Có thể bạn quan tâm

Bánh lọt nước cốt dừa Cần Thơ

Có những món ăn tưởng chừng rất “quê” đã trở thành món “độc” và khó tìm ở nơi phố thị. Bánh lọt nước cốt dừa là món ăn vặt mà Văn hóa miền Tây muốn nhắc đến… Một ngày nắng nóng thưởng thức 1 ly bánh lọt nước cốt dừa thì còn gì ngon bằng.

Một ngày nắng nóng thưởng thức 1 ly bánh lọt nước cốt dừa thì còn gì ngon bằng

Trong ký ức tuổi thơ của tôi, có 2 loại bánh lọt mà mẹ vẫn hay làm, bánh lọt mặn thường ăn cùng nước lèo có tôm – thịt giống như bánh canh, còn bánh lọt ngọt thì ăn cùng nước đường và nước cốt dừa. Đất Cần Thơ nổi tiếng có bánh lọt lá cẩm với màu tím lấy từ lá cẩm nhưng xanh lá dứa thì thông dụng hơn.

Bánh lọt Cần Thơ từ xưa đã nổi tiếng là ngon. Nhưng rất ít thấy ai bán ngoài phố. Tưởng chừng như các loại bánh, hay chè truyền thống đã không còn để nhường chổ cho các thứ bánh Tây như donut, su que, tiramisu…

Bánh lọt Cần Thơ từ xưa đã nổi tiếng là ngon

Không hẳn vậy, vẫn còn những không gian riêng dành cho món bánh ngon lành này, đó là những quán cốc vỉa hè hay trên những chiếc xe đẩy do các dì, các cô từ miền Tây lặn lội lên đây bán vì cuộc sống mưu sinh.

Cũng như bao loại bánh cổ truyền của người Việt, người làm bánh đều mua gạo tẻ về rồi xay lấy bột chứ không phải làm từ bột khô có sẳn ngoài chợ, vì làm từ bột xay nhà sẽ ngon hơn rất nhiều.

Bánh lọt đúng vị cổ truyền thì rời từng sợi bánh rời, mềm mại và nhỏ nhắn, thơm mùi lá dứa. Nếu bánh có pha quá nhiều bột năng thì sẽ dai và hơi cứng, sợi dày và dài rất thô lại dính chùm. Màu xanh dờn của chất hóa học chứ không xanh rêu như màu tự nhiên của lá dứa.

Bánh lọt đúng vị cổ truyền thì rời từng sợi bánh rời, mềm mại và nhỏ nhắn, thơm mùi lá dứa

Món bánh lọt chỉ đơn giản gồm bánh lọt màu lá dứa, nước cốt dừa trắng thật đặc và béo, nước đường thắng sóng sánh màu vàng mật. Khi ăn sẽ trộn tất cả chung vào một ly thêm nước đá.

Thật ra bánh lọt vốn chỉ có vậy thôi. Nhưng dân Sài Gòn thường có thối quen thêm hay bớt một vài thứ so với nguyên mẫu, nên người bán cho thêm hạt lựu, sương sa và đậu xanh nhuyễn để món ăn thêm thú vị hơn.

Chợ đêm Tây Đô, đậm chất Nam Bộ

[vanhoamientay.com] Chợ đêm Tây Đô cách trung tâm Tp. Cần Thơ khoảng 1km về phía tây sông Hậu, tọa lạc trong khu Hội chợ triển lãm quốc tế Cần Thơ. Đây là trung tâm buôn bán lớn của các tỉnh Nam Bộ đồng thời cũng là điểm vui chơi giải trí, du lịch hấp dẫn.

Chợ đêm Tây Đô Tuy mới hoạt động trong vài năm gần đây nhưng chợ đêm Tây Ðô được xem là một điểm du lịch văn hóa đặc trưng, nổi bật và hấp dẫn ở Cần Thơ, thu hút không chỉ người dân địa phương mà cả du khách phương xa. Chợ Tây Ðô truớc đây là một chợ đầu mối chung chuyển các mặt hàng với nhiều địa phương trong và ngoài nước.

Bên cạnh chức năng trao đổi hàng hoá, tại đây còn có các dịch vụ ẩm thực, giải trí… Do quy mô hoạt động và tầm quan trọng đối với khu vực nên chợ Tây Đô là một trung tâm buôn bán lớn của các tỉnh Nam Bộ.

Chợ đêm Tây Ðô hiện nay có kiến trúc hài hòa với cảnh quan môi trường xung quanh và mang đậm phong cách Nam Bộ. Chợ được chia theo từng gian hàng rất khoa học, thông thoáng, gọn gàng, đảm bảo tính thẩm mỹ. Ðường đi lối lại trong chợ được nhựa hóa và thoáng rộng.

