Có thể bạn quan tâm

Thứ mà đàn ông ai cũng muốn

[vanhoamientay.com] Bạn là một người đàn ông, nếu một ngày chỉ có một mình bạn trên một hoang đảo, thứ đàn ông ai cũng muốn là gì?

Tàu chìm, một chàng trai trôi dạt vào hoang đảo, phải mất một thời gian dài, anh ta mới thích nghi được với hoàn cảnh.

Tuy nhiên, còn một thứ anh ta khao khát mãi…

Bất ngờ, vào một ngày nọ cũng có một thiếu nữ tuyệt đẹp trôi dạt vào hoang đảo. Anh ta cố gắng làm cô tỉnh lại và hỏi:

– Cô có giữ lại được thứ gì không?

Cô gái trả lời:

– Không, chỉ còn một thứ mà đàn ông các anh ai cũng muốn.

– Chàng trai kêu lên sung sướng:

– Trời ơi! Cô mang theo bia à?

st

Dưa cải – món quê mà không quê

[vanhoamientay.com] Bước qua tháng 8 âm lịch bắt đầu có cá linh non, cá sặt non từ đầu nguồn xuống, một bữa cơm chiều với món cá kho lạt thì không thể nào thiếu món ăn kèm là dưa cải, dưa cải chấm cá kho lạt, chỉ nhắc tới thôi là tự dưng thấy thèm.

Hầu như loại rau củ quả nào cũng có thể làm dưa chua được, nhưng với dưa cải thì không món nào qua.

Cải dùng làm dưa là giống cải tùa xại,người ta còn gọi là cải xại (xại cũng có nghĩa là cải),  cải này có vị cay nồng hơn các loại cải khác. Nó chỉ dùng cho việc làm dưa! Cải tùa xại rất dễ trồng, có thể gieo hột trồng trực tiếp hoặc gieo hột trên liếp ương và bầu.

Cải tùa xại trồng trên đất rẫy, mọc thành từng bụi giống như cây cải xanh, nhưng cọng cải tùa xai tròn, to và cứng hơn nhiều. Cây tốt có thể có chiều dài 6-7 tấc, cọng cải tròn lớn bằng ngón tay cái.

Cải này có đặc điểm cứng cọng nhưng nấu vừa chín tới ăn vẫn ngọt và mềm chớ không cứng, không dai, ăn không hết thì để thêm chút muối hâm đi hâm lại nhiều lần cọng cải vẫn ngon như lúc mới nấu, không bị nhũn hay rã ra như các loại cải khác.

Mẹ tôi từng chia sẻ bí quyết làm dưa cải ngon với bà con trong xóm:

Cải nhổ lên phải lúc có nắng cho héo để chuyên chở không bị giập gãy bẹ, trước khi làm dưa phải trụng cải bằng nước sôi cho vừa ngả màu xanh của cải, rồi đem rửa sạch từng bẹ từng cây.

Rửa xong vắt cho khô ráo nước xếp vô khạp, xếp cho đầy khạp, càng dẽ dặt càng tốt, xong đậy lá chuối gài lại cho chắc, không cho nổi lên. Trong khi đó nước lóng phèn cho thật trong nêm chút muối và cho bột nghệ vào (bột nghệ làm cho cây cải vàng và thơm) rồi đổ vô khạp dưa cải.

Qua 4 đêm là cải bắt đầu chua có thể dùng được. Dưa cải rất dễ làm, nhưng cũng rất khó làm sao cho dưa cải vừa ăn, cọng cải vàng và thơm thấy thèm.

Khâu rửa cải phải thật sạch, không còn bợn để cho dưa cải có nước vàng óng ánh. Muốn cho cải chua, giòn không phải dễ, khi nhổ cải không quá già, không quá non, khi trụng cải không quá chín, ít nhất phải có trải qua kinh nghiệm nhiều lần mới làm ngon được.

Do vậy, dưa cải của mẹ tôi làm ngon có tiếng trong xóm, ra chợ ai dùng qua cũng khen đáo để. Món dưa cải đã có lâu đời trong dân dã, người ở nông thôn, thành thị ai cũng ưa thích vì nó có mùi vị chua chua, nồng nồng rất ấn tượng lại kích thích vị giác.

