Nguyễn Trung Trực 14 tuổi được phong thần?

[vanhoamientay.com]Một số người đã gán ghép cho Anh hùng Nguyễn Trung Trực những điều không đúng thực tế, không phù hợp với lịch sử. Trải qua nhiều năm, người thân của cụ nhiều lần đòi lại sự thật đúng với lịch sử nhưng các cơ quan chức năng vẫn không xem xét lại.

Những sắc phong khó hiểu

Trong đơn gởi các cơ quan báo chí, ông Nguyễn Khương Ninh (SN 1949, hậu duệ đời thứ năm của Anh hùng Nguyễn Trung Trực, hiện ngụ khu 2, thị trấn Cái Bè, Tiền Giang) đã nêu những nhầm lẫn của các cơ quan chức năng tỉnh Kiên Giang. Trong lễ hội kỷ niệm ngày cụ qua đời, có nghi thức hết sức quan trọng thu hút hàng ngàn người tham gia. Đó là lễ rước sắc thần kéo dài hàng cây số và kết thúc tại đền thờ Nguyễn Trung Trực. Những lần tìm hiểu, ông Ninh được Ban bảo vệ di tích đình Nguyễn Trung Trực (tại TP.Rạch Giá, Kiên Giang) cho biết, hiện đình có đến hai sắc thần gồm: Sắc thần Đại Càn quốc gia Nam Hải đại tướng quân do vua Tự Đức ấn phong năm 1852 và sắc phong Thần Hoàng Bổn Cảnh (được cho rằng phong cho Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực) do vua Tự Đức ấn phong cùng thời gian trên.

Theo tự điển tiếng Việt, sắc thần là loại sắc phong dùng để xác nhận phong thần do nhà vua phong tặng và xếp hạng cho các vị thần được thờ cúng trong các đình làng. Các vị thần được phong tặng có thể là nhân vật lịch sử có công với nước hoặc có công khai hoang lập làng… Việc cho rằng năm 1852, vua Tự Đức ấn phong cho Nguyễn Trung Trực là hoàn toàn không hợp lý bởi cụ sinh năm 1838. Lúc bấy giờ, cụ mới 14 tuổi chưa tham gia chống Pháp, chưa hy sinh làm sao được phong thần. Có cả văn bản của chính triều đình Huế, vua Tự Đức không biết gì về Nguyễn Trung Trực. Tác giả Nguyễn Nghị căn cứ “Cơ mật viện trích tư sự” đề ngày 6-2 năm Tự Đức 24 (1872) cho biết: “Mãi bốn năm sau khi Nguyễn Trung Trực mất, triều đình Huế mới có văn thư yêu cầu cứu xét rõ nguyên ủy, sự trạng của hai tên này (Nguyễn Trung Trực và Hồ Huân Nghiệp) xuất thân như thế nào, đã từng làm quan hay chưa, theo ai làm việc gì, chết ngày nào để xem có nên hay không nên tặng thưởng…”. Như vậy, rõ ràng cả hai sắc thần này đều không liên quan đến Nguyễn Trung Trực nhưng được để trang trọng ở đình và làm lễ rước hoành tráng.

Một cán bộ tỉnh Kiên Giang cho rằng Nguyễn Trung Trực là câu chuyện đẹp về lịch sử và truyền thống văn hóa của Nam bộ cần được minh định, vinh danh một cách khoa học chứ không được làm nhập nhằng. Ngôi đình trên nguyên là miếu thờ cá ông. Theo truyền thống dân gian, nơi nào cá ông lụy (chết dạt vào bờ) người dân đều lập miếu thờ do một nhóm ngư phủ xây dựng. Năm 1852, vua Tự Đức phong thần cho Đại Càn quốc gia Nam Hải đại tướng quân chính là cho ngôi đình này.

Năm 1868, Nguyễn Trung Trực bị tử hình, nhân dân tôn kính nhớ ơn nên sửa lại ngôi miếu và kín đáo làm một “bài vị” khắc tên cụ bằng chữ nho, an vị bên trong đền thờ thần Nam Hải. Để che mắt địch, ngày cúng kỵ cụ Nguyễn, người dân lấy hình thức bên ngoài là cúng thần Nam Hải. Có lẽ để phòng ngừa sự quy chụp chính trị của chính quyền thực dân nên người dân đã thờ cả bài vị của Phó quản cơ Nguyễn Hiền Điều, một vị tướng triều đình hy sinh khi dẹp thổ phỉ hàng chục năm trước khi Pháp chiếm Nam kỳ. Ông Ninh nhiều năm liền đề nghị các cơ quan chức năng, việc rước sắc thần, nếu có tổ chức thì phải xác định rõ là rước sắc thần Đại Càn quốc gia Nam Hải đại tướng quân như là ký ức về truyền thống văn hóa của ngôi đình chứ không phải là rước sắc vua phong cho Nguyễn Trung Trực.

