Có thể bạn quan tâm

Tại sao nước không chảy ra khỏi tivi

[vanhoamientay.com] Có một lý do rất thuyết phục rằng nước trong tivi thì không thể chảy ra ngoài được

Mấy chị em đang ngồi xem tivi thì bỗng cậu em hỏi

– Chị ơi, nước sông trong tivi sao không chảy ra ngoài nhỉ?

Chị nhìn em rồi trả lời:

– Bé ngốc, đấy là truyền hình.

– Em biết chứ, nhưng nước trong truyền hình cũng là nước vậy.

– Em không thấy kính màn hình đã ngăn nước rồi, làm sao chảy ra được!

– Ờ nhỉ!

st

Làng nghề nắn nồi đất huyện Hòn Đất – Kiên Giang

Trong khi có nhiều làng nghề đang dần bị mai một bởi sự thay thế của những tiến bộ của công nghệ, thì làng nghề nắn nồi đất ở huyện Hòn Đất – Kiên Giang lại là một ngoại lệ khá thú vị

Làng nghề nắn nồi đất tại huyện Hòn Đất – Kiên Giang đã góp phần bảo tồn những giá trị truyền thống mang dấu ấn văn hóa vùng.

Nằm ở trung tâm huyện Hòn Đất, làng nghề truyền thống này đã góp phần bảo tồn những giá trị truyền thống mang dấu ấn văn hóa vùng, chuyên tạo ra những sản phẩm  bằng đất nung như: cà ràng, nồi, om, ơ…

Xuất hiện vào cuối những năm 20 của thế kỷ XX, vị sư tổ của làng nghề là người Khmer, về sau người Việt đã học và phát triển thành nghề truyền thống của người Việt. Nghề nắn nồi là một thuật ngữ chứa một khái niệm chung chỉ công việc tạo ra các sản phẩm làm từ đất nung.

Từ xưa, nghề nắn nồi đối với người dân ở đây chỉ là một nghề phụ, phát triển nhất vào mùa nông nhàn, được người dân làm sau khi sạ lúa xong. Trước năm 1980, vùng này chỉ làm ruộng một vụ nên sau khi sạ lúa có khoảng thời gian dài rảnh rỗi người dân lại làm nghề…

Từ xưa, nghề nắn nồi đối với người dân ở đây chỉ là một nghề phụ.

Hòn Đất là huyện thuộc tỉnh Kiên Giang, với thành phần dân cư chủ yếu gồm ba tộc người chính là Việt, Khmer và Hoa. Từ thị xã Rạch Giá, du khách đi khoảng 30km theo Quốc lộ 80 về hướng Tây Bắc sẽ đến trung tâm huyện Hòn Đất, Kiên Giang. Trãi rộng trên một không gian bao la, du khách sẽ bắt gặp những cánh đồng lúa xanh ngút ngàn, đan xen vào không gian ấy là cảnh mây trời và núi rừng, có cả cảnh biển bao la đang ẩn hiện trước mắt.

Cũng như bao nơi khác, nguyên liệu dùng để nắn nồi là đất sét, phải có đủ các tiêu chuẩn như dễ đánh bóng, chịu nhiệt cao, tính kết dính cao… mà loại đất này có sẵn trên địa bàn huyện. Để hoàn thành một sản phẩm bằng đất phải qua nhiều công đoạn, công đoạn đầu là nắn hay còn gọi là tạo hình vì tất cả các sản phẩm đều có khuôn (khung) bằng gỗ hoặc bằng đất nung, đến công đoạn vỗ, do đất ướt chứa nhiều nước nên sản phẩm mới đầu thường biến dạng, đòi hỏi người làm phải có kỹ thuật vỗ  bằng các thanh tre, sau đó là công đoạn làm bóng, tạo hoa văn để sản phẩm được nhẵn bóng hoàn chỉnh. Nếu được chứng kiến các công đoạn làm mới thấy để có được sản phẩm như ý đòi hỏi người thợ phải có kỹ thuật cao, bàn tay phải uyển chuyển, mềm mại, sáng tạo.