Dưa cải còn được chế biến nhiều món ăn như: bao tử xào dưa cải, giò heo hầm dưa cải, thịt sườn kho dưa cải,… Trong bữa ăn, vị chua chua làm tăng kích thích khẩu vị và giúp thức ăn dễ tiêu hóa. Là món dân dã nhưng nay dưa cải có mặt trong thực đơn của nhà hàng cao cấp góp phần cho ẩm thực Việt đa dạng và phong phú.

Mỗi lần lên mâm cơm, thấy dĩa dưa cải xắt ra trộn với đường, bột ngọt có tỏi ớt phất mùi chua chua là tôi nhớ đến mẹ tha thiết. Nhớ người mẹ quê đã một thời vất vả luôn chế biến những món đơn sơ đạm bạc thành những món ăn hương vị ngon ngọt, đậm đà chứa đầy.

Theo VinhLongOnline

Cháo cá lóc rau đắng miền Tây

Đi theo dọc Quốc lộ 1A về Miền Tây, đoạn qua tỉnh Tiền Giang, bạn sẽ bắt gặp khá nhiều quán ăn bán các món đặc sản miền Tây, trong đó có Cháo cá lóc rau đắng.

Cháo cá lóc rau đắng miền Tây

Đây là món ăn mang hương vị đặc trưng dân dã, không những ngon mà còn giúp giải nhiệt, giải cảm. Cá lóc thịt hiền, ngọt, còn rau đắng là vị thuốc giúp phòng và trị nhiều bệnh. Hãy một lần trổ tài và thưởng thức để cảm nhận vị ngon của món ăn này nhé.

Nguyên liệu nấu cháo cá lóc rau đắng

1 con cá lóc lớn

Nấm rơm

1 nắm gạo dẻo

Rau đắng, giá sống

Gia vị, hành tím…

Cách nấu cháo cá lóc

Các lóc làm sạch, đánh hết vẩy và bỏ nội tạng, lưu ý không để vỡ mật sẽ làm cá bị đắng.

Tiến hành luộc cá với khoảng một lít nước, hành tím đập giập, một ít hạt nêm, khi nước sôi sẽ xuất hiện bọt, nên vớt bỏ phần bọt này để nước luộc cá trong hơn, nấu cháo ngon và đẹp mắt hơn.

Điểm đặc biệt của cháo cá lóc miền Tây là dùng nước luộc cá này để nấu cháo, từ đó vị ngọt của cá sẽ lan đều vào vào từng hạt cháo.

Gạo tiến hành rang qua đến khi ngã màu vàng và thơm, sau đó cho vào nồi nước lúc cá khi nảy để nấu thành cháo. Bí quyết để gạo nhanh nở hơn là nên để gạo vào nước đang sôi. Hạt gạo rang sẽ bung nỡ như những cánh hoa lài rất thơm.

Nấm rơm rửa sạch cắt đôi và cho luôn vào nồi cháo để nấu cùng.

Nguyên liệu nấu cháo cá lóc rau đắng

Thịt cá sau khi gỡ xương xong, ướp cùng với ít hạt nêm, tiêu, đợi cá thấm gia vị cho cá vào nồi cháo đang sôi trên bếp. Đến khi cháo nở đều thì nêm nếm gia vị sao cho vừa ăn, thêm ít hành lá cắt nhuyễn.

Khi ăn múc cháo ra tô lớn sau đó ăn kèm với rau đắng, giá sống và ít gừng cắt sợi, ít hạt tiêu, nước mắm trong, thêm vài lát ớt. Nếu muốn trình bày cầu kỳ hơn, có thể bắt nồi cháo trên chiếc lò nhỏ và trụng rau đắng như hình thức ăn lẩu.

Cháo cá lóc rau đắng miền Tây

Lưu ý không nên để rau đắng nấu cùng cháo vì nếu rau đắng chín quá sẽ rất đắng và khó ăn.

