Có thể bạn quan tâm

Làng nghề thớt Định An, Đồng Tháp

[vanhoamientay.com] Chiếc thớt đóng vai trò quan trọng, góp phần tạo nên bữa ăn ngon của cả gia đình, để có những chiếc thớt chất lượng ấy cần phải nhắc đến ngôi làng đã làm ra chúng, làng nghề thớt Định An, Đồng Tháp

Nghề làm thớt ấp An Hòa, xã Định An, huyện Lấp Vò hoạt động quanh năm. Hơn 60 năm qua nơi đây đã hình thành một làng chuyên làm thớt gỗ. Đây là một nghề cha truyền con nối.

Khi mới hình thành, thớt ở đây được làm bằng loại cây mù u, một loại gỗ rất chắc thường mọc hoang ven sông, Gỗ mù u là loại gỗ phù hợp nhất để làm thớt vì khi chặt hay băm,… gỗ của thớt mù u không bị băm nát và lưu lại vết đen. Nhưng hiện nay nguyên liệu để làm thớt thường là gỗ cây xà cừ, me.

 Để có được một chiếc thớt, người thợ phải thực hiện nhiều công đoạn như phân đoạn, cắt thớt, lấy mực, ra vóc, đẽo, gọt láng, bào mặt… Những ngày đầu những công đoạn này làm thủ công nên tốn nhiền thời gian mà lại vất vã, hai người chỉ làm được 10 – 15 chiếc thớt/ngày.Từ khi sử dụng các loại máy như máy cưa, máy cắt, bào điện… năng suất tăng lên nhiều lần so với trước.

Có dịp đến thăm làng nghề làm thớt Định An, du khách luôn thấy cảnh nhộn nhịp với tiếng cưa, tiếng đục, tiếng vận hành máy. Người kéo xe, kẻ phơi thớt, với hơn chục hộ hành nghề dọc theo quốc lộ 54.

Theo những người có kinh nghiệm trong làng nghề thớt, để có một chiếc thớt tốt phải chọn loại cây gỗ già , đem sấy hết nhựa mang ra cắt thành từng miếng rồi phơi nắng để không bị mốc.

Dù khó khăn, vất vả nhưng hơn mấy chục năm qua, người dân ấp An Hòa, xã Định An vẫn miệt mài cùng với nghề bởi đây vừa là nghề tạo thu nhập vừa là nghề truyền thống.

Vào những tháng này, khoảng tháng 9 âl con nước rong bắt đầu rút, làng thớt Định An lại bắt đầu nhộn nhịp với tiếng cưa, tiếng đục, tiếng máy. Tất cả đang háo hức chuẩn bị cho ra lò nhiều loại thớt để bạn hàng bỏ mối bán Tết.

Trục quốc lộ 54 chạy dọc theo con sông Hậu có không khí luôn mát mẻ, cảnh vật xanh tươi là tuyến đi rất thích hợp cho tour đạp xe khám phá làng nghề, trải nghiệm cuộc sống yên bình của vùng quê Nam bộ.

Về Tiền Giang du lịch cù lao Thới Sơn

[vanhoamientay.com] Cù lao Thới Sơn là điểm du lịch sinh thái miệt vườn nổi tiếng ở Tiền Giang và ĐBSCL, cách TP HCM khoảng 85 km. Về cù lao Thới Sơn bạn sẽ được đến với vùng sinh thái có nét nguyên sơ, môi trường sinh thái của miệt vườn, được trải nghiệm nhiều cảm giác mới lạ như chèo xuồng, đi xe ngựa…

Dọc theo cù lao là những vườn cây ăn trái sum suê chạy ngút ngàn, khí hậu mát mẻ dễ chịu, nhiều dãy nhà thẳng tắp bày bán đủ các mặt hàng thủ công mỹ nghệ sản xuất từ cây dừa; hàng thêu may, đan, rượu, bánh… những sản phẩm đặc thù của địa phương. Đặc biệt cu khách có thể thăm những vườn cây trái trĩu quả, trại nuôi ong, lò kẹo dừa… đặc trưng của người Nam Bộ.