Sản phẩm như ý đòi hỏi người thợ phải có kỹ thuật cao, bàn tay phải uyển chuyển, mềm mại, sáng tạo

Sau một tuần lễ, các sản phẩm được phơi khô và có thể đưa vào nung, gọi theo tiếng nhà nghề là “đốt nồi”.  Công đoạn đốt nồi khá đơn giản nhưng phải là người có nhiều kinh nghiệm trong nghề, trước kia cũng có nhiều thợ đốt nồi chuyên nghiệp đi đốt thuê nhưng đến nay ai cũng có thể đốt được. Trước khi “nung” người thợ phải sắp mọi sản phẩm lên mặt đất, chèn rơm hoặc cỏ khô vào các sản phẩm, phía trên lớp rơm có một lớp củi tràm. Người ta thường tiến hành đốt vào lúc ban đêm để dễ theo dõi lửa cháy cho đều. Thông thường, các loại sản phẩm “nặng lửa” được đặt ở trung tâm, loại “nhẹ lửa” sắp ở chung quanh để sản phẩm không bị sống hoặc chín quá.

Có vậy mới biết, sức sống của một làng nghề truyền thống không những phải phù hợp với nhu cầu cuộc sống, mà còn là câu chuyện của thời gian, của quá khứ và những kỷ niệm đẹp, mang bóng dáng của miệt đồng quê, không dễ lãng quên.

Trước sự phát triển của kim loại, nhiều vật dụng đã thay thế các sản phẩm bằng đất nung nhưng  nghề nắn nồi ở Hòn Đất vẫn tồn tại và được nhiều người biết đến. Những hình ảnh cái nồi đất không phai mờ trong sinh hoạt của con người, càng ngày càng được tái hiện sinh động và chân thực dưới bàn tay tài hoa của những nghệ nhân nắn nồi. Giờ đây nhắc đến nồi đất là người ta nhớ đến một làng nghề nắn nồi ở Hòn Đất, một làng nghề thủ công truyền thống nổi tiếng ở Kiên Giang.

Cần Thơ vào top thành phố có kênh rạch đẹp nhất thế giới

Trang Mysteriousworld vừa liệt kê danh sách những thành phố có kênh rạch đẹp nhất thế giới, trong đó Cần Thơ được ca ngợi là nơi có kênh đào đẹp với chợ nổi và cảnh giao thương tấp nập.

Cần Thơ vào top thành phố có kênh rạch đẹp nhất thế giới

Cần Thơ, Việt Nam

Cần Thơ, một trong những thành phố lớn của Việt Nam, là trung tâm của mạng lưới sông rạch ở đồng bằng sông Cửu Long. Tổng chiều dài giao thông đường thuỷ của thành phố đạt hơn 1.000 km.

Ngoài mạng lưới rộng lớn của các kênh rạch, chợ nổi là điểm thu hút du lịch chính của thành phố Cần Thơ, trong đó phải kể đến chợ nổi Cái Răng. Các thuyền buôn dưới sông cung cấp cho bạn các loại hàng hóa. Tham gia tour du lịch trên chợ nổi là cách tuyệt vời để trải nghiệm miền sông nước và khám phá đời sống văn hoá địa phương nơi đây

Cần Thơ, Việt Nam

Venice, Italy

Venice là thành phố duy nhất nằm trên một nhóm 118 hòn đảo được ngăn cách bởi các kênh đào. Nơi đây có khoảng 179 kênh đào và các hòn đảo được kết nối với nhau thông qua hơn 400 cây cầu. Được mệnh danh là “thành phố kênh đào đẹp nhất hành tinh”, Venice hàng ngày đón hơn 50.000 lượt khách tham quan đến chiêm ngưỡng và khám phá.

Phương tiện giao thông chính ở đây là tàu thuyền, được gọi với cái tên là Gondola. Ngày nay, toàn thành phố có hơn 350 Gondola và hầu hết chuyến du lịch không thiếu vắng hình thức vận chuyển này.

Kênh đào Grand Canal có chiều dài 3.800 m được xem là đường thuỷ chính ở Venice. Ngoài việc ngồi thuyền Gondola thong dong trên Grand Canal và các kênh rạch nhỏ khác, bạn cũng có thể thưởng thức vẻ đẹp hấp dẫn của những cung điện và nhiều toà nhà lịch sử khác.

