Có thể bạn quan tâm

Ngọt lịm kẹo dừa bến tre

[vanhoamientay.com]Trước đây, kẹo dừa được xem như quà tặng cho bà con láng giềng trong những ngày giỗ tết, về sau chính vị ngọt thanh, đậm đà và mùi thơm béo ngậy mà năm 1999 loại kẹo Mỏ Cày này chính thức mang thương hiệu “Kẹo dừa Bến Tre” và được xuất đi nhiều nước trên thế giới.

Giờ đây, du khách quốc tế biết đến món ngon Việt Nam không chỉ bởi những tô phở bốc khói, những món ăn cung đình Huế cầu kỳ, sang trọng và đẹp mắt…mà còn nhớ vị kẹo dừa mộc mạc, dân dã nhưng ngọt ngào.

Nguyên liệu đầu vào để làm tưởng chừng khá đơn giản, chỉ là cơm dừa trắng và mạch nha, nhưng thật ra, để làm nên viên kẹo ngon thì đòi hỏi phải có kinh nghiệm, vì đây là hai thành phần cốt yếu của viên kẹo, quyết định toàn bộ vị ngon đặc trưng sản phẩm.

Ở Bến Tre được trồng khá nhiều dừa với các chủng loại khác nhau: dừa dứa, dừa dâu, dừa sáp, dừa lửa… nhưng để được loại cơm dừa ngon, dày thì phải nói đến giống dừa xiêm xanh, trái dừa phải khô, tránh để lên mọn, vì chỉ có loại dừa có cơm dày, dẻo, màu trắng tinh khiết mới có thể ép ra được nước cốt chất lượng cao, độ sánh vừa phải, hơi trong, chứ không trắng đục, đáp ứng cho quá trình trộn hỗn hợp với mạch nha cho ra màu sắc đẹp, bắt mắt.

Mạch nha được làm bằng phương pháp lên men từ lúa nếp mầm. Hạt nếp to, tốt, không bị mọt, được tưới bằng nước mưa sạch, cho hạt vừa nảy mầm thì đem chế biến thành mạch nha. Mạch nha phải ngọt thanh, dẻo, trong và có màu vàng nâu tự nhiên.

Kẹo dừa được ra đời sau khi qua khâu trộn nước cốt dừa và mạch nha lại với nhau, nấu hỗn hợp bằng cộng nghệ đường truyển hơi nước

Từ những thành phần cốt lõi là dừa và lúa, người dân bến tre còn thêm màu sắc mới cho những viên kẹo bằng hương vị đặc trưng của chính đặc sản quê mình như sầu riêng, đậu phộng, lá dứa… Mỗi loại có hương vị đặc trưng riêng nhưng vẫn đảm bảo hương vị dừa căn bản, giúp sản phẩm thêm phong phú, nâng cao chất lượng

Nguyên liệu làm kẹo dừa, đầu tiên và không thể thiếu là những quả dừa. Thế nhưng, để tạo ra đúng hương vị đặc trưng của kẹo dừa Bến Tre thì phải dựa vào kỹ thuật độc đáo của nghề. Đó là cách chọn nguồn nguyên liệu và có công thức pha chế riêng. Và cách thức chế biến kẹo dừa Bến Tre trong mắt người dân địa phương dường như là cả một nghệ thuật. Đầu tiên là phải thật tinh tế trong việc chọn nguyên liệu. Nếp nấu mạch nha phải là nếp mùa vụ xuân, hạt nảy to, chín đều. Ruộng lúa được chọn lấy nếp phải không dùng phân hoá học, thuốc trừ sâu. Thóc nếp để nảy mầm được tưới nước mưa sạch rồi mới đem nấu mạch nha.

Công đoạn nấu mạch nha cũng là cả một nghệ thuật đòi hỏi người thợ nấu mạch nha phải kiên nhẫn, tỉ mỉ và có tay nghề điêu luyện. Những trái dừa để làm kẹo cũng được lựa chọn rất cẩn thận. Đó là những trái dừa bắt đầu khô để có hương vị dừa đặc trưng nhất, nước cốt ngọt thanh và tạo nên độ béo rất riêng của kẹo dừa. Đường thô để chế biến kẹo cũng phải là loại đường tốt, mới, có màu vàng tươi như nghệ, có độ dẻo nhất định … Tất cả cộng với tay nghề, kinh nghiệm và thuật đánh kẹo nhuần nhuyễn để tạo ra những mẻ kẹo thơm ngon đậm đà, trước sau như một làm hài lòng cả những thực khách khó tính nhất.

