Có thể bạn quan tâm

Bò nướng ngói Mỹ Xuyên

[vanhoamientay.com]Nguyên thủy người ta dùng miếng ngói cong bằng đất nung để nướng thịt bò, về sau miếng ngói được thay bằng miếng thiếc tráng inox dày như cái xẻng đào đất, vì thế có người còn gọi món ăn này là bò nướng xẻng.

Từ lâu rồi, bà con ở đây nuôi bò để lấy sức kéo và thịt bò cũng đã trở thành nguyên liệu chính để chế biến của nhiều món ăn như bò kho, bò xào khổ qua, bò nhúng giấm…; nhưng nổi tiếng nhất là bò nướng ngói.

Mời anh về xứ Mỹ Xuyên

Ăn bò nướng ngói thắm duyên Bãi Xàu.

Nguyên liệu chính của món ăn là thịt bò nạc loại ngon xắt mỏng, ướp bột ngọt, đường, muối, sả băm nhuyễn, thêm ít đậu phộng rang sạch vỏ… Ăn tới đâu nướng thịt tới đó.

Bánh tráng, bún, không thể thiếu khế chua, thơm, chuối chát, rau thơm, rau diếp cá, xà lách… Nước chấm cũng được chế biến công phu với mắm nêm trộn thơm, sả bằm nhuyễn, ớt…

Một cảm giác lạ lạ lan tỏa trong, tất cả hòa quyện với nhau tạo thành một hương vị hỗn hợp khá hấp dẫn : vị ngọt của thịt, vị béo của mỡ, đậu phộng, vị chát của chuối sống, vị chua của khế, thơm, vị mặn cay của mắm nêm… hòa quyện vào nhau, dấy lên hương vị quê hương mặn nồng.

Còn thú vị nào hơn khi tự tay nướng miếng thịt bò và thưởng thức ngay khi còn nóng, hãy chia sẽ cảm xúc ấy với bạn bè và người thân khi đến với thị trấn Mỹ Xuyên.

Theo Vietnamnet

Về Tây Đô thăm chợ nổi Cái Răng

[vanhoamientay.com] Chợ nổi cái Răng lâu nay được du khách trong và ngoài nước biết đến là một trong hai chợ trên sông nổi tiếng nhất miền Tây Nam Bộ. Nhiều người cho rằng, đến Cần Thơ mà chưa đi chợ nổi Cái Răng thì kể như chưa biết gì về “thủ phủ” cũ của Tây Đô.

Còn gì thú vị hơn khi một sớm mùa xuân được tận hưởng cảm giác bồng bềnh trên sông Hậu ngắm bình minh Tây Đô, nghe hò Nam Bộ và thăm chợ nổi Cái Răng – nét đặc trưng văn hóa sông nước Cửu Long.

Mới tờ mờ sáng, từ bến Ninh Kiều (thành phố Cần Thơ – thủ phủ của Tây Đô cũ) hướng tầm mắt ra dòng Hậu Giang hiền hòa, thơ mộng đã thấy những chiếc ghe chất đầy ắp sản vật chạy ngược xuôi. Ở miền Tây, do sông ngòi chẳng chịt nên ghe, xuồng trở thành phương tiện đi lại chủ yếu của người dân, giống như xe máy ở chốn thành thị.

Tuy nhiên, đây chính là một trong những “đặc sản” cuốn hút du khách tới thăm vùng đất này. Bởi còn gì thú vị hơn khi được tận hưởng cảm giác bồng bềnh trên sông Hậu ngắm bình minh, cảnh vật và con người vùng sông nước Cửu Long.

Ngồi trên thuyền tới thăm quan chợ nổi Cái Răng, du khách còn được hướng dẫn viên người địa phương đưa về thăm thôn xóm, vườn cây ăn trái, hòa vào cuộc sống bình dị nhưng chan chứa tình làng nghĩa xóm của người dân nơi đây qua câu hò Cần Thơ. Sau mỗi câu hò mộc mạc là những tiếng vỗ tay tán thưởng dành cho loại hình nghệ thuật độc đáo này.