Hậu duệ ở tận… Cà Mau

Thời gian dài, một số cơ quan chức năng thừa nhận giả thiết hết sức phi lý cho rằng, hậu duệ của cụ Nguyễn ở tận Cà Mau. Tháng 10-1988, Kiên Giang tổ chức Hội thảo khoa học về thân thế và sự nghiệp Anh hùng Nguyễn Trung Trực. Bà Nguyễn Thị Mỹ Thu (Giám đốc bảo tàng tỉnh Kiên Giang) và ông Dương Văn Cầu (cán bộ lịch sử tỉnh Kiên Giang) có bài tham luận: Thêm một phát hiện về thân thế Anh hùng Nguyễn Trung Trực, giới thiệu một chi hậu duệ khác của cụ Nguyễn ở xã Tân Thuận, Đầm Dơi, Cà Mau. Theo tông chi Tân Thuận (Minh Hải): Nguyễn Trung Trực là anh cả của tám anh em. Tiếp đó là hai người em gái, thứ tư là Nguyễn Công Khanh, thứ năm là Nguyễn Thành Luông, bà thứ sáu (không rõ), bà thứ bảy và Nguyễn Văn Thơ. Hiện tại, Cà Mau có sáu ngôi mộ chỉ thiếu mộ Nguyễn Trung Trực và người thứ sáu. Chi tộc này cho rằng, người thứ sáu bị thất lạc ở Long An là bà Nguyễn Thị Đạt. Cũng theo chi tộc này thì cha Nguyễn Trung Trực là Nguyễn Văn Phụng hay còn gọi là Nguyễn Cao Thăng và mẹ là Lê Kim Hồng. Thông tin gia phả của chi tộc này thì trong các anh em không có ông Nguyễn Trung Trụ.

Năm 2000, bà Nguyễn Thị Mỹ Thu chỉ đạo bà Nguyễn Thị Mai Lan đến tỉnh Cà Mau xác minh để xây mộ được cho là của thân phụ mẫu Nguyễn Trung Trực. Bà Thu còn đề xuất ban bảo vệ di tích đình Nguyễn Trung Trực ở Kiên Giang xuất chi 20.000.000 đồng để đem xuống Cà Mau cho dòng họ này xây dựng nhà mồ. Ngày 23-4-2001, UBND tỉnh Cà Mau ký quyết định số 406/UBND tỉnh kế hoạch xây dựng nhà mồ cho cụ Nguyễn Cao Thăng – thân phụ Nguyễn Trung Trực. Ngày 3-1-2002, các cơ quan chức năng khánh thành ngôi nhà mồ này được báo đài đưa tin.

Ông Nguyễn Khương Ninh đã khiếu nại giả thiết phi thực tế trên. Từ năm 1990, ông Ninh đã làm tờ trình kiến nghị chính quyền địa phương và Sở Văn hóa – Thể thao (VHTT) tỉnh Kiên Giang cho đi xác minh để làm sáng tỏ. Năm 1991, ông Mạc Liêm, Phó giám đốc sở chỉ đạo cán bộ sở cùng ông Ninh đi xác minh. Tổ xác minh kết luận: Dòng họ Bến Lức – Long An và dòng họ Cái Bè – Tiền Giang có thể là một, cụ Nguyễn Trung Trực thuộc dòng họ của hai chi này. Còn dòng họ Tân Thuận, Minh Hải (Cà Mau) không đủ cơ sở khoa học để chứng minh cụ Nguyễn Trung Trực thuộc dòng họ này. Để bảo vệ tính trung thực của lịch sử, đề nghị Sở VHTT và bảo tàng tỉnh Kiên Giang cần xem xét để chấn chỉnh sửa sai. Một chi tiết rõ nhất về sự bất hợp lý của chi tộc ở Cà Mau là tuổi của bà Đạt ở chi tộc này chỉ bằng tuổi con bà Đạt ở Long An.

Trong bức tâm thư gởi các cơ quan chức năng, ông Ninh tha thiết, những vấn đề liên quan đến cụ Nguyễn phải trả về đúng lịch sử và đúng sự thật. Mới đây, ngày 9-9-2014, Cục Di sản văn hóa, Bộ VHTT&DL có văn bản thông báo đã nhận đơn thư khiếu nại của ông Nguyễn Khương Ninh về các vấn đề liên quan đến nhân vật lịch sử Nguyễn Trung Trực. Cục đã chuyển thư kiến nghị bản sao đến Sở VHTT&DL Kiên Giang để xem xét giải quyết. Nhưng rất tiếc, đến nay sở vẫn chưa có trả lời và lễ kỷ niệm 146 năm mất Nguyễn Trung Trực vẫn làm sai ngày và vẫn tổ chức rước sắc thần Nguyễn Trung Trực.

Theo Báo Công An TPHCM
Thành công Sao chép đường dẫn thành công !!