Ngày nay, người dân Bến Tre đã sáng tạo ra nhiều loại kẹo dừa với những hương vị khác khau làm say lòng du khách gần xa. Nào là kẹo dừa cacao, kẹo dừa sầu riêng, kẹo dừa nhân đậu phộng…Mỗi loại có hương vị đặc trưng riêng nhưng vẫn đảm bảo hương vị dừa căn bản. Nhiều cơ sở chế biến kẹo dừa với những thương hiệu quen thuộc như Thiên Long, Ngọc Hương đã mang kẹo dừa đến các tỉnh thành trong nước và xuất khẩu sang nước ngoài. Có thể nói, kẹo dừa đã gắn bó với hành trình văn hóa, ẩm thực và du lịch của đất nước Việt Nam.

Không gì tuyệt vời bằng khi khưởng thức kẹo dừa ngọt thơm và nhâm nhi tách trà nóng.  Kẹo dừa Bến Tre -Sự giao thoa giữa hiện đại và truyền thống làm nên sức sống của một hương vị cổ truyền.

Bến Tre nước ngọt sông dài

Nơi chợ Mỏ Cày có kẹo nổi danh

Kẹo Mỏ Cày vừa thơm vừa béo

Gái Mỏ Cày vừa khéo vừa ngoan…”

Le le xào bầu – món ăn dân dã mà cao sang

[vanhoamientay.com] Thịt le le được coi là món ngon đại bổ, le le xào bầu được coi là món chính trong bữa cơm. Và nước chấm phải là thứ chua – cay – ngọt. Chỉ cần thưởng thức một lần thôi cũng sẽ nhớ mãi món ăn vừa dân dã vừa cao sang này…

Theo kinh nghiệm dân gian, thịt le le là một món ăn có đẳng cấp, một loại thực phẩm giá trị dinh dưỡng cao, có khả năng tăng cường sinh lực. Cũng chính vì vậy thịt le le từ lâu đã trở nên quý hiếm, giá cao hơn thịt vịt gắp nhiều lần. Giới sành điệu ẩm thực thì coi đây là “hàng độc”, nằm trong nhóm đại bổ

Thịt le le vừa ngon ngọt, vừa bổ dưỡng lại kết hợp với bầu nên càng đậm đà thi vị, vượt trội các loài gia cầm khác. Ở vùng bưng biền, các bà nội trợ thường chế biến le le thành nhiều món ngon độc đáo như nấu cháo, luộc, rôti nước dừa…đặc biệt là món “le le xào bầu”.

Le le là một loài chim trời, thường sống ở những đồng cỏ hoang vu, nơi có nhiều lung bào, nhất là ở Đồng Tháp và vùng tứ giác Long Xuyên.

Le le thân hình cũng giống như vịt nhưng con lớn nhất chỉ nặng khoảng 300g. Nếu so với vịt trời, le le có trọng lượng chỉ bằng phân nửa, nhưng thịt lại ngon, bổ và mắc hơn nhiều lần.

Thịt đem ướp thịt với tiêu, hành, tỏi. ớt, nước mắm, bột nêm và chút rượu độ 15 phút cho thấm đều. Kế đến bắc chảo lên xào cho đến khi thịt săn lại. Tiếp theo cho bầu vào xào chung, thêm nhiều hành cọng hoặc hành lá. Bầu, nên chọn những trái còn tươi, không quá non, cũng không quá già, gọt vỏ, xắt miếng nhỏ, dài chừng 5 cm.

Với bàn tay khéo léo của người nội trợ, món le le xào bầu có thể trở thành một món ăn hấp dẫn, vừa thơm ngon vừa quyến rũ. Sở dĩ bầu trở thành món ăn đa phong cách như thế bởi vừa mềm, ngọt dịu, đậm đà hương vị đồng quê. Một dĩa le le xào bầu vừa dọn ra đã bốc mùi thơm phức nhờ người nội trợ biết chăm chút từ cách xào, cách chọn gia vị và nêm nếm cho vừa ăn.

Nên nhớ, khi xào đừng để cho bầu chín quá sẽ mất ngon. Thịt bầu còn hơi giòn là hấp dẫn nhất. Le le xào bầu vừa ngon, ngọt, vừa đậm đà, mùi vị đặc trưng nhờ nước bầu và gia vị thấm vào thịt, đồng thời thịt cũng thấm vào bầu.