“Hò ơ… ơ… ơ… Trai nào bảnh bằng trai Nhơn Ái

Đầu thì hớt chải tóc tém bảy ba

Mặc piyama khăn rằn quấn cổ

Thấy cô em gái Ba Xuyên ngồ ngộ

Muốn cùng em thổ lộ đôi lời

Cấy cày cực lắm em ơi

Theo anh về vườn ăn trái mà suốt đời ấm no”

Nằm cách trung tâm thành phố Cần Thơ chừng 5-6 km, chợ nổi Cái Răng đang trở thành địa điểm du lịch lý tưởng cho khách du lịch đến với miền đất Tây Đô. Chợ họp đông nhất vào lúc 6h sáng, kết thúc lúc 8-9h, với hàng trăm ghe lớn nhỏ mua bán các loại trái cây và nông sản của vùng quê sông nước này.

Nói về tên Cái Răng, có nhiều cách giải thích khác nhau. Có giai thoại cho rằng ngày xưa vùng này có con cá sấu lớn, răng của nó cắm vào mỏm sông nên gọi là Cái Răng. Theo cụ Vương Hồng Sển thì tên Cái Răng có nguồn gốc từ chữ “cà ràng” đọc trại mà ra. Hướng dẫn viên thì kể, ngày xưa trên dòng sông này có đôi tình nhân yêu nhau tha thiết. Một hôm, cô gái bị một con cá sấu lớn ăn thịt. Chàng trai bèn giết chết cá sấu trả thù cho người yêu. Chàng lột da, chặt con sấu ra nhiều mảnh. Cái răng của con cá sấu nằm ở khúc sông này, còn da và đầu sấu nằm ở khúc sông phía trên nên có cây cầu tên Cái Da và Đầu Sấu. Giai thoại tuy có vẻ rùng rợn nhưng du khách lại thích câu chuyện tình yêu, lãng mạn nơi dòng sông lao xao này hơn.

Do không thể rao hàng nên người dân nơi đây nghĩ ra một cách “quảng cáo” rất hiệu quả và dễ thấy. Trên mỗi thuyền, người ta cắm một chiếc sào cao, treo tất cả hàng hóa muốn bán lên đó và gọi là treo bẹo. Do đó, từ xa, người mua có thể nhận ra thuyền chở loại hàng mình cần và tấp tới nhập hàng.

Cũng giống như trên bờ, ở chợ nổi không chỉ có hàng trái cây mà còn có cả những chiếc thuyền, ghe chở hủ tiếu, cà phê, thuốc lá, bia, tạp phẩm… phục vụ cho những tiểu thương trên sông. Những “tài xế” này điêu luyện tới mức có thể dùng chân điều khiển ghe len lỏi khắp nơi phục vụ khách có nhu cầu.

Điều cuốn hút du khách hơn cả chính là việc vừa thăm chợ nổi vừa được thưởng thức các sản vật vùng sông nước ngay trên chính các ghe hàng của người dân nơi đây bằng tình cảm nồng ấm, trìu mến của người miền Tây.

Theo Vnexpress

Lúc nhúc rắn, lổm ngổm cua và bạt ngàn chuột… tại chợ miền Tây

Vào mùa lũ, ở miền Tây xuất hiện những khu chợ chuyên bán đặc sản săn bắt được nhờ nước lên, như lươn, rắn, rùa, chuột, ốc, cua… Khi lũ rút, những chợ này cũng vắng khách dần người ta gọi là chợ miền Tây.

Rắn được bán tại rất nhiều nơi ở miền Tây, từ chợ lớn đến chợ nhỏ, nhưng nổi tiếng nhất là các chợ vùng biên giới An Giang. Anh Nguyên Văn Tuấn, chủ cơ sở thu mua rắn ở chợ Khánh An, huyện An Phú (An Giang) cho biết, cứ từ tháng 7 đến tháng 11 hàng năm là cơ sở anh tăng cường nhân công để mua, bán mặt hàng này.

