Có thể bạn quan tâm

Ngọt lịm kẹo dừa bến tre

[vanhoamientay.com]Trước đây, kẹo dừa được xem như quà tặng cho bà con láng giềng trong những ngày giỗ tết, về sau chính vị ngọt thanh, đậm đà và mùi thơm béo ngậy mà năm 1999 loại kẹo Mỏ Cày này chính thức mang thương hiệu “Kẹo dừa Bến Tre” và được xuất đi nhiều nước trên thế giới.

Giờ đây, du khách quốc tế biết đến món ngon Việt Nam không chỉ bởi những tô phở bốc khói, những món ăn cung đình Huế cầu kỳ, sang trọng và đẹp mắt…mà còn nhớ vị kẹo dừa mộc mạc, dân dã nhưng ngọt ngào.

Nguyên liệu đầu vào để làm tưởng chừng khá đơn giản, chỉ là cơm dừa trắng và mạch nha, nhưng thật ra, để làm nên viên kẹo ngon thì đòi hỏi phải có kinh nghiệm, vì đây là hai thành phần cốt yếu của viên kẹo, quyết định toàn bộ vị ngon đặc trưng sản phẩm.

Ở Bến Tre được trồng khá nhiều dừa với các chủng loại khác nhau: dừa dứa, dừa dâu, dừa sáp, dừa lửa… nhưng để được loại cơm dừa ngon, dày thì phải nói đến giống dừa xiêm xanh, trái dừa phải khô, tránh để lên mọn, vì chỉ có loại dừa có cơm dày, dẻo, màu trắng tinh khiết mới có thể ép ra được nước cốt chất lượng cao, độ sánh vừa phải, hơi trong, chứ không trắng đục, đáp ứng cho quá trình trộn hỗn hợp với mạch nha cho ra màu sắc đẹp, bắt mắt.

Mạch nha được làm bằng phương pháp lên men từ lúa nếp mầm. Hạt nếp to, tốt, không bị mọt, được tưới bằng nước mưa sạch, cho hạt vừa nảy mầm thì đem chế biến thành mạch nha. Mạch nha phải ngọt thanh, dẻo, trong và có màu vàng nâu tự nhiên.

Kẹo dừa được ra đời sau khi qua khâu trộn nước cốt dừa và mạch nha lại với nhau, nấu hỗn hợp bằng cộng nghệ đường truyển hơi nước

Từ những thành phần cốt lõi là dừa và lúa, người dân bến tre còn thêm màu sắc mới cho những viên kẹo bằng hương vị đặc trưng của chính đặc sản quê mình như sầu riêng, đậu phộng, lá dứa… Mỗi loại có hương vị đặc trưng riêng nhưng vẫn đảm bảo hương vị dừa căn bản, giúp sản phẩm thêm phong phú, nâng cao chất lượng

Nguyên liệu làm kẹo dừa, đầu tiên và không thể thiếu là những quả dừa. Thế nhưng, để tạo ra đúng hương vị đặc trưng của kẹo dừa Bến Tre thì phải dựa vào kỹ thuật độc đáo của nghề. Đó là cách chọn nguồn nguyên liệu và có công thức pha chế riêng. Và cách thức chế biến kẹo dừa Bến Tre trong mắt người dân địa phương dường như là cả một nghệ thuật. Đầu tiên là phải thật tinh tế trong việc chọn nguyên liệu. Nếp nấu mạch nha phải là nếp mùa vụ xuân, hạt nảy to, chín đều. Ruộng lúa được chọn lấy nếp phải không dùng phân hoá học, thuốc trừ sâu. Thóc nếp để nảy mầm được tưới nước mưa sạch rồi mới đem nấu mạch nha.

Công đoạn nấu mạch nha cũng là cả một nghệ thuật đòi hỏi người thợ nấu mạch nha phải kiên nhẫn, tỉ mỉ và có tay nghề điêu luyện. Những trái dừa để làm kẹo cũng được lựa chọn rất cẩn thận. Đó là những trái dừa bắt đầu khô để có hương vị dừa đặc trưng nhất, nước cốt ngọt thanh và tạo nên độ béo rất riêng của kẹo dừa. Đường thô để chế biến kẹo cũng phải là loại đường tốt, mới, có màu vàng tươi như nghệ, có độ dẻo nhất định … Tất cả cộng với tay nghề, kinh nghiệm và thuật đánh kẹo nhuần nhuyễn để tạo ra những mẻ kẹo thơm ngon đậm đà, trước sau như một làm hài lòng cả những thực khách khó tính nhất.