Theo Tuổi Trẻ

Rau luộc kho quẹt gợi nhớ tuổi thơ

Có những món ăn dân dã tưởng chừng chỉ có ở thôn quê, ruộng đồng ngày nay đã xuất hiện trên các bàn tiệc của nhà hàng và trở thành các món ăn hấp dẫn lôi cuốn nhiều người thưởng thức. Rau luộc kho quẹt là  một trong những món ăn như vậy.

Rau luộc kho quẹt

Đơn giản chỉ là dĩa rau luộc, ơ kho quẹt cay cay, nồng nồng mà sao thu hút biết bao người, người thôn quê, người thành thị và cả những thực khách phương Tây.

Món rau luộc kho quẹt có hương vị thơm ngon đặc trưng và vô cùng lạ miệng, món ăn gợi nhớ nhiều kỷ niệm một thời nghèo khó, mộc mạc. Từ ngày xuất hiện món ăn này đã gắn liền với chữ “nghèo” vì người dân quê thường ăn vào những lúc nhà không có miếng thịt, con cá, kho nồi kho quẹt ăn cho qua bữa.

Ngày nay khi đời sống ngày một nâng cao, nhiều người cảm thấy thừa thãi với thịt cá, lại tìm đến những món ăn dân dã cho thanh đạm. Từ đó món rau luộc kho quẹt đàng hoàng nằm trong thực đơn nhà hàng sang trọng với nhiều tên gọi khác nhau như : rau luộc chấm kho quẹt, rau luộc kho quẹt hay rau tạp tàng chấm kho quẹt.

 Rau luộc chấm kho quẹt, rau luộc kho quẹt hay rau tạp tàng chấm kho quẹt.

Kho quẹt rau luộc truyền thống rất dễ làm, vì nguyên liệu đơn giản có sẵn, chỉ cần cái nồi đất, ít nước mắm, ít bột ngọt, đường, tỏi ớt… hay ít tép mỡ là chế biến ngay, kèm với dĩa rau luộc đủ loại có sẵn trong vườn.

Để món ăn thêm ngon, nồi kho quẹt ngày nay có thêm thịt ba chỉ và tôm khô, nhưng vẫn với cách kho cổ truyền là sử dụng nồi đất. Gắp miếng rau luộc xanh rờn chấm kho quẹt sền sệt còn nghi ngút khói, mùi vị đặt trưng này không thể lẫn vào đâu được, vị mặn của nước mắm, vị béo của tóp mỡ, thịt ba chỉ, vị cay nồng của ớt, tiêu… ăn cùng cơm nóng thì không còn gì phải bàn nữa.

 Rau luộc chấm kho quẹt, rau luộc kho quẹt hay rau tạp tàng chấm kho quẹt.

Dĩa rau luộc cũng có phần cải tiến hơn, thay vì ăn cùng rau tạp tàng có trong vườn như rau lang, cải trời, rau chai, đọt bí, rau choại, rau tai tượng… thì dĩa rau luộc trong nhà hàng, quán ăn có rau lang, khổ qua, bông cải, bầu non, đậu bắp hay cà rốt… Thiệt ra, nói đúng hơn là các loại rau tạp tàng kể trên thường không có sẵn trong nhà hàng, mà cũng khó tìm, tùy nhà bếp có rau củ gì người ta sẽ luộc cái đó.

Chúng ta phải thừa nhận rằng món kho quẹt rau luộc ngày nào đã thay đổi ít nhiều để phù hợp với thời điểm, chút “ sa hoa” hơn và ít “nghèo nàn” hơn.

Ai đã từng có một tuổi thơ sống ở miền quê sông nước, chắc sẽ không quên được món ăn “đượm” tình quê này. Một buổi chiều nhá nhem tối, cả nhà quây quần bên mâm cơm chỉ có chiếc ơ kho quẹt đen xì lọ nghẹ, một dĩa rau xanh.

Ánh sáng từ ngọn đèn dầu khi tỏ khi mờ

 Tiếng muỗi vo ve.

Âm thanh “quẹt quẹt” vui tai của chiếc đũa tre cọ vào đáy nồi đất.

Miệng hít hà vì bị cay bỡi ớt.

Thỉnh thoảng gần cuối bữa, anh em tranh nhau để được trộn cơm vào nồi đất, và ăn cơm luôn trong cái nồi.

 Tuổi thơ là thế… đúng là đầy “dữ dội” nhưng cũng vô cùng thú vị!

[adsres]

Tự hào sao khi thấy món ăn bình dân, rẻ tiền ngày nào đã được đưa vào thực đơn quán ăn, nhà hàng máy lạnh, được nhiều khách phương Tây khen ngợi và xem như một món ăn đặt trưng của Việt Nam.