Venice, Italy

Birmingham, Anh

Với hơn 1,9 triệu cư dân sinh sống, Birmingham là thành phố đông dân thứ hai ở Anh. Bên cạnh sự đông đúc, tấp nập của một đô thị sầm uất, Birmingham còn có nhiều kênh đào đẹp kéo dài hơn 160 km.

Kênh đào đầu tiên của thành phố được mở năm 1769 để kết nối Birmingham với thị trấn Wednesbury. Những hành trình du lịch qua những kênh đào của Birmingham tạo cơ hội ngắm cảnh lý tưởng trong lòng thành phố.

Birmingham, Anh

Giethoorn, Hà Lan

Gietoorn là một ngôi làng kênh đào tuyệt đẹp nằm ở tỉnh Overijssel của Hà Lan. Vùng đất này được ngăn cách bởi những kênh rạch và kết nối bởi 180 cây cầu nhỏ. Nơi đây còn được gọi là “Venice của Hà Lan”. Ngôi làng này “nói không” với xe hơi, vì cách duy nhất để tiếp cận là đi bằng thuyền và xe đạp.

Giethoorn, Hà Lan

Tô Châu, Trung Quốc

Thành phố lịch sử Tô Châu được nhiều người ngưỡng mộ bởi vẻ đẹp của những khu vườn và các kênh đào của nó. 15 kênh đào nhỏ ở đây đan chéo nhau, trong đó có kênh đào dài nhất xấp xỉ Grand Canal ở Venice, Italy, được xây dựng giữa năm 581 và 618. Giống như Grand Canal, kênh đào ở Tô Châu cũng len lỏi qua nhiều nơi đẹp trong lòng thành phố.

Tô Châu, Trung Quốc

Alleppey, Kerala, Ấn Độ

Được mệnh danh là “Venice của phương Đông”, thành phố đẹp như tranh vẽ Alleppey, nằm ở bang Kerala, miền nam Ấn Độ, có một mạng lưới rộng lớn các đầm phá, sông và hồ với chiều dài lên đến 1.500 km.

Vùng nước trũng Vembanad là một trong những phần đẹp nhất của bang Kerala, nằm trong lòng thành phố Alleppey. Ngoài ra, hồ Vembanad rộng lớn với diện tích bề mặt hơn 2.000 km vuông. Cả hai cũng bao gồm một mạng lưới kênh đào.

Bạn có thể thuê nhà thuyền, thuyền tốc độ nhanh để tham quan các kênh đào ở thành phố Alleppey. Bạn sẽ cảm nhận và khám phá được nhiều khía cạnh về văn hoá và vẻ đẹp tự nhiên ngoạn mục ở nơi đây.

Alleppey, Kerala, Ấn Độ

Stockholm, Thụy Điển

Stockholm, thủ đô của Thụy Điển được xây dựng trên 14 hòn đảo xinh đẹp ở hồ Malaren. Các quần đảo rộng lớn ở đây kết nối thành phố với biển Baltic về phía đông. Do đó, chèo thuyền là cách trải nghiệm thú vị để tham quan thành phố.

Các vùng nước ở đây rất sạch sẽ, thích hợp cho bơi lội và câu cá. Stockholm cũng là một trong những thành phố xanh của thế giới với hơn 12 công viên rộng lớn và được biết đến với quá trình thanh lọc chất thải tốt.

Stockholm, Thụy Điển

Bruges, Bỉ

Bruges, thành phố lớn thời trung cổ, nổi tiếng với những con kênh đẹp từ nhiều thế kỷ. Các tuyến đường thuỷ ở Bruges còn được gọi là “Venice của phương Bắc”. Tour du lịch kênh đào là cách tốt nhất để khám phá thành phố này.

Những con kênh đào thơ mộng kết nối với các phần chính của Bruges, do đó bạn có thể tiếp cận bằng nhiều dịch vụ thuyền ở thành phố từ địa điểm khác nhau. Thường mỗi chuyến tham quan kéo dài 30 phút và bạn sẽ có cái nhìn ấn tượng về thành phố cổ này từ trên mặt nước.

