Có thể bạn quan tâm

Biện pháp hữu hiệu giúp sống thọ

[vanhoamientay.com] Theo bạn biện pháp sống thọ là gì?

Khách khứa cũng như bạn bè, ai cũng hết lời khen đám cưới vàng của ông chủ nọ.

Mặc dù đã bước sang tuổi thất thập, song trông ông cũng còn rất trẻ trung và hoạt bát. Có vị khách tò mò, hỏi:

– Thưa ngài bí quyết gì khiến ngài có thể giữ được trẻ trung đến như vậy?

– Đó là khí trong lành!

Thấy vị khách có vẻ chưa hiểu, ông chủ tiếp lời:

– Khi cưới nhau, chúng tôi đã thỏa thuận trước với nhau rằng nếu có dấu hiệu sắp bùng nổ “chiến sự” giữa vợ chồng thì một trong hai phải chạy ngay ra khỏi nhà. Do đó mà nhiều năm nay tôi được hít thở bầu không khí trong lành.

– Ồ thì ra là vậy!

st

Xuồng ba lá, văn hóa miền sông nước

Từ nhiều đời nay, phương tiện chủ yếu để đi lại, làm ăn của người dân vùng sông nước Cửu Long Giang là ghe xuồng, mà chiếc xuồng ba lá mang nét đặc trưng rất độc đáo. Cư ngụ giữa vùng sông nước, dù nhà nghèo ít nhất cũng có một chiếc xuồng ba lá.

Xuồng ba lá được coi là phương tiện mang tính văn minh sông nước ở một vùng phù sa trẻ, xứ ruộng sình kinh ngập, mùa mưa lũ kéo dài tới 6 tháng mỗi năm.

Xưa, vùng đất sình lầy quanh năm ngập nước này đường bộ rất ít, kênh rạch thì dọc ngang. Kênh rạch đi vào tận trước cửa mỗi nhà. Mùa lũ và những đợt triều cường càng khó khăn cho người dân đi lại. Người dân vùng Đồng Tháp Mười còn nhớ câu hò quen thuộc:

Dẫu xuồng ba lá lênh đênh
Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi
Anh ơi chớ ngại ngần chi
Ngồi xuồng ba lá giữa kỳ nước lên.

Nơi đây, tại các vùng làm ăn, cư trú, sinh hoạt của người dân hầu như quanh năm sình lầy, ngập nước, đường bộ khó bồi đắp và hiếm hoi, chỉ có xuồng ba lá làm phương tiện đi lại hữu dụng, phổ biến ở mọi vùng quê.

Từ nhà ra vườn cũng phải đi bằng xuồng. Hàng xóm đến với nhau cũng bằng xuồng. Ở những làng quê nghèo, thông dụng nhất vẫn là xuồng ba lá. Người ta gọi xuồng ba lá là đôi chân của người dân vùng sông nước Nam bộ. Và cũng như thế, còn gọi là ” đi bằng tay “ chỉ cần hai tay chèo xuồng là đi gần đi xa đều có xuồng nâng bước. Có những chàng trai, cô gái miệt vườn siêu nghệ, chỉ cần ngồi trên xuồng dùng hai bàn chân chèo xuồng ba lá, cho xuồng lướt nhẹ trên dòng nước trong xanh và thơ mộng. Nhà ai không sắm được xuồng ba lá, cứ như bị cột chân. Nghèo đến mấy, tối thiểu trong nhà cũng phải sắm được một chiếc xuồng ba lá.

Xuồng ba lá nguyên gốc ban đầu, theo chiều dọc chiếc xuồng, được đóng bằng ba mảnh ván phẳng, đẹp và chắc. Một mảnh rộng (to bản) hơn được dùng làm đáy xuồng, hay còn gọi là lồng xuồng. Hai mảnh hai bên làm mạn xuồng, địa phương gọi là be xuồng. Thế là ba lá. Có một nhà thơ đã viết:

Chiếc xuồng ba lá quê ta
Mảnh mai như chiếc lá đa giữa dòng
Liềm trăng sông nước cong cong
Nhỏ nhoi mà vẫn ngược dòng lũ dâng

Riết rồi, theo bao thời cuộc và năm tháng, gỗ rừng ngày càng khan hiếm và đắt đỏ, người đóng xuồng ba lá buộc phải nghĩ cách ghép nhiều mảnh ván lại, mới đóng được chiếc xuồng, cũng vẫn gọi xuồng ba lá. Công nghệ cao hiện nay, người ta còn làm ra xuồng bằng các loại vật liệu hợp kim và vật liệu hợp chất phi kim loại. Gần đây đã thấy trên kênh rạch có khá nhiều xuồng làm bằng vật liệu compozite.

