Có thể bạn quan tâm

Thôi cho tôi xin

Hai ông già đang ngồi hóng mát trong công viên thì một cô gái xinh đẹp có thân hình bốc lửa đi qua.

Một ông ao ước:

– Giá chúng mình bây giờ mới 20 tuổi nhỉ!

Ông kia chép miệng:

– Thôi, thôi, xin ông! Chỉ vì một bóng hồng mà phải tiếp tục quần quật thêm 40 năm nữa mới được lĩnh lương hưu ấy à, tôi xin kiếu!

st

Làng nghề gốm người Khmer Nam bộ

Điểm đặc sắc trong làng nghề gốm Tri Tôn là không dùng bàn xoay hoặc ứng dụng bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào. Đơn thuần chỉ bằng tay với kinh nghiệm mang tính bẩm sinh

Đến Tri Tôn, tỉnh An Giang và tận mắt nhìn thấy làng gốm An Thuận của người Khmer, mà tiếng địa phương gọi là sóc Phnom Pi, có nghĩa là vùng đất đồi. Ngoài làm ruộng nước với những kinh nghiệm hàng chục thế kỷ miền sông nước này, người Khmer Nam Bộ còn có nghề dệt vải tơ tằm ở Tịnh Biên, nghề rèn nghề làm xe bò kéo, nghề làm rượu Thốt Nốt và nhiều nghề lâu đời khác.. nhưng độc đáo và mang tính cổ truyền nhất là nghề làm gốm ở Tri Tôn.

Lịch sử địa phương và những phóng sự cách nay hơn một thế kỷ ghi lại: Đến phiên chợ, các địa phương tấp ghe vô bến sông Tri Tôn nhận hàng. Trên bến dưới thuyền, những xe thồ, người gồng gáng chở hàng xuống bến, nồi niêu chất đầy trên các ghe lớn ghe bé. Nghe đâu hàng gốm Tri Tôn không chỉ có mặt ở hầu hết các tỉnh miền Tây mà còn ngược lên Tây Ninh, sang cả Campuchia, đủ sức cạnh tranh với sành sứ truyền thống vốn rất nổi tiếng của quốc gia láng giềng này. Mặt hàng cũng là những đồ gia dụng quen thuộc như nồi niêu, trã, cà ràng (một loại bếp lò), ống khói cho những hộ nấu đường thốt nốt. Gốm Tri Tôn có uy tín và ăn khách suốt nhiều thể kỷ, ngoài kỹ thuật “gia truyền”, tạo dáng bắt mắt, thế mạnh chủ yếu ở chất đất và kỹ thuật nung.

Đất làm gốm được khai thác ở dưới chân ngọn đồi Nam Quy, cách ấp An Thuận chừng hai cây số. Đây là một loại đất sét nhuyễn, mịn, màu xám và theo kinh nghiệm của người làm nghề lâu năm đây là đất thích hợp nhất cho gốm. Ngoài đất sét Nam Quy, không còn nơi nào trong vùng có đất thích hợp để An Thuận làm gốm. Đất mang về được ủ một thời gian sau đó giã mịn, loại bỏ hết sạn, sỏi, tạp chất và làm cho mịn trước khi chế biến. Sau khi đất được sàng lọc kỹ, người thợ trộn với nước theo một tỷ lệ mà chỉ có kinh nghiệm lâu năm mới điều hoà được nước và đất thích hợp sao cho đất dẻo mà không nhão, dính kết mà không khô. Trông thì đơn giản thế, nhưng bí quyết gốm Tri Tôn có lẽ nằm ở trong cái đơn giản mang tính kinh nghiệm nghề nghiệp này đây.
Điểm đặc sắc trong nghề gốm Tri Tôn là không dùng bàn xoay hoặc ứng dụng bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào. Đơn thuần chỉ bằng tay với kinh nghiệm mang tính bẩm sinh. Sau khi nhào nặn công phu đất, người thợ đi vòng quanh vật nặn để đắp, bồi, xoa, vuốt. Thoạt đầu là tạo dáng cơ bản, sau đó chỉnh sửa uốn nắn cân đối hình dạng sau cùng là xoa mịn mướt bề mặt, có những mặt hàng cầu kỳ cần tới hoa hình thì dùng bàn in trang trí theo những hoa văn do các nghệ nhân tạo nên. Trong sóc Phnom Pi, hầu như nhà nào cũng nặn nồi, nặn lu, chum vại. Trẻ em đập tơi đất, thanh niên nhào nhuyễn, người kinh nghiệm thì nặn đồ vật. Hầu hết người đang nặn gốm ở trong sân hay sau vườn là phụ nữ. Đó là điều khác với những làng gốm mà tôi đã từng thấy ở những làng gốm phía Bắc. Họ làm chuyên cần, nhẫn nại và đặc biệt là rất ít nói. Thỉnh thoảng nghe rõ tiếng bồm bộp, đắp vỗ vào eo bình của những bàn tay. Còn những ngón tay sần sùi gân guốc thì dẻo quánh xoa vuốt , lướt quanh miệng bình. Những cái vò cái lu đựng nước, không có hình mẫu nào mà hình dáng cứ hiện dần lên, đều tăm tắp. Bốn năm người phụ nữ lặng lễ đắp đất, chuốt eo, nắn miệng bình và bốn năm cái chum như trong một cái khuôn đúc ra. Hỏi bà con về kinh nghiệm. Họ chỉ cười, “mình không biết nói đâu”.