Quang cảnh xanh tươi của khu du lịch, sự hấp dẫn, quyến rũ của Thới Sơn ở chỗ đến mảnh đất này, người ta sẽ quên sự ồn ào của phố phường. Miền Tây sông nước sẽ cho bạn có ngay một cảm giác thật yên bình, trong một không gian thoáng đãng bởi nét đặc trưng, với hình ảnh của sông nước trong veo, những hàng cây xanh ngát.. Du khách đến Thới Sơn, xuống đò chèo xuôi theo những con rạch ngoằn ngoèo giữa hai hàng dừa nước rậm rạp, giữa hàng thủy liễu ven sông luôn nghiêng mình ngả bóng đón chào.

Nếu muốn tản bộ, sẽ theo những con đường đá uốn lượn, băng qua những vườn cây trái xum xuê. Du khách cũng có thể ngồi trong những nhà vườn nhấm nháp tách trà mật ong thơm ngọt và lắng nghe đàn ca tài tử. Ðêm Thới Sơn thật huyền diệu với đầy trăng, gió, sóng nước mênh mang. Khách có thể đi thuyền trên sông, ngắm trăng lên, hoặc cùng bạn ngồi đối ẩm trong tiếng ca mượt mà, sâu lắng của thôn nữ.

Đến cù lao Thới Sơn, bạn được thưởng thức một loại nước uống với sự pha trộn giữa trà, rượu thuốc, phấn hoa, mật ong và tắc. Ngoài ra, những món quà mang nét đặc trưng nới đây mà bạn có thể mua về làm quà như kẹo dừa, dầu dừa, rượu rắn… Nam nữ có thể thay áo bà ba và xuống ao để tự mình có thể bắt cá.

Bạn sẽ được thả hồn vào không khí trong lành của miền Tây khi tận mắt thấy được cảnh làng quê thanh bình, hàng dừa xanh mát. Điểm thú vị nhất là ngồi trên xuồng để đến cồn Thới Sơn. Dọc theo dòng sông dài gần 2 km là những hàng dừa rợp bóng cùng hàng trăm chiếc xuồng nối tiếp nhau tạo cho bạn cảm giác thật thư thái, dễ chịu.

Sau cù lao Thới Sơn, đến cù lao Ngũ Hiệp nơi có trái sầu riêng đặc sản cũng làm du lịch. Rồi xứ vườn vú sữa Lò Rèn cũng mở cửa đón khách tham quan.

Băng Tâm tổng hợp

Đọt choại luộc, món ăn mùi nhớ

[vanhoamientay.com] Đọt choại có thể xem là một món ăn mang đậm chất khẩn hoang của thời cha ông ta đi mở cõi, loại rau sạch có vị thơm, ngọt nhẹ đặc trưng, nhơn nhớt

Nghe 2 từ đọt choại (còn gọi chại, chạy), kỷ niệm trong tôi chợt hiện về. Có thể nói cây choại gắn chặt với ký ức tuổi thơ tôi. Choại là loại dây leo, thường mọc hoang nơi bưng biền, nhiều nhất ở Cà Mau, Hậu Giang, Rạch Giá…. Thân cây rất dài (đến khoảng 20 mét), có nhiều rễ bám chặt vào thân các loại cây khác (nhất là cây tràm) để sống. Lá kép hình lông chim có chiều dài gần cả mét. Lá non màu nâu pha lẫn xanh dợt, và trên đầu lá non uốn cong, thoạt nhìn ta liên tưởng đến hình con cuốn chiếu cuộn mình.

Đây là một loại rau sạch có vị thơm, ngọt nhẹ đặc trưng, nhơn nhớt và được các bà nội trợ miệt vườn khéo tay chế biến thành những món ăn ngon như: đọt choại nấu canh chua cá rô đồng, canh chua lươn với bông điên điển, nhúng lẩu, xào tép, ăn sống (hoặc luộc) chấm nước mắm cá chiên thật “bá phát”!!…

Đọt choại non không những được ưa chuộng để chế biến các thức ăn, mà dây choại già cũng lắm hữu dụng. Tôi vẫn nhớ như in – trước khi lũ về trắng xóa cánh đồng – để chuẩn bị đồ nghề đánh bắt cá, ba tôi thường vào rừng chặt những dây choại già, bó từng bó phơi khô sau đó bện đăng, đó, lợp…, và làm dây buộc cột, kèo nhà tránh giông bão rất bền chắc, vì dây choại khi ngấm nước rất dẻo. Sau này, dây choại già còn được thêm công dụng làm đồ thủ công mỹ nghệ nữa.