Tuy làm bằng nhiều cách thức khác nhau, tác dụng của chiếc xuồng ba lá đối với người dân vùng sông nước Nam bộ vẫn nguyên giá trị, vẫn là truyền thống được kế thừa, vẫn giữ được nét độc đáo trong làm ăn và sinh hoạt của người dân nơi đây. Nhiều người vẫn nhớ câu ca được cải biên từ một điệu lý: …

Nhà anh cách nhà em hai kinh một rạch
Anh ngó thấy em tóc dài buông hờ bà ba tím
Anh nghèo chưa sắm xuồng ba lá
Chẳng đành lội kinh dính sình sang bển gặp em
Thì mai anh sang nhà Năm Cua mượn xuồng ba lá

Nay khắp vùng đồng bằng châu thổ Cửu Long Giang đã mở mang nhiều tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ, liên thôn, liên xã. Dọc theo hai bên bờ kênh nay cũng đường bộ, cầu bê tông, xe honđa, xe đạp chạy vèo vèo. Thế nhưng, trên kênh rạch, nhất là các bến đò, chợ nổi vẫn không thể vắng bóng xuồng ba lá. Du khách mọi miền đất nước và cả khách du lịch nước ngoài về với miền Tây Nam bộ có nhiều người muốn ngồi trên xuồng ba lá đi du ngoạn trên dòng kênh thanh bình, khỏa tay xuống dòng nước mát lành, hoặc trong đêm miệt vườn ngắm trăng soi dòng kênh lấp lánh, một nét quê hương ai cũng lắng đọng nhớ thương, ai đi xa cũng nhớ về

Theo mekongculture

Làng hoa kiểng Sa Đéc

[vanhoamientay.com]Làng hoa kiểng Sa Đéc – một trong những trung tâm hoa kiểng của miền Nam, nằm trên địa phận xã Tân Quy Đông, thị xã Sa Đéc, rộng khoảng 60 ha, với 600 hộ – 3.600 lao động chuyên trồng hoa và cây cảnh.

Khi cánh én bay về báo hiệu mùa xuân đã đến, cũng là lúc Làng hoa kiểng Sa Đéc vào hội. Từng đoàn tàu, xe tấp nập đổ về. Đủ các loài hoa, kiểng khoe sắc hối hả theo nhau chảy về TP Hồ Chí Minh và các tỉnh bạn để khoe sắc, khoe màu trong những ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Đến với làng hoa Sa Đéc bên bờ sông Tiền quanh năm lộng gió, màu mỡ phù sa, ngập tràn ánh nắng, là xứ sở của hàng trăm loài “kỳ hoa dị thảo”.

Du khách có thể thấy ở đây các loại cây kiểng quí hiếm, tuổi thọ hàng trăm năm. Có những loại cây rất bình dị gần gũi với đời sống người lao động như: khế, cau, bùm sụm, sung, si, mai… qua bàn tay khéo léo, cần mẫn, tài hoa, với tâm hồn nghệ sĩ của các nghệ nhân đã trở thành những cây kiểng quí, có hình dáng đẹp, lạ.

Ở làng hoa này – ngôi làng có 4 mùa xuân, dù bất cứ tháng nào trong năm bạn cũng được ngắm thỏa thích cả một rừng hoa với đủ màu sắc, hương thơm. Đặc biệt nơi đây còn lưu giữ được khoảng 50 giống hoa hồng: hồng nhung đỏ thắm, mượt mà; hồng tím sen; hồng phấn; hồng gạch tôm, hồng gạch tôm đậm; hồng trong đỏ ngoài vàng; hồng phớt; hồng cam; hồng trắng; hồng vàng hột gà…

Hoa kiểng không chỉ cho màu sắc, hưng thơm mà còn dùng để trang trí nội thất, tạo cảnh quan cho công viên, cơ quan, công sở, công trình văn hoá, nhà ở. Ngoài ra một số loài có dược tính dùng để chữa bệnh. Làng hoa kiểng Sa Đéc, một trong những điểm du lịch hấp dẫn, chắc chắn sẽ làm thoả lòng du khách khi đến với tỉnh Đồng Tháp sen hồng.