Sau khi hoàn thiện hình dáng, chuốt bóng mặt ngoài và in xong hoa văn, gốm mộc được đem phơi kỹ qua nhiều ngày nắng nỏ rồi mới đưa vào nung. Người Khmer không xây lò. Hàng mộc được xếp lớp lớp trên sân hoặc khu đất phẳng trong vườn nhà , chất rơm đều trên bề mặt, nung cho đến “độ chín” rồi mới qua giai đoạn ủ. Nếu theo quy trình công nghệ, mỗi giai đoạn được tính bằng giờ, lò nung được kiểm tra nhiệt độ, nhưng với người Tri Tôn, tất cả đều thông qua kinh nghiệm. Khi đã qua ủ, gốm hiện lên màu đỏ nhạt, nâu hoặc vàng đậm. Hàng thành phẩm không cần mang đi bán xa. Các thương lái đã quen đường, quen chủ. Họ đến từng sân từng vườn và thường là mua cả lố, chuyên chở ra bến sông, xếp lên ghe. Từng ghe nặng nề nối đuôi nhau rời bến, đến với các chợ miền Tây lục tỉnh. Xét về giá trị kinh tế, ngày nay nghề làm gốm Tri Tôn thu nhập không cao bằng một số ngành nghề khác. Cũng có một số người trong sóc chuyển nghề và một số nữa thì vẫn theo đuổi nghề xưa như một thói quen yêu nghề và muốn giữ lại nét truyền thống của Tổ Tiên. Gần đây có một số chuyên gia văn hoá và lịch sử nước ngoài, số đông là người Nhật đã tìm về Tri Tôn để nghiên cứu, tìm hiểu làng nghề lâu đời này. Bảo tàng văn hoá-dân tộc học của Trung ương và một số địa phương đã sưu tầm và nghiên cứu nghề gốm của người Khmer Nam Bộ, của người Chăm và một số dân tộc anh em khác, coi đây không chỉ là một nghề sinh sống mà là một trong những di sản văn hoá đặc sắc và lâu đời bậc nhất của dân tộc.

Theo mekongdeltaexplorer

Mưu sinh với nghề nguy hiểm: Nghề đáy hàng khơi

[vanhoamientay.com]Người ta gọi những người đàn ông sống trong những chiếc chòi nhỏ được “máng” trên cột lưới giăng giữa biển khơi là bạn chòi. Vì mưu sinh, người làm nghề bạn chòi luôn phải đối mặt với nhiều bất trắc, thậm chí đánh đổi mạng sống của mình.

“Biệt giam” giữa biển

Đáy hàng khơi là nghề giăng những miệng lưới có đáy sâu trên biển, cách xa đất liền từ 5 hải lý trở ra. Lưới đáy được mắc vào những cây cột to, trên cột “treo” căn chòi “không thể nhỏ hơn” làm nơi tá túc cho những người giữ đáy, hay còn gọi là bạn chòi. Công việc của bạn chòi ngoài canh giữ lưới còn phải trông con nước để quyết định buông, kéo lưới, vì thế họ phải bám trụ ngày đêm giữa biển. Không chỉ bị tù túng “giống như biệt giam” trong căn chòi “quay mình là đụng vách”, môi trường sống của bạn chòi chứa đựng rất nhiều hiểm nguy.

“Đi biển đừng nói tới tai nạn. Nhất là mấy ông bạn chòi, nói tới rủi ro là người ta sợ…”, ông Nguyễn Thành Tài, ngư dân thị trấn cửa biển Cái Đôi Vàm (H.Phú Tân, Cà Mau), dặn tôi không nên gợi lại những chuyện không hay khi ra đáy để anh em bạn chòi yên tâm ở biển. Ông Tài nói, thậm chí mỗi khi có sóng gió bất thường hay xui rủi gặp tai nạn, bị tàu đâm… thì người biết tin cũng giấu bạn chòi. “Bởi kiếm bạn bây giờ khó lắm. Nghề khắt khe quá mà, nên rất nhiều người sợ”, ông Tài tâm sự.

Mạng sống “năm ăn, năm thua”

Nhiều năm nay, thỉnh thoảng lại có tin bạn chòi gặp nạn trên vùng biển Tây Nam, mà chủ yếu là bị rớt xuống biển. Người may mắn thì được cứu nhưng không phải ai cũng được may như vậy, nên dân đi biển nhiều người rất ớn nghề bạn chòi. “Mình đi tàu nếu có chuyện gì còn chạy vào đất liền, cặp vào đảo. Còn sống trên chòi giữa biển có chuyện gì thì lãnh đủ”, Nguyễn Nhật Hiện (40 tuổi, ngư dân xã Khánh Hải, H.Trần Văn Thời, Cà Mau) rùng mình khi nghe chúng tôi hỏi đến nghề bạn chòi.

 “Cũng vì miếng cơm manh áo thôi chú à. Ở đâu có nghề làm ra tiền thì có người làm thôi”, bạn chòi Trần Minh Hơi (38 tuổi, quê Trà Vinh) nói nhanh trong khói thuốc, như đã thủ sẵn câu trả lời khi chúng tôi hỏi đến nghề của anh. Không đợi chúng tôi nhắc, anh Hơi lắc đầu: “Vất vả kiếm cơm thì nhằm nhò gì. Té biển mới sợ chứ…”. Nghe anh Hơi nói, 3 bạn chòi khác cùng phá lên cười. Anh Hơi kể: “Mới tháng trước, mấy ông tàu cá chạy ẩu thế nào tông thẳng vào hàng đáy, có thằng bạn ngủ trên chòi không kịp trở tay, trôi mất!”.

Chuyện bạn chòi Trần Minh Hơi kể không phải là hiếm, nhưng cái cách kể tỉnh rụi của anh khiến người nghe không khỏi chột dạ. Dường như anh đang cố tỏ ra bình tĩnh, tỏ ra sẵn sàng khi ở trong môi trường hiểm nguy có thể đến bất cứ lúc nào.

Có quá nhiều lý do dẫn đến những bất trắc ập xuống với bạn chòi, mà giông lốc làm sập chòi là nỗi lo thường trực. Hầu như năm nào cũng có những bạn chòi tử nạn vì chòi sập. Tuy nhiên, lần sập chòi hàng loạt xảy ra hồi tháng 11.2009 là nỗi ám ảnh lớn nhất đối với những người làm nghề đáy hàng khơi ở H.Ngọc Hiển. Chỉ một trận mưa giông đã đánh sập gần 450 miệng đáy của người dân 3 xã Tam Giang, Tân Ân và Rạch Gốc. 67 bạn chòi bị rơi xuống biển. Rất may lúc đó chính quyền địa phương và bộ đội biên phòng đã tổ chức tàu tìm kiếm kịp thời cứu vớt được 65 người, đưa vào đất liền.

“Lốc xoáy thì mình còn đề phòng được. Sợ nhất là nửa đêm bị tàu đâm, đang ngủ không phản ứng kịp là chết như chơi”, bạn chòi Huỳnh Quốc Tuấn thổ lộ. Hầu như năm nào trên vùng biển Cà Mau cũng xảy ra những vụ tàu cá, tàu buôn đâm vào đáy hàng khơi. Tuấn kể, thời gian trước, một hàng đáy nằm phía ngoài đảo Hòn Khoai bị tàu buôn đâm vào, các bạn chòi bị hất văng xuống biển. Rất may là có tàu đánh cá gần đó cứu giúp. “Nhiều trường hợp xấu số thì cũng chịu thôi anh à. Như thằng bạn tôi cũng rơi xuống biển mất tích tới giờ…”, anh Tuấn nói.

Theo ông Nguyễn Thành Tài, những chủ đáy hàng khơi thường cập nhật thông tin thời tiết rất kỹ. Nếu dự báo thời tiết xấu thì trong đất liền sẽ có tàu ra đón các bạn chòi vào bờ. “Sóng cấp 4, cấp 5 là chúng tôi cho bạn chòi vô bờ rồi. Tuy nhiên, cũng có những bất trắc mà chủ đáy không lường trước được. Khi tai nạn xảy ra thì mạng sống của bạn chòi là năm ăn năm thua”, ông Tài cho biết.

Thường chủ đáy không trả lương cho bạn chòi mà ăn chia theo miệng đáy. Cứ 6 miệng đáy đổ được thì bạn chòi được chia 1 miệng. “Nếu trúng thì cũng được năm, ba trăm ngàn một ngày. Nếu thất thì vợ con trong đất liền phải mượn nợ thôi anh”, bạn chòi Quách Phi nói.

Ông Lý Hoàng Tiến, Bí thư Đảng ủy xã Đất Mũi (H.Ngọc Hiển) – địa phương có nhiều người dân làm nghề đáy hàng khơi – cho biết gần đây nhờ điều kiện liên lạc tốt hơn như bệnh hoạn, hay biển động, gió lốc… thì ngoài biển cũng thông tin vào để đất liền ứng cứu. “Tuy nhiên, những tai nạn rình rập thì không nói trước được. Mà bạn chòi là nghề dễ bị rình rập nhất”, ông Tiến cũng nói.

Theo Thanh Niên

Bán thuốc tây là dễ nhất

[vanhoamientay.com] Tại sao bán thuốc tây là cộng việc dễ nhất, chúng ta thử theo dõi câu chuyện sau đây nhé.

Một người tâm sự với bạn:

-Thời buổi này, làm nghề gì cũng khó, chỉ có làm nghề bán thuốc tây là dễ thôi!

– Sao vậy?

– Vì mỗi khi bán thuốc chỉ cần nói với khách hàng: “Xin đọc kỹ hướng dẫn trước khi dùng”, thế là xong!

st

Ngọt lịm kẹo dừa bến tre

[vanhoamientay.com]Trước đây, kẹo dừa được xem như quà tặng cho bà con láng giềng trong những ngày giỗ tết, về sau chính vị ngọt thanh, đậm đà và mùi thơm béo ngậy mà năm 1999 loại kẹo Mỏ Cày này chính thức mang thương hiệu “Kẹo dừa Bến Tre” và được xuất đi nhiều nước trên thế giới.

Giờ đây, du khách quốc tế biết đến món ngon Việt Nam không chỉ bởi những tô phở bốc khói, những món ăn cung đình Huế cầu kỳ, sang trọng và đẹp mắt…mà còn nhớ vị kẹo dừa mộc mạc, dân dã nhưng ngọt ngào.

Nguyên liệu đầu vào để làm tưởng chừng khá đơn giản, chỉ là cơm dừa trắng và mạch nha, nhưng thật ra, để làm nên viên kẹo ngon thì đòi hỏi phải có kinh nghiệm, vì đây là hai thành phần cốt yếu của viên kẹo, quyết định toàn bộ vị ngon đặc trưng sản phẩm.

Ở Bến Tre được trồng khá nhiều dừa với các chủng loại khác nhau: dừa dứa, dừa dâu, dừa sáp, dừa lửa… nhưng để được loại cơm dừa ngon, dày thì phải nói đến giống dừa xiêm xanh, trái dừa phải khô, tránh để lên mọn, vì chỉ có loại dừa có cơm dày, dẻo, màu trắng tinh khiết mới có thể ép ra được nước cốt chất lượng cao, độ sánh vừa phải, hơi trong, chứ không trắng đục, đáp ứng cho quá trình trộn hỗn hợp với mạch nha cho ra màu sắc đẹp, bắt mắt.

Mạch nha được làm bằng phương pháp lên men từ lúa nếp mầm. Hạt nếp to, tốt, không bị mọt, được tưới bằng nước mưa sạch, cho hạt vừa nảy mầm thì đem chế biến thành mạch nha. Mạch nha phải ngọt thanh, dẻo, trong và có màu vàng nâu tự nhiên.

Kẹo dừa được ra đời sau khi qua khâu trộn nước cốt dừa và mạch nha lại với nhau, nấu hỗn hợp bằng cộng nghệ đường truyển hơi nước

Từ những thành phần cốt lõi là dừa và lúa, người dân bến tre còn thêm màu sắc mới cho những viên kẹo bằng hương vị đặc trưng của chính đặc sản quê mình như sầu riêng, đậu phộng, lá dứa… Mỗi loại có hương vị đặc trưng riêng nhưng vẫn đảm bảo hương vị dừa căn bản, giúp sản phẩm thêm phong phú, nâng cao chất lượng

Nguyên liệu làm kẹo dừa, đầu tiên và không thể thiếu là những quả dừa. Thế nhưng, để tạo ra đúng hương vị đặc trưng của kẹo dừa Bến Tre thì phải dựa vào kỹ thuật độc đáo của nghề. Đó là cách chọn nguồn nguyên liệu và có công thức pha chế riêng. Và cách thức chế biến kẹo dừa Bến Tre trong mắt người dân địa phương dường như là cả một nghệ thuật. Đầu tiên là phải thật tinh tế trong việc chọn nguyên liệu. Nếp nấu mạch nha phải là nếp mùa vụ xuân, hạt nảy to, chín đều. Ruộng lúa được chọn lấy nếp phải không dùng phân hoá học, thuốc trừ sâu. Thóc nếp để nảy mầm được tưới nước mưa sạch rồi mới đem nấu mạch nha.

Công đoạn nấu mạch nha cũng là cả một nghệ thuật đòi hỏi người thợ nấu mạch nha phải kiên nhẫn, tỉ mỉ và có tay nghề điêu luyện. Những trái dừa để làm kẹo cũng được lựa chọn rất cẩn thận. Đó là những trái dừa bắt đầu khô để có hương vị dừa đặc trưng nhất, nước cốt ngọt thanh và tạo nên độ béo rất riêng của kẹo dừa. Đường thô để chế biến kẹo cũng phải là loại đường tốt, mới, có màu vàng tươi như nghệ, có độ dẻo nhất định … Tất cả cộng với tay nghề, kinh nghiệm và thuật đánh kẹo nhuần nhuyễn để tạo ra những mẻ kẹo thơm ngon đậm đà, trước sau như một làm hài lòng cả những thực khách khó tính nhất.

Ngày nay, người dân Bến Tre đã sáng tạo ra nhiều loại kẹo dừa với những hương vị khác khau làm say lòng du khách gần xa. Nào là kẹo dừa cacao, kẹo dừa sầu riêng, kẹo dừa nhân đậu phộng…Mỗi loại có hương vị đặc trưng riêng nhưng vẫn đảm bảo hương vị dừa căn bản. Nhiều cơ sở chế biến kẹo dừa với những thương hiệu quen thuộc như Thiên Long, Ngọc Hương đã mang kẹo dừa đến các tỉnh thành trong nước và xuất khẩu sang nước ngoài. Có thể nói, kẹo dừa đã gắn bó với hành trình văn hóa, ẩm thực và du lịch của đất nước Việt Nam.

Không gì tuyệt vời bằng khi khưởng thức kẹo dừa ngọt thơm và nhâm nhi tách trà nóng.  Kẹo dừa Bến Tre -Sự giao thoa giữa hiện đại và truyền thống làm nên sức sống của một hương vị cổ truyền.

Bến Tre nước ngọt sông dài

Nơi chợ Mỏ Cày có kẹo nổi danh

Kẹo Mỏ Cày vừa thơm vừa béo

Gái Mỏ Cày vừa khéo vừa ngoan…”


Làng nghề chằm nón lá Cần Thơ

Ngoài vẻ đẹp trù phú mà thiên nhiên ban tặng, Cần Thơ còn là nơi được mọi người biết đến bởi sự đa dạng phong phú về các làng nghề truyền thống được lưu truyền từ nhiều thế hệ. Một trong những làng nghề đó là Làng nghề chằm nón lá…

Làng nghề chằm nón lá ở ấp Thới Tân A không ai nhớ rõ xuất hiện từ năm nào và tổ nghề là ai. Tuy nhiên, theo những người làm nghề lớn tuổi ở đây cho biết, nghề này có khoảng trên 70 năm, hiện nay đã thành lập được Nghiệp đoàn chằm nón lá với trên 36 hộ sống với nghề.

Cần Thơ hay có thời còn được gọi là Tây Đô, nằm ở vị trí trung tâm của đồng bằng châu thổ sông Cửu Long. Trước đây biển còn phủ hết Đồng Bằng Sông Cửu Long, mãi đến cách đây 2500, nước mới rút hết và hình thành vùng châu thổ như ngày nay. Cần Thơ được khai mở và có mặt trên bản đồ Việt Nam từ năm 1739 với tên gọi Trấn Giang. Đến với Cần Thơ lênh đênh trên xuồng khám phá hệ thống kênh rạch và chiêm ngưỡng cảnh đẹp nên thơ, bình dị được ví như vẻ đẹp thướt tha, đằm thắm của cô gái Tây Đô. Nơi đây không những mang nét trù phú của những làng xóm nép mình dưới rặng dừa mà còn mang dáng dấp xa hoa, lộng lẫy của đô hội sầm uất, chẳng thế mà ở đây lại nổi danh với câu ca: “Cần Thơ có bến Ninh Kiều Có dòng sông đẹp với nhiều giai nhân”.

Ngoài vẻ đẹp trù phú mà thiên nhiên ban tặng, Cần Thơ còn là nơi được mọi người biết đến bởi sự đa dạng phong phú về các làng nghề truyền thống được lưu truyền từ nhiều thế hệ. Một trong những làng nghề đó là Làng nghề chằm nón lá… Nghề chằm nón lá ở ấp Thới Tân A không ai nhớ rõ xuất hiện từ năm nào và tổ nghề là ai.

Tuy nhiên, theo những người làm nghề lớn tuổi ở đây cho biết, nghề này có khoảng trên 70 năm, hiện nay đã thành lập được Nghiệp đoàn chằm nón lá với trên 36 hộ sống với nghề. Gia đình bà Diện đã 3 đời theo nghề chằm nón. Khác với miền Trung làm nón Bài thơ bằng lá buông và dây thao, người dân ở ấp Thới Tân A cũng như các vùng khác ở Nam bộ chọn loại lá mật cật và cây trúc làm nguyên liệu chính để làm nón. Lá mật cật là lọai cây có lá xòe rộng như lá cọ, mọc nhiều ở Tây Ninh, Phú Quốc, Cà Mau,…Thân cây nhỏ và thấp, mọc thành từng đám hoặc bụi, hai bên cọng của tàu lá đầy gai nhọn. Mỗi cây mật cật chỉ có 01 lá non và được người ta chọn để làm nón. Muốn làm nón đòi hỏi người thợ phải có cái khung chằm hình chóp có kích thước bằng chiếc nón lá mà người dân vùng này thường gọi là cái Mô được bày bán ở chợ. Vào những thập niên 80 trở về trước, nón lá được làm từ Mô có 15 vành. Sau thập niên 80, thị hiếu của người tiêu dùng thay đổi, người Nam bộ nói chung bắt đầu chuộng nón lá kiểu xứ Huế có 16 vành hay còn gọi là nón Bài thơ.

Vì lẽ đó, người thợ ở Thới Tân A cũng nhanh chóng thay đổi cách làm, họ bắt đầu sử dụng Mô nón của xứ Huế để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Vật liệu để làm ra chiếc nón lá gồm: kim may tay số 10, chỉ màu, dây gân số 04, giấy báo dùng để lót nón, nan (được làm từ trúc) và lá mật cật.Khác với cách làm nón lá ở Tây Ninh là vừa chằm vừa gác nan tre lên khuôn để làm sườn nón lá. Ở ấp Thới Tân A, người thợ sẽ kiềng vành lên khuôn (mô) nón trước rồi kế đến là kết lá. Bước kế tiếp là họ bắt đầu xoay lá trên khuôn. Công đoạn này rất quan trọng, đòi hỏi người thợ phải có kinh nghiệm mới xoay lá đều, đẹp: đầu tiên là xoay lớp lá bên trong trước, rồi đến lớp giấy báo, cuối cùng là xoay lớp lá bên ngoài. Sau khi xoay đầu nón xong, người thợ sẽ dùng một cái vành, chụp lên bên ngoài khuôn nón để giữ cho lá nằm cố định, giúp người thợ chằm được dễ dàng. Tiếp đến là thao tác chằm nón, công đoạn này tương đối dễ so với các công đoạn khác khi làm nón. Chỉ cần mũi kim đều, khoảng cách giữa các mũi kim vừa phải, không xa quá là đã đạt yêu cầu. Cuối cùng là nức vành, đây là công đoạn khá quan trọng, người thợ sẽ vót 01 cọng nan có thân dẹp gọi là cây tiến, cặp vào vành nón số 16 để khi nức, vành nón được tròn và chắc chắn, nón sử dụng được lâu bền. Ngoài ra, người thợ còn trang trí bên trong của chóp nón bằng chỉ thêu màu đỏ, xanh, hồng,… hình ngôi sao hay hình cái bông để tăng thêm nét đẹp cho sản phẩm của mình.

Được biết giá một kg lá mật cật trên thị trường hiện nay giao động từ 80.000 đồng đến 90.000 đồng, chằm được 20 cái nón thường. Khi thành phẩm, thương lái mua vào một cái nón lá khoảng 15.000 đồng. Nếu tính sơ, mỗi cái nón người thợ có thể thu lãi khoảng 8.000 đồng, trung bình một người, ngoài công việc chính trong ngày, có thể làm thêm được từ 2 đến 3 chiếc nón, phần nào phụ giúp được gia đình có thêm nguồn thu nhập. Sản phẩm của Nghiệp đoàn chằm nón lá ở ấp Thới Tân A chủ yếu bán ở chợ Thới Lai và một số nơi khác như ở chợ Vĩnh Thuận, Vĩnh Tuy … Mặc dù nghề chằm nón lá ở đây không mang lại sự giàu có cho các hộ gia đình nhưng nhờ có đầu ra nên đã tạo được nguồn thu nhập ổn định cho người dân địa phương và đặc biệt cũng thu hút sự chú ý của Du khách từ mọi miền về thăm làng nghề truyền thống này!

Theo Canthotourist

Đọt choại luộc, món ăn mùi nhớ

[vanhoamientay.com] Đọt choại có thể xem là một món ăn mang đậm chất khẩn hoang của thời cha ông ta đi mở cõi, loại rau sạch có vị thơm, ngọt nhẹ đặc trưng, nhơn nhớt

Nghe 2 từ đọt choại (còn gọi chại, chạy), kỷ niệm trong tôi chợt hiện về. Có thể nói cây choại gắn chặt với ký ức tuổi thơ tôi. Choại là loại dây leo, thường mọc hoang nơi bưng biền, nhiều nhất ở Cà Mau, Hậu Giang, Rạch Giá…. Thân cây rất dài (đến khoảng 20 mét), có nhiều rễ bám chặt vào thân các loại cây khác (nhất là cây tràm) để sống. Lá kép hình lông chim có chiều dài gần cả mét. Lá non màu nâu pha lẫn xanh dợt, và trên đầu lá non uốn cong, thoạt nhìn ta liên tưởng đến hình con cuốn chiếu cuộn mình.

Đây là một loại rau sạch có vị thơm, ngọt nhẹ đặc trưng, nhơn nhớt và được các bà nội trợ miệt vườn khéo tay chế biến thành những món ăn ngon như: đọt choại nấu canh chua cá rô đồng, canh chua lươn với bông điên điển, nhúng lẩu, xào tép, ăn sống (hoặc luộc) chấm nước mắm cá chiên thật “bá phát”!!…

Đọt choại non không những được ưa chuộng để chế biến các thức ăn, mà dây choại già cũng lắm hữu dụng. Tôi vẫn nhớ như in – trước khi lũ về trắng xóa cánh đồng – để chuẩn bị đồ nghề đánh bắt cá, ba tôi thường vào rừng chặt những dây choại già, bó từng bó phơi khô sau đó bện đăng, đó, lợp…, và làm dây buộc cột, kèo nhà tránh giông bão rất bền chắc, vì dây choại khi ngấm nước rất dẻo. Sau này, dây choại già còn được thêm công dụng làm đồ thủ công mỹ nghệ nữa.

Những năm tháng chiến tranh, quê tôi nằm trong vùng bị địch tạm chiếm. Gia đình ba má tôi quyết bám trụ, không chịu di tản. Lúc bấy giờ, cuộc sống gia đình rất khó khăn, mỗi khi ra đồng kiếm thức ăn rất ngại vì sợ cảnh bom rơi đạn lạc. Vì thế, quanh đi ngoảnh lại chỉ có rau, củ quanh nhà. Và, món ăn được má tôi chế biến thường xuyên trong những bữa cơm, đó là: đọt choại luộc chấm nước mắm kho quẹt (hoặc nước mắm tỏi ớt), hay đọt choại sống ăn kèm với cá hủn hỉn kho quẹt.

Tuy đạm bạc như thế nhưng nồi cơm lúc nào cũng được vét sạch, và phần cơm cháy khét còn lại dưới đáy nồi, anh em chúng tôi dùng đũa bếp cạy lên và chia nhau mỗi người một miếng ăn với nước mắm kho quẹt hay đường thẻ (loại đường mía màu vàng, đổ khuôn có hình chữ nhật), và được xem như là món “quà vặt” tráng miệng.

Hôm nay, tôi đang ngồi trong quán sang trọng, ấm cúng với người bạn thân, trước những món ăn dân dã được biến tấu ít nhiều. Dĩa đọt choại luộc giòn, xanh mướt (tuy cũng có những cọng già, chắc do chủ tiếc rẻ vì hàng hiếm), trông khá bắt mắt, khác với dĩa đọt choại luộc nơi quê nhà xanh màu cỏ úa, mềm nhũn vì luộc quá lửa. Chắc là đầu bếp đã dùng bí quyết, bỏ vào nồi nước sôi một ít muối trước khi luộc chín, và sau đó phủ một lớp dầu ăn lên cho bóng mượt.

Còn dĩa cơm cháy thì trông rất hấp dẫn, đồng nhất một màu vàng ruộm, cắt đôi hình bán nguyệt, giòn thơm, béo ngậy vì được chiên trên chảo mỡ, khác với miếng cơm cháy khét, khô cứng, có vị đăng đắng xưa kia. Món nước mắm kho quẹt cũng là nước mắm nhỉ Phú Quốc, thơm ngon, có màu cánh gián, sền sệt, không giống nhiều với mùi vị nước mắm đồng mặn quéo kết hợp tinh túy từ thịt của con cá sặt, cá rô, cá linh… với hạt muối quê nhà. Không những thế, quán còn “vẽ duyên” thêm đường, tóp mỡ, hành, cùng một trái ớt sừng chín đỏ.

Thử bẻ một miếng cơm cháy, quẹt một chút nước mắm kho quẹt đưa vào miệng nhai giòn tan, thêm vào cọng đọt choại luộc có vị thơm thoảng, nhơn nhớt để trung hòa vị ngọt mặn của nước mắm. Tất cả quyện thấm vào vị giác, len xuống tận cổ! Chạnh lòng, nhớ về miền quê nghèo da diết, nơi đó có ba má và những người nông dân lam lũ cần cù…

Theo Ấp Bắc
Thành công Sao chép đường dẫn thành công !!