Ngày nay, người dân Bến Tre đã sáng tạo ra nhiều loại kẹo dừa với những hương vị khác khau làm say lòng du khách gần xa. Nào là kẹo dừa cacao, kẹo dừa sầu riêng, kẹo dừa nhân đậu phộng…Mỗi loại có hương vị đặc trưng riêng nhưng vẫn đảm bảo hương vị dừa căn bản. Nhiều cơ sở chế biến kẹo dừa với những thương hiệu quen thuộc như Thiên Long, Ngọc Hương đã mang kẹo dừa đến các tỉnh thành trong nước và xuất khẩu sang nước ngoài. Có thể nói, kẹo dừa đã gắn bó với hành trình văn hóa, ẩm thực và du lịch của đất nước Việt Nam.

Không gì tuyệt vời bằng khi khưởng thức kẹo dừa ngọt thơm và nhâm nhi tách trà nóng.  Kẹo dừa Bến Tre -Sự giao thoa giữa hiện đại và truyền thống làm nên sức sống của một hương vị cổ truyền.

Bến Tre nước ngọt sông dài

Nơi chợ Mỏ Cày có kẹo nổi danh

Kẹo Mỏ Cày vừa thơm vừa béo

Gái Mỏ Cày vừa khéo vừa ngoan…”

Cá Kèo nướng ống sậy

Cá kèo nướng ống sậy rất được ưa chuộng tại Việt Nam do có hương vị riêng, trắng ngon và giá trị dinh dưỡng cao, đặc biệt túi mật để lại hương vị khó quên.

Cá Kèo nướng ống sậy

Cá kèo còn gọi là cá bống kèo, sống ở vùng phù sa ngập mặn. Cá thường phổ biến ở miền Tây Nam Bộ, nhất là tại các khu vực ao, hồ, nước lợ thuộc các tỉnh tại Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang,

Cá kèo có thể chế biến cá kèo thành nhiều món ăn như: kho tiêu, chiên giòn, kho rau răm, nướng muối ớt, nướng bơ tỏi, lẩu mắm cá kèo, cháo cá kèo… và thêm một món vừa cầu kỳ, vừa dân dã chính là cá kèo nướng ống sậy.

Sậy để nướng cá kèo nên chọn sậy non, mập và nhiều nước, cắt từng đoạn, có đầu rỗng để đưa cá vào. Cá kèo còn sống rửa sạch rồi ướp gia vị. Khi nhét cá vào sậy, chừa phần đuôi thòi ra. Cho lửa than hồng riu riu. Cách nướng trực tiếp này làm cho cá kèo mềm hơn, ngọt hơn, nhất là nước ống sậy tươm ra thấm vị ngọt và mùi thơm đặc trưng của sậy. Khi ống sậy vừa vàng, xẹp xuống nhanh là cá cũng vừa chín nhờ sức nóng của nước ống sậy tiết ra.

Rau thơm, chuối chát là món ăn kèm cùng cá. Cá nướng ống sậy không kén thức chấm. Chỉ cần muốt ớt chanh là đủ.

Xé ống sậy ra, hơi nóng từ con cá bốc lên, cho miếng cá vào miệng, vị ngọt của cá hòa cùng vị ngọt của sậy. Vị cay, mặn, chua của muối ớt chanh cho ta hương vị rất lạ, ngon không chê vào đâu được. Vị ngon của cá bống kèo tập trung ở gan, mật, vừa béo vừa nhân nhẫn nhưng hậu rất ngọt.

Hãy cùng chúng tôi thưởng thức món ăn đậm đà bản sắc Nam bộ

Cá Kèo nướng ống sậy

Về thăm vườn nhãn cổ trăm tuổi Bạc Liêu

[vanhoamientay.com] Tại Bạc Liêu có khu vườn nhãn cổ đến nay đã trên trăm tuổi. Đây là vườn nhãn đặc biệt nhất ở ĐBSCL, là một mô hình du lịch vườn hấp dẫn, là niềm tự hào của người dân địa phương.