Những ngày đông, cả nhà quay quần quanh bếp lửa, húp sùm sụp chén cháo cá lóc rau đắng thì không còn gì bằng. Món cháo cá lóc rau đắng này có tác dung giải cảm cho cơ thể rất tốt, bởi lẽ bản thân rau đắng cũng đã là một vị thuốc rất tốt cho việc giải độc cơ thể.

Miền Tây sông nước luôn nổi tiếng với những món ăn độc đáo, nhất là món ăn từ cá. Dù cách chế biến đơn giản, nguyên liệu dễ tìm nhưng món cháo cá lóc rau đắng đã đi sâu vào tiềm thức của khá nhiều người xa quê. Những khi trái gió trở trời lại thèm tô cháo cá lóc mẹ nấu, đó không chỉ là món ăn giải cảm mà còn là món ăn tinh thần của quê hương.

Mưu sinh với nghề nguy hiểm: Nghề đáy hàng khơi

[vanhoamientay.com]Người ta gọi những người đàn ông sống trong những chiếc chòi nhỏ được “máng” trên cột lưới giăng giữa biển khơi là bạn chòi. Vì mưu sinh, người làm nghề bạn chòi luôn phải đối mặt với nhiều bất trắc, thậm chí đánh đổi mạng sống của mình.

“Biệt giam” giữa biển

Đáy hàng khơi là nghề giăng những miệng lưới có đáy sâu trên biển, cách xa đất liền từ 5 hải lý trở ra. Lưới đáy được mắc vào những cây cột to, trên cột “treo” căn chòi “không thể nhỏ hơn” làm nơi tá túc cho những người giữ đáy, hay còn gọi là bạn chòi. Công việc của bạn chòi ngoài canh giữ lưới còn phải trông con nước để quyết định buông, kéo lưới, vì thế họ phải bám trụ ngày đêm giữa biển. Không chỉ bị tù túng “giống như biệt giam” trong căn chòi “quay mình là đụng vách”, môi trường sống của bạn chòi chứa đựng rất nhiều hiểm nguy.

“Đi biển đừng nói tới tai nạn. Nhất là mấy ông bạn chòi, nói tới rủi ro là người ta sợ…”, ông Nguyễn Thành Tài, ngư dân thị trấn cửa biển Cái Đôi Vàm (H.Phú Tân, Cà Mau), dặn tôi không nên gợi lại những chuyện không hay khi ra đáy để anh em bạn chòi yên tâm ở biển. Ông Tài nói, thậm chí mỗi khi có sóng gió bất thường hay xui rủi gặp tai nạn, bị tàu đâm… thì người biết tin cũng giấu bạn chòi. “Bởi kiếm bạn bây giờ khó lắm. Nghề khắt khe quá mà, nên rất nhiều người sợ”, ông Tài tâm sự.

Mạng sống “năm ăn, năm thua”

Nhiều năm nay, thỉnh thoảng lại có tin bạn chòi gặp nạn trên vùng biển Tây Nam, mà chủ yếu là bị rớt xuống biển. Người may mắn thì được cứu nhưng không phải ai cũng được may như vậy, nên dân đi biển nhiều người rất ớn nghề bạn chòi. “Mình đi tàu nếu có chuyện gì còn chạy vào đất liền, cặp vào đảo. Còn sống trên chòi giữa biển có chuyện gì thì lãnh đủ”, Nguyễn Nhật Hiện (40 tuổi, ngư dân xã Khánh Hải, H.Trần Văn Thời, Cà Mau) rùng mình khi nghe chúng tôi hỏi đến nghề bạn chòi.

 “Cũng vì miếng cơm manh áo thôi chú à. Ở đâu có nghề làm ra tiền thì có người làm thôi”, bạn chòi Trần Minh Hơi (38 tuổi, quê Trà Vinh) nói nhanh trong khói thuốc, như đã thủ sẵn câu trả lời khi chúng tôi hỏi đến nghề của anh. Không đợi chúng tôi nhắc, anh Hơi lắc đầu: “Vất vả kiếm cơm thì nhằm nhò gì. Té biển mới sợ chứ…”. Nghe anh Hơi nói, 3 bạn chòi khác cùng phá lên cười. Anh Hơi kể: “Mới tháng trước, mấy ông tàu cá chạy ẩu thế nào tông thẳng vào hàng đáy, có thằng bạn ngủ trên chòi không kịp trở tay, trôi mất!”.