Nhiều người lên Sài Gòn lập nghiệp, lo chuyện cơm áo gạo tiền tất bật, bất chợt gặp lại món ăn thuở thơ ấu trong một ngày tiệc tùng, chắc sẽ không khỏi những giây phút hoài niệm xen lẫn thích thú…

Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam

Cứ vào ngày 24/4 âm lịch hằng năm, khách hành hương từ khắp nơi đổ về núi Sam để tham dự lễ vía Bà Chúa Xứ, tạo nên không khí lễ hội tưng bừng náo nhiệt. Đặc biệt năm 2010, kỷ niệm 10 năm Lễ hội vía Bà Chúa Xứ được nâng lên thành lễ hội cấp Quốc gia.

Núi Sam thuộc thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang. Khu du lịch núi Sam là tập hợp những quần thể di tích văn hóa đã được xếp hạng cấp quốc gia như: Tây An cổ tự, Lăng Thoại Ngọc Hầu, đặc biệt là ngôi miếu Bà Chúa Xứ nằm dưới chân núi Sam. Miếu Bà Chúa Xứ là một trong những danh thắng của núi Sam và là điểm đến của du khách bốn phương, cũng là nơi để mọi người tìm đến cầu xin những điều thiêng liêng và tốt đẹp nhất cho cuộc sống.

Hàng năm, cứ vào ngày 24 đến ngày 27/4 âm lịch, người dân nơi đây lại làm lễ vía Bà với những nghi lễ vô cùng trọng thể. Vào đêm 23 rạng sáng 24 mở đầu lễ hội là nghi thức tắm Bà, bức màn vải có viền ren thêu chữ, hoa màu sắc sặc sỡ được kéo ngang bệ thờ, che khuất khu vực đặt tượng. Một nhóm 4- 5 phụ nữ đã được chọn lựa từ trước sẽ dùng nước thơm lau khắp thân tượng, sau đó thay mũ miện và quần áo mới. Lễ tắm Bà xong, bức màn được kéo qua một bên để mọi người vào chiêm bái, ai cũng cố đến gần sát bệ thờ để xin lộc Bà. Lộc là một vài cành hoa, vài trái cây để trên bàn thờ.

Trong dân gian có rất nhiều truyền thuyết kể về nguồn gốc ngôi miếu thờ Bà Chúa Xứ, nhưng có một truyền thuyết được nhiều người chấp nhận nhất. Vào những năm 1820-1825, vùng Châu Đốc–An Giang còn là một miền đất hoang vu, dân cư thưa thớt, quân Xiêm La thường sang quấy nhiễu, cướp bóc. Có lần quân giặc rượt đuổi theo dân làng lên đỉnh núi Sam. Tại đây, giặc bắt gặp tượng Bà, thấy pho tượng Bà trên núi trông có vẻ quí hiếm, giặc liền nổi lòng tham cướp đi pho tượng. Nhưng khi mang tượng Bà xuống giữa triền núi thì đánh rơi, làm cho pho tượng bị gãy một cánh tay, sau đó họ tiếp tục mang đi nhưng không thể nào nhấc lên được, đành bỏ lại giữa triền núi.

Thời gian sau Bà thường hiện về xưng là Bà chúa Xứ, dạy dân làng khiêng Bà xuống núi, lập miếu thờ Bà sẽ phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, tránh được giặc cướp quấy phá, thoát khỏi dịch bệnh hoành hành. Dân làng họp nhau lên núi khiêng tượng Bà về thờ cúng. Lạ thay, dù mấy chục thanh niên khỏe mạnh rất cố gắng nhưng vẫn không thể nào nhấc tượng Bà lên được. Khi ông Nguyễn Văn Thoại (Thoại Ngọc Hầu) về trấn nhậm vùng này, ông cho khai hoang lập ấp. Dân làng phát hiện pho tượng Bà liền trình báo với ông.

Ông Thoại cho họp tráng đinh lại mang tượng xuống núi nhưng không thể nhấc tượng lên được. Liền khi đó có một thiếu nữ lên đồng tự xưng là “Chúa Xứ Thánh Mẫu” yêu cầu phải có 9 trinh nữ, tắm rửa sạch sẽ ăn mặc đẹp tới thỉnh Bà. Ông Thoại cho làm theo yêu cầu, quả nhiên pho tượng mang đi được. Khi đến chân núi thì tượng Bà trở nên nặng, các cô gái không tài nào xê dịch được. Người ta đoán rằng Bà đã chọn nơi này để ngự nên cùng nhau lập miếu thờ Bà. Chính là ngôi miếu Bà Chúa Xứ núi Sam ngày nay, và ngày đưa Bà từ trên núi xuống được chọn làm ngày lễ vía Bà (24-27/4 âl hàng năm). Từ đó, dân gian tôn thờ và tin tưởng Bà như một phép mầu huyền diệu mà trời đất đã ban cho cư dân vùng này.