Bà Lương Thị Của, hơn 5 năm trong nghề kinh doanh rắn ở chợ xã Vĩnh Hội Đông, huyện An phú – An Giang thì cho biết, mặt hàng này chưa bao giờ vắng khách mua. Hiện mỗi ngày bà bán đến vài trăm kg rắn cho thương lái ở TP.HCM và các tỉnh miền Tây. Giá cao nhất là rắn ri voi với 550.000 đồng/kg, các loại khác như rắn trun là 150.000 đồng /kg, hổ ngựa 200.000 đồng/kg, rắn bông súng 110.000 đồng/kg…

Năm nay ngoài những loại thông thường còn có cả loại rắn lục đuôi đỏ (loại cực độc, thường tấn công người dân nhiều nơi ở đồng bằng sông Cửu Long gần đây) được người dân Campuchia mang qua bán để phục vụ ngâm rượu và làm thuốc cho nam giới, với giá từ 50.000 đến 100.000 đồng/con tùy trọng lượng.

Rắn mối cũng khá đắt hàng với giá bán từ 80.000 -90.000 đồng/kg. Loài này phần lớn được nhập từ Campuchia với số lượng rất lớn mỗi ngày.

Mùa lũ cũng là mùa nhiều điểm bán rùa mọc lên. Các loại rùa quý hiếm cũng có mặt tại chợ, với giá bán từ 280.000 đến 350.000 đồng/kg, nhưng phần nhiều khách hàng là các nhà hàng, quán ăn lớn.

Bà Ngô Phương Mai, bán rùa tại chợ Khánh An, cho biết, cứ vào mùa nước nổi là bà sang Campuchia mua rùa về bán, vì loài này trong nước giờ rất hiếm. Giá rùa mùa lũ thường rẻ bằng một nửa so với các tháng khô.

Chuột đồng ở miền Tây có quanh năm, nhưng nhiều nhất vẫn tập trung trong mùa lũ, do đồng ruộng ngập nước, chuột phải chạy lên các gò cao, thuận tiện cho việc săn bắt. Chợ Phù Dật ở xã Bình Long, huyện Châu Phú (An Giang) được xem là chợ chuột lớn nhất miền Tây. Mỗi ngày nơi đây cung cấp hàng chục tấn chuột đồng cho các quán nhậu ở ĐBSCL và TP.HCM.

Giá chuột trong mùa nước nổi vì thế cũng rẻ hơn, chuột sống từ 45.000 đến 55.000 đồng/kg, chuột làm sạch 90.000 đến 120.000 đồng/kg.

Chợ cua đồng Trường Xuân, huyện Tháp Mười – Đồng Tháp được xem là chợ cua lớn nhất miền Tây. Vào thời điểm này, mỗi ngày nơi đây tập kết hơn 100 tấn cua lớn nhỏ để vận chuyển lên TP.HCM và các tỉnh thành trong khu vực

Giá cua mùa lũ loại thấp nhất chỉ từ 5.000 đến 6.000 đồng/kg. Anh Trương Nguyễn Cảnh, ở huyện Tân Hưng – Long An, cho biết, mỗi ngày anh đặt 400 cái lợp (dụng cụ bắt cua) bắt trên 150 kg cua rồi chuyển về chợ bán sỉ cho thương lái.

Chợ ốc đồng ở thị trấn Long Bình – An Giang cũng là nơi mua bán ốc lớn nhất miền Tây, mỗi ngày nơi đây thu mua và bán sỉ hàng chục tấn ốc cho nhu cầu các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và TP.HCM.

Chợ cá linh non mùa lũ ở huyện An Phú, dù họp dã chiến nhưng chính là nơi thu mua cá linh lớn nhất để phân phối đi các nơi. Hàng ngày, ngoài ngư dân miền Tây còn có nhiều ngư dân Campuchia mang cá sang bán.

Cùng với các chợ rùa rắn, côn trùng, thủy hải sản, nhiều nhóm chợ nhỏ mua, bán sỉ các mặt hàng rau, hoa thủy sinh trong mùa lũ như bông súng, điên điển cũng được lập ở ven bến sông các vùng biên giới An Giang và Đồng Tháp.

