. Khi người chủ phát giá, anh không mặc cả mà chi tiền mua luôn. “Lúc ấy, trong kho có 3 tấm gỗ gõ bông lau kích thước bằng nhau được xẻ sẵn. Tôi xin mua 2 tấm nhưng người chủ nhất định không bán. Cuối cùng, họ nể tình khách ở xa lặn lội đến nơi, nên bán chia cho 1 miếng”, anh Hải nhớ lại. Về nhà, anh dùng chính tấm gỗ đó làm ra bộ ván ngựa độc nhất vô nhị ở miền Tây hiện nay.

Bộ ván ngựa này chính là một trong những vật dụng thu hút khách đến tham quan khu du lịch tư nhân của mình.  theo những người sành đồ gỗ, ước tính cây gõ bông lau phải trên 500 năm tuổi. Ngoài ra, bộ ván tạo cho người nằm cảm giác mát lưng và có thể trị được nhức mỏi, cảm thông thường.

Theo Người Đưa Tin

Thôi cho tôi xin

Hai ông già đang ngồi hóng mát trong công viên thì một cô gái xinh đẹp có thân hình bốc lửa đi qua.

Một ông ao ước:

– Giá chúng mình bây giờ mới 20 tuổi nhỉ!

Ông kia chép miệng:

– Thôi, thôi, xin ông! Chỉ vì một bóng hồng mà phải tiếp tục quần quật thêm 40 năm nữa mới được lĩnh lương hưu ấy à, tôi xin kiếu!

st

Chuột đồng quay lu đất Đồng Tháp

[vanhoamientay.com] Những chú chuột đồng ăn no lúa béo múp míp đã chín rộm vàng, thịt ăn thì thơm ngon nhưng nhìn không phải ai cũng dám thử, nhưng sau khi thưởng thức chắc chắn các bạn sẽ phải thay đổi suy nghĩ ngay đấy.

Đi khắp Nam Bộ mùa nước nổi, đâu đâu cũng có món thịt chuột đồng mời gọi khách, ngoài món chuột hun khói vốn đã rất quen thuộc, thì món chuột đồng quay lu không chỉ là món ăn mà còn là nét văn hóa đặc trưng của người dân Nam bộ, chuột đồng vừa là món ăn vừa là đặc sản chỉ có khi tới mùa gặt. Thưởng thức chuột đồng người ăn sẽ cảm thấy mê mẩn và nhớ mãi không thôi.

Món chuột đồng quay vàng vô cùng bắt mắt với những gia vị được tẩm ướp vừa miệng khiến mọi người xuýt xoa khen ngợi, bạn sẽ vỡ òa cảm xúc khi nếm hương vị tuyệt vời của món ăn này. Nếu đã có đôi lần nếm thử chuột đồng chắc chắn bạn sẽ nhớ mãi không thôi và muốn quay lại miền Tây để thưởng thức nó một lần nữa.

Hàng thịt chuột quay lu ở mảnh đất Đồng Tháp lúc nào cũng đông khách khi vào mùa lúa, chuột đồng là đặc sản. 8h sáng, hàng mới bắt đầu bắc lò. Trong lúc chờ, bạn có thể nhâm nhi uống tách trà và nghe chuyện người Đồng Tháp bắt chuột.

Chuột có nhiều loại, nhưng phải là những chú chuột sống ngoài đồng, ăn lúa mới dùng để quay, rán được vì thịt thơm, không bị hôi. Chuột để quay lu phải là những chú đã ăn no lúa chín, béo múp míp. Vì thế, chuột đồng sau mùa gặt béo múp là những chú chuột ngon nhất để quay lu.

Người dân sau mùa gặt quây đuổi chuột trên gò, giăng lưới để đôi khi lại đốt rơm hum khói. Có những con được thịt ngay giữa đồng bằng cách thui rơm để nhậu lai rai. Thịt chuột hun trong rơm rạ thơm mùi nắng, mùi sữa, ngon tuyệt.