Theo Báo Đồng Tháp

Di Tích Chùa Trà Tim

Từ trên không nhìn xuống, di tích chùa Trà Tim và sân bay Sóc Trăng như cùng nằm trên một chiếc tàu thủy khổng lồ, mà ngôi chùa nằm án ngữ ở phía mũi tàu (từ hướng Bạc Liêu), còn sân bay nằm ở phía sau.

Chùa Trà Tim đã được khởi dựng cách nay gần 500 năm trên một vùng đất cát giồng cao ráo, tọa lạc trên khuôn viên rộng 38.631m2 với hàng trăm gốc sao, dầu cổ thụ và có một vòng rào bao quanh ngăn cách với bên ngoài.

Sau nhiều lần trùng tu, ngôi chùa được nâng cấp khang trang. Cổng chùa nhìn sang hướng Đông với kiến trúc bằng bê tông, vòm cổng là một khối hình 03 ngọn tháp với hoa văn đắp nổi, chân cổng có tượng hai con rồng 07 đầu hai bên mà phần thân rồng được kéo dài vào trong thành hai bờ lan can, trên có mái che cho khách ngồi nghỉ mát.

Từ cổng, một con đường láng xi măng rộng 4m đi thẳng vào chùa lần lượt qua các công trình chính điện, nhà hội (sà la), trường Pali, tháp cốt, nhà thiêu đều mang đậm phong cách họa tiết của Khmer Nam bộ… Chính điện là nơi phụng thờ Đức Phật Thích ca nên bao giờ cũng là công trình đồ sộ nhất, giữ vị trí trung tâm trong tổng thể ngôi chùa. Công trình vươn thẳng uy nghi trên một nền cao hơn mặt đất 2,60 m gồm có hai cửa cái quay về hướng Đông và hai cửa sau quay về hướng Tây. Nóc mái chính điện cao chừng 1,5m được nâng bằng cột tròn bê tông cao khoảng 6m, đầu cột có gắn một tượng thần mình chim có cánh, tư thế đang bay, hai tay nâng đỡ mái giúp cho công trình trông có vẻ thanh thoát, nhẹ nhàng hơn, bộ cột này cách đều vách trong tạo thành những hành lang, du khách có thể dạo quanh ngắm cảnh chùa trước khi bước vào bên trong điện thất.

Chẳng những là nơi thờ phụng, mà từ lâu chùa Trà Tim đã là cơ sở của lực lượng cách mạng trong những cuộc tiến đánh sân bay Sóc Trăng (1963, 1973). Đặc biệt, trong Cuộc tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, nơi đây còn là điểm tập hợp lực lượng bộ đội ta tiến vào thị xã Sóc Trăng, gây tổn thất nặng nề cho kẻ địch. Nhà chùa, phật tử đã nhiều lần biểu tình chống chiến dịch bắt lính đôn quân và nổi dậy chống ý định dời chùa của bọn ngụy quân ngụy quyền nhằm biến ngôi chùa thành phi trường để bọn chúng mở rộng bàn đạp tấn công đàn áp phong trào kháng chiến của quân dân ta.

Ngày nay, trong công cuộc kiến thiết xây dựng quê hương, nhà chùa mở nhiều lớp học chữ dân tộc cho con em quanh chùa, vận động bà con thực hiện phương châm tốt đời đẹp đạo, đóng góp công sức xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng, xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa. Chùa được công nhận là nơi thờ tự văn minh, được xếp vào danh lam thắng cảnh di tích văn hóa cấp tỉnh. Mỗi năm, vào các dịp lễ Chôl Chnăm Thmây, Đôlta và các lễ hội khác, ngoài bà con người Khmer còn thu hút đông đảo khách thập phương đến chiêm bái Đức Phật, tham quan cảnh chùa và vui chơi sinh hoạt văn nghệ với các tiết mục đậm đà bản sắc dân tộc.