Chuyện bạn chòi Trần Minh Hơi kể không phải là hiếm, nhưng cái cách kể tỉnh rụi của anh khiến người nghe không khỏi chột dạ. Dường như anh đang cố tỏ ra bình tĩnh, tỏ ra sẵn sàng khi ở trong môi trường hiểm nguy có thể đến bất cứ lúc nào.

Có quá nhiều lý do dẫn đến những bất trắc ập xuống với bạn chòi, mà giông lốc làm sập chòi là nỗi lo thường trực. Hầu như năm nào cũng có những bạn chòi tử nạn vì chòi sập. Tuy nhiên, lần sập chòi hàng loạt xảy ra hồi tháng 11.2009 là nỗi ám ảnh lớn nhất đối với những người làm nghề đáy hàng khơi ở H.Ngọc Hiển. Chỉ một trận mưa giông đã đánh sập gần 450 miệng đáy của người dân 3 xã Tam Giang, Tân Ân và Rạch Gốc. 67 bạn chòi bị rơi xuống biển. Rất may lúc đó chính quyền địa phương và bộ đội biên phòng đã tổ chức tàu tìm kiếm kịp thời cứu vớt được 65 người, đưa vào đất liền.

“Lốc xoáy thì mình còn đề phòng được. Sợ nhất là nửa đêm bị tàu đâm, đang ngủ không phản ứng kịp là chết như chơi”, bạn chòi Huỳnh Quốc Tuấn thổ lộ. Hầu như năm nào trên vùng biển Cà Mau cũng xảy ra những vụ tàu cá, tàu buôn đâm vào đáy hàng khơi. Tuấn kể, thời gian trước, một hàng đáy nằm phía ngoài đảo Hòn Khoai bị tàu buôn đâm vào, các bạn chòi bị hất văng xuống biển. Rất may là có tàu đánh cá gần đó cứu giúp. “Nhiều trường hợp xấu số thì cũng chịu thôi anh à. Như thằng bạn tôi cũng rơi xuống biển mất tích tới giờ…”, anh Tuấn nói.

Theo ông Nguyễn Thành Tài, những chủ đáy hàng khơi thường cập nhật thông tin thời tiết rất kỹ. Nếu dự báo thời tiết xấu thì trong đất liền sẽ có tàu ra đón các bạn chòi vào bờ. “Sóng cấp 4, cấp 5 là chúng tôi cho bạn chòi vô bờ rồi. Tuy nhiên, cũng có những bất trắc mà chủ đáy không lường trước được. Khi tai nạn xảy ra thì mạng sống của bạn chòi là năm ăn năm thua”, ông Tài cho biết.

Thường chủ đáy không trả lương cho bạn chòi mà ăn chia theo miệng đáy. Cứ 6 miệng đáy đổ được thì bạn chòi được chia 1 miệng. “Nếu trúng thì cũng được năm, ba trăm ngàn một ngày. Nếu thất thì vợ con trong đất liền phải mượn nợ thôi anh”, bạn chòi Quách Phi nói.

Ông Lý Hoàng Tiến, Bí thư Đảng ủy xã Đất Mũi (H.Ngọc Hiển) – địa phương có nhiều người dân làm nghề đáy hàng khơi – cho biết gần đây nhờ điều kiện liên lạc tốt hơn như bệnh hoạn, hay biển động, gió lốc… thì ngoài biển cũng thông tin vào để đất liền ứng cứu. “Tuy nhiên, những tai nạn rình rập thì không nói trước được. Mà bạn chòi là nghề dễ bị rình rập nhất”, ông Tiến cũng nói.

Theo Thanh Niên

Cháo nhộng ong, đậm đà hương vị thôn quê

[vanhoamientay.com] Món cháo nhộng ong nấu với nước cốt dừa được cho là ngon nhất, vị béo ngọt của nhộng ong, với vị béo ngậy của nước cốt dừa không lẫn với bất kỳ món nào trên cõi đời, đôi khi có tiền cũng không thể mua được.