Bruges, Bỉ

Bangkok, Thái Lan

Hệ thống kênh rạch là một phần không thể thiếu của thành phố Bangkok từ thế kỷ 18. Các tuyến đường thủy đầu tiên được đào để bảo vệ biên giới.Trong suốt thế kỷ 19, hệ thống kênh ở Bangkok mở rộng nhanh chóng cho thủy lợi và giao thông vận tải. Ngày nay, nhiều trong số những kênh rạch được sử dụng cho mục đích thoát nước. Tuy nhiên vẫn còn những hệ thống kênh đóng một vai trò quan trọng trong việc vận chuyển của đất nước.

Các hệ thống kênh rạch ở Bangkok thường được gọi là Klong. Khlong Saen Saeb là kênh đào còn lại chủ yếu ở thành phố Bangkok với chiều dài 18 km, chạy từ phía đông đến phía tây của thành phố. Đi tàu ở Khlong Saen Saeb là cách tốt nhất để tham quan, ngắm cảnh và tìm hiểu về những địa danh lịch sử và các trung tâm mua sắm.

Các chợ nổi là một phần quan trọng của tuyến đường thủy Bangkok. Nhiều tàu thuyền thương mại đầy màu sắc, buôn bán các mặt hàng địa phương ngay tại các kênh rạch, thực sự tạo cho du khách nhiều trải nghiệm thú vị. Damnoen Saduak, Amphawa, Taling Chan, Khlong Lạt Mayom, Bang Nam Pheung là năm chợ nổi chính tại thành phố Bangkok.

Bangkok, Thái Lan

Cape Coral, Florida, Mỹ

Thành phố Cape Coral ở Florida được biết đến với chiều dài bờ sông lên đến 640 km. Nó dài hơn hệ thống kênh của bất kỳ thành phố nào khác trên thế giới. Cape Coral có cả hồ nước ngọt và nước mặn. Các kênh nhân tạo của thành phố được đào trở lại vào năm 1970. Hệ thống này cũng cung cấp đủ nước cho thủy lợi và bảo vệ thành phố khỏi lũ.

Cape Coral, Florida, Mỹ

3 quán cà phê lãng mạn ở Sài Gòn

[vanhoamientay.com] Những quán cà phê lãng mạn Country House, Story M hay Sorrento là những lựa chọn tối ưu của bạn cho cuộc hẹn bất ngờ với người mình yêu.

  1. Country House

Nếu có dịp đi đến đường Phan Văn Trị (quận Gò Vấp, TP.HCM), bạn sẽ khó mà bỏ qua được Country House, một quán café với kiểu kiến trúc phương Tây.

Bước qua cánh cổng nhỏ xíu của quán cà phê lãng mạn Country House là cả một thế giới sân vườn đầy màu sắc và thơ mộng. Những ai từng đến Country House đều dành tặng nhiều lời tốt đẹp cho quán. Country House trang trí bằng xe hơi cổ và các vật dụng khác như vespa, xe đạp, xích lô. Kiểu cách của quán như một xứ sở cổ tích, đặc biệt lung linh về đêm.

Mỗi không gian ở đây lại cho khách một cảm giác khác nhau: khu vực dưới mái hiên được bố trí bởi những chậu hoa kiểng treo trên cao và đặt trên bàn, trên tường ở mỗi bàn là một bức tranh nhỏ, khách sẽ được ngồi trên ghế sa lông êm ái cùng dãy bàn thấp. Khu vực ngoài trời được bố trí bởi các dãy bàn và ghế gỗ nằm xung quanh một hồ nước nhỏ chạy theo chiều dài của quán. Để tránh cái nắng nóng, Country House sử dụng khá nhiều dù và thiết bị phun sương, kèm theo là các quạt công nghiệp lớn. Tường gạch ở quán được lát bằng những viên đá cuội lớn, tạo cho khách cảm giác như đang ở trong một tòa lâu đài thu nhỏ. Đa dạng nhất phải nói đến là loại bàn ghế, từ các bộ sa lông đủ màu, các bộ ghế gỗ với các màu trắng, xanh, vân gỗ… đến các loại ghế giả kiểu thân cây được lót đệm. Đặc biệt nhất là Country House có cả một khu nhà bằng mô hình nằm bên trên thác nước. Khu vực phòng lạnh của quán cũng khá đặc biệt với lối vào có hình mái vòm tròn, bên trong là các dãy bàn với ghế salông hoa văn đủ màu sắc.