Theo soctrang.gov.vn
Cách làm bánh ú nước tro - Văn hóa miền Tây

Cách làm bánh ú nước tro – Văn hóa miền Tây

Bánh ú nước tro là món ăn truyền thống trong ngày tết Đoan Ngọ của người dân miền Nam. Ngày nay, chiếc bánh ú nước tro còn xuất hiện trong dịp lễ tết, hay đám giỗ.

Bánh ú nước tro là món ăn truyền thống trong ngày tết Đoan Ngọ của người dân miền Nam.

Bánh ú nước tro có hình chóp, to bằng nắm tay người lớn, bánh được gói bằng lá tre bên ngoài, bên trong là nếp và nhân đậu xanh. Thành phần có vẻ đơn giản nhưng để làm ra chiếc bánh ú nước tro thì phải trải qua nhiều công đoạn hết sức công phu.

Ngày xưa, để có nước tro làm bánh, người ta lấy rơm nếp đốt lấy tro, hòa với nước cho tan, để lắng và lấy phần nước trong. Ngày nay phần nước tro đã có bán ngoài chợ nên tiện lợi hơn nhiều. Ngoài ra khi làm chúng ta cần lưu ý nếu nếp có độ trong ít thì không đẹp và trong nhiều quá thì bánh có hậu đăng đắng. Điều này tùy thuộc vào kinh nghiệm của người làm.

Cách làm bánh ú nước tro:

– Nếp đãi qua nhiều lần nước cho thật sạch, ngâm gạo nếp vào thau nước lạnh có hòa một ít muối, ngâm khoảng 5-6 tiếng, đãi lại cho sạch.

– Cho nếp vào thau sạch, thêm nước lọc đã hòa với nước tro (một muỗng nước hòa với 1 lít nước), mực nước phải ngập mặt gạo nếp, ngâm 20-22 tiếng. Thỉnh thoảng khi ngâm bạn có thể thử bằng cách lấy vài hạt nếp đã ngâm, để giữa hai đầu ngón tay, bóp nhẹ thấy hạt nếp vỡ nhẹ ra thì nếp đã ngấm đủ nước tro.

– Sau đó, nếp xả lại nhiều lần nước lạnh cho thật sạch, xóc thêm muối vào, để ráo nước

– Đậu xanh đã đãi vỏ, ngâm vào thau nước ấm khoảng 1-2 tiếng. Tiếp theo cho đỗ xanh vào nồi, thêm một ít nước lọc nấu cho đậu xanh chín mềm.

– Khi đậu vẫn đang còn nóng trên bếp, thêm đường vào, dùng muôi gỗ khuấy thật nhanh tay để hạt đậu mịn ra. Cho đỗ xanh vào chảo, sên lửa nhỏ để mặt đỗ hơi se khô lại, nêm đường tùy theo bạn thích ăn ngọt nhiều hay ít, tắt bếp, để nguội, vo viên tròn nhỏ.

Cách làm bánh ú nước tro

– Lá tre rửa sạch, đun nồi nước sôi, cho lá tre vào nồi nước chần sơ qua nước sôi để lá mềm thì sẽ dễ gói hơn,

– Khi gói bánh, người ta cuốn một đầu lá thành hình chiếc phễu, cho vào một ít nếp, nhân, bên trên thêm một lớp nếp nữa và gói lại thành một hình tam giác cho thật kín, dùng dây chuối buộc chặt bên ngoài. Sau khi gói xong, bánh được xếp vào nồi và đem luộc, khi bánh chín, vớt ra ngâm vào nước lạnh cho bánh nguội, sau đó buộc bánh thành từng chùm vào trên lên sàn cho bánh nhanh khô lá.

Khi bóc vỏ ra, chiếc bánh có màu vàng sẫm, trơn láng không dính vào lá. Cắn một miếng để cảm nhận bột bánh mềm, dẻo, phần nhân bên trong có vị ngọt thanh dễ chịu. Bánh ú nước tro dễ ăn, không gây ngán, bột bánh có vị mát nên được nhiều người ưa thích trong những ngày nóng.