Các sản phẩm tại chợ đêm Tây Ðô rất phong phú và đa dạng, đáp ứng nhu cầu của cư dân và du khách trong việc lựa chọn sản phẩm. Ngoài mục đích phục vụ mua bán hàng hóa, chợ đêm Tây Ðô cũng có những dịch vụ giải trí mới, hiện đại như: trò chơi điện tử, sân khấu ca nhạc ngoài trời và các chương trình vui chơi khác.

Ðến chợ đêm Tây Ðô, du khách sẽ có một chuyến du lịch thú vị. Bức tranh tổng hợp này đã phác hoạ chân thực cuộc sống, sinh hoạt của cư dân vùng hạ nguồn sông Mê Kông nổi tiếng này.

Theo Lukhach24h

Bánh cống Sóc Trăng

[vanhoamientay.com] Nhắc đến Sóc Trăng người ta không chỉ nhắc đến bánh Pía mà còn một loại bánh cũng rất hấp dẫn người ăn đó chính là bánh cống Sóc Trăng

Mỗi địa phương có thể có cách chế biến đôi chút khác nhau. Tuy nhiên, đến Sóc Trăng, thực khách muốn được thưởng thức loại bánh cống ngon nhất phải tìm đến chợ ven lộ Xoài Cà Nã (Đại Tâm – Mỹ Xuyên), cách thị xã Sóc Trăng khoảng 8km.

Cách làm bánh cống không phức tạp, tất cả phụ thuộc vào bàn tay khéo léo của người đầu bếp trong cách chọn nguyên liệu, pha chế bột, đổ bánh đều và đẹp.

Chiếc khuôn làm bánh cống tròn nhỏ hơn miệng ly uống cà phê đá, chiều cao khoảng 20 cm. Vỏ bánh được làm từ bột gạo tẻ, người làm bánh phải chọn thứ gạo tốt nhất, phải là gạo lúa mùa thơm ngon, sau đó đem ngâm hai đêm rồi mới xay, xay xong lại pha nước muối loãng, ngâm cùng với bột trong cùng một cái hũ khoảng từ một đến hai đêm nữa. Có như thế, vỏ bánh mới đảm bảo yêu cầu. Nhân bánh cống có thành phần gồm tôm, thịt băm, đậu xanh nguyên hạt đã nấu chín, trứng gà. Bí quyết bánh ở đây ngon là thịt heo băm được trộn với củ hành tím – một loại nông sản trồng rất nhiều ở ven biển thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng). Mùi củ hành trong chiếc bánh sau khi chiên chín hòa quyện với rau sống ăn kèm rất ngon.

Để làm ra một chiếc bánh cống người bán sẽ múc một ít bột cho vào chiếc cống, sau đó là một lớp đậu xanh, thịt băm trộn củ hành tím và phủ lên trên cũng bằng một lớp bột. Trên cùng vài con tép luộc chín.

Cách ăn bánh tương tự bánh xèo, bánh ăn kèm rau sống và chấm nước mắm chua. Trong đĩa rau sống có xà lách, rau rơm, húng lủi, diếp cá,vài lá bắp cải sống. Lá cải sau khi được tách ra khỏi bắp cần thiết ngâm nước muối có ít nước đá để giúp lá cải được giòn.

Món nước chấm cho món bánh cống Sóc Trăng cũng khá đặc trưng, phải là nước mắm chính hiệu cá cơm Phú Quốc, gừng cay nồng giã nhỏ, chanh chua thanh thanh đặc trưng.

Bánh cống Sóc Trăng tuy đơn giản nhưng ít nơi nào có thể bắt chước được bởi đó là món ăn truyền thống độc đáo mà cũng độc quyền của miền đất Sóc Trăng.

Băng Tâm tổng hợp

Làng nghề tàu hủ ky Mỹ Hòa – Bình Minh

Tàu hủ ky Mỹ Hòa là làng nghề truyền thống nổi tiếng của vùng đất Bình Minh – Vĩnh Long, đã tồn tại gần một thế kỷ, hiện có khoảng 34 hộ gia đình vẫn theo nghề. Và năm 2013 làng nghề đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu tập thể “Tàu hủ ky Mỹ Hòa – Bình Minh”.