Miếu Bà được dựng lên từ năm 1870 lúc đầu chỉ xây cất đơn sơ bằng tre, lá. Đến năm 1972 miếu được xây dựng lại theo lối kiến trúc phương Đông, ngôi miếu có màu xanh đặc trưng với một quần thể đồ sộ, lộng lẫy, uy nghi và rất độc đáo. Bên trong miếu tượng Bà được đặt giữa chánh điện, đầu đội mão, mặc áo thêu rang, phụng lấp lánh kim tuyến. Ngôi miếu và pho tượng lạ lùng có một không hai này xuất hiện ở Việt Nam đã làm cho nhiều nhà nghiên cứu cất công tìm hiểu. Trải qua một thời gian dài người ta đã xác định được loại đá dùng tạc tượng đó là loại “Diệp thạch”.

Theo các nhà khảo cổ, tượng Bà là hiện thân của thần Shiva, một tác phẩm nghệ thuật độc đáo được tạc từ thế kỷ VI và tượng Bà được tạc bằng một loại nham thạch trầm tích có tên là diệp thạch. Loại nham thạch này được hình thành ở các tam giác châu thổ và các hố đại dương nên có cấu thể nhuyễn hạt, mỗi lớp là một chu kỳ lắng đọng, khi biển yên tỉnh thì hiện tượng lắng đọng mới xảy ra.

Từ lâu, người ta tin rằng Bà Chúa Xứ luôn phò trợ cho dân chúng. Ai đến cầu xin điều gì cũng được như ý. Sự linh thiêng của Bà Chúa Xứ núi Sam được loan truyền ra khắp nơi, ngày càng thu hút nhiều khách thập phương đến cúng bái, nhất là vào các ngày lễ vía Bà.

Theo vnmission

Khám phá Mũi Cà Mau

[vanhoamientay.com] Đến Mũi Cà Mau du khách sẽ được ngắm nhìn vẻ đẹp hùng vĩ của rừng, bao la của biển cả.  Đây là nơi duy nhất trên đất liền Việt Nam du khách thấy mặt trời mọc trên phía Đông và lặn ở phía Tây

Mũi Cà Mau như một vòng cung, mỗi năm phù xa theo những con sông đổ về lắng tụ đã tạo nên các bãi bồi dài khoảng 100m, rộng hàng trăm ha dọc theo phía Đông và phía Tây. như một hiện tượng tự nhiên, hàng năm mở rộng diện tích ra biển tới vài trăm hecta.

Cây Mắm, cây Bần, cây Đước cứ theo thế mà phát triển mở rộng dần diện tích rừng ngập mặn đem lại nguồn lợi to lớn về tôm cá và nhiều loại thủy sinh khác. Nằm sâu trên đất liền là các loại rừng ngập nước với rừng tràm và các trảng cỏ ngập nước theo mùa.

Nơi địa đầu tổ quốc mang đến cho bạn những trải nghiệm thú vị, hoang dã mà không phải nơi đâu cũng có.

Để đến Mũi Cà Mau, bạn phải dùng canô siêu tốc để được phiêu lưu qua sông Cửa Lớn, cồn Ông Trang, rừng U Minh và vườn quốc gia Mũi Cà Mau. Trong đó, cồn Ông Trang nổi bật với những cồn cát được cây mắm bao phủ một màu xanh biêng biếc, trông xa như những bức tranh thủy mặc giữa bầu trời nước bao la. Bãi bồi phía Tây Mũi Cà Mau gắn liền với cồn Ông Trang. Tại đây, hàng năm đất được bồi lấn ra biển từ 50 đến 80m. Mỗi khi mùa đông đến, hàng đàn chim từ phương Bắc lạnh giá sẽ dừng chân tại đây tìm thức ăn trước khi hành trình về châu Úc xa xôi.

Không những vậy, du khách được thưởng thức đặc sản tươi ngon còn mặn mùi phù sa như hàu, sò huyết, sò lông, vọp, ốc len, tôm, cua, ghẹ,… vừa trải lòng với các bài ca vọng cổ đằm thắm, sâu lắng đi vào lòng người, mạng đậm nét văn hóa truyền thống Đồng Bằng Nam Bộ

Những ai đam mê khám phá sẽ bị mê hoặc bởi vườn quốc gia Mũi Cà – rừng Amazon thứ hai của thế giới. Sau khi chinh phục Vọng Hải Đài cao 20,5m, bạn sẽ  bị choáng ngợp bởi khu vườn rộng hơn 41.800ha này. Quan sát kỹ, bạn sẽ tìm được những loài động vật quý hiếm như: bồ nông chân xám, giang sen, rái cá, cầy giông đốm lớn, các loại rùa quý và hàng trăm loài thuỷ sản, thực vật, lưỡng cư đang được bảo tồn.

Vườn quốc gia Mũi Cà Mau là một vùng đất ngập mặn có hệ sinh thái rất đa dạng, nơi tiếp giáp giữa rừng đước và rừng tràm.Với 239 loài thực vật cổ rừng tràm và rừng ngập mặn, 36 loài thú thuộc 17 họ, 194 loài chim, 260 loài cá và nhiều loài lưỡng cư, bò sát, trong số đó có những loài quý hiếm như: khỉ đuôi dài, rái cá lông mượt, mèo cá, sóc chuột lửa, cá sấu hoa cà, rùa, kỳ đà hoa, trăn gấm…

Băng Tâm tổng hợp

Giai thoại Công tử Bạc Liêu

[vanhoamientay. com] Thành ngữ “Công tử Bạc Liêu” có từ thời thực dân, phong kiến, muốn chỉ số công tử là con những nhà đại điền chủ lên Sài Gòn học trường Tây, xài tiền ăn chơi, thể hiện mình mà không ai sánh bằng.

Đã từ lâu, trong dân gian vẫn truyền miệng câu thành ngữ “Công tử Bạc Liêu” để chỉ lối sống phong lưu, phóng túng của những cậu ấm, cô chiêu xuất thân từ tầng lớp quý tộc, đại điền chủ giàu có ở vùng đất Nam Bộ dưới thời thực dân, phong kiến.

Cho đến nay, nhiều người vẫn quen nghe thấy câu thành ngữ, nhưng có lẽ ít ai biết nhân vật làm nên linh hồn “Công tử Bạc Liêu” đó chính là Trần Trinh Huy (tên thật là Trần Trinh Quy), sinh ngày 22.6.1900 tại làng Vĩnh Hưng, quận Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu, qua đời tại tư gia ngày 13.1.1974 tại Sài Gòn.

Thời đó, thực dân Pháp đã ổn định về tổ chức của vùng đất thuộc địa Nam Kỳ. Do việc phân chia lại ruộng đất đã làm nảy sinh rất nhiều đại điền chủ ở vùng đất này. Dân gian đã có câu “nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Trạch” để chỉ 4 vị đại điền chủ giàu có nhất vùng đất Nam Kỳ.

Theo phong trào khi ấy, các đại điền chủ, hào phú quyền quý khắp Nam Kỳ thường cho con lên Sài Gòn học ở các trường Pháp, thậm chí du học bên Pháp. Tuy nhiên, hầu hết các vị công tử giàu có này, ảnh hưởng bởi sự phồn hoa đô hội, sẵn tiền, nên thường đi vào con đường tay chơi để thể hiện mình. Trong số vị công tử ấy, không ai đủ sức xài tiền như các công tử Bạc Liêu.

Thành ngữ “Công tử Bạc Liêu” có từ lúc ấy. Về sau, thành ngữ này chỉ dùng để chỉ công tử Trần Trinh Huy vì chẳng công tử nào sánh kịp về khả năng tài chính và độ phóng túng. Từ đó “Công tử Bạc Liêu” trở thành danh xưng riêng của Ba Huy, không một ai có thể tranh chấp.

Ngoài ra, Trần Trinh Huy còn được gọi bằng nhiều tên khác như Ba Huy, Hội đồng Ba (cách gọi của tá điền), Hắc công tử (do nước da ngăm đen và để phân biệt với Bạch công tử Mỹ Tho – Tiền Giang), trong một gia đình đại điền chủ giàu có vào bậc nhất, nhì vùng đất Nam Bộ thời kỳ đầu thế kỷ XX.

Cha của Công tử Bạc Liêu là Trần Trinh Trạch (hay còn gọi là Hội đồng Trạch) chủ sở hữu 74 sở điền với 110.000 ha đất lúa ruộng, gần 100.000 ha ruộng muối, vài chục căn phố lầu ở Bạc Liêu và nhiều biệt thự sang trọng ở Cần Thơ, Sài Gòn, Vũng Tàu, Đà Lạt….

Cuộc đời thật Trần Trinh Huy

Sau 3 năm dùi mài học tập ở Pháp quốc đã không mang về cho gia tộc Trần Trinh một học hàm, học vị nào cả. Công tử Bạc Liêu về nước, hành trang của ông ta là kinh nghiệm nhảy đầm, lái xe và một bầu tâm sự ngày đêm thương nhớ cô vợ đầm và đứa con còn gửi nơi kinh thành ánh sáng Paris.

Về nước, Ba Huy có nhiều bà vợ Việt và hàng lố nhân tình nữa. Bà đầu tiên mà Ba Huy cưới tại Bạc Liêu tên Ngô Thị Đen. Bà này ở với Ba Huy sinh được người con gái là cô Hai Lưỡng. Sau cô hai Lưỡng qua Pháp sống. Từ năm 1945, Ba Huy lên Sài Gòn ở hẳn, ông đi chơi ở Mỹ Tho rồi cưới cô Nguyễn Thị Mẹo sinh được 4 người con, đặt tên Hiếu, Thảo, Nhơn, Đức. Bà cuối cùng là một “hoa khôi chân đất” tên là Bùi Thị Ba làm nghề gánh nước mướn. Bà này rất đẹp, nhỏ hơn cậu Ba 40 tuổi.

Khoảng năm 1968, cậu Ba ở căn phố đường Nguyễn Du – Sài Gòn. Mỗi sáng đứng trên lầu nhìn xuống thấy có nhỏ con gái gánh nước qua lại đẹp quá, cậu Ba đem lòng cảm mến. Hỏi thăm thì được biết cô gái đó là con ông già làm nghề sửa xe đạp. Cậu Ba tìm đến đặt vấn đề liền, xin đổi căn nhà đang ở lấy cô gái.

Từ đó người đẹp gánh nước mướn trở thành phu nhân của Hắc công tử, thủy chung đến ngày ông nhắm mắt. Hai người có với nhau hai cậu con trai và hai cô con gái là Hoàn, Toàn và Trinh, Nữ. Ngoài những bà “chánh thức” vừa kể, những bà “bên lề” và tình nhân thì không sao kể hết.

Bên cạnh lối sống phóng túng, phong lưu trong gia đình giàu có, cậu Ba Huy cũng là người nhân hậu, sống có tình, có nghĩa, rất rộng rãi, sẵn sàng giúp đỡ người nghèo khi họ gặp hoạn nạn. Tá điền không thấy ông đòi nợ ai bao giờ, ai nghèo quá, năn nỉ ông còn bớt lúa ruộng. Cho nên tá điền ít ai oán ghét Ba Huy.

Trong các mối quan hệ xã hội, Ba Huy không sống dè dặt, mưu toan, tính toán thiệt hơn. Trong con mắt giới giang hồ tứ chiếng thời đó, Ba Huy được coi là người “ngon” nhất Nam Bộ không phải bởi cái vẻ hào hoa, sang trọng bên ngoài mà bởi sự khoáng đạt, phóng túng trong cách sống. Trong con mắt người Pháp, Ba Huy được nể trọng vì lấy được vợ đầm và mướn người Pháp làm công cho mình.

Những giai thoại về Công tử Bạc Liêu

Ông Trạch giao cho Ba Huy việc trông coi điền sản. Đi đòi nợ các tỉnh, Ba Huy dùng chiếc Ford Vedette, còn đi chơi ông có chiếc Peugeot thể thao, sản xuất năm 1922. Loại xe đó cả miền Nam khi ấy chỉ có hai chiếc, chiếc kia là của vua Bảo Đại.

Ba Huy còn thuê một người Pháp làm công cho mình. Đó là ông Henri Espérinas (em rể), chồng cô Tư Nhớt. Ông này làm quản lý, điều hành gia sản cho ông Hội đồng Trạch, dưới quyền Ba Huy. Theo hợp đồng, quản lý được hưởng 10% trên tổng số lợi tức thu được hàng năm. Chính vì vậy ông Henri mới bỏ “mẫu quốc” qua làm mướn cho bên nhà vợ, mãi đến tháng 4.1975 mới về nước.

Một sự kiện chấn động cả nước khi đó là Ba Huy đi thăm ruộng bằng máy bay. Và lúc ấy cả Việt Nam cũng chỉ có 2 chiếc là của Công tử Bạc Liêu và của vua Bảo Đại. Một lần bay qua thăm điền Rạch Giá, Công tử Bạc Liêu hứng chí bay ra biển Hà Tiên chơi, cứ bay mải miết cho đến khi kim báo xăng không còn nhiên liệu, buộc lòng Ba Huy phải đáp khẩn cấp. Xuống đất, Ba Huy hoảng hốt biết mình đã bay sang tận Thái Lan.