Những chiếc lá tre nhỏ nhắn, sợi lạt thanh mảnh bọc lấy những cái bánh trong ngần be bé, xinh xinh… tất cả sự khéo léo, tinh tế đều nằm trong đó. Thú vị là loại bánh này càng nhỏ thì thể hiện người gói càng khéo tay.


Về Tây Đô thăm chợ nổi Cái Răng

[vanhoamientay.com] Chợ nổi cái Răng lâu nay được du khách trong và ngoài nước biết đến là một trong hai chợ trên sông nổi tiếng nhất miền Tây Nam Bộ. Nhiều người cho rằng, đến Cần Thơ mà chưa đi chợ nổi Cái Răng thì kể như chưa biết gì về “thủ phủ” cũ của Tây Đô.

Còn gì thú vị hơn khi một sớm mùa xuân được tận hưởng cảm giác bồng bềnh trên sông Hậu ngắm bình minh Tây Đô, nghe hò Nam Bộ và thăm chợ nổi Cái Răng – nét đặc trưng văn hóa sông nước Cửu Long.

Mới tờ mờ sáng, từ bến Ninh Kiều (thành phố Cần Thơ – thủ phủ của Tây Đô cũ) hướng tầm mắt ra dòng Hậu Giang hiền hòa, thơ mộng đã thấy những chiếc ghe chất đầy ắp sản vật chạy ngược xuôi. Ở miền Tây, do sông ngòi chẳng chịt nên ghe, xuồng trở thành phương tiện đi lại chủ yếu của người dân, giống như xe máy ở chốn thành thị.

Tuy nhiên, đây chính là một trong những “đặc sản” cuốn hút du khách tới thăm vùng đất này. Bởi còn gì thú vị hơn khi được tận hưởng cảm giác bồng bềnh trên sông Hậu ngắm bình minh, cảnh vật và con người vùng sông nước Cửu Long.

Ngồi trên thuyền tới thăm quan chợ nổi Cái Răng, du khách còn được hướng dẫn viên người địa phương đưa về thăm thôn xóm, vườn cây ăn trái, hòa vào cuộc sống bình dị nhưng chan chứa tình làng nghĩa xóm của người dân nơi đây qua câu hò Cần Thơ. Sau mỗi câu hò mộc mạc là những tiếng vỗ tay tán thưởng dành cho loại hình nghệ thuật độc đáo này.

“Hò ơ… ơ… ơ… Trai nào bảnh bằng trai Nhơn Ái

Đầu thì hớt chải tóc tém bảy ba

Mặc piyama khăn rằn quấn cổ

Thấy cô em gái Ba Xuyên ngồ ngộ

Muốn cùng em thổ lộ đôi lời

Cấy cày cực lắm em ơi

Theo anh về vườn ăn trái mà suốt đời ấm no”

Nằm cách trung tâm thành phố Cần Thơ chừng 5-6 km, chợ nổi Cái Răng đang trở thành địa điểm du lịch lý tưởng cho khách du lịch đến với miền đất Tây Đô. Chợ họp đông nhất vào lúc 6h sáng, kết thúc lúc 8-9h, với hàng trăm ghe lớn nhỏ mua bán các loại trái cây và nông sản của vùng quê sông nước này.

Nói về tên Cái Răng, có nhiều cách giải thích khác nhau. Có giai thoại cho rằng ngày xưa vùng này có con cá sấu lớn, răng của nó cắm vào mỏm sông nên gọi là Cái Răng. Theo cụ Vương Hồng Sển thì tên Cái Răng có nguồn gốc từ chữ “cà ràng” đọc trại mà ra. Hướng dẫn viên thì kể, ngày xưa trên dòng sông này có đôi tình nhân yêu nhau tha thiết. Một hôm, cô gái bị một con cá sấu lớn ăn thịt. Chàng trai bèn giết chết cá sấu trả thù cho người yêu. Chàng lột da, chặt con sấu ra nhiều mảnh. Cái răng của con cá sấu nằm ở khúc sông này, còn da và đầu sấu nằm ở khúc sông phía trên nên có cây cầu tên Cái Da và Đầu Sấu. Giai thoại tuy có vẻ rùng rợn nhưng du khách lại thích câu chuyện tình yêu, lãng mạn nơi dòng sông lao xao này hơn.