Ở tất cả các chợ lẻ, mùa này bông điên điển là loại chiếm số lượng lớn nhất tại các quầy rau củ, với giá khoảng 40.000 đồng/kg

Theo Baomoi

Phụ nữ nên làm việc nhẹ nhàng

[vanhoamientay.com] Phụ nữ chỉ nên làm việc nhẹ nhàng thôi

Một ông chồng tâm sự với bạn:

– Cậu biết không, phụ nữ cần được làm những công việc nhẹ nhàng. Như vợ tớ chẳng hạn, mỗi ngày cô ấy mang trên tay không quá một kg.

– Thế cô ấy làm việc gì?

– Bán vé số!

st

Làng nghề bánh tráng Thuận Hưng Cần Thơ

[vanhoamientay.com] Làng nghề bánh tráng Thuận Hưng ( Thốt Nốt – Cần Thơ ) có hơn 300 lò làm bánh tráng đỏ lửa suốt ngày đêm mà vẫn không đủ hàng cung cấp cho các thương lái theo đơn đặt hàng. Bánh tráng Thuận Hưng giờ không còn quẩn quanh ở các tỉnh ĐBSCL mà đã có mặt và được ưa chuộng ở thị trường Campuchia.

Nghề làm bánh tráng ở đây đã có thâm niên trên 50 năm. Mới đầu chỉ có vài hộ làm bánh bán Tết. Sau đó vì bánh ngon, nhiều người biết tiếng tìm đến đặt hàng nên các lò bánh ngày càng mọc lên nhiều và phát triển mạnh trong khoảng 10 năm trở lại đây, lò bánh tập trung nhiều ở các ấp Tân Lợi 3, Tân Phú và Tân Thạnh. Nhiều gia đình khá, giàu nhờ nghề làm bánh tráng.

Bánh tráng Thuận Hưng được phân biệt theo 4 loại: bánh dịu (bánh mặn), bánh xốp (bánh lạt), bánh nem và bánh dừa. Bánh dịu là bánh để nhiều muối và giữ được lâu hơn so với bánh xốp. Bánh xốp để ít muối. Bánh nem là bánh có kích cỡ nhỏ. Bánh dừa là bánh có pha thêm nước dừa và mè. Tùy theo đơn đặt hàng, mỗi loại có thể có nhiều kích cỡ khác nhau: 3,2 tấc, 3,5 tấc, 3,8 tấc và bánh đại (hơn 3,8 tấc)..

Muốn cho bánh thơm ngon, không quá dai, không bở, để được lâu, phải chọn gạo của vùng Thốt Nốt. Khi xay gạo không được chọn loại mới thu hoạch hoặc để quá lâu ngày. Lấy gạo đó đem ngâm rồi đem xay thành bột mịn. Sau đó, lọc đi nước chua và pha bột với nước sao cho vừa, không loãng cũng không được đặc quá. Pha thêm chút muối để vị bánh đậm đà hơn. Lò tráng bánh cũng lắm công phu, gồm 3 phần liên thông, một phần để đưa củi, nhóm lửa, phần kia là chiếc nồi nước lớn có căng lớp vải mỏng bên trên để tráng bánh và phần cuối cùng là ống khói.

Lửa cho lò tráng bánh cũng phải chú ý, không được lớn, chỉ được để liu riu mà thôi. Tay tráng bánh phải nhanh, đều thì bánh mới tròn, mỏng đều mà khi lấy bánh mới không bị nát. Nghề làm bánh lại còn phải trông trời, canh cây cỏ, nhìn giọt sương để biết ngày mai nắng lớn hay âm u để tráng bánh trong đêm, rồi đem phơi bánh ngay khi nắng vừa lên. Phơi bánh, gỡ bánh cũng là một nghệ thuật. Để có chiếc bánh còn nguyên vẹn, không cong vênh, người phơi phải biết canh nắng để gỡ cho đúng lúc. Sau đó, xếp bánh thành từng chục rồi dằn cho bằng mặt trước khi giao hàng.

Loại bánh lạt để nhúng, mỗi khi tết về nhà nhà đều mua để dùng, bánh lấy ra đem nhúng nước cho ướt mà độ ướt cũng vừa phải nếu không bánh sẽ mềm sau đó ăn kèm với cá nướng, rau sống, rau củ xào… quấn lại giống như gỏi cuốn chấm với nước mấm chua chua ngọt ngọt, cảm giác thật lạ và ngon. Đây cũng là món ăn đặc trưng của người dân Nam Bộ ngày tết.