Những năm tháng chiến tranh, quê tôi nằm trong vùng bị địch tạm chiếm. Gia đình ba má tôi quyết bám trụ, không chịu di tản. Lúc bấy giờ, cuộc sống gia đình rất khó khăn, mỗi khi ra đồng kiếm thức ăn rất ngại vì sợ cảnh bom rơi đạn lạc. Vì thế, quanh đi ngoảnh lại chỉ có rau, củ quanh nhà. Và, món ăn được má tôi chế biến thường xuyên trong những bữa cơm, đó là: đọt choại luộc chấm nước mắm kho quẹt (hoặc nước mắm tỏi ớt), hay đọt choại sống ăn kèm với cá hủn hỉn kho quẹt.

Tuy đạm bạc như thế nhưng nồi cơm lúc nào cũng được vét sạch, và phần cơm cháy khét còn lại dưới đáy nồi, anh em chúng tôi dùng đũa bếp cạy lên và chia nhau mỗi người một miếng ăn với nước mắm kho quẹt hay đường thẻ (loại đường mía màu vàng, đổ khuôn có hình chữ nhật), và được xem như là món “quà vặt” tráng miệng.

Hôm nay, tôi đang ngồi trong quán sang trọng, ấm cúng với người bạn thân, trước những món ăn dân dã được biến tấu ít nhiều. Dĩa đọt choại luộc giòn, xanh mướt (tuy cũng có những cọng già, chắc do chủ tiếc rẻ vì hàng hiếm), trông khá bắt mắt, khác với dĩa đọt choại luộc nơi quê nhà xanh màu cỏ úa, mềm nhũn vì luộc quá lửa. Chắc là đầu bếp đã dùng bí quyết, bỏ vào nồi nước sôi một ít muối trước khi luộc chín, và sau đó phủ một lớp dầu ăn lên cho bóng mượt.

Còn dĩa cơm cháy thì trông rất hấp dẫn, đồng nhất một màu vàng ruộm, cắt đôi hình bán nguyệt, giòn thơm, béo ngậy vì được chiên trên chảo mỡ, khác với miếng cơm cháy khét, khô cứng, có vị đăng đắng xưa kia. Món nước mắm kho quẹt cũng là nước mắm nhỉ Phú Quốc, thơm ngon, có màu cánh gián, sền sệt, không giống nhiều với mùi vị nước mắm đồng mặn quéo kết hợp tinh túy từ thịt của con cá sặt, cá rô, cá linh… với hạt muối quê nhà. Không những thế, quán còn “vẽ duyên” thêm đường, tóp mỡ, hành, cùng một trái ớt sừng chín đỏ.

Thử bẻ một miếng cơm cháy, quẹt một chút nước mắm kho quẹt đưa vào miệng nhai giòn tan, thêm vào cọng đọt choại luộc có vị thơm thoảng, nhơn nhớt để trung hòa vị ngọt mặn của nước mắm. Tất cả quyện thấm vào vị giác, len xuống tận cổ! Chạnh lòng, nhớ về miền quê nghèo da diết, nơi đó có ba má và những người nông dân lam lũ cần cù…

Theo Ấp Bắc

Nguyễn Trung Trực 14 tuổi được phong thần?

[vanhoamientay.com]Một số người đã gán ghép cho Anh hùng Nguyễn Trung Trực những điều không đúng thực tế, không phù hợp với lịch sử. Trải qua nhiều năm, người thân của cụ nhiều lần đòi lại sự thật đúng với lịch sử nhưng các cơ quan chức năng vẫn không xem xét lại.