Do không thể rao hàng nên người dân nơi đây nghĩ ra một cách “quảng cáo” rất hiệu quả và dễ thấy. Trên mỗi thuyền, người ta cắm một chiếc sào cao, treo tất cả hàng hóa muốn bán lên đó và gọi là treo bẹo. Do đó, từ xa, người mua có thể nhận ra thuyền chở loại hàng mình cần và tấp tới nhập hàng.

Cũng giống như trên bờ, ở chợ nổi không chỉ có hàng trái cây mà còn có cả những chiếc thuyền, ghe chở hủ tiếu, cà phê, thuốc lá, bia, tạp phẩm… phục vụ cho những tiểu thương trên sông. Những “tài xế” này điêu luyện tới mức có thể dùng chân điều khiển ghe len lỏi khắp nơi phục vụ khách có nhu cầu.

Điều cuốn hút du khách hơn cả chính là việc vừa thăm chợ nổi vừa được thưởng thức các sản vật vùng sông nước ngay trên chính các ghe hàng của người dân nơi đây bằng tình cảm nồng ấm, trìu mến của người miền Tây.

Theo Vnexpress


Le le xào bầu – món ăn dân dã mà cao sang

[vanhoamientay.com] Thịt le le được coi là món ngon đại bổ, le le xào bầu được coi là món chính trong bữa cơm. Và nước chấm phải là thứ chua – cay – ngọt. Chỉ cần thưởng thức một lần thôi cũng sẽ nhớ mãi món ăn vừa dân dã vừa cao sang này…

Theo kinh nghiệm dân gian, thịt le le là một món ăn có đẳng cấp, một loại thực phẩm giá trị dinh dưỡng cao, có khả năng tăng cường sinh lực. Cũng chính vì vậy thịt le le từ lâu đã trở nên quý hiếm, giá cao hơn thịt vịt gắp nhiều lần. Giới sành điệu ẩm thực thì coi đây là “hàng độc”, nằm trong nhóm đại bổ

Thịt le le vừa ngon ngọt, vừa bổ dưỡng lại kết hợp với bầu nên càng đậm đà thi vị, vượt trội các loài gia cầm khác. Ở vùng bưng biền, các bà nội trợ thường chế biến le le thành nhiều món ngon độc đáo như nấu cháo, luộc, rôti nước dừa…đặc biệt là món “le le xào bầu”.

Le le là một loài chim trời, thường sống ở những đồng cỏ hoang vu, nơi có nhiều lung bào, nhất là ở Đồng Tháp và vùng tứ giác Long Xuyên.

Le le thân hình cũng giống như vịt nhưng con lớn nhất chỉ nặng khoảng 300g. Nếu so với vịt trời, le le có trọng lượng chỉ bằng phân nửa, nhưng thịt lại ngon, bổ và mắc hơn nhiều lần.

Thịt đem ướp thịt với tiêu, hành, tỏi. ớt, nước mắm, bột nêm và chút rượu độ 15 phút cho thấm đều. Kế đến bắc chảo lên xào cho đến khi thịt săn lại. Tiếp theo cho bầu vào xào chung, thêm nhiều hành cọng hoặc hành lá. Bầu, nên chọn những trái còn tươi, không quá non, cũng không quá già, gọt vỏ, xắt miếng nhỏ, dài chừng 5 cm.

Với bàn tay khéo léo của người nội trợ, món le le xào bầu có thể trở thành một món ăn hấp dẫn, vừa thơm ngon vừa quyến rũ. Sở dĩ bầu trở thành món ăn đa phong cách như thế bởi vừa mềm, ngọt dịu, đậm đà hương vị đồng quê. Một dĩa le le xào bầu vừa dọn ra đã bốc mùi thơm phức nhờ người nội trợ biết chăm chút từ cách xào, cách chọn gia vị và nêm nếm cho vừa ăn.

Nên nhớ, khi xào đừng để cho bầu chín quá sẽ mất ngon. Thịt bầu còn hơi giòn là hấp dẫn nhất. Le le xào bầu vừa ngon, ngọt, vừa đậm đà, mùi vị đặc trưng nhờ nước bầu và gia vị thấm vào thịt, đồng thời thịt cũng thấm vào bầu.

Theo Tuổi Trẻ
Thành công Sao chép đường dẫn thành công !!