Với những thuận lợi về nguồn nguyên liệu sẵn có, lực lượng lao động dồi dào, nhiều năm kinh nghiệm trong nghề, thị trường tiêu thụ đang mở rộng…, làng nghề bánh tráng Thuận Hưng hứa hẹn nhiều tiềm năng phát triển trong thời gian tới. Vì vậy, việc xây dựng và quảng bá thương hiệu “Bánh tráng Thuận Hưng” là kỳ vọng chính đáng và cần thiết mà chính quyền và người dân Thuận Hưng cần sớm triển khai thực hiện.

Băng Tâm tổng hợp

Điều các ông chồng mong đợi

[vanhoamientay.com] Các ông chồng sẽ làm gì nếu biết vợ mình ngoại tình?

Ba người đàn ông hẹn nhau đi nhậu nhẹt sau nhiều ngày không gặp.

Sau khi ngà ngà hơi men, cả ba bắt đầu hàn huyên về đời sống vợ chồng. Anh chàng đầu tiên mở lời:

– Các cậu sẽ làm gì nếu một ngày biết vợ mình ngoại tình?

Chàng thứ hai không giấu nổi vẻ bực tức:

– Tôi sẽ lập tức ly dị cô ta!

Anh chàng còn lại:

– Tôi sẽ tha thứ cho vợ tôi nếu cô ấy hối hận về việc mình làm.

Anh chàng đầu tiên cười ý nhị:

– Với tôi, đó lại là điều tôi mong đợi…

– Cậu có bị làm sao không thế? – Hai anh kia phẫn nộ.

– Vì đó là lúc thích hợp để nói tớ cũng ngoại tình!

st

Làng nghề Vĩnh Hựu, làng nghề bó chổi

Làng nghề Vĩnh Hựu – “Xóm chổi” ngày nào bây giờ đã trở thành làng nghề Vĩnh Hựu thực thụ. Làng nghề bó chổi Vĩnh Hựu, huyện Gò Công Tây, Tiền Giang nằm dọc theo con kênh Vàm Giồng êm đềm quanh năm rợp mát bóng dừa. Nơi đây có diện tích vườn dừa nhiều nhất của huyện.

Làng nghề Vĩnh Hựu, làng nghề bó chổi

Câu chuyện của Chổi

Nghề bó chổi que dừa ở Vĩnh Hựu đã có từ lâu, thời gian đầu chỉ có vài chục hộ, nhưng đến nay đã phát triển rất mạnh.
Lúc đầu người ta dùng cây ráng mọc hoang dại theo mương rạch, dòng kênh và sông cửa Tiểu. Có lúc phải bơi xuồng đến tận vùng giáp biển Tân Thành đem về phơi khô rồi dùng dây lạt dừa nước (dây lạt dừa nước là vỏ của phần dưới thân cây dừa nước chẻ nhỏ, đem phơi), bó thành chổi để quét nhà.
Vì cây ráng là cây mọc hoang nên dần dà nguồn nguyên liệu làm chổi bị hiếm, hơn nữa cây chổi làm từ nguyên liệu này dáng bị thô. Nên người ta hay thế bằng tàu cau.
Trước đây, cây cau được nhà vườn sử dụng triệt để vì ngoài tàu cau dùng làm chổi, thân cau già còn dùng để cất nhà, che trại. Trái cau dùng ăn trầu, không thể thiếu trong các tiệc cưới, hỏi. Cau tươi không sử dụng hết sẽ được tách ra lấy ruột phơi khô bảo quản. Cau khô còn được dùng trong công nghệ nhuộm nên lúc bấy giờ.

Do chiến tranh loạn lạc, vùng Vĩnh Hựu là trọng điểm đánh phá ác liệt của địch nên vườn cau điêu tàn, nguồn nguyên liệu cạn kiệt.

Nhiều người không thể bỏ nghề truyền thống, họ dần chuyển qua bó chổi bằng que dừa. Nghề bó chổi bằng que dừa bắt đầu thịnh hành sau những năm đầu thập niên 70.

