Tục đi tu để thành người của người Khmer Nam bộ

Tục đi tu để thành người vẫn còn phổ biến trong người Khmer ở miền Tây Nam Bộ. Bởi vì theo họ, tu không phải để thành Phật mà để thành người, chuẩn bị cho cuộc sống tốt đẹp ở ngày mai, là một cơ hội tốt để cho họ được học chữ nghĩa, đạo lý và rèn luyện đức hạnh.

Ngày xưa, nếu người con trai nào không qua giai đoạn tu trong chùa thì bị xã hội và gia đình cho là bất hiếu và lớn lên rất khó lấy vợ. Bởi vì người con gái Khmer đến tuổi lấy chồng, thường chọn những chàng trai đã qua tu luyện trong chùa, đã hoàn tục. Theo họ, đó là người đã hoàn thành nghĩa vụ và học được cách làm người, nhất là biết chữ nghĩa, được mọi người trọng vọng.

Tục đi tu để thành người thường được tổ chức vào ngày đầu Tết Chôl Chnam Thmây. Vào ngày này, gia đình nào muốn đưa con vào chùa tu (vài tháng trước đó, người con trai này phải vào chùa học thuộc vài bài kinh cơ bản) sẽ tổ chức một lễ gọi là Bank-Bom-Buôn để người đi tu từ giã họ hàng, bạn bè và được mọi người cầu chúc sức khoẻ. Khi vào lễ, anh ta cạo đầu, thay quần bằng chiếc xà rông, thay áo bằng một khăn vải trắng đắp lên vai từ trái sang phải gọi là Pênexo, chứng tỏ rằng anh ta từ bỏ thế tục. Lúc đó người ta gọi anh là Nec (rồng).

Để vào lễ, buổi tối họ mời sư sãi đến tụng kinh, cúng Tam bảo và thọ giới theo Phật. Sáng hôm sau, khi cơm nước xong, họ đưa con trai lên chùa, có bạn bè thân quyến mang lễ vật cùng đi theo. Đến chùa, họ đi vòng quanh chánh điện ba vòng rồi mới vào trong làm lễ. Ở đây có một nhà sư ngồi gọi là Uppachhe giảng dạy, hỏi và đọc các điều của luật tu hành cho các nec nghe.

Sau đó mới cầm áo cà sa đi vào hàng giữa sư sãi và đọc lời xin tu. Khi vị thượng toạ chấp thuận thì nec mới đi thay xà rông và khăn trắng bằng áo cà sa. Tiếp theo là lễ thọ giới 10 điều của Phật giáo:

  1. Không sát sinh
  2. Không trộm cắp
  3. Không tà dâm
  4. Không nói dối
  5. Không uống rượu
  6. Không ăn ngoài bữa
  7. Không xem múa hát
  8. Không dùng đồ trang sức
  9. Không chiếm ghế cao và giường êm
  10. Không đụng đến vàng bạc

Cuối cùng, các nhà sư cùng Phật tử tụng kinh cầu phước cho người mới tu hành và chúng sinh để chấm dứt buổi lễ.

Đi tu đồng thời theo nếp nghĩ truyền thống của người Khmer ở miền Tây Nam Bộ cũng là một cách tích phước cho cha mẹ, gia đình và chính bản thân. Tuy nhiên, ngày nay người con trai Khmer vì theo học ở một trường nào đó hoặc có những gia đình quá khó khăn, thiếu lao động thì không phải đi tu và luật tu hành cũng không quá khắt khe như xưa nữa.

Theo Đại Đoàn Kết
Thành công Sao chép đường dẫn thành công !!