Những ai từng ở thôn quê, từng bắt gặp tổ ong vò vẽ chắc không quên về những trò tinh nghịch của mình lúc nhỏ. Cái tính phá phách của trẻ con khi gặp tổ ong vò vẽ là muốn chọc phá trong sự hồi hộp lẫn thích thú hay chạy theo chân Cha đi đốt tổ ong mang về nấu cháo khuya. Và chắc cũng không ít người bị ong chích đau, để mà nhớ mãi kỷ niệm tuổi thơ của mình. Khi lớn khôn, dù có đi đâu cũng luôn nhớ về đất đai quê nhà. Nhớ loài ong chích rất đau,  nhớ nồi cháo nhộng ong khuya quá ngọt ngào.

Ở miệt vườn hoặc ở những khu rừng có nhiều loài ong như ong vàng, ong bắp cày… nhưng nhắc đến ong vò vẽ thì nhiều người tỏ ra khá “ngán” vì loại ong này dữ và khá độc. Tuy vậy, nhộng con của ong vò vẽ rất ngon và bổ dưỡng, nhất là cháo nhộng ong vò vẽ.

Nhộng ong gần giống như nhộng tầm nhưng nhỏ hơn, thường có màu trắng sữa, đây là món ăn thường chỉ xuất hiện khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 8 vì đây là thời gian ong làm tỗ.

Phát hiện tổ ong vò vẽ, người ta quan sát độ lớn của tổ ong để ước chừng có bao nhiêu tầng chứa ong non, quyết định lúc nào lấy tổ cho thích hợp.

Người thợ chuẩn bị cây rọi dài bằng cây tre hay cây tầm vong còn tươi để khi đốt có độ nghiêng, tránh ong rớt ngay trên đầu. Đầu cây rọi quấn giẽ khô tẩm dầu lửa hoặc xăng được buộc một cách chắc chắn vì đốt tổ ong phải kéo dài từ 5-7 phút. Người thợ đốt tổ ong cho ong thợ bị cháy cánh rớt xuống hoặc bay đi hết mới gỡ tổ ong, lấy nhộng mang về.

Đem tổ ong về bẻ ra từng giề để lấy nhộng và ong non. Những con nhộng non thường phủ một lớp mày khá dẽo. Khi gở hết lớp mày này là lúc thích nhất vì đây là thời khắc biết nhộng nhiều ít thế nào. Những con nhộng no tròn, mập ú và béo nhậy, đem nấu cháo thì ngon tuyệt.

Có đến 4 loại nhộng ong gồm nhộng thật non, nhộng trưởng thành, nhộng đã có chân thành hình một chú ong nhưng vẫn trắng và nhộng có màu vàng ngà. 4 loại nhộng này đều ăn được, nhưng nhộng thật non trong bụng còn một khúc ruột đen, người ta phải đem trụn nước sôi cho phần sữa trong bụng săn lại. Sau đó, ngắt đít nhộng kéo phần ruột đen ra ngoài.

Không những ngon bỗ mà món cháo này còn ngon ở một ý nghĩa khác đó chính không khí sum hợp gia đình, nấu món cháo nhộng ong này thường vào ban đêm, mỗi người một việc thật vui. Người làm ong, người nấu cháo, người nạo dừa.

Nước cốt đầu để riêng, chờ khi nấu xong nồi cháo mới đổ vào. Còn nước cốt dão cho vào nấu chung với gạo và chờ cho cháo thật nhừ. Nhộng ong đã làm sạch chỉ cần phi hành cho thơm và xào xơ, nêm thêm bột ngọt, một ít nước mắm ngon là cho vào nồi cháo. Lúc này người ta mới cho nước cốt đầu vào, tiêu, hành lá xác nhuyễn và mêm nếm lại là xong.

Muốn cho bữa cháo ong vò vẽ ngon miệng hơn người ta chừa lại một phần nhộng ong để xào với gốc hành. Món này ăn chung với cháo và làm như thế mới thưởng thức được hương vị nguyên bản nhất của nhộng ong vò vẽ.