Tàu hủ ky Mỹ Hòa – Bình Minh

Khi nhắc đến tàu hủ ky nhiều người mặc định đó là đồ chay, nhưng bây giờ thì nó không còn là nguyên liệu độc quyền dành riêng cho những người ăn chay nữa. Vì không chỉ là một món ăn giàu dinh dưỡng, tàu hủ ky còn đa dạng trong chế biến. Nào là tàu hủ miếng lớn, tàu hủ ky cọng khô, cọng non, tàu hủ ky ướp muối…

Làng nghề tàu hủ ky Mỹ Hòa là dải đất nằm kẹp giữa sông Hậu và nhánh Cái Vồn, nay gần chân cầu Cần Thơ. Làng nghề Mỹ Hòa được hình thành từ thời anh em nhà Châu Phạch và Châu Sầm đến vùng đất này khởi nghiệp, bà con trong vùng thấy hay đến xin truyền nghề, dần dà số người làm tàu hủ ky đông lên thành hẳn một làng nghề.
Từ đó, người dân nơi đây cũng trở nên quen dần với mùi khói đặc trưng của những miếng tàu hủ ky vàng ruộm, cùng hình ảnh giàn sợi tàu hủ ky chờ nắng dọc bờ sông.

Tàu hủ ky Mỹ Hòa – Bình Minh

Dù phổ biến là vậy nhưng có lẽ ít ai biết đây lại là một món ăn xuất xứ từ con nhà nghèo. Người ta kể rằng hồi xưa, có một gia đình nghèo khổ làm nghề bán sữa đậu ngoài chợ. Ngày nọ, vợ chồng họ cãi nhau to đến mức quên nồi sữa đang đun trên bếp bị đóng thành váng. Người vợ tiếc của không nỡ bỏ đi nên vớt lấy váng đậu treo lên sào phơi cho ráo rồi quên bẵng đi mất. Khi nhà chẳng còn gì ăn vợ chồng lại lục đục, chị vợ nhìn thấy váng đậu khô bữa nọ còn vắt trên vách bếp bèn lấy ra chế biến với hy vọng sẽ thành món ăn qua cơn đói. Nhưng thật không ngờ là miếng váng đậu đó đã trở thành một món ăn ngon hơn cả tưởng tượng.

Tàu hủ ky Mỹ Hòa – Bình Minh

Đó là sự tích, còn để làm tàu hủ ky chuyên nghiệp thì phải tốn công hơn nhiều. Để làm tàu hủ ky Mỹ Hòa ngâm đậu chừng 2 tiếng để nở và mềm rồi xay thành bột, sau đó đưa vào máy ly tâm vắt lấy nước. Nước đậu nguyên chất được bỏ lên chảo đun để lấy váng. Thông thường người ta xếp 18 chảo thành hai hàng gọi là một dàn, tùy theo quy mô từng gia đình mà số dàn này nhiều hay ít.

Tàu hủ ky Mỹ Hòa – Bình Minh

Để lên váng đậu, nước trong chảo chỉ được duy trì ở khoảng 70 độ C. Nếu muốn lá tàu hủ ky dày thì để váng nổi lâu hơn, còn lá mỏng chỉ cần nổi váng chừng 5 phút. Cứ khoảng 10 phút sau khi vớt chảo lại nổi váng một lần và được thợ dùng dao rạch váng rồi treo lên sào trúc ngay phía trên chảo cho ráo. Thợ làm tàu hủ ky phải luôn tay cho đến khi cạn nước, lấy mãi tới lớp cuối cùng thì gọi là vớt bẹ. Để ra được 1kg tàu hủ ky với giá 95 ngàn đồng bán ra thị trường phải dùng khoảng 2,4 kg đậu nành tươi.

Tàu hủ ky Mỹ Hòa – Bình Minh

Làm tàu hủ ky Mỹ Hòa chỉ sợ đến mùa gió chướng tháng 7, lúc đó nước đục và đậu xấu nên tàu hủ thường lên váng chậm và màu không đẹp. Chỉ từ khoảng giữa tháng 10 đến tháng 4 hàng năm là thời gian thuận lợi để làm được tàu hũ ky ngon.

Rừng tràm Trà Sư, nét đẹp mùa nước nổi An Giang

Cứ độ tháng 10 tháng 11 hàng năm, dân du lịch từ Nam ra Bắc lại rủ nhau đi ngắm rừng tràm Trà Sư yên bình và xanh mát , Với sinh cảnh rừng tràm ngập nước và hệ động thực vật phong phú, rừng tràm Trà Sư được xem là biểu trưng cho nét đẹp mùa nước nổi An Giang.

Đây cũng là khu rừng ngập nước nội địa thứ 6 của các tỉnh miền tây .Với diện tích khoảng 850 ha, rừng tràm Trà Sư phủ một màu xanh mơn mởn của đám bèo tây giăng kín mặt nước. Đây sẽ là một trải nghiệm bạn không thể bỏ lỡ khi đi thuyền trên đồng nước mênh mang và say mê với vẻ đẹp mát rượi của khu rừng, lắng nghe tiếng chim chóc kêu thật gần và những bông điên điển vàng nghiêng nghiêng soi bóng.

Đi về phía huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang, cách Long Xuyên khoảng 100 km, bạn sẽ gặp con đường đất đỏ dẫn vào rừng tràm Trà Sư. Hai bên đường, những cánh đồng lúa ngút ngàn và những cây thốt nốt cao cao tỏa bóng như mê đắm, nhất là trong ánh hoàng hôn rực rỡ của miền nhiệt đới. Đâu đó, bạn còn gặp những đàn vịt đủ màu sắc, bởi họ nhuộm lông cho những chú vịt, nào vàng, nào xanh, nào tím… để nhận biết vịt của các nhà.

Mặc dù đường vào rừng còn gập ghềnh ổ gà, ổ voi nhưng ai đã một lần đặt chân đến đây sẽ nhanh chóng bị không gian huyền bí của rừng cuốn hút, dọc bên đường là những đầm sen và hàng cây xanh mát. Vé đi thuyền ở rừng tràm khá rẻ, theo nhóm 3-5 người một thuyền có giá khoảng 50.000-60.000 một người cho 2 tiếng tham quan. Thuyền máy đôi tôm rẽ nước đưa du khách vào sâu trong rừng tràm. Thi thoảng, khi bắt gặp những chú chim dạn dĩ đậu ngay thân cây, khóm hoa súng hay điên điển bên bờ, bạn cũng có thể yêu cầu lái thuyền dừng máy để thưởng thức không gian tĩnh lặng và ghi lại khoảnh khắc tuyệt đẹp của thiên nhiên.

Đứng trước cây cầu vào cổng, trước mắt du khách hiện ra con kênh dài với dòng nước mát lành, thi thoảng lại có chú cá vẫy đuôi làm xao động mặt nước. Ngay cạnh đó là cả dãy rừng tràm xa tít, ngăn ngắt màu xanh. Từ đây, du khách không đi bằng xe nữa mà phải dùng ghe, xuồng nhỏ để dễ dàng len lỏi trong các ngóc ngách của rừng nơi những cánh bèo tấm phủ xanh kín mặt nước. Trên thuyền được trang bị cả nón lá để chụp ảnh hay tránh “bom” của những chú chim trong rừng, khỏa nước theo giọng nói chuyện chầm chậm của cô lái thuyền.

Bạn có thể với tay chạm vào những tấm bèo ngay sát mặt nước, ngắm những bông điên điển vàng rực. Nếu đi vào sáng sớm hay chiều tối, bạn sẽ bắt gặp cảnh tượng hàng đàn chim tỏa đi khắp bầu trời rồi bay về tổ.

Sau khi chuyển lại về thuyền máy, bạn được đưa tới Vọng gác quan sát, nơi có thể chiêm ngưỡng toàn cảnh khu rừng rộng bao la. Vì đi vào mùa mưa tháng 10, 11, đôi khi bạn cũng có thể bắt gặp những cơn mưa bóng mây trong rừng, ào ào rồi chợt tạnh.

Sau khi khám phá rừng tràm, bạn nên ghé qua các địa điểm du lịch khác của An Giang như đền bà Chúa Xứ, khu du lịch núi Cấm… hay dừng chân thưởng thức nước thốt nốt bên đường và mua về làm quà.

Băng Tâm tổng hợp

Khám phá rừng tràm U Minh Hạ

[vanhoamientay.com] Về Cà Mau, du khách ngồi trên những chiếc vỏ lãi xuôi theo dòng sông Trèm Trẹm, Cái Tàu, sông Đốc để đến khám phá rừng tràm U Minh Hạ.

Rừng tràm U Minh Hạ tiếp giáp với rừng tràm U Minh Thượng (tỉnh Kiên Giang), có tổng diện tích khoảng 35.000 ha. Trong đó, có 8.256 ha được công nhận Vườn quốc gia U Minh Hạ.

Nơi đây có Vườn Quốc gia U Minh Hạ là một trong ba vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Mũi Cà Mau có nhiệm vụ bảo tồn, tái tạo các giá trị về cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái và đa dạng sinh học của hệ sinh thái đất ngập nước đặc thù, rừng tràm trên đất than bùn; bảo tồn và phát triển nguồn gen các loài động thực vật quý, các giá trị văn hóa, tinh thần, di tích lịch sử, phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, tham quan và phát triển du lịch.

Rừng U Minh Hạ với cây tràm chiếm ưu thế tuyệt đối. Có nhiều loài động vật như nai, heo rừng, khỉ, chồn trăn, rắn, rùa, trúc (tê tê)… và có 60 loài cá nước ngọt và cá nước lợ sinh sống trú ngụ.

Đặc biệt, dưới tán rừng, quanh năm loài ong cần mẫn đi hút mật từ những nhụy bông tràm về xây tổ, hàng năm cho khai thác sản lượng lớn. Vào mùa ăn ong, du khách sẽ được theo chân những người thợ gác kèo ong của tập đoàn Phong Ngạn để vào rừng cùng ăn ong, lấy mật. Tại đây, du khách được thưởng thức món ăn ong non vừa được cắt xuống, chấm thêm tí mật của hương rừng tràm U Minh thì ngọt thanh đến thao đầu lưỡi. Quý khách có thể mua mật ong tinh khiết của rừng tràm U Minh về làm thuốc, hay làm quà biếu cho người thân.

Sau những chuyến xuyên rừng, du khách có thể xem tát đìa hay tự tay giăng lưới, câu cá, hái rau rừng, nhổ bông súng…Rồi thưởng thức nhiều món ăn đặc sản của xứ sở rừng tràm U Minh mà ít nơi nào có được như cá lóc nướng trui, cá rô đồng nấu lẩu mắm, lươn um lá nhàu, rắn hổ hành nấu cháo đậu xanh, hầm sả hay trích nướng mọi, chuột đồng chiên cùng nhiều món ăn dân dã khác.

Đến với rừng tràm U Minh Hạ, du khách được đến thăm quê hương của Bác Ba Phi. Đêm xuống, du khách có thể tham gia đờn ca tài tử, đi soi cá, đổ trúm, bắt chuột đồng hay giăng lưới chim ở miệt rừng U Minh.

Theo camaugov

Khu di tích căn cứ Tỉnh Ủy, Hậu Giang

[vanhoamientay.com]Khu căn cứ Tỉnh ủy còn gọi là căn cứ Bà Bái, nằm ở địa phận ấp Phương Quới, xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. Toàn bộ khu di tích được xây dựng trên khoảng đất vườn rộng 6ha, được bao bọc bởi bốn chiến hào: kênh Xáng, Lái Hiếu (phía đông nam), kênh Cả Cường (phía đông bắc), kênh cũ (phía tây bắc) và kênh Bà Bái (phía tây nam).

Lối dẫn vào khu căn cứ tỉnh ủy là một con đường nhỏ rợp bóng, ánh nắng mặt trời nhuộm thêm cho cảnh vật một màu vàng thi vị….Trước kia, đây là nơi ngăn chặn các cuộc càng quét, đánh phá, bao vây của địch rất có hiệu quả. Những tán cây rậm rạp như giúp che phủ cho người lính trẻ dũng cảm. Hiện nay, đây là nơi tham quan của rất nhiều du khách, cũng như các bạn học sinh, sinh viên-giới trẻ ngày nay học tập truyền thống bất khuất kiên cường của cha ông ta thời trước.

Khu di tích bao gồm: hội trường, nơi diễn ra các cuộc hội nghị quan trọng của tỉnh ủy Cần Thơ, rộng 151m2, được làm từ các vật liệu chính là: tràm, đước, sắn và mù u… Bên trong hội trường là văn phòng làm việc của ban thường vụ và đồng chí Bí thư.

Trong chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 của toàn miền Nam, các đồng chí trong Ban Chấp hành tỉnh Đảng bộ cũng từ đây đi theo các mũi tiến công về Cần Thơ, Vị Thanh và các trọng điểm khác của “Vùng IV chiến thuật”, đánh chiếm sân bay Trà Nóc, dinh tỉnh trưởng Cần Thơ. Vào hồi 11h30 ngày 30/4/1975, tiếng nói đầu tiên của UBND cách mạng được phát lên sóng của đài phát thanh Cần Thơ.

Từ năm 1980, nhà này được sử dụng để trưng bày các hiện vật về di tích. Ngoài ra còn hàng chục các lán trại của các cơ quan trực thuộc, nhưng hiện nay không giữ được do vật liệu xây dựng mang tính dã chiến, nhanh bị phá hỏng.

Năm 1986, tỉnh Cần Thơ (cũ) đã trùng tu khu di tích. Toàn bộ cột của hội trường và hai hầm tránh pháo được đúc bằng bê tông cốt sắt, nhưng hình dáng, màu sắc và qui cách giống hệt như xưa.

Băng Tâm tổng hợp
Thành công Sao chép đường dẫn thành công !!