Quán rất đông khách, mọi người tìm đến chủ yếu vì danh tiếng và lời truyền miệng của người này qua người khác. Mỗi góc của quán là mỗi ý tưởng khác nhau, thích hợp cho những bạn mê chụp hình.

Địa chỉ: 18C Phan Văn Trị, phường 10, quận Gò Vấp. HCM

  1. Story M

Quán chắn chắn sẽ là nơi lý tưởng dành cho những ai đam mê sách, yêu âm nhạc và nghiện cafe. Quán cà phê Story M là sự pha trộn giữa nét hiện đại và cổ điển, là điểm hẹn quen thuộc của nhiều bạn trẻ, đặc biệt là những ai say mê nghệ thuật.

Cảm giác đầu tiên khi vào quán là sự ấm áp lan tỏa, nhân viên của Story M khá nhiệt tình và thân thiện. Khách quan mà nói thì món ăn ở Story M không xuất sắc, nhưng bù lại đồ uống đa dạng và pha chế ngon.

Vào những ngày cuối tuần trong tiết trời cuối thu, còn gì thích hơn khi được nhâm nhi ly cà phê thơm lừng, và thả hồn theo tiếng nhạc du dương êm tai. Âm nhạc của quán được chọn lựa kỹ càng từ những bộ sưu tập âm nhạc chill-out tinh tế cũng như những album nhạc audiophile, và cả những bản nhạc Việt hay.

Tầng 1 của quán  là nơi dành cho những quyển sách ý nghĩa dạy cách làm người, bí quyết thành công trong cuộc sống cũng như cách phát huy năng lực bản thân. Bạn có thể bỏ túi thêm nhiều bí quyết cho riêng mình. Những quyển tiểu thuyết hay, câu chuyện tình yêu đôi lứa với nhiều thể loại khác nhau được cất giữ ở tầng 2.

Nhìn bên ngoài quán cà phê lãng mạn này bạn sẽ không mấy ấn tượng với Story M, nhưng bên trong lại rất dễ thương. Không nhất thiết phải đến cùng với người yêu, bạn có thể tận dụng Story M là nơi để gặp gỡ bạn bè tâm giao.

 Địa chỉ: 51 Trần Nhật Duật, quận 1. HCM

  1. Sorrento

 Vào những ngày đầu hẹn hò, bạn nên chọn cà phê Sorrento. Không gian quán yên tĩnh, bạn có thể tựa đầu vào vai ai đó và lắng nghe từng nốt nhạc vang lên.

Nếu đi vào buổi sáng, bạn sẽ thích mê hàng cây xanh mát mắt phủ kín bên ngoài quán. Quán trang trí nhiều hoa và thác nước tạo khung cảnh như lạc vào một khu rừng. Còn nếu đi vào ban đêm, những ngọn nến trên bàn sẽ khiến cho bạn và người yêu như sát lại gần hơn.

Thức ăn và đồ uống của quán khá ngon, đặc biệt tới đây bạn sẽ biết đến loại nước chế biến từ hoa vô thường. Lúc đầu có thể hơi chát, nhưng sau đó sẽ cảm thấy vị dễ chịu.

Địa chỉ: 91/6 Hòa Hưng, phường 12, quận 10. HCM

Nón lá, tôn vinh vẻ đẹp phụ nữ Việt

Nón lá, tôn vinh vẻ đẹp phụ nữ Việt

Nón lá là biểu tượng cho sự dịu dàng, mộc mạc của người phụ nữ, đất nước con người Việt Nam.

Nón lá biểu tượng sự dịu dàng, mộc mạc của người phụ nữ Việt Nam

Trên khắp mảnh đất mang hình chữ S, chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh chiếc nón lá ở bất cứ nơi đâu. Tuỳ vào mỗi vùng miền sẽ có cách làm nón khác nhau để phù hợp, nhưng nhìn chung mọi sự sáng tạo đều dựa trên một cách làm thủ công truyền thống và ý nghĩa tôn vinh vẻ đẹp phụ nữ Việt.