Nghề bó chổi bằng que dừa bắt đầu thịnh hành sau những năm đầu thập niên 70

Câu chuyện của làng nghề

Nghề bó chổi que dừa ở làng nghề Vĩnh Hựu đã có từ lâu, Theo các cụ cao niên trong xã cho biết, nghề bó chổi đã xuất hiện ở địa phương từ khoảng thập niên 40 của thế kỷ XX. Thời gian đầu chỉ có vài chục hộ, nhưng đến nay đã phát triển rất mạnh.

Tuy không được nhắc đến ồn ào, nhưng cây chổi que dừa của bà con ở làng nghề Vĩnh Hựu đã giải quyết việc làm cho hàng trăm người dân ở một làng quê nông thôn mới.

Đến các ấp Bình An, Phú Quý, Thạnh Thới, bạn cũng sẽ bắt gặp cảnh các chị em cùng ngồi bên nhau để bó những cây chổi từ que dừa rất nhộn nhịp.
Chổi que dừa của làng nghề Vĩnh Hựu đã có mặt khắp các nơi từ các tỉnh miền Đông đến vùng châu thổ đồng bằng sông Cửu Long làm nên “thương hiệu” cho một vùng đất.

Người bó chổi sau khi có nguyên liệu từ que dừa, còn phải sắm thêm dây gân (dây nylon loại dùng câu cá) buộc và vót cây trúc thành những tấm mỏng vừa phải, dày độ 2 mm để bó cặp theo thân chổi cho chắc chắn.
Công đoạn để sản xuất chổi bắt đầu từ làm “mái” – tức bộ phận dùng để quét. Đó là việc kết que dừa lại với nhau và ốp với miếng bẹ dừa, thân trúc đã chẻ đủ độ dài để hình thành sơ bộ hình dáng chiếc chổi. Công việc này đòi hỏi phải khéo tay.

Có mặt khắp các nơi từ các tỉnh miền Đông đến vùng châu thổ đồng bằng sông Cửu Long.

Sau khi đã có “mái”, có thể chuyển giao tiếp cho các lao động nhỏ tuổi hơn để làm “cán”. Bấy giờ, với một cây cọc chôn sâu phía trước nối những sợi dây gân và chiếc búa nhỏ để trợ lực, người thợ sẽ chọn những thanh bẹ ngắn hơn, một đầu vót nhọn hình mũi tên để chèn thêm vào thân và cán chổi cho no đầy, rồi buộc chắc lại cho tròn trịa, vừa tay người cầm. Tiếp đó là công đoạn nện cho chặt những thanh bẹ dừa chẻ nhỏ vào thân chổi.

Công đoạn cuối, người thợ sẽ kiểm tra lại toàn bộ các chỗ buộc, chỉnh sửa cho hình dáng cây chổi bung ra đẹp mắt và sẽ cắt bỏ những phần dư thừa, làm chổi gọn và tiện cho người sử dụng.
Nhiều khi, qua công đoạn cắt tỉa này, phần dôi ra có thể tận dụng để làm những chiếc chổi nhỏ hơn, tăng thêm thu nhập cho người lao động.

Bình thường, một người lao động có thể bó được hơn 20 cây chổi, người thâm niên tuổi nghề thì bó rất nhanh và khéo, hơn 30 cây mỗi ngày.

Sản phẩm chổi que dừa của làng nghề Vĩnh Hựu đã có mặt khắp các nơi từ các tỉnh miền Đông đến vùng châu thổ đồng bằng sông Cửu Long.

Làng nghề bó chổi ở Vĩnh Hựu đã tồn tại hơn nửa thế kỷ. Ở mỗi giai đoạn, người làm ra chổi không ngừng cải tiến và hoàn thiện sao cho vừa đẹp vừa bền, tạo sự tin dùng cho khách hàng.
Gần đây có thêm một sáng kiến mới ở làng nghề Vĩnh Hựu, người ta dùng que dừa pha trộn với que lá dừa nước (lá lợp nhà) để tạo ra cây chổi có độ bền, chắc và tận dụng nguồn nguyên liệu dồi dào sẵn có ở địa phương.

Thành công Sao chép đường dẫn thành công !!