Những sắc phong khó hiểu

Trong đơn gởi các cơ quan báo chí, ông Nguyễn Khương Ninh (SN 1949, hậu duệ đời thứ năm của Anh hùng Nguyễn Trung Trực, hiện ngụ khu 2, thị trấn Cái Bè, Tiền Giang) đã nêu những nhầm lẫn của các cơ quan chức năng tỉnh Kiên Giang. Trong lễ hội kỷ niệm ngày cụ qua đời, có nghi thức hết sức quan trọng thu hút hàng ngàn người tham gia. Đó là lễ rước sắc thần kéo dài hàng cây số và kết thúc tại đền thờ Nguyễn Trung Trực. Những lần tìm hiểu, ông Ninh được Ban bảo vệ di tích đình Nguyễn Trung Trực (tại TP.Rạch Giá, Kiên Giang) cho biết, hiện đình có đến hai sắc thần gồm: Sắc thần Đại Càn quốc gia Nam Hải đại tướng quân do vua Tự Đức ấn phong năm 1852 và sắc phong Thần Hoàng Bổn Cảnh (được cho rằng phong cho Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực) do vua Tự Đức ấn phong cùng thời gian trên.

Theo tự điển tiếng Việt, sắc thần là loại sắc phong dùng để xác nhận phong thần do nhà vua phong tặng và xếp hạng cho các vị thần được thờ cúng trong các đình làng. Các vị thần được phong tặng có thể là nhân vật lịch sử có công với nước hoặc có công khai hoang lập làng… Việc cho rằng năm 1852, vua Tự Đức ấn phong cho Nguyễn Trung Trực là hoàn toàn không hợp lý bởi cụ sinh năm 1838. Lúc bấy giờ, cụ mới 14 tuổi chưa tham gia chống Pháp, chưa hy sinh làm sao được phong thần. Có cả văn bản của chính triều đình Huế, vua Tự Đức không biết gì về Nguyễn Trung Trực. Tác giả Nguyễn Nghị căn cứ “Cơ mật viện trích tư sự” đề ngày 6-2 năm Tự Đức 24 (1872) cho biết: “Mãi bốn năm sau khi Nguyễn Trung Trực mất, triều đình Huế mới có văn thư yêu cầu cứu xét rõ nguyên ủy, sự trạng của hai tên này (Nguyễn Trung Trực và Hồ Huân Nghiệp) xuất thân như thế nào, đã từng làm quan hay chưa, theo ai làm việc gì, chết ngày nào để xem có nên hay không nên tặng thưởng…”. Như vậy, rõ ràng cả hai sắc thần này đều không liên quan đến Nguyễn Trung Trực nhưng được để trang trọng ở đình và làm lễ rước hoành tráng.

Một cán bộ tỉnh Kiên Giang cho rằng Nguyễn Trung Trực là câu chuyện đẹp về lịch sử và truyền thống văn hóa của Nam bộ cần được minh định, vinh danh một cách khoa học chứ không được làm nhập nhằng. Ngôi đình trên nguyên là miếu thờ cá ông. Theo truyền thống dân gian, nơi nào cá ông lụy (chết dạt vào bờ) người dân đều lập miếu thờ do một nhóm ngư phủ xây dựng. Năm 1852, vua Tự Đức phong thần cho Đại Càn quốc gia Nam Hải đại tướng quân chính là cho ngôi đình này.

Năm 1868, Nguyễn Trung Trực bị tử hình, nhân dân tôn kính nhớ ơn nên sửa lại ngôi miếu và kín đáo làm một “bài vị” khắc tên cụ bằng chữ nho, an vị bên trong đền thờ thần Nam Hải. Để che mắt địch, ngày cúng kỵ cụ Nguyễn, người dân lấy hình thức bên ngoài là cúng thần Nam Hải. Có lẽ để phòng ngừa sự quy chụp chính trị của chính quyền thực dân nên người dân đã thờ cả bài vị của Phó quản cơ Nguyễn Hiền Điều, một vị tướng triều đình hy sinh khi dẹp thổ phỉ hàng chục năm trước khi Pháp chiếm Nam kỳ. Ông Ninh nhiều năm liền đề nghị các cơ quan chức năng, việc rước sắc thần, nếu có tổ chức thì phải xác định rõ là rước sắc thần Đại Càn quốc gia Nam Hải đại tướng quân như là ký ức về truyền thống văn hóa của ngôi đình chứ không phải là rước sắc vua phong cho Nguyễn Trung Trực.

Hậu duệ ở tận… Cà Mau

Thời gian dài, một số cơ quan chức năng thừa nhận giả thiết hết sức phi lý cho rằng, hậu duệ của cụ Nguyễn ở tận Cà Mau. Tháng 10-1988, Kiên Giang tổ chức Hội thảo khoa học về thân thế và sự nghiệp Anh hùng Nguyễn Trung Trực. Bà Nguyễn Thị Mỹ Thu (Giám đốc bảo tàng tỉnh Kiên Giang) và ông Dương Văn Cầu (cán bộ lịch sử tỉnh Kiên Giang) có bài tham luận: Thêm một phát hiện về thân thế Anh hùng Nguyễn Trung Trực, giới thiệu một chi hậu duệ khác của cụ Nguyễn ở xã Tân Thuận, Đầm Dơi, Cà Mau. Theo tông chi Tân Thuận (Minh Hải): Nguyễn Trung Trực là anh cả của tám anh em. Tiếp đó là hai người em gái, thứ tư là Nguyễn Công Khanh, thứ năm là Nguyễn Thành Luông, bà thứ sáu (không rõ), bà thứ bảy và Nguyễn Văn Thơ. Hiện tại, Cà Mau có sáu ngôi mộ chỉ thiếu mộ Nguyễn Trung Trực và người thứ sáu. Chi tộc này cho rằng, người thứ sáu bị thất lạc ở Long An là bà Nguyễn Thị Đạt. Cũng theo chi tộc này thì cha Nguyễn Trung Trực là Nguyễn Văn Phụng hay còn gọi là Nguyễn Cao Thăng và mẹ là Lê Kim Hồng. Thông tin gia phả của chi tộc này thì trong các anh em không có ông Nguyễn Trung Trụ.

Năm 2000, bà Nguyễn Thị Mỹ Thu chỉ đạo bà Nguyễn Thị Mai Lan đến tỉnh Cà Mau xác minh để xây mộ được cho là của thân phụ mẫu Nguyễn Trung Trực. Bà Thu còn đề xuất ban bảo vệ di tích đình Nguyễn Trung Trực ở Kiên Giang xuất chi 20.000.000 đồng để đem xuống Cà Mau cho dòng họ này xây dựng nhà mồ. Ngày 23-4-2001, UBND tỉnh Cà Mau ký quyết định số 406/UBND tỉnh kế hoạch xây dựng nhà mồ cho cụ Nguyễn Cao Thăng – thân phụ Nguyễn Trung Trực. Ngày 3-1-2002, các cơ quan chức năng khánh thành ngôi nhà mồ này được báo đài đưa tin.

Ông Nguyễn Khương Ninh đã khiếu nại giả thiết phi thực tế trên. Từ năm 1990, ông Ninh đã làm tờ trình kiến nghị chính quyền địa phương và Sở Văn hóa – Thể thao (VHTT) tỉnh Kiên Giang cho đi xác minh để làm sáng tỏ. Năm 1991, ông Mạc Liêm, Phó giám đốc sở chỉ đạo cán bộ sở cùng ông Ninh đi xác minh. Tổ xác minh kết luận: Dòng họ Bến Lức – Long An và dòng họ Cái Bè – Tiền Giang có thể là một, cụ Nguyễn Trung Trực thuộc dòng họ của hai chi này. Còn dòng họ Tân Thuận, Minh Hải (Cà Mau) không đủ cơ sở khoa học để chứng minh cụ Nguyễn Trung Trực thuộc dòng họ này. Để bảo vệ tính trung thực của lịch sử, đề nghị Sở VHTT và bảo tàng tỉnh Kiên Giang cần xem xét để chấn chỉnh sửa sai. Một chi tiết rõ nhất về sự bất hợp lý của chi tộc ở Cà Mau là tuổi của bà Đạt ở chi tộc này chỉ bằng tuổi con bà Đạt ở Long An.

Trong bức tâm thư gởi các cơ quan chức năng, ông Ninh tha thiết, những vấn đề liên quan đến cụ Nguyễn phải trả về đúng lịch sử và đúng sự thật. Mới đây, ngày 9-9-2014, Cục Di sản văn hóa, Bộ VHTT&DL có văn bản thông báo đã nhận đơn thư khiếu nại của ông Nguyễn Khương Ninh về các vấn đề liên quan đến nhân vật lịch sử Nguyễn Trung Trực. Cục đã chuyển thư kiến nghị bản sao đến Sở VHTT&DL Kiên Giang để xem xét giải quyết. Nhưng rất tiếc, đến nay sở vẫn chưa có trả lời và lễ kỷ niệm 146 năm mất Nguyễn Trung Trực vẫn làm sai ngày và vẫn tổ chức rước sắc thần Nguyễn Trung Trực.

Theo Báo Công An TPHCM

Cách làm bánh tằm bì ngọt béo

[vanhoamientay.com] Có lẽ chính do sợi bột gạo se lại bằng tay và luộc chín nhìn như con tằm, ăn cùng với bì nên bánh có tên là bánh tằm bì. Người ăn món này đầu tiên đều cảm thấy sửng sốt vì món ăn vừa mặn lại vừa ngọt. Ngọt bởi nước cốt dừa và mặn vì nước mắm chua ngọt chan kèm.

Nếu mảnh đất Cố Đô nổi tiếng với món chè bột lọc bọc heo quay thì đất Bạc Liêu cũng làm lạ lẫm người ăn với vị ngọt kết hợp vị mằn mặn của món bánh tằm. Cách làm món bánh tằm bì này cũng không khó lắm, cùng thực hiện nhé

Nguyên liệu:

– 400g bột gạo, 100g bột năng.

– 200g dừa nạo, nước mắm, đường, hành lá, muối, hạt nêm, xà lách, dưa leo, rau thơm.

Cách làm bánh tằm bì:

– Trộn chung bột mì và bột năng, thêm 1/2 thìa cà phê muối, 1/2 thìa hạt nêm, cho nước sôi vào rồi nhồi đến khi bột dẻo, không dính tay là được.

– Chia bột thành những viên tròn nhỏ, cán mỏng, thái thành sợi vừa ăn. Sau đó vo tròn sợi bánh tằm. Đun nước sôi, cho bột vào luộc chín. Vớt ra xả lại với nước lạnh, để ráo nước, trộn với một ít dầu cho sợi bánh không dính vào nhau.

– Bì trộn thính mua loại làm sẵn. Thịt heo nạc rửa sạch, luộc chín rồi thái sợi.

– Làm nước cốt dừa:

Dừa nạo vắt lấy nước cốt. Cho nước cốt dừa vào nồi nấu lửa thật nhỏ, trong khi nấu phải canh để nước dừa không sôi bùng lên, chỉ hơi lăn tăn là được. Tiếp đến hòa tan ít bột năng (hoặc bột bắp) rồi cho vào với nước cốt dừa, nêm gia vị mặn ngọt là được.

– Làm nước mắm: Hòa tan nước mắm, nước dừa tươi cùng một ít đường, đun sôi, nếm thử thấy vừa ăn là được. Để nguội, cho tỏi ớt giã nhuyễn vào, vắt thêm tí chanh là hoàn tất.

Nếu bạn thích thì ăn kèm với một viên xíu mại nữa nhé. Một đĩa tằm bì hoàn chỉnh sẽ có dưa leo, xà lách, giá, rau thơm… lót dưới cùng, sau đó tới đám bánh tằm trắng phau, phía trên là một lớp bì và thịt nạc heo, nhúm đậu phộng rang, mấy sợi đồ chua gồm củ cải, cà rốt cùng với chút xanh của hành lá phi với dầu tô điểm cho dĩa bánh sinh động và bắt mắt.

Những sợi bánh làm bằng bột gạo và bột năng được se một cách thủ công, không khuôn, sợi bánh trắng đụt, to tạo độ “xừn xựt” khi nhai, bì giòn mền nước cốt dừa béo ngậy. Bì là công phu nên mùi thơm vương vấn chân răng. Vị chua ngọt, cai mặn của nước mắm và mùi thơm của cách loại rau xanh, dưa leo bằm nhuyễn tất cả hòa quyện vào nhau tạo nên hương vị khó quên, miễn ăn là ghiền.

Theo Vnexpress

Về Cần Giuộc thăm chùa Tôn Thạnh

[vanhoamientay.com] Chùa Tôn Thạnh là ngôi chùa cổ nhất của tỉnh Long An và ngay chính tại nơi đây nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã từng sống làm thơ, làm thầy thuốc và sáng tác bài Văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc hào hùng.

Long An là vùng đất mang đậm nét đặc trưng của vùng sông nước đồng bằng Sông Cửu Long với những cánh đồng mênh mông và vườn trái cây trĩu quả do hai con sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây bồi đắp.