Nón lá tôn vinh vẻ đẹp phụ nữ Việt

Tôi lớn lên tại một miền quê nghèo Nam Bộ, hình ảnh chiếc nón lá – khăn rằn – áo bà ba đã in sâu vào tâm khảm tuổi thơ và trở thành hành trang bước vào đời.
Phải nói rằng khăn rằn – nón lá – áo bà ba đã trở thành một liên kết tạo nên biểu trưng hoàn mỹ nhất cho vẻ đẹp tâm hồn thuần khiết của người phụ nữ Nam Bộ… Chính vì thế từ trong thực tế cho đến những làn điệu dân ca, lời thơ, câu văn đều có bóng dáng nón gắn liền với người con gái Việt dịu dàng, gắn liền với người mẹ tảo tần mưa nắng.

Nón lá gắn liền với người mẹ tảo tần mưa nắng.

“Quê hương là cầu tre nhỏ,
Mẹ về nón lá nghiêng che”

Chiếc nón lá xuất hiện ở Việt Nam vào đời nhà Trần, khoảng thế kỉ thứ 13. Từ đó đến nay, nón luôn gắn bó với người dân Việt Nam như là hình với bóng.
Nón lá không kén người dùng, không phân biệt giới tính, không phân biệt giàu, nghèo, già trẻ đều có thể đội. Nón ra đồng với nông dân, nón cùng với người lính thú xông pha ngoài chiến trận, nón theo tài tử giai nhân đi trẩy hội, nón theo cung phi vào cung cấm, nón theo các nàng công chúa, các bà hoàng đi chùa cầu duyên cầu tự, nón trên đầu những người lao động. Nó âm thầm lặng lẽ hiện diện trong cuộc sống của người Việt.
Phải chăng như vậy mà nón đã từ lâu trở thành biểu tượng cho đất nước con người Việt Nam?

Trong đời sống hằng ngày, nón là một đồ dùng rất “thực dụng”.
Nón lá ở nước ta dù có nhiều loại, song nét đặc thù chung là rộng vành để che mưa, che nắng và có mái dốc để thoát nước mưa nhanh. Nón chóp nhọn đầu, nón thúng rộng vành, nón ba tầm…
Trong những năm chiến tranh, tiễn người yêu ra chiến trường, các cô gái thường đội nón với cái quai mầu tím thủy chung. Chỉ như vậy thôi đã hơn mọi lời thề non, hẹn biển, làm yên lòng người ra trận…

Nét đẹp của người phụ nữ trong tà áo dài và nón lá

Ngoài điều đó, chiếc nón còn hướng tới mục đích làm đẹp, làm duyên cho người phụ nữ và phù hợp với cảm quan thẩm mỹ của người Việt là đẹp một cách tế nhị, kín đáo. Các cô gái Việt Nam chăm chút chiếc nón như một vật trang sức, người ta gắn lên đỉnh của lòng nón một mảnh gương tròn nho nhỏ để các cô gái làm duyên kín đáo.
Giữa kênh rạch, sông nước chằng chịt miệt vườn Nam Bộ, dưới vành nón, đôi mắt, nụ cười, những sợi tóc mai của cô gái dường như được tôn thêm nét duyên dáng, kín đáo mà không kém phần quyến rũ… khiến ai đó đã phải ngẩn ngơ.

Công phu nhất là vừa vẽ chìm dưới lớp lá nón những hoa văn vui mắt, hay những hình ảnh bụi tre, đồng lúa, những câu thơ trữ tình, phải soi lên nắng mới thấy được gọi là nón bài thơ.Trong chiếc nón bài thơ có biểu hiện những nét đẹp của cả một vùng văn hoá, người phụ nữ Huế khi ra đường, trang phục nhất thiết phải là chiếc áo dài và chiếc nón lá để đội đầu. Dù trời sáng sớm hay im mát, chiếc nón như là vật bất ly thân.

“Nón rất Huế nhưng đời không phải thế
Mặt trời lên từ phía nón em nghiêng”

Chiếc nón lá theo người nông dân ra đồng, cùng tham gia quá trình lao động cho mùa màng bội thