Có thể bạn quan tâm

Làng nghề gốm người Khmer Nam bộ

Điểm đặc sắc trong làng nghề gốm Tri Tôn là không dùng bàn xoay hoặc ứng dụng bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào. Đơn thuần chỉ bằng tay với kinh nghiệm mang tính bẩm sinh

Đến Tri Tôn, tỉnh An Giang và tận mắt nhìn thấy làng gốm An Thuận của người Khmer, mà tiếng địa phương gọi là sóc Phnom Pi, có nghĩa là vùng đất đồi. Ngoài làm ruộng nước với những kinh nghiệm hàng chục thế kỷ miền sông nước này, người Khmer Nam Bộ còn có nghề dệt vải tơ tằm ở Tịnh Biên, nghề rèn nghề làm xe bò kéo, nghề làm rượu Thốt Nốt và nhiều nghề lâu đời khác.. nhưng độc đáo và mang tính cổ truyền nhất là nghề làm gốm ở Tri Tôn.

Lịch sử địa phương và những phóng sự cách nay hơn một thế kỷ ghi lại: Đến phiên chợ, các địa phương tấp ghe vô bến sông Tri Tôn nhận hàng. Trên bến dưới thuyền, những xe thồ, người gồng gáng chở hàng xuống bến, nồi niêu chất đầy trên các ghe lớn ghe bé. Nghe đâu hàng gốm Tri Tôn không chỉ có mặt ở hầu hết các tỉnh miền Tây mà còn ngược lên Tây Ninh, sang cả Campuchia, đủ sức cạnh tranh với sành sứ truyền thống vốn rất nổi tiếng của quốc gia láng giềng này. Mặt hàng cũng là những đồ gia dụng quen thuộc như nồi niêu, trã, cà ràng (một loại bếp lò), ống khói cho những hộ nấu đường thốt nốt. Gốm Tri Tôn có uy tín và ăn khách suốt nhiều thể kỷ, ngoài kỹ thuật “gia truyền”, tạo dáng bắt mắt, thế mạnh chủ yếu ở chất đất và kỹ thuật nung.

Đất làm gốm được khai thác ở dưới chân ngọn đồi Nam Quy, cách ấp An Thuận chừng hai cây số. Đây là một loại đất sét nhuyễn, mịn, màu xám và theo kinh nghiệm của người làm nghề lâu năm đây là đất thích hợp nhất cho gốm. Ngoài đất sét Nam Quy, không còn nơi nào trong vùng có đất thích hợp để An Thuận làm gốm. Đất mang về được ủ một thời gian sau đó giã mịn, loại bỏ hết sạn, sỏi, tạp chất và làm cho mịn trước khi chế biến. Sau khi đất được sàng lọc kỹ, người thợ trộn với nước theo một tỷ lệ mà chỉ có kinh nghiệm lâu năm mới điều hoà được nước và đất thích hợp sao cho đất dẻo mà không nhão, dính kết mà không khô. Trông thì đơn giản thế, nhưng bí quyết gốm Tri Tôn có lẽ nằm ở trong cái đơn giản mang tính kinh nghiệm nghề nghiệp này đây.
Điểm đặc sắc trong nghề gốm Tri Tôn là không dùng bàn xoay hoặc ứng dụng bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào. Đơn thuần chỉ bằng tay với kinh nghiệm mang tính bẩm sinh. Sau khi nhào nặn công phu đất, người thợ đi vòng quanh vật nặn để đắp, bồi, xoa, vuốt. Thoạt đầu là tạo dáng cơ bản, sau đó chỉnh sửa uốn nắn cân đối hình dạng sau cùng là xoa mịn mướt bề mặt, có những mặt hàng cầu kỳ cần tới hoa hình thì dùng bàn in trang trí theo những hoa văn do các nghệ nhân tạo nên. Trong sóc Phnom Pi, hầu như nhà nào cũng nặn nồi, nặn lu, chum vại. Trẻ em đập tơi đất, thanh niên nhào nhuyễn, người kinh nghiệm thì nặn đồ vật. Hầu hết người đang nặn gốm ở trong sân hay sau vườn là phụ nữ. Đó là điều khác với những làng gốm mà tôi đã từng thấy ở những làng gốm phía Bắc. Họ làm chuyên cần, nhẫn nại và đặc biệt là rất ít nói. Thỉnh thoảng nghe rõ tiếng bồm bộp, đắp vỗ vào eo bình của những bàn tay. Còn những ngón tay sần sùi gân guốc thì dẻo quánh xoa vuốt , lướt quanh miệng bình. Những cái vò cái lu đựng nước, không có hình mẫu nào mà hình dáng cứ hiện dần lên, đều tăm tắp. Bốn năm người phụ nữ lặng lễ đắp đất, chuốt eo, nắn miệng bình và bốn năm cái chum như trong một cái khuôn đúc ra. Hỏi bà con về kinh nghiệm. Họ chỉ cười, “mình không biết nói đâu”.

Sau khi hoàn thiện hình dáng, chuốt bóng mặt ngoài và in xong hoa văn, gốm mộc được đem phơi kỹ qua nhiều ngày nắng nỏ rồi mới đưa vào nung. Người Khmer không xây lò. Hàng mộc được xếp lớp lớp trên sân hoặc khu đất phẳng trong vườn nhà , chất rơm đều trên bề mặt, nung cho đến “độ chín” rồi mới qua giai đoạn ủ. Nếu theo quy trình công nghệ, mỗi giai đoạn được tính bằng giờ, lò nung được kiểm tra nhiệt độ, nhưng với người Tri Tôn, tất cả đều thông qua kinh nghiệm. Khi đã qua ủ, gốm hiện lên màu đỏ nhạt, nâu hoặc vàng đậm. Hàng thành phẩm không cần mang đi bán xa. Các thương lái đã quen đường, quen chủ. Họ đến từng sân từng vườn và thường là mua cả lố, chuyên chở ra bến sông, xếp lên ghe. Từng ghe nặng nề nối đuôi nhau rời bến, đến với các chợ miền Tây lục tỉnh. Xét về giá trị kinh tế, ngày nay nghề làm gốm Tri Tôn thu nhập không cao bằng một số ngành nghề khác. Cũng có một số người trong sóc chuyển nghề và một số nữa thì vẫn theo đuổi nghề xưa như một thói quen yêu nghề và muốn giữ lại nét truyền thống của Tổ Tiên. Gần đây có một số chuyên gia văn hoá và lịch sử nước ngoài, số đông là người Nhật đã tìm về Tri Tôn để nghiên cứu, tìm hiểu làng nghề lâu đời này. Bảo tàng văn hoá-dân tộc học của Trung ương và một số địa phương đã sưu tầm và nghiên cứu nghề gốm của người Khmer Nam Bộ, của người Chăm và một số dân tộc anh em khác, coi đây không chỉ là một nghề sinh sống mà là một trong những di sản văn hoá đặc sắc và lâu đời bậc nhất của dân tộc.

Theo mekongdeltaexplorer

Trại rắn Đồng Tâm, Tiền Giang

[vanhoamientay.com] Cách trung tâm thành phố Mỹ Tho, Tiền Giang khoảng 5km, trại rắn Đồng Tâm được mệnh danh là vương quốc các loài rắn của Việt Nam, với hơn 400 loài rắn các loại.

Dù bạn là người yêu rắn, dù bạn là người sợ rắn thậm chí bạn ghét rắn, thì hãy một lần đến với vương quốc này để chiêm ngưỡng thế giới tuyệt vời của loài bò sát không chân này.

Trại rắn Đồng Tâm là tên gọi quen thuộc mà người dân vẫn hay gọi, còn tên chính thức là Trung tâm nuôi trồng nghiên cứu chế biến dược liệu Quân khu 9, thuộc ấp Bình Đức, xã Tân Thuận, huyện Châu Thành,Tiền Giang

Bạn chỉ việc mua vé vào trung tâm người lớn là 25.000 đồng/vé và trẻ em 15.000 đồng/vé là có thể bước vào một thế giới hoàn toàn khác, thế giới của rắn. Đầu tiên đến phòng chiếu phim để được nghe giới thiệu về trung tâm nuôi rắn đặc biệt này. Trại rắn Đồng Tâm được thành lập vào năm 1979 theo sáng kiến của Trung tá Trần Văn Được. Là một người có kiến thức sâu rộng, am tường và say mê các loài rắn, Trung tá Được muốn xây dựng một trại rắn đa dạng để lấy huyết thanh kháng nọc rắn và góp phần vào việc xuất khẩu nọc rắn.

Trong không gian rộng khoảng 30ha xanh mát của những cây cổ thụ cao vút là một khu du lịch sinh thái độc đáo, hấp dẫn. Đến đây bạn như lạc vào “mê cung rùng rợn” nhưng đầy hấp dẫn, một thế giới chỉ có rắn và rắn.

Trại rắn Đồng Tâm được chia thành 3 khu vực nuôi chứa các động vật bò sát. Theo chân người hướng dẫn viên, du khách lạc bước vào một thế giới mới mẻ gây tò mò về những con vật được cho là ghê rợn, nguy hiểm.

Đầu tiên là khu nuôi rắn theo kiểu đảo hồ nước, bốn bề xây tường cao ngang ngực người lớn, có một cửa ra vào. Bên trong, đáy hồ sâu khoảng 30 – 40cm, xăm xắp nước. Giữa hồ là tiểu đảo, cỏ mọc um tùm, là nơi trú ẩn của cóc, nhái, ễnh ương… đây là nguồn thức ăn cho rắn.

Tiểu đảo có mấy chòm cây xanh cao ngang tường hồ. Trên chòm lá là những con rắn bò lúc nhúc. Thoạt nhìn ai cũng cảm thấy lo sợ lẫn chút hoang mang bởi chỉ đứng cách những chú rắn không xa. Nhưng bạn đừng lo bỡi các chuyên gia đã tính toán mọi thứ cẩn thận để rắn không thể phóng khỏi những tàn cây, vượt qua tường”.

Với cây sắt dài, một đầu có móc, người hướng dẫn viên nhẹ nhàng móc một chú rắn đưa về phía du khách để giới thiệu đặc tính sinh trưởng cùng những hoạt động tương thích của nó… Thật thích thú, vì sẽ không có bao nhiêu cơ hội bạn đến gần với loại bò sát được cho là khá nguy hiểm này.

Lần lượt đi qua các chuồng hồ, du khách dần hiểu sâu về thế giới loài rắn nào là rắn lục, rắn gáo, rắn nước, rắn ri voi, rắn ri cá… đây là những loại rắn hiền, không có độc.

Rời khu nuôi chứa rắn này là khu nuôi rắn độc, như rắn hổ ngựa, rắn hổ cạp nong, rắn hổ mái gầm… Đặc biệt là rắn hổ mang chúa, một loại rắn cực độc, được xếp bậc “E” trong Sách Đỏ Việt Nam. Chúng được nuôi trong những chiếc chuồng riêng biệt.

Để nuôi được loài rắn dữ này là cả một kỳ công và đầy nguy hiểm. Người nuôi rắn độc khi mở cửa chuồng phải rất cẩn thận, nhẹ nhàng và chậm rãi để con rắn đang đói không phóng ra ngoài, hoặc cắn người. Chăm sóc rắn chẳng khác nào chăm sóc một đứa trẻ, người nuôi phải thường xuyên theo dõi để kịp phát hiện con nào có dấu hiệu bệnh để điều trị kịp thời.

Trung tâm có đến vài trăm con rắn hổ chúa, một con rắn hổ chúa ăn 1,5kg rắn tạp/lần. Mỗi tuần cho ăn 2 lần. Còn rắn hổ mang chỉ ăn cóc, nhái và chuột. Vì vậy trong mùa nắng, Trung tâm phải trữ rất nhiều thức ăn thậm chỉ là cả tấn trong tủ đông để cho rắn ăn dần.

Ngoài ra, ở đây còn nuôi cá sấu, ba ba, cáo, gấu, công, đà điểu, nhím, kỳ đà, vượn má vàng…

Đến trại rắn, du khách sẽ nghe kể về nhiều trường hợp bị rắn cắn thập tử nhất sinh được cứu sống nhờ huyết thanh kháng nọc rắn. Những câu chuyện ly kỳ tưởng chừng không bao giờ có, vậy mà đã xảy ra nơi đây. Từ khi thành lập đến nay, Trung tâm đã chữa trị tốt cho rất nhiều người bị rắn cắn, không có trường hợp nào tử vong.

Để lấy huyết thanh rắn là cả một kỳ công, mỗi lần lấy nọc rắn chỉ từ 1 đến 2 giọt nọc/con. Mỗi năm, một con rắn chỉ cho khoảng mười mấy giọt nọc. 10 gram nọc rắn có thể điều chế một lượng huyết thanh đủ phục vụ nhu cầu cả nước trong 1 năm. Tuy nhiên, chỉ với 1gram nọc rắn là có thể giết chết 165 người với trọng lượng trung bình 60kg/người!

Đến với trại rắn Đồng Tâm là đến với bảo tàng rắn đầu tiên của Việt Nam, bảo tàng này được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác nhận là Bảo tàng rắn đầu tiên của Việt Nam, nơi lưu giữ nhiều loài rắn nhất Việt Nam với hơn 40 loài rắn đặc trưng ở ĐBSCL. Trong đó, đáng kể nhất là rắn hổ chúa 17 tuổi, dài 4,2m, nặng 18kg.

Mỗi loài vật đều có nét đẹp riêng của chúng, đối với rắn trong chí tưởng tượng của đa số người là rất nguy hiểm, không thể đến gần. Nhưng đến với trại rắn Đồng Tâm chắc hẳn bạn sẽ có suy nghĩ khác hơn, vẫn có nhiều loài rắn hiền lành, không độc… và dù chúng rất độc đi nữa nhưng nếu biết cách khai thác thì chúng vẫn có lợi cho con người. Thế giới về rắn vẫn luôn là một thế giới kỳ bí cần chúng ta tìm hiểu.

Theo Báo CanTho

Người thợ bạc chơi kiểng hái tiền tỷ

[vanhoamientay.com] Từ một thợ bạc có cuộc sống bình dị, bỗng nhiên anh Nguyễn Thanh Công lại trở thành tín đồ của nghệ thuật cây kiểng. Anh say mê đến nổi bạn bè và các nghệ nhân ai cũng nể, coi anh là một tay chơi hào phóng và “ nặng ký ” nhất làng kiểng miền Tây.

“Chơi cây kiểng nếu không say mê, không yêu thích thì không ai bỏ hàng trăm triệu mua về. Ngược lại chơi mà không có kinh tế thì lấy đâu tiền để chơi tiếp”, anh Công chia sẻ.

Sân kiểng nhà anh ở xã An Nhơn, huyện Châu Thành – Đồng Tháp với rất nhiều cây kiểng độc đáo, quý giá. “Lúc đầu tôi chỉ chơi vài ba cây trước sân nhà cho đẹp, giúp tinh thần thư giãn sau những giờ lao động mệt mỏi. Không ngờ cây kiểng lại có sức cuốn hút lạ kỳ, càng khám phá tôi càng say mê”, anh Công chia sẻ.

Thế là đi đến đâu anh cũng lân la tìm hiểu và tìm những cây đẹp, đặc biệt là cây to có dáng vẻ kỳ thú để mua về làm kiểng, và cứ thế mà số cây trong vườn dần dần tăng lên …Cho đến một ngày, có người đến hỏi mua lại mấy cây trong vườn với giá lên hàng trăm triệu đồng, lời gấp đôi, gấp ba giá vốn. Từ đây, anh mới nảy sinh ra ý tưởng vừa chơi kiểng vừa dùng kiểng để làm kinh tế.

10 năm nay, mỗi lần bạn bè cho biết nơi nào có cây hay, cây đẹp, đặc biệt là những cây có dấu ấn thời gian, là anh tìm đến để mua về thuần dưỡng, tạo dáng, biến một cây rừng hoang dã thành một tác phẩm nghệ thuật sống.

Có người hỏi anh, giữa chơi và kinh doanh cây kiểng, anh nặng bên nào? Anh không ngần ngại trả lời: “Nặng cả hai. Vì nếu không say mê, không yêu thích thì không ai dám bỏ hàng trăm triệu ra mua về để chơi. Ngược lại chơi mà không có đồng ra đồng vô thì lấy đâu ra tiền để chơi tiếp”, anh Công nói.

Anh Sáu Lựu, một nghệ nhân từng trải về nghề hoa kiểng cho biết, anh Công đã từng bỏ tiền thuê xe tải để chuyển cây sanh cổ thụ ra Hà Nội triển lãm nhân Đại lễ 1.000 năm Thăng Long. Ngoài ra anh còn tích cực tham gia các Hội thi Hoa – lan – cây cảnh do địa phương và các nơi tổ chức để giao lưu học hỏi và chia sẻ với nghệ nhân cả nước. Tại Lễ hội Sinh Vật Cảnh Đồng Tháp năm 2010, anh đã giành được huy chương vàng cho tác phẩm Tiểu cảnh do chính anh sáng tạo.

Hiện vườn kiểng của anh Công có gần 400 bonsai, kiểng cổ thụ, kiểng hoa, kiểng trái và tiểu cảnh…với khá nhiều chủng loại đặc sắc, quý giá như mai vàng, nguyệt quế, tùng, sanh, cằn thăn, mai chiếu thủy và nhiều cây rừng hoang dã như vú sữa, lộc vừng, dâu… cây nào cũng được cắt tỉa, tạo dáng theo phong cách riêng. Riêng với bonsai, anh rất chú ý về tổng thể, chậu và cây lúc nào cũng tương xứng, cân đối và hài hòa.

Anh nói, trong số các loại cây hiện có, anh mê nhất là nguyệt quế và kiểng trái. Ngoài việc sưu tầm, anh còn là một người cần cù chịu khó, miệt mài học hỏi những kỹ thuật tiên tiến, bằng cách mời một số nghệ nhân có uy tín đến cố vấn kỹ thuật. Nhờ vậy mà bất cứ một mẫu cây rừng nào dù dạng thô sơ, tàn nhánh rắc rối tới đâu, khi vào khu vườn nhà anh cũng có thể hóa thân thành một cây kiểng nghệ thuật.

Anh cho biết mỗi cây đều có dáng vẻ và nét kỳ mỹ hấp dẫn khác nhau, do đó giá trị cũng khác nhau. Cây trong vườn nhà anh trung bình có giá từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng. Riêng những cây lâu năm, già như cây sanh dáng cổ đã đưa ra Hà Nội triển lãm trị giá 1,5 tỷ đồng, hay cây nguyệt quế cổ thụ có giá 1 tỷ đồng…

“ Nhiều năm qua, có bao nhiêu tiền tôi cũng dành ưu tiên cho vườn kiểng. Đến năm rồi tôi đã thu vô được 10 tỷ từ tiền bán cây”, anh Công khoe.

Cũng theo anh Công người chơi kiểng hái tiền tỷ, chơi cây kiểng ngoài lợi nhuận kinh tế còn giúp con người gần với thiên nhiên, tâm hồn mở rộng, yêu đời và yêu cuộc sống nhiều hơn. Và cây kiểng cũng giúp anh có thêm nhiều bạn bè, khách ở các nơi từ Hà Nội, miền Trung, đó là những người cùng sở thích, cùng anh chia sẻ về thú chơi này đặc biệt này.

Theo News Zing

Mẹo dân gian giúp trị ho cho trẻ

[vanhoamientay.com] Các chuyên gia y tế khuyên, khi trẻ bị ho cha mẹ không nên để trẻ dùng kháng sinh mà nên áp dụng một số bài thuốc dân gian để trị ho cho trẻ 

Trẻ bị ho khiến cha mẹ lo lắng. Theo Phó giáo sư Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai (Hà Nội), không chỉ người dân mà thậm chí đôi khi cả các bác sĩ cũng lạm dụng thuốc kháng sinh. Ho ở trẻ là nhóm bệnh hay bị lạm dụng kháng sinh trong điều trị nhiều nhất. Tốt nhất cha mẹ nên sử dụng nhựng bài thuốc dân gian sau.

Nước vo gạo và rau diếp cá

Một nắm lá diếp cá, rửa sạch, giã nhuyễn trộn đều với một chén nước vo gạo, đun sôi nhỏ lửa khoảng 20 phút. Chỉ cần lọc lấy nước cho bé uống sẽ giúp trị ho

Củ cải trắng, gừng xay nhuyễn

Củ cải trắng, gừng xay nhuyễn bỏ vào chén sứ, thêm một ít nước lọc và một ít mật ong đem hấp cách thủy khoảng 10-15 phút, mỗi lần cho bé uống 2-3 thìa cà phê, uống 3 lần/ một ngày.

Cây xương sông

Lá xương sông nên sử dụng búp lá non, không chỉ có tác dụng chữa ho mà còn chữa khàn tiếng do viêm thanh quản. Lá xương sông và một ít lá hẹ: rửa sạch, thái nhỏ, trộn đều với đường. Hấp cách thủy, rồi để nguội cho trẻ uống trong ngày.

Củ nghệ tươi

Củ nghệ tươi đem giã nhỏ, thêm nước lọc, 5g đường phèn đưa vào chưng cách thủy 10 phút cho bé uống, mỗi lần uống ½ thìa cà phê tùy vào độ tuổi của bé. Cứ như thế ngày uống 3 lần cho đến khi khỏi bệnh.

Quất xanh

2-3 quả quất xanh, rửa sạch, cắt ngang, để nguyên cả vỏ và hạt. Mang quất trộn với đường phèn hoặc mật ong rồi hấp cách thủy đến khi quất chín. Lưu ý là dằm cả vỏ, bỏ hạt, để nguội cho trẻ uống nhiều lần trong ngày.

Hạt quả quất xanh

Đối với hạt của quất xanh các mẹ không nên bỏ đi vì nó có tác dụng làm tiêu đờm và ấm thanh quản khi trẻ bị ho. Mùi vị quất có thể hơi khó uống đối với trẻ nên khi cho trẻ uống có thể cho thêm ít đường sẽ giúp trị ho hiệu quả

Lê + đường + xuyên bối

Chọn trái lê to, bỏ vỏ, cắt nắp, khoét bỏ lõi. Bỏ vào bên trong lê 2-3 cục đường phèn nhỏ. 5-6 hạt xuyên bối (mua ở quầy thuốc Đông y). Cho lê vào hấp cách thuỷ chừng 30 phút. Ngày cho bé ăn 2 lần. Có tác dụng chữa ho, viêm phổi, tiêu đờm.

Nước củ cải luộc

4-5 lát củ cải trắng cho vào một nồi nhỏ với ít nước, đun sôi, sau đó để lửa liu riu thêm 5-10 phút. Cho bé uống nước này khi còn nóng điều trị ho, khô mũi, đau hong, ho khan, có đờm.

Hoa hồng bạch

Lấy cánh hoa hồng bạch rửa sạch trộn với lượng đường phèn vừa đủ, một ít nước lọc, đem hấp cách thủy. Cho bé uống 3-4 lần/ngày, 1 thìa/lần.

Nước tỏi hấp trị ho cho trẻ

Lấy 2-3 tép tỏi, đập dập, cho vào bát, thêm một nửa chén nước, 1 viên đường phèn, hấp cách thuỷ 15 phút. Chỉ cần uống nước tỏi hấp này khi còn ấm, ngày 2-3 lần, vửa tốt cho dạ dày, phổi, vừa trị được ho, cảm lạnh.

Tỏi và mật ong

Giã nát hai tép tỏi, trộn với hai thìa cà phê mật ong, đem hấp cách thủy. Chú ý không được hấp chín tỏi, nếm thử thấy vị hắc mùi tỏi là được. Cho bé uống nửa thìa cà phê, ngày từ 1 – 2 lần. Trước khi uống, nên cho bé uống nước lọc trước

Lá hẹ và đường phèn

Chọn khoảng 5-10 lá hẹ và một ít đường phèn mang hấp cách thủy. Sau đó lấy nước cho bé uống. Mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 2-3 thìa.

Đu đủ chín

Một quả đu đủ gọt bỏ vỏ (lưu ý là đu đủ chín cây), cho 100ml mật ong vào, sau đó đun lên để ăn. Bài thuốc này dùng để chữa ho không có đờm.

Trà cam thảo

Cam thảo có chứa thành phần kháng khuẩn, làm dịu cổ họng. Trà cam thảo có vị ngọt, nên mẹ yên tâm khi cho trẻ uống, kể cả trẻ sơ sinh. Loại trà này sẽ giúp cơ thể trẻ ấm hơn và dịu họng hơn.

Húng chanh và quất

Chọn khoảng 15 – 16 lá húng chanh và từ 4 – 5 quả quất xanh, rửa sạch, cho vào máy xay sinh tố xay nhuyễn. Sau đó thêm lượng đường phèn vừa đủ, hấp cách thủy khoảng 20 phút. Cho bé uống liên tục 1 – 2 lần/ngày đến khi hết ho.

Theo Gia Đình
Bánh Khọt miền Tây

Bánh Khọt – Món ăn đậm vị miền Tây

Bánh khọt là một loại bánh làm từ bột gạo khá phổ biến ở miền tây, là món ăn ngon hấp dẫn được nhiều người yêu thích.

Bánh khọt mang đậm hương vị miền Tây

Bánh khọt là loại bánh có từ lâu đời, có mặt ở khắp đất nước, thế nhưng mỗi vùng lại có cách làm bánh khọt khác nhau, mang đậm hương vị của từng vùng.

Bánh khọt có hình tròn giống như bánh bèo, nhưng làm chín bằng cách chiên trong khuôn có dầu tương tự bánh xèo. Công đoạn pha bột là vô cùng quan trọng vì nước nhiều bột sẽ dễ vỡ trong quá trình chiên, nếu thiếu nước bánh sẽ bị cứng không còn độ dai.

Sau đây là cách làm bánh khọt mang đậm hương vị miền tây của người Cần Thơ:

Nguyên liệu:

– Bột gạo: 1kg
– Bột nghệ: 100gr
– Thịt nạc xay: 400gr
– Tôm tươi: 300gr
– Trứng vịt: 3 quả
– Dừa nạo: 500gr
– Đậu xanh hấp chín: 300gr
– Cà rốt, củ cải trắng: mỗi loại 1 củ
– Hành lá, hành tây, hành tím
– Tiêu, đường, muối, bột ngọt
– Chanh, ớt, nước mắm
– Rau sống: cải xanh, xà lách, rau sống, rau thơm cá.

Bánh khọt chuẩn miền Tây

Cách làm bánh khọt chuẩn miền tây:

* Sơ chế:

+ Khuôn bánh khọt nếu mới mua về thì nên xử lý qua bằng cách cho khuôn lên bếp để nóng, thoa dầu ăn xung quanh khuôn liên tục 5-10 phút, nhờ thế khi đổ bột bánh thì bột sẽ không bị dính trong khuôn. Sử dụng ít vải mùng quấn quanh chiếc đũa dùng để thoa dầu ăn mỗi khi đỗ bánh.

Nguyên liệu sơ chế bánh khọt

+ 500gr dừa nạo vắt lấy nước cốt 500ml (1/5 cho vào hỗn hợp nhân, 4/5 còn lại cho vào bột bánh). Tôm tươi làm sạch cắt hạt lựu hoặc khoanh tròn.
+ Cà rốt và của cái trắng cắt sợi mỏng, bóp với ít muối, rửa sạch, vắt cho ráo. Đậu xanh để vỏ hay bỏ vỏ tùy ý thích, đem luộc vừa chín. Hành tây cắt hạt lựu. Hành tím thái mỏng. Hành lá xắt khúc nữa phân.

* Các bước thực hiện:

 Bước 1:

Trộn bột bánh bèo, hành lá, trứng, 400ml nước cốt dừa vào trong nước ấm. Khuấy đều để bột không bị vón cục, để nguyên bột nghĩ khoảng 15 phút.

Bước 2:

Bắc chảo lên bếp, đun nóng dầu ăn, phi thơm hành tím, sau đó cho thịt nạc dăm, tôm tươi, đậu xanh hấp chín tới, hành tây vào xào sơ qua, nêm nếm gia vị cho vừa ăn rồi cho thêm nước cốt dừa, trộn đều.

Bước 3:

Đặt khuôn bánh lên bếp, tráng dầu ăn vào từng khuôn sau đó đổ bột vào, cho nhân vào giữa rồi đậy nắp vung lại.
Khi thấy bánh trở vàng, nhân màu nâu đỏ, hành lá trong mỡ dầu bám vào tạo thành màu vàng xanh thì bánh chín, nhanh tay lấy bánh ra khỏi khuôn.

cach_lam_banh_khot_thumnail_5c73ba493d

Bước 4:

Bánh Khọt cũng không thể thiếu đồ ăn kèm và nước chấm. Món ăn kèm với bánh Khọt tùy từng địa phương mà khác nhau: có nơi là dưa leo muối, có nơi là rau thơm, xà lách…
Nước chấm trong món bánh Khọt là một trong những yếu tố quan trọng quyết định hương vị. Cái này tùy vào từng người pha chế và cũng tạo nên đặc trưng riêng cho từng quán ăn.

Làm nước chấm giã nhuyễn tỏi, ớt, đỗ đường vào nước và khuấy đường cho tan hết. Cho thêm nước cốt chanh, nước mắm, tỏi, ớt vào khuấy đều.
Bánh Khọt ngon phải là những chiếc bánh vừa giòn vừa dai. Còn tôm lột và hành lá làm tăng thêm hương vị và dinh dưỡng cho món bánh.

Cắn miếng bánh Khọt vàng ươm, cảm nhận hương vị bột gạo nguyên chất, thấy cái béo ngậy của dầu mỡ thấm lên vỏ bánh, mùi hành lá, vị đậm đà của tôm lột,

Không gì tuyệt bằng thưởng thức món bánh Khọt, trong buổi chiều với cơn gió nhè nhẹ mang vị dân dã của miền Tây.



Thi hài dưới mộ Anh hùng Nguyễn Trung Trực là ai?

Bất chấp phản đối của hậu duệ anh hùng dân tộc (AHDT) Nguyễn Trung Trực và cán bộ hưu trí, gần 30 năm tỉnh Kiên Giang vẫn cho rằng thi hài trong mộ chính là hài cốt của cụ Nguyễn.

Ly kỳ việc tìm hài cốt cụ Nguyễn

Ngày 27-10-1868 (tức 12-9 âm lịch), cụ Nguyễn bị quân Pháp bắt và chém đầu tại chợ Rạch Giá. Về thi thể của cụ được nhiều người cho rằng Pháp đã bêu đầu ông giữa chợ để thị uy nhưng đến đêm có người cướp mất. Cho đến nay, không có tài liệu nào xác định thi thể cụ Nguyễn được chôn ở đâu. Theo giả thiết, thi thể cụ được chôn nơi kín đáo, bí mật vì sợ người dân khai quật hài cốt của cụ để làm biểu tượng tiếp tục khởi nghĩa chống Pháp. Có ý kiến rằng Pháp chôn hài cốt của cụ Nguyễn trong dinh Tham biện, cho đóng cọc và xiềng xích chung quanh. Lại có nhận định, cụ Nguyễn được chôn trong khuôn viên tòa bố (dinh tỉnh trưởng) thời đó có ngôi mộ bao bọc dây xích chung quanh. Tuy nhiên, có người xác định đây là mộ của một viên trung úy hải quân Pháp, dây xích vòng quanh là dây trang trí và trong đó có cả một mũi neo bằng sắt.

Khoảng năm 1970-1971, tỉnh trưởng Kiên Giang ngụy quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Tài đã cho đúc tượng đồng cụ Nguyễn dựng trước Nhà lồng chợ Rạch Giá. Ông đã từng treo giải thưởng, ai tìm thấy hài cốt của cụ để an táng sẽ được thưởng 1 triệu đồng và 1 vé du lịch Singapore nhưng không có kết quả. Trải qua nhiều cuộc tìm kiếm, đến năm 1986, qua sự khai quật của nhà văn Sơn Nam, Sở Văn hóa tỉnh Kiên Giang cho khai quật ngôi mộ được cho là của cụ Nguyễn Trung Trực trong khuôn viên tòa bố cũ và đưa bộ hài cốt về chôn ở đền thờ cụ Nguyễn ở thị xã Rạch Giá. Từ đó đến nay, những ngày lễ, giỗ, hàng ngàn người đến cúng bái tỏ lòng tri ân đối với Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực.

Bị chặt đầu nhưng còn nguyên xương đốt cổ

Tháng 4-1986, theo sự chỉ dẫn của nhà văn Sơn Nam, Bảo tàng Kiên Giang tổ chức khai quật ngôi mộ dưới gốc một cây đa trong khuôn viên trụ sở UBND tỉnh Kiên Giang được cho là nơi chôn xác cụ Nguyễn. Bảo tàng Kiên Giang đã mời ông Lê Trung Khá, cán bộ khảo cổ chuyên ngành động vật học và nhân chủng học tại TPHCM tham gia giám định hài cốt. Nội dung chính biên bản khai quật của bảo tàng ghi nhận xét của ông Lê Trung Khá (không có chữ ký của ông Khá và ghi sai họ thành Nguyễn Trung Khá): “Xương tộc Việt, đàn ông. Người cao khoảng 1,60m, người này khoảng 50 tuổi, bộ xương này đã chôn trên 100 năm. 7 đốt xương cổ và xương hàm của hài cốt còn nguyên. Người này ăn trầu, có vẻ nghèo vì mộ bằng đất, ván hàng gỗ tạp và không có vật lễ mang theo”. Thật hết sức bất ngờ, Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực bị Pháp xử chém đầu khi ông mới 30 tuổi nhưng xương cổ, xương hàm còn nguyên (?!).

Lúc bấy giờ, ông Nguyễn Khương Ninh, hậu duệ đời thứ năm của cụ Nguyễn và một số cán bộ lão thành lẫn cán bộ đương nhiệm ở Kiên Giang đã phản biện cho rằng đó không phải là hài cốt của cụ. Một trong những người phản ứng mạnh mẽ việc vội vã xác định ngôi mộ và hài cốt của cụ Nguyễn là ông Nguyễn Tấn Thanh (nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, nay đã mất) và con trai là Nguyễn Tiến Dũng (lúc đó là cán bộ Công an tỉnh Kiên Giang). Sau 30-4-1975, ông Thanh được cấp nhà trong khuôn viên dinh tham biện cũ của Pháp và ngôi mộ được khai quật nằm sát cạnh ngôi nhà của ông đã có văn bản gởi lãnh đạo tỉnh, không chỉ với tư cách một lãnh đạo địa phương mà còn với tình cảm của người ngưỡng mộ cụ Nguyễn Trung Trực. Trong văn bản, ông Thanh viết: “Khi rõ lại (xem lại) ngôi mộ kế nhà tôi, tôi phản đối vì ngôi mộ này trước khai quật tôi có đến xem, là ngôi mộ hòm rương cây danh mộc tốt, có đầu, mình tay chân đủ, chôn cất đàng hoàng. Hỏi bà con lão thành người ta nói là một người tay sai làm nhà dol Tây có công, khi chết nó có chính sách chôn cất đàng hoàng”.

Ông Ninh đã cất công truy tìm tài liệu, phát hiện đến hai biên bản giám định hết sức sơ sài và có nhiều khuất tất.  Biên bản thứ nhất phân nội dung của ông Lê Trung Khá ghi tuổi của xương khai quật được là 50 tuổi. Thế nhưng biên bản thứ hai, tuổi được sửa còn 40. Biên bản được sửa là bản sao bằng giấy than màu xanh của bản chính. Theo lời ông Nguyễn Khương Ninh, ông đã đến TPHCM tìm gặp ông Lê Trung Khá. Ông Khá khẳng định, hai biên bản của Bảo tàng Kiên Giang lập không ghi đúng nội dung giám định của ông. Chính tay ông Khá đã viết hai biên bản giám định, một bản do ông giữ, còn một bản giao cho ông Dương Văn Truyện (lúc đó là Giám đốc Bảo tàng Kiên Giang).

Ông Khá xác định nội dung giám định là: “7 đốt xương cổ và xương hàm của hài cốt còn nguyên, chứng tỏ người chết không bị chém đầu, còn nhiều chiếc răng bị mòn vẹt dính chất vôi, chứng tỏ người chết cao niên và có ăn trầu”. Ông Khá xác định bộ hài cốt này không phải của cụ Nguyễn Trung Trực. Còn biên bản giám định hài cốt do ông giữ đã được đưa vào lưu trữ tại TPHCM.

Ngoài ông Thanh, ông Ninh kịch liệt phản đối việc nhận thi hài người khác cho rằng của cụ Nguyễn, các nhân sĩ tên tuổi như giáo sư bác sĩ Trần Cửu Kiến cũng lên tiếng góp ý. Ngay thực tế khách quan của bộ hài cốt là bằng chứng hiển nhiên không có đặc thù của thân thế cụ Nguyễn bị chết chém năm 30 tuổi nhưng xương của hài cốt đã 50 tuổi, xương cổ còn nguyên. Ngôi mộ bằng đá, chạm khắc hoa văn, có bia chữ Hán. Lẽ nào người Pháp lại ưu ái quý trọng cụ Nguyễn đến mức xây mộ đá khắc bia nằm ngay trong dinh tỉnh trưởng? Chính Thống Đốc Nam Kỳ đã bác bỏ đề nghị của Huỳnh Công Tấn xin tha cho cụ Nguyễn vì lý do “người này đã giết quá nhiều binh lính và sĩ quan Pháp”.

Chủ tỉnh Kiên Giang là Arnoux (có người ghi là Reneoul), biết đọc chữ Hán, khi đi dự lễ kỳ yên ở đình Vĩnh Thanh Vân nhìn thấy bài vị cụ Nguyễn thờ trong đình đã hầm hầm bỏ về làm hương chức hội tế Rạch Giá sợ xanh mặt. Bên cạnh đó, thi hài vị Anh hùng dân tộc nhưng được khẳng định bằng biên bản chung chung, phản khoa học. Đáng tiếc, tỉnh Kiên Giang vẫn không xem xét trả lời trước công luận, liệu có xứng đáng với sự hy sinh của bậc tiền nhân?

Theo Công an TP.HCM
Thành công Sao chép đường dẫn thành công !!