Chuột bắt về khoảng 5 – 7 con/kg, được làm sạch ruột, cắt móng, rồi tẩm ướp gia vị trong khoảng 15 phút, sau đó móc từng con cho vào lu. Chiếc lu này còn được gọi là mái đầm, tùy cỡ lu mà mỗi mẻ quay được khoảng từ 8 – 30 con. Vừa quay vừa trở tay, thêm mỡ, thêm nước gia vị, khoảng một tiếng sau thì chuột chín vàng.

Khi gắp ra đĩa, nếu không bảo là chuột, dễ tưởng nhầm đó là một chú lợn “bao tử” vừa được quay. Mùi thơm hấp dẫn. Muối tiêu chanh và rau răm, chuối chát, cà chua, dưa leo được bày ra. Cầm miếng thịt chuột lên nếm, da giòn tan, thịt thơm và mềm. Không còn cảm giác ghê ghê ban đầu là ăn thịt chuột, chỉ thấy thịt chuột thật là ngon. Bởi thế, người miền Tây gọi thịt chuột là “nai đồng quê”.

Ngoài quay lu, chuột đồng còn được nướng hoặc hấp, nhưng quay lu có lẽ là ngon hơn cả và nhất định phải là chuột của mùa lúa tháng 9, tháng 10.

Băng Tâm tổng hợp. Ảnh ST

Một tên đẹp trai lọt vào mắt vợ tôi

[vanhoamientay.com]

– Tuần trước, một viên cát lọt vào mắt vợ tôi, phải đi bác sĩ gắp ra mất 50 nghìn đồng.

– Nhằm nhò gì.

Người kia đáp.

– Tuần trước nữa, cái váy lọt vào mắt vợ tôi, tôi phải tốn 500 nghìn đồng đấy.

Lúc này sếp đi ngang nghe hai nhân viên nói chuyện liền lên tiếng:

– Dỏng tai lên và đừng có mà than thở, một tên cao 1,85 m, nặng 80 kg lọt vào mắt của vợ tôi, thế là đi tong một nửa gia sản.

st

Di Tích Chùa Trà Tim

Từ trên không nhìn xuống, di tích chùa Trà Tim và sân bay Sóc Trăng như cùng nằm trên một chiếc tàu thủy khổng lồ, mà ngôi chùa nằm án ngữ ở phía mũi tàu (từ hướng Bạc Liêu), còn sân bay nằm ở phía sau.

Chùa Trà Tim đã được khởi dựng cách nay gần 500 năm trên một vùng đất cát giồng cao ráo, tọa lạc trên khuôn viên rộng 38.631m2 với hàng trăm gốc sao, dầu cổ thụ và có một vòng rào bao quanh ngăn cách với bên ngoài.

Sau nhiều lần trùng tu, ngôi chùa được nâng cấp khang trang. Cổng chùa nhìn sang hướng Đông với kiến trúc bằng bê tông, vòm cổng là một khối hình 03 ngọn tháp với hoa văn đắp nổi, chân cổng có tượng hai con rồng 07 đầu hai bên mà phần thân rồng được kéo dài vào trong thành hai bờ lan can, trên có mái che cho khách ngồi nghỉ mát.

Từ cổng, một con đường láng xi măng rộng 4m đi thẳng vào chùa lần lượt qua các công trình chính điện, nhà hội (sà la), trường Pali, tháp cốt, nhà thiêu đều mang đậm phong cách họa tiết của Khmer Nam bộ… Chính điện là nơi phụng thờ Đức Phật Thích ca nên bao giờ cũng là công trình đồ sộ nhất, giữ vị trí trung tâm trong tổng thể ngôi chùa. Công trình vươn thẳng uy nghi trên một nền cao hơn mặt đất 2,60 m gồm có hai cửa cái quay về hướng Đông và hai cửa sau quay về hướng Tây. Nóc mái chính điện cao chừng 1,5m được nâng bằng cột tròn bê tông cao khoảng 6m, đầu cột có gắn một tượng thần mình chim có cánh, tư thế đang bay, hai tay nâng đỡ mái giúp cho công trình trông có vẻ thanh thoát, nhẹ nhàng hơn, bộ cột này cách đều vách trong tạo thành những hành lang, du khách có thể dạo quanh ngắm cảnh chùa trước khi bước vào bên trong điện thất.