Món cháo nhộng ong nấu với nước cốt dừa được cho là ngon nhất và ai ai cũng thích, cháo ăn cùng rau cải trời, rau má hái trong vườn, một chén nước mắm non dầm ớt. Những người thợ đốt ong sau khi trải qua giai đoạn mệt nhọc, húp chén cháo nhộng nóng hổi, béo béo thật sảng khoái. Vị béo ngọt của nhộng ong cộng với vị béo ngậy của nước cốt dừa đặc trưng không lẫn với bất kỳ món nào trên cõi đời. Những chén cháo nhộng ong vò vẽ ngon, bổ dưỡng rất riêng chỉ có ở miệt vườn, món ăn của ông cha từ thời kỳ khai hoang, đôi khi người có tiền cũng không mua được.

 Băng Tâm tổng hợp

Le le xào bầu – món ăn dân dã mà cao sang

[vanhoamientay.com] Thịt le le được coi là món ngon đại bổ, le le xào bầu được coi là món chính trong bữa cơm. Và nước chấm phải là thứ chua – cay – ngọt. Chỉ cần thưởng thức một lần thôi cũng sẽ nhớ mãi món ăn vừa dân dã vừa cao sang này…

Theo kinh nghiệm dân gian, thịt le le là một món ăn có đẳng cấp, một loại thực phẩm giá trị dinh dưỡng cao, có khả năng tăng cường sinh lực. Cũng chính vì vậy thịt le le từ lâu đã trở nên quý hiếm, giá cao hơn thịt vịt gắp nhiều lần. Giới sành điệu ẩm thực thì coi đây là “hàng độc”, nằm trong nhóm đại bổ

Thịt le le vừa ngon ngọt, vừa bổ dưỡng lại kết hợp với bầu nên càng đậm đà thi vị, vượt trội các loài gia cầm khác. Ở vùng bưng biền, các bà nội trợ thường chế biến le le thành nhiều món ngon độc đáo như nấu cháo, luộc, rôti nước dừa…đặc biệt là món “le le xào bầu”.

Le le là một loài chim trời, thường sống ở những đồng cỏ hoang vu, nơi có nhiều lung bào, nhất là ở Đồng Tháp và vùng tứ giác Long Xuyên.

Le le thân hình cũng giống như vịt nhưng con lớn nhất chỉ nặng khoảng 300g. Nếu so với vịt trời, le le có trọng lượng chỉ bằng phân nửa, nhưng thịt lại ngon, bổ và mắc hơn nhiều lần.

Thịt đem ướp thịt với tiêu, hành, tỏi. ớt, nước mắm, bột nêm và chút rượu độ 15 phút cho thấm đều. Kế đến bắc chảo lên xào cho đến khi thịt săn lại. Tiếp theo cho bầu vào xào chung, thêm nhiều hành cọng hoặc hành lá. Bầu, nên chọn những trái còn tươi, không quá non, cũng không quá già, gọt vỏ, xắt miếng nhỏ, dài chừng 5 cm.

Với bàn tay khéo léo của người nội trợ, món le le xào bầu có thể trở thành một món ăn hấp dẫn, vừa thơm ngon vừa quyến rũ. Sở dĩ bầu trở thành món ăn đa phong cách như thế bởi vừa mềm, ngọt dịu, đậm đà hương vị đồng quê. Một dĩa le le xào bầu vừa dọn ra đã bốc mùi thơm phức nhờ người nội trợ biết chăm chút từ cách xào, cách chọn gia vị và nêm nếm cho vừa ăn.

Nên nhớ, khi xào đừng để cho bầu chín quá sẽ mất ngon. Thịt bầu còn hơi giòn là hấp dẫn nhất. Le le xào bầu vừa ngon, ngọt, vừa đậm đà, mùi vị đặc trưng nhờ nước bầu và gia vị thấm vào thịt, đồng thời thịt cũng thấm vào bầu.

Theo Tuổi Trẻ
Thành công Sao chép đường dẫn thành công !!