 Có thể nói, Long An là một điểm đến hết sức lý tưởng của du khách bởi nơi đây có một nền văn hóa đã hình thành và phát triển rất lâu đời trên châu thổ sông Cửu Long từ thế kỉ I đến thế kỉ VI sau Công Nguyên. Đó là nền văn hóa Óc Eo của Vương quốc Phù Nam, ảnh hưởng từ tinh hoa văn hóa Ấn Độ

Chùa Tôn Thạnh tọa lạc ở tỉnh lộ 835, cách trung tâm huyện Cần Giuộc Long An khoảng 3 km, nhìn bề ngoài cũng như hầu hết những ngôi chùa bình dị khác. Tuy nhiên ít ai biết được rằng, đây chính là ngôi chùa cổ nhất của tỉnh Long An và ngay chính tại nơi đây nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã từng sống làm thơ, làm thầy thuốc và sáng tác bài Văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc hào hùng.

Chùa Tôn Thạnh gắn liền với lịch sử kháng Pháp, ban đầu có tên là Lan Nhã, được thiền sư Viên Ngộ sáng lập năm 1808.

Ngôi chùa cổ kính này nằm khuất trong rừng cây xanh tốt um tùm lối vào Chùa là một con đường trải đá dài thẳng tấp. Hai bên là hoa kiểng muôn màu. Khoảng vài trăm mét phía tay phải bạn sẽ thấy bia tưởng niệm cụ Nguyễn Đình Chiểu uy nguy.

 “ Chùa Tôn Thạnh năm canh ưng đóng lạnh, tấm lòng son gởi lại bóng trăng rằm.

Dinh Lang Sa nửa khắc đặng rửa hờn, chút phận bạc trôi theo dòng nước đổ.

Đau đớn bấy, mẹ già ngồi khóc trẻ, ngọn đèn khuya leo lét trong lều.

Não nùng thay, vợ yếu chạy tìm chồng, cơn bóng xế dật dờ trước ngõ…”

 Đi thẳng vào phía trong khu vườn có tháp 3 tầng hình lục giác cao 4,5m là nơi yên nghỉ của Tổ sư Viên Ngộ, nghe kể lại rằng, lúc đầu Chùa có cấu trúc kiểu chữ Tam. Sau nhiều lần trùng tu sửa chữa, hiện tại Chùa có kiến trúc lối chữ Đinh, diện tích 940m2 nằm trong khuôn viên rộng khoảng 33.410m2.

Trải qua bao cuộc thăng trầm của lịch sử, Chùa Tôn Thạnh ngày nay không còn nguyên vẹn cảnh “rường cột tráng lệ, vàng son huy hoàng” như xưa thay vào đó là tổng thể kiến trúc bao gồm tiền điện, chánh điện, nhà giảng, đông lang, tây lang mái lộp ngói, tường gạch. Tuy nhiên, Chùa Tôn Thạnh vẫn giữ được nét cổ xưa qua hệ thống cột kiểu tứ tượng, cỏ chánh điện, những tượng Phật có từ đầu thế kỉ XIX và các hoành phi câu đối, chữ Hán sơn son thếp vàng .

 Những ai đã đến với Chùa Tôn Thạnh thì đều có một cảm giác như trải lòng mình ra suốt chặng đường dài của lịch sử.Gần 200 năm đã trôi qua nhưng hình ảnh của nhà thơ trẻ tuổi Viên Ngộ buổi đầu một mình đứng ra khai phá rừng hoang, tạo nên cuộc sống an lành cho người dân lao động cần cù tại vùng đất Cần Giuộc, một người đã góp phần mở mang xây dựng phố chợ ngày một sung túc, giao thông ngày một thuận lợi, mãi mãi là niềm tự hào của người dân Long An, Cần Giuộc.

Đến viếng Chùa Tôn Thạnh thăm lại một danh lam của đất Gia Định xưa, thắp nén hương tưởng niệm trước bảo tháp của vị cao tăng Viên Ngộ và tưởng nhớ nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu ngày nào ở đây để viết nên những áng văn tuyệt tác, chuyến tham quan của quý khách chắc hẳn sẽ rất thú vị và bổ ích.