Chẳng những là nơi thờ phụng, mà từ lâu chùa Trà Tim đã là cơ sở của lực lượng cách mạng trong những cuộc tiến đánh sân bay Sóc Trăng (1963, 1973). Đặc biệt, trong Cuộc tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, nơi đây còn là điểm tập hợp lực lượng bộ đội ta tiến vào thị xã Sóc Trăng, gây tổn thất nặng nề cho kẻ địch. Nhà chùa, phật tử đã nhiều lần biểu tình chống chiến dịch bắt lính đôn quân và nổi dậy chống ý định dời chùa của bọn ngụy quân ngụy quyền nhằm biến ngôi chùa thành phi trường để bọn chúng mở rộng bàn đạp tấn công đàn áp phong trào kháng chiến của quân dân ta.

Ngày nay, trong công cuộc kiến thiết xây dựng quê hương, nhà chùa mở nhiều lớp học chữ dân tộc cho con em quanh chùa, vận động bà con thực hiện phương châm tốt đời đẹp đạo, đóng góp công sức xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng, xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa. Chùa được công nhận là nơi thờ tự văn minh, được xếp vào danh lam thắng cảnh di tích văn hóa cấp tỉnh. Mỗi năm, vào các dịp lễ Chôl Chnăm Thmây, Đôlta và các lễ hội khác, ngoài bà con người Khmer còn thu hút đông đảo khách thập phương đến chiêm bái Đức Phật, tham quan cảnh chùa và vui chơi sinh hoạt văn nghệ với các tiết mục đậm đà bản sắc dân tộc.

Theo soctrang.gov.vn

Hủ tiếu Mỹ Tho vang danh một vùng

[vanhoamientay.com] Hủ tiếu Mỹ Tho món ăn vang danh một vùng bởi những nét đặc trưng mà món ăn này mang đến. Nhìn qua hủ tiếu Mỹ Tho cũng giống với các loại hủ tiếu khác nhưng khi thưởng thức các bạn mới cảm nhận hết được cái riêng của món ăn này.

Mỹ Tho là thành phố của Tiền Giang, tỉnh được xem như cửa ngõ để du khách khám phá vùng đồng bằng sông nước miền Tây Nam Bộ. Nơi đây nổi tiếng với vườn trái cây nặng trĩu bốn mùa, đặc biệt món hủ tiếu Mỹ Tho chính là điểm nhấn của vùng đất này. Chắc hẳn du khách khi ghé thăm Mỹ Tho không thể bỏ qua món ăn này để hoàn thiện chuyến thăm của mình.

Hủ tiếu Mỹ Tho là một trong ba thương hiệu nổi tiếng nhất của miền Nam, bên cạnh hủ tiếu Sa Đéc và Nam Vang. Nhìn sơ qua, hủ tiếu Mỹ Tho cũng na ná các món ăn cùng loại, với thành phần chính là sợi hủ tiếu, nước dùng và nguyên liệu ăn kèm. Nhưng chỉ đến khi ăn thử, bạn mới cảm nhận được sự khác biệt rất riêng của món ăn này.

Đặc điểm của sợi hủ tiếu Mỹ Tho là cọng nhỏ, khô, dai và giòn giòn thơm ngon, mang nét đặc trưng không lẫn với hủ tiếu ở một nơi nào khác. Nguyên liệu ăn kèm khá phong phú nên thực khách có thể thoải mái lựa chọn thịt nạc, lòng, xương hay hải sản… tùy theo ý thích. Ngoài hai thành phần đó, cái hấp dẫn người ăn nhất chính là nước dùng. Ngoài vị ngọt của nước hầm xương, còn có cái mằn mặn của tôm khô, ngọt nhẹ của củ cải, tạo cảm giác dìu dịu nơi đầu lưỡi khi thưởng thức.

Khi chế biến, sợi hủ tiếu được chần sơ qua nước sôi, các loại rau như hẹ, xà lách, giá được cho lên trên, tùy yêu cầu người ăn mà chủ quán có thể cho xương, lòng hoặc hải sản vào, chan ngập nước dùng. Rắc thêm một ít hành phi và tiêu lên trên, bạn sẽ được thưởng thức một tô hủ tiếu thơm và ngon theo đúng điệu của dân miền Tây.