Thiên nhiên đã hào phóng ban tặng cho nơi đây những vùng đất màu mỡ, tạo điều kiện cho giống nhãn cổ phát triển sum xuê hơn cả trăm năm nay, với những cây gốc to hơn 2 người ôm không xuể, tán lá rộng mát, tạo nên không gian thanh bình.

Vườn nhãn cổ Bạc Liêu rộng khoảng 230 ha, chạy dài trên 11km đi qua 2 xã Hiệp Thành và Vĩnh Trạch Đông, thuộc thị xã Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu.

Theo lời kể của những người dân nơi đây, vườn nhãn Bạc Liêu đã đuợc trồng trên trăm năm trước. Ngày trước vùng này là đất giồng cát được hình thành qua quá trình bồi lắng của thiên nhiên và do con người đắp đê lấn biển. Đây là loại đất có độ thoát thủy tốt, mực thủy cấp sâu, tầng canh tác dày… được đánh giá khá thích hợp cho việc trồng cây ăn trái và các loại hoa màu.

Nơi đây nổi tiếng với 2 giống nhãn Su-bic và Tu-huýt.Giống Su-bíc cho trái to, vỏ mỏng, cơm dày, rất thơm và ngọt, còn giống Tu-huýt trái nhỏ, hạt nhỏ, nhưng cơm dày, vị ngọt.

Đến tham quan khu du lịch vườn nhãn, du khách sẽ được thưởng thức mùi vị quyến rũ của những chùm nhãn thơm ngon cùng với những món ăn dân dã là đặc sản do biển cả hào phóng ban tặng, được hưởng không khí trong lành từ gió biển và còn được thưởng thức đờn ca tài tử Nam bộ. Ngoài việc nếm những  trái ngon ngọt, bạn còn có thể nằm nghỉ ngơi dưới gốc nhãn, lắng nghe tiếng chim hót ríu rít và những tia nắng len lỏi qua những kẽ lá, soi rọi xuống mặt đất lung linh.

Đến đây, bạn không chỉ được thư giãn trong không gian xanh rộng và khoáng đạt mà còn được cắm trại, dã ngoại, tham gia thu hoạch nhãn chín. Nếu đến vào dịp lễ Tết như Trung thu, bạn còn có cơ hội vui chơi tại lễ hội địa phương, nghe đờn ca tài tử, nghe người Bạc Liêu hát bài “Dạ cổ hoài lang” của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu hay tìm hiểu văn hóa đất giồng giao thoa của người Kinh, người Khmer và người Hoa.

Theo ZiZi Travel

Thêm trái Dư trong mâm ngày tết

Vào 1,2 năm trở lại đây trên mâm ngũ quả ở các tỉnh miền Tây còn có thêm trái Dư để cầu mong cho năm mới được dư dã tiền bạc

Mâm ngũ quả đặt trên bàn thờ tổ tiên dịp Tết chính là theo 5 sắc màu tượng trưng cho mong ước được ngũ phúc: giàu có, sang trọng, sống lâu, khỏe mạnh, bình yên và theo thuyết ngũ hành: Kim màu trắng, Mộc màu xanh, Thủy màu đen, Hỏa màu đỏ, Thổ màu vàng.

Riêng ở miền Nam, các loại quả trong mâm khi ghép lại trở thành những cái tên ý nghĩa, cầu mong sự thịnh vượng như mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung, dưa hấu, thơm… đọc chệch thành các tên như “cầu vừa đủ xài” hoặc “cầu vừa đủ sung”.

Vào 1,2 năm trở lại đây trên mâm ngũ quả ở các tỉnh miền Tây còn có thêm trái “dư” (tên gọi của người địa phương), để cầu mong cho năm mới được dư dã tiền bạc. Tại một số chợ miền Tây trái dư thường xuất hiện từ 25 tết với giá từ 10.000 – 20.000Đ, qua 30 tết thì loại trái này không còn bán nữa.

Theo một nhà vườn ở Sóc Trăng thì trái dư được biết đến khoảng 3,4 năm trở lại đây, ban đầu người ta trồng làm kiểng vì trái có màu vàng rất đẹp và chưng được lâu, sau đó có thương lái đến tận nhà để thu mua bán lại vào dịp tết điều này làm cho loại trái này càng thêm được giá.