Trần Trinh Huy bị nhà cầm quyền Thái Lan bắt giữ và phạt 200.000 giạ lúa. Ông Hội đồng Trạch phải cho một đoàn ghe chở lúa thật dài qua tận Thái Lan để chuộc quý tử. Ông là người Việt Nam đầu tiên sở hữu máy bay tư nhân và sân bay tư nhân.

Ba Huy sinh hoạt cực kì sang trọng và xa hoa. Ra đường là đóng bộ veston, thứ hàng đắt tiền nhất thời đó. Thói quen của Ba Huy là ăn sáng kiểu Tây, trưa ăn cơm Tàu, chiều ăn cơm Tây. Mỗi lần từ Bạc Liêu đi Sài Gòn là ông ta ngồi trên chiếc xe cáu cạnh, có tài xế lái. Khi lên Sài Gòn ít khi Công tử Bạc Liêu ở ngôi biệt thự gia đình mà vào một trong những khách sạn nổi tiếng sang trọng ở Sài Gòn. Có khi hứng chí đi dạo mát, Ba Huy thuê cả chục chiếc xe kéo, ông ta ngồi một chiếc, những chiếc còn lại chở những món đồ như mũ, gậy…

Một sự kiện đã tạo thành giai thoại Công tử Bạc Liêu là năm 1929, Bạch công tử (BCT) lập luôn hai gánh cải lương là Phước Cương và Huỳnh Kỳ, mời hai cô đào tài sắc thời đó là cô Năm Phỉ và cô Bảy Phùng Há về thủ vai chính cho hai đoàn. Một lần, đoàn Huỳnh Kỳ có cô Bảy Phùng Há về Bạc Liêu diễn, BCT mời Hắc Công Tử (HCT) đi xem.

 Đang xem, BCT móc thuốc hút, vô ý làm rớt tờ giấy con công (giấy bạc 5 đồng thời đó), BCT gạt chân HCT kiếm. HCT thấy vậy hỏi: Toa kiếm gì vậy?. Kiếm tờ con công. HCT mỉm cười nói: Để moa đốt đuốc cho toa kiếm. Nói rồi HCT móc tờ giấy bạc bộ lư (mệnh giá 100 đồng) châm lửa soi cho BCT kiếm (thời đó lúa chỉ có 8 – 9 cắc một giạ).

Bị một vố quá mạng, vãn tuồng, BCT nói: Toa chơi moa một cú đau quá. Bây giờ nếu toa ngon, toa với moa cân mỗi người ký đậu xanh, rồi lấy tiền nấu, ai sôi trước người ấy thắng?. HCT đâu chịu thua. Tối hôm sau, HCT cho trải thảm đỏ từ ngoài cổng vào tận thềm nhà (nay là Bảo tàng tỉnh Bạc Liêu), cứ mỗi thước cho một gia nhân cầm đuốc soi đường, nghinh đón phái đoàn của BCT.

Hai nồi đậu xanh được nhắc lên bếp, hai chàng công tử lấy tiền ra đốt. Nồi đậu xanh của BCT hôm đó sôi trước. Ba Huy cũng là một kẻ mê cờ bạc, có những khi ông ta đánh một cây bài 30.000 đồng, trong khi lúa chỉ 1,7 đồng một giạ, lương của Thống đốc Nam Kỳ chưa tới 3.000 đồng một tháng.

Theo Dân Việt

Thằng bé ranh ma

[vanhoamientay.com] Một cậu bé chơi bóng, lỡ chân đá vỡ kính cửa sổ nhà nọ. Bà chủ nhà chạy ra giữ chặt quả bóng quát thằng bé.

– Mày mà không sửa lại cửa kính cho bà thì đừng hòng lấy bóng về!

Một lát sau, cậu bé gõ cửa bảo:

– Bố cháu sẽ đến sửa ngay!

Quả nhiên, một người đàn ông đem theo hộp đồ nghề đang đi tới. Bà ta bèn cho thằng bé cầm bóng đi. Người đàn ông sửa xong, nói:

– Xin bà 10 đô!

– Ơ, ông không phải bố thằng bé sao?

Bà chủ ngạc nhiên kêu lên.

Người đàn ông cũng trợn tròn mắt:

– Thế bà không phải mẹ nó à?

st
Thành công Sao chép đường dẫn thành công !!