Đơn giản là vậy nhưng hủ tiếu Mỹ Tho đã làm nên thương hiệu và ghi điểm trong lòng thực khách tứ phương mỗi khi đến với vùng đất này. Đến Mỹ Tho mà chưa ăn hủ tiếu thì coi như mất hết một nửa điều thú vị. Điểm nhấn chính của tô hủ tiếu chính là sự pha trộn của các hương liệu tạo nên nước dùng thơm ngon, thu hút bất cứ thực khách nào mỗi khi nhìn thấy.
Trước sức hấp dẫn và hương vị tuyệt vời mà hủ tiếu Mỹ Tho mang đến các bạn hãy thưởng thức món ăn này thử một lần để cảm nhận hết cái ngon của ẩm thực miền Tây nhé!

Theo Kinhdo20nam

Mưu sinh với nghề nguy hiểm: Nghề đáy hàng khơi

[vanhoamientay.com]Người ta gọi những người đàn ông sống trong những chiếc chòi nhỏ được “máng” trên cột lưới giăng giữa biển khơi là bạn chòi. Vì mưu sinh, người làm nghề bạn chòi luôn phải đối mặt với nhiều bất trắc, thậm chí đánh đổi mạng sống của mình.

“Biệt giam” giữa biển

Đáy hàng khơi là nghề giăng những miệng lưới có đáy sâu trên biển, cách xa đất liền từ 5 hải lý trở ra. Lưới đáy được mắc vào những cây cột to, trên cột “treo” căn chòi “không thể nhỏ hơn” làm nơi tá túc cho những người giữ đáy, hay còn gọi là bạn chòi. Công việc của bạn chòi ngoài canh giữ lưới còn phải trông con nước để quyết định buông, kéo lưới, vì thế họ phải bám trụ ngày đêm giữa biển. Không chỉ bị tù túng “giống như biệt giam” trong căn chòi “quay mình là đụng vách”, môi trường sống của bạn chòi chứa đựng rất nhiều hiểm nguy.

“Đi biển đừng nói tới tai nạn. Nhất là mấy ông bạn chòi, nói tới rủi ro là người ta sợ…”, ông Nguyễn Thành Tài, ngư dân thị trấn cửa biển Cái Đôi Vàm (H.Phú Tân, Cà Mau), dặn tôi không nên gợi lại những chuyện không hay khi ra đáy để anh em bạn chòi yên tâm ở biển. Ông Tài nói, thậm chí mỗi khi có sóng gió bất thường hay xui rủi gặp tai nạn, bị tàu đâm… thì người biết tin cũng giấu bạn chòi. “Bởi kiếm bạn bây giờ khó lắm. Nghề khắt khe quá mà, nên rất nhiều người sợ”, ông Tài tâm sự.

Mạng sống “năm ăn, năm thua”

Nhiều năm nay, thỉnh thoảng lại có tin bạn chòi gặp nạn trên vùng biển Tây Nam, mà chủ yếu là bị rớt xuống biển. Người may mắn thì được cứu nhưng không phải ai cũng được may như vậy, nên dân đi biển nhiều người rất ớn nghề bạn chòi. “Mình đi tàu nếu có chuyện gì còn chạy vào đất liền, cặp vào đảo. Còn sống trên chòi giữa biển có chuyện gì thì lãnh đủ”, Nguyễn Nhật Hiện (40 tuổi, ngư dân xã Khánh Hải, H.Trần Văn Thời, Cà Mau) rùng mình khi nghe chúng tôi hỏi đến nghề bạn chòi.