Hiện nay, ở chợ hoa tết cũng xuất hiện những chậu cây tạo hình thú được kết từ quả dư.

Trái “dư” có tên khoa học là Solanum mammosum L thuộc họ Cà – Solanaceae. Đây là loại cây thân nhỏ, có thể cao đến 1,5m, có nhiều lông và gai, hoa màu vàng lam hay tím. Cây ra hoa quả quanh năm, chủ yếu vào mùa thu, mùa đông.

Quả vàng, bóng, dài từ 5-8cm, phình rộng ở gốc và có nhiều u lồi ở gần cuống. Theo nhiều người trái dư càng giá trị khi 5 phần “thịt dư” trên trái đều nhau, đều đó thể hiện cho sự dư dả tròn đầy, xung túc.

Cây họ cà này có nguồn gốc ở Trung Mỹ (Virginia) được nhập trồng để làm cảnh, ngày nay có khi chúng ta gặp mọc hoang dã ở một số nơi như Lâm Đồng, Đồng Tháp…

Tuy nhiên trái dư chỉ để chưng trong dịp tết chứ không thể ăn vì cây chứ chất solanin nên cây được sử dụng như một chất gây mê. Ở Hải Nam, người ta dùng cả cây để trị bệnh tràng nhạc. Ở Saint – Dominica, người ta dùng dạng cao để trị bệnh đau vùng tâm vị….

Băng Tâm

Dưa cải – món quê mà không quê

[vanhoamientay.com] Bước qua tháng 8 âm lịch bắt đầu có cá linh non, cá sặt non từ đầu nguồn xuống, một bữa cơm chiều với món cá kho lạt thì không thể nào thiếu món ăn kèm là dưa cải, dưa cải chấm cá kho lạt, chỉ nhắc tới thôi là tự dưng thấy thèm.

Hầu như loại rau củ quả nào cũng có thể làm dưa chua được, nhưng với dưa cải thì không món nào qua.

Cải dùng làm dưa là giống cải tùa xại,người ta còn gọi là cải xại (xại cũng có nghĩa là cải),  cải này có vị cay nồng hơn các loại cải khác. Nó chỉ dùng cho việc làm dưa! Cải tùa xại rất dễ trồng, có thể gieo hột trồng trực tiếp hoặc gieo hột trên liếp ương và bầu.

Cải tùa xại trồng trên đất rẫy, mọc thành từng bụi giống như cây cải xanh, nhưng cọng cải tùa xai tròn, to và cứng hơn nhiều. Cây tốt có thể có chiều dài 6-7 tấc, cọng cải tròn lớn bằng ngón tay cái.

Cải này có đặc điểm cứng cọng nhưng nấu vừa chín tới ăn vẫn ngọt và mềm chớ không cứng, không dai, ăn không hết thì để thêm chút muối hâm đi hâm lại nhiều lần cọng cải vẫn ngon như lúc mới nấu, không bị nhũn hay rã ra như các loại cải khác.

Mẹ tôi từng chia sẻ bí quyết làm dưa cải ngon với bà con trong xóm:

Cải nhổ lên phải lúc có nắng cho héo để chuyên chở không bị giập gãy bẹ, trước khi làm dưa phải trụng cải bằng nước sôi cho vừa ngả màu xanh của cải, rồi đem rửa sạch từng bẹ từng cây.

Rửa xong vắt cho khô ráo nước xếp vô khạp, xếp cho đầy khạp, càng dẽ dặt càng tốt, xong đậy lá chuối gài lại cho chắc, không cho nổi lên. Trong khi đó nước lóng phèn cho thật trong nêm chút muối và cho bột nghệ vào (bột nghệ làm cho cây cải vàng và thơm) rồi đổ vô khạp dưa cải.

Qua 4 đêm là cải bắt đầu chua có thể dùng được. Dưa cải rất dễ làm, nhưng cũng rất khó làm sao cho dưa cải vừa ăn, cọng cải vàng và thơm thấy thèm.

Khâu rửa cải phải thật sạch, không còn bợn để cho dưa cải có nước vàng óng ánh. Muốn cho cải chua, giòn không phải dễ, khi nhổ cải không quá già, không quá non, khi trụng cải không quá chín, ít nhất phải có trải qua kinh nghiệm nhiều lần mới làm ngon được.