Theo longangov


Về đất công tử Bạc Liêu ăn bánh tằm bì

[vanhoamientay.com] Ngoài món bánh củ cải nổi tiếng thì bánh tằm bì là món ăn mà du khách không nên bỏ qua khi đến thăm vùng đất công tử Bạc Liêu.

Hãy bắt đầu một ngày du ngoạn Bạc Liêu bằng món bánh tằm bì độc đáo và lạ miệng của người dân ở đây. Đây là một món ăn dân dã nên bạn có thể thưởng thức món ăn từ gánh hàng rong, quán vỉa hè hoặc trong một ngôi chợ nào đó bất kỳ. Tuy là món ăn phổ biến nhưng hầu như không ai biết món ăn này có từ lúc nào, vì sao có tên gọi đó?… Trong những câu chuyện vui của người dân ở đây, sở dĩ có tên gọi như vậy vì sợi bánh tằm nhìn giống con tằm, ăn với bì nên có tên gọi là bánh tằm bì.

Mặc dù không biết chắc về tên gọi và nguồn gốc nhưng món ăn với sợi bánh làm từ bột gạo, ăn kèm với bì, rau cùng nước cốt dừa… với vị vừa mặn vừa ngọt đã làm mê mẩn biết bao nhiêu du khách khi lần đầu ăn món này. Tuy là món ăn bình dân, nguyên liệu không có gì đặc biệt nhưng để có được một đĩa bánh tằm bì thơm ngon, béo ngậy đòi hỏi không ít công sức của người bán.

Sợi bánh chính là thành phần quan trọng nhất của món ăn. Một đĩa bánh tằm bì được đánh giá là ngon khi sợi bánh phải trắng muốt, mềm, dai và không bị đứt đoạn. Để làm được điều đó thì khâu nhồi bột là quan trọng nhất, bột gạo được pha với bột năng theo tỷ lệ nhất định rồi nhồi với nước sôi. Nhồi bột đến lúc bột mềm, mịn, dẻo mà không dính tay là được. Bột được chia thành từng viên nhỏ, dùng tay se viên bột thành những sợi tròn dài. Ngày nay, nhiều nơi bán bánh tằm bì thường cán bột thành từng lát mỏng, rồi thái thành sợi như bánh canh. Cách làm này tuy nhanh nhưng sợi bột sẽ không đẹp và không dai bằng.

Sau khi làm xong, cho sợi bánh vào nồi luộc chín. Xả lại với nước lạnh nhiều lần rồi để ráo. Tiếp đến trộn bánh với ít dầu ăn để những sợi bánh không dính vào nhau. Ngoài sợi bánh thì bì và nước cốt dừa ăn kèm cũng quan trọng không kém. Bì được thái thành từng sợi mỏng đều nhau, trộn với thịt nạc thái sợi và thính gạo vừa giòn vừa bùi.

Nước cốt dừa của món ăn này rất đặc biệt, người bán phải tỉ mỉ pha chế làm sao để nó vừa mặn vừa ngọt, béo nhưng lại không ngấy. Nước cốt dừa được nấu với lửa thật nhỏ, trong khi nấu phải canh để nước dừa không sôi bùng lên, chỉ hơi lăn tăn là được. Tiếp đến hòa tan ít bột năng (hoặc bột bắp) rồi cho vào nước cốt dừa, nêm gia vị mặn ngọt là được.

Ngoài ra, bánh tằm bì còn có giá chần, mỡ hành cùng dưa leo, các loại rau thơm thái nhỏ, có nơi còn có thêm cà rốt, củ cải thái sợi ngâm chua…. Bánh tằm bì được cho vào một chiếc đĩa, bì cho lên trên, tiếp đến là các loại rau, rưới đều nước cốt dừa lên rồi mang cho thực khách. Khi ăn món này, thực khách trộn lẫn các thành phần lại với nhau, nếu chưa vừa miệng thì có thể chan thêm ít nước mắm ngọt được chủ quán chuẩn bị sẵn.

Tuy chỉ là món ăn sáng dân dã của người dân ở đây nhưng đĩa bánh tằm bì vừa có vị mằn mặn, vừa hơi ngọt được hòa quyện vào nhau một cách rất hài hòa chắc hẳn sẽ là điều bất ngờ và thú vị cho những thực khách lần đầu tiên thưởng thức món ăn này.

Theo Vnexpress
Thành công Sao chép đường dẫn thành công !!