 “Cũng vì miếng cơm manh áo thôi chú à. Ở đâu có nghề làm ra tiền thì có người làm thôi”, bạn chòi Trần Minh Hơi (38 tuổi, quê Trà Vinh) nói nhanh trong khói thuốc, như đã thủ sẵn câu trả lời khi chúng tôi hỏi đến nghề của anh. Không đợi chúng tôi nhắc, anh Hơi lắc đầu: “Vất vả kiếm cơm thì nhằm nhò gì. Té biển mới sợ chứ…”. Nghe anh Hơi nói, 3 bạn chòi khác cùng phá lên cười. Anh Hơi kể: “Mới tháng trước, mấy ông tàu cá chạy ẩu thế nào tông thẳng vào hàng đáy, có thằng bạn ngủ trên chòi không kịp trở tay, trôi mất!”.

Chuyện bạn chòi Trần Minh Hơi kể không phải là hiếm, nhưng cái cách kể tỉnh rụi của anh khiến người nghe không khỏi chột dạ. Dường như anh đang cố tỏ ra bình tĩnh, tỏ ra sẵn sàng khi ở trong môi trường hiểm nguy có thể đến bất cứ lúc nào.

Có quá nhiều lý do dẫn đến những bất trắc ập xuống với bạn chòi, mà giông lốc làm sập chòi là nỗi lo thường trực. Hầu như năm nào cũng có những bạn chòi tử nạn vì chòi sập. Tuy nhiên, lần sập chòi hàng loạt xảy ra hồi tháng 11.2009 là nỗi ám ảnh lớn nhất đối với những người làm nghề đáy hàng khơi ở H.Ngọc Hiển. Chỉ một trận mưa giông đã đánh sập gần 450 miệng đáy của người dân 3 xã Tam Giang, Tân Ân và Rạch Gốc. 67 bạn chòi bị rơi xuống biển. Rất may lúc đó chính quyền địa phương và bộ đội biên phòng đã tổ chức tàu tìm kiếm kịp thời cứu vớt được 65 người, đưa vào đất liền.

“Lốc xoáy thì mình còn đề phòng được. Sợ nhất là nửa đêm bị tàu đâm, đang ngủ không phản ứng kịp là chết như chơi”, bạn chòi Huỳnh Quốc Tuấn thổ lộ. Hầu như năm nào trên vùng biển Cà Mau cũng xảy ra những vụ tàu cá, tàu buôn đâm vào đáy hàng khơi. Tuấn kể, thời gian trước, một hàng đáy nằm phía ngoài đảo Hòn Khoai bị tàu buôn đâm vào, các bạn chòi bị hất văng xuống biển. Rất may là có tàu đánh cá gần đó cứu giúp. “Nhiều trường hợp xấu số thì cũng chịu thôi anh à. Như thằng bạn tôi cũng rơi xuống biển mất tích tới giờ…”, anh Tuấn nói.

Theo ông Nguyễn Thành Tài, những chủ đáy hàng khơi thường cập nhật thông tin thời tiết rất kỹ. Nếu dự báo thời tiết xấu thì trong đất liền sẽ có tàu ra đón các bạn chòi vào bờ. “Sóng cấp 4, cấp 5 là chúng tôi cho bạn chòi vô bờ rồi. Tuy nhiên, cũng có những bất trắc mà chủ đáy không lường trước được. Khi tai nạn xảy ra thì mạng sống của bạn chòi là năm ăn năm thua”, ông Tài cho biết.

Thường chủ đáy không trả lương cho bạn chòi mà ăn chia theo miệng đáy. Cứ 6 miệng đáy đổ được thì bạn chòi được chia 1 miệng. “Nếu trúng thì cũng được năm, ba trăm ngàn một ngày. Nếu thất thì vợ con trong đất liền phải mượn nợ thôi anh”, bạn chòi Quách Phi nói.

Ông Lý Hoàng Tiến, Bí thư Đảng ủy xã Đất Mũi (H.Ngọc Hiển) – địa phương có nhiều người dân làm nghề đáy hàng khơi – cho biết gần đây nhờ điều kiện liên lạc tốt hơn như bệnh hoạn, hay biển động, gió lốc… thì ngoài biển cũng thông tin vào để đất liền ứng cứu. “Tuy nhiên, những tai nạn rình rập thì không nói trước được. Mà bạn chòi là nghề dễ bị rình rập nhất”, ông Tiến cũng nói.

Theo Thanh Niên
Thành công Sao chép đường dẫn thành công !!