Do vậy, dưa cải của mẹ tôi làm ngon có tiếng trong xóm, ra chợ ai dùng qua cũng khen đáo để. Món dưa cải đã có lâu đời trong dân dã, người ở nông thôn, thành thị ai cũng ưa thích vì nó có mùi vị chua chua, nồng nồng rất ấn tượng lại kích thích vị giác.

Dưa cải còn được chế biến nhiều món ăn như: bao tử xào dưa cải, giò heo hầm dưa cải, thịt sườn kho dưa cải,… Trong bữa ăn, vị chua chua làm tăng kích thích khẩu vị và giúp thức ăn dễ tiêu hóa. Là món dân dã nhưng nay dưa cải có mặt trong thực đơn của nhà hàng cao cấp góp phần cho ẩm thực Việt đa dạng và phong phú.

Mỗi lần lên mâm cơm, thấy dĩa dưa cải xắt ra trộn với đường, bột ngọt có tỏi ớt phất mùi chua chua là tôi nhớ đến mẹ tha thiết. Nhớ người mẹ quê đã một thời vất vả luôn chế biến những món đơn sơ đạm bạc thành những món ăn hương vị ngon ngọt, đậm đà chứa đầy.

Theo VinhLongOnline

Chiếu Long Định Tiền Giang mãi tươi màu

[vanhoamientay.com] Khi nhắc đến chiếu, người dân Nam bộ thường hay nghĩ đến chiếu Cà Mau đã từng nổi tiếng một thời. Tuy nhiên, có một làng nghề tạo ra 1 thương hiệu chiếu không thua kém chiếu Cà Mau, đó là làng nghề truyền thống dệt chiếu ở xã Long Định (huyện Châu Thành- Tiền Giang)

Nếu ai đã từng có dịp về Tiền Giang, đi qua Quốc lộ 1, đoạn cách ngã ba Trung Lương khoảng gần chục cây số, ắt sẽ thấy một tấm biển lớn đề mấy chữ “Làng nghề truyền thống dệt chiếu Long Định kính chào quý khách!”.

Từ vị trí tấm biển ấy, rẽ vào lối tỉnh lộ 867, đi độ nửa cây số là tới làng Long Định. Từ đầu làng đã thấy cảnh chiếu, cói phơi đầy hai bên đường. Từng đám cói trắng ngà hoặc đã được nhuộm màu xanh, đỏ, tím, vàng… được phơi khô cong dưới cái nắng vàng mùa hạ. Đi sâu vào làng, chỗ nào cũng nghe rộn ràng lách cách tiếng thoi đưa dệt chiếu.

Nghề làm chiếu ở Long Định mới có chừng khoảng hơn 50 năm nay. Nghề do các cư dân vùng chiếu nổi tiếng ở Kim Sơn – Ninh Bình ngoài Bắc di cư vào Nam hồi năm 1954 đem vào. Vì thế, kĩ thuật làm chiếu ở đây cũng có nhiều nét khác biệt so với kĩ thuật làm chiếu thường thấy trong Nam. Chiếu Long Định bao giờ cũng dày dặn hơn, màu sắc, hoa văn cũng tươi tắn và đẹp hơn.

Tìm về làng nghề truyền thống dệt chiếu Long Định (làng dệt chiếu) chúng ta dễ dàng bắt gặp cảnh chiếu phơi ven tỉnh lộ 867 của gần 300 hộ dân thuộc xã Long Định, đã giải quyết việc làm cho gần 2.000 lao động ở vùng nông thôn, giúp họ có mức thu nhập ổn định.

Trong mỗi ngôi nhà ven Tỉnh lộ 867 đều có các khung dệt dập dềnh theo nhịp thoi đưa. Nhà này là 2 cô gái, nhà kia là đôi vợ chồng, kẻ đan lác, người dập khung cửi. Ghé vào nhà anh Nguyễn Văn Việt, khi anh chị đang căng đai, rồi cùng nhau ngồi dệt, tạo ra sản phẩm đẹp cho đời.

 Làm chiếu cũng giống như trồng lúa, tức phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, thời tiết. Hàng năm, cứ vào thời điểm mùa khô, tức khoảng từ tháng 1 tới tháng 4 dương lịch, làng chiếu Long Định lại vào vụ sản xuất chính. Cực nhất là tháng 5, tháng 6, khi mùa mưa đến, nghề làm chiếu lại phải tạm dừng chờ đến mùa khô năm sau. Khó khăn là thế nhưng người làm chiếu ở Long Định vẫn chịu thương chịu khó bám trụ với nghề, bởi mức thu nhập của nghề làm chiếu vẫn khá hơn so với nghề trồng lúa.

 Sau khi chuẩn bị xong phần nguyên liệu cần phải có 2 người cùng làm. Thông thường, khi căng đai xong thì người thợ chính sẽ ngồi lên khung, người thứ 2 luồn từng sợi lác vào khuôn và người thợ chính sẽ dùng lực mạnh dập vào lác để kết chặt lác vào nhau.

Động tác dập phải dứt khoát, đủ độ mạnh để lác thẳng hàng, không xếp chồng lên nhau. “Tay nghề của người thợ quan trọng lắm, phải đan như thế nào để chiếu vừa khít, vừa đều và có độ bền, dẻo dai nhất định, như vậy chiếu sử dụng mới lâu được” – anh Việt  chia sẻ.

Tay thoăn thoắt dập mạnh từng khung dệt, anh Việt vẫn tiếp chuyện vui vẻ với chúng tôi: “Với khung dệt tay, mỗi ngày 2 vợ chồng dệt được 4 chiếc chiếu. Nếu  có máy dệt chiếu hiện đại thì có thể sản xuất được 10 chiếc/ngày mà chỉ cần 1 người ngồi máy.

Tuy nhiên, giá 1 máy dệt chiếu hiện đại từ 30 – 60 triệu đồng, quá đắt đỏ nên tôi chưa dám đầu tư. Với lại, nhiều người mua chiếu thường chọn mua chiếu dệt tay vì chất lượng bền hơn và ít bị lỗi hơn so với chiếu dệt bằng máy

Một trong những gia đình dệt chiếu có tiếng ở Làng dệt chiếu Long Định là gia đình bà Trần Thị Bạch Tuyết, một người có 50 năm kinh nghiệm dệt chiếu ở xã Long Định cho biết, trước đây dệt chiếu theo lối thủ công, mỗi tháng 1 người thu nhập khoảng 1,5 triệu đồng. Bây giờ, nhiều nhà đầu tư máy dệt chiếu, năng suất cao hơn nên thu nhập cũng cao hơn trước rất nhiều.

Chiếu Long Định nổi tiếng dày, bền, nằm vừa êm lại thoáng mát, giá phù hợp với túi tiền của người tiêu dùng nên hàng ngày thương lái các nơi đến mua rất đông. Có những thời điểm, làng dệt chiếu “ăn nên làm ra”, mỗi ngày giao cho thương lái hơn 5.000 chiếc chiếu. Không những thế, chiếu Long Định còn được xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Nhật, Mỹ…

Để làm ra 1 chiếc chiếu đẹp, lác phải thật khô, trắng, cọng bóng tròn, không quá to. Kỹ thuật dệt là yếu tố quyết định chiếu đẹp hay xấu. Khi dệt, người cho ăn lác cần phải có kỹ thuật, phải làm đều tay tránh bị rớt nhịp.

Công đoạn tạo màu cũng lắm công phu. Muốn màu không phai, không dính lên quần áo khi nằm, lác phải được nhúng vào chảo màu đang sôi, chờ cho nước sôi lại lần nữa để màu thấm vào từng sợi lác. Đặc biệt, khi may chiếu, đường may phải sắc nét, không quá dày cũng không quá thưa” – Bà Tuyết chia sẻ kinh nghiệm.

Hiện nay, ngoài sản phẩm chiếu lác truyền thống, người dệt chiếu ở xã Long Định còn nghiên cứu làm thêm sản phẩm chiếu bằng thân cây lục bình phơi khô, một loại nguyên liệu khá phổ biến ở vùng sông nước Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, giá thành một chiếc chiếu lục bình cao hơn rất nhiều so với chiếu lác, nên chiếu lục bình ít được sử dụng trong nước mà chủ yếu xuất khẩu ra nước ngoài.

Các chi tiết hoa văn phải thay đổi thường xuyên theo thị hiếu người tiêu dùng. Sau khi trang trí hoa văn xong phải đem chiếu vào hấp cách thủy, hấp phải đúng giờ, nếu già lửa chiếu sẽ tối màu, còn nếu chưa đủ thời gian thì dễ bị phai màu khi nằm”.

Băng Tâm tổng hợp

Di Tích Chùa Trà Tim

Từ trên không nhìn xuống, di tích chùa Trà Tim và sân bay Sóc Trăng như cùng nằm trên một chiếc tàu thủy khổng lồ, mà ngôi chùa nằm án ngữ ở phía mũi tàu (từ hướng Bạc Liêu), còn sân bay nằm ở phía sau.

Chùa Trà Tim đã được khởi dựng cách nay gần 500 năm trên một vùng đất cát giồng cao ráo, tọa lạc trên khuôn viên rộng 38.631m2 với hàng trăm gốc sao, dầu cổ thụ và có một vòng rào bao quanh ngăn cách với bên ngoài.

Sau nhiều lần trùng tu, ngôi chùa được nâng cấp khang trang. Cổng chùa nhìn sang hướng Đông với kiến trúc bằng bê tông, vòm cổng là một khối hình 03 ngọn tháp với hoa văn đắp nổi, chân cổng có tượng hai con rồng 07 đầu hai bên mà phần thân rồng được kéo dài vào trong thành hai bờ lan can, trên có mái che cho khách ngồi nghỉ mát.

Từ cổng, một con đường láng xi măng rộng 4m đi thẳng vào chùa lần lượt qua các công trình chính điện, nhà hội (sà la), trường Pali, tháp cốt, nhà thiêu đều mang đậm phong cách họa tiết của Khmer Nam bộ… Chính điện là nơi phụng thờ Đức Phật Thích ca nên bao giờ cũng là công trình đồ sộ nhất, giữ vị trí trung tâm trong tổng thể ngôi chùa. Công trình vươn thẳng uy nghi trên một nền cao hơn mặt đất 2,60 m gồm có hai cửa cái quay về hướng Đông và hai cửa sau quay về hướng Tây. Nóc mái chính điện cao chừng 1,5m được nâng bằng cột tròn bê tông cao khoảng 6m, đầu cột có gắn một tượng thần mình chim có cánh, tư thế đang bay, hai tay nâng đỡ mái giúp cho công trình trông có vẻ thanh thoát, nhẹ nhàng hơn, bộ cột này cách đều vách trong tạo thành những hành lang, du khách có thể dạo quanh ngắm cảnh chùa trước khi bước vào bên trong điện thất.

Chẳng những là nơi thờ phụng, mà từ lâu chùa Trà Tim đã là cơ sở của lực lượng cách mạng trong những cuộc tiến đánh sân bay Sóc Trăng (1963, 1973). Đặc biệt, trong Cuộc tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, nơi đây còn là điểm tập hợp lực lượng bộ đội ta tiến vào thị xã Sóc Trăng, gây tổn thất nặng nề cho kẻ địch. Nhà chùa, phật tử đã nhiều lần biểu tình chống chiến dịch bắt lính đôn quân và nổi dậy chống ý định dời chùa của bọn ngụy quân ngụy quyền nhằm biến ngôi chùa thành phi trường để bọn chúng mở rộng bàn đạp tấn công đàn áp phong trào kháng chiến của quân dân ta.

Ngày nay, trong công cuộc kiến thiết xây dựng quê hương, nhà chùa mở nhiều lớp học chữ dân tộc cho con em quanh chùa, vận động bà con thực hiện phương châm tốt đời đẹp đạo, đóng góp công sức xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng, xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa. Chùa được công nhận là nơi thờ tự văn minh, được xếp vào danh lam thắng cảnh di tích văn hóa cấp tỉnh. Mỗi năm, vào các dịp lễ Chôl Chnăm Thmây, Đôlta và các lễ hội khác, ngoài bà con người Khmer còn thu hút đông đảo khách thập phương đến chiêm bái Đức Phật, tham quan cảnh chùa và vui chơi sinh hoạt văn nghệ với các tiết mục đậm đà bản sắc dân tộc.

Theo soctrang.gov.vn
Thành công Sao chép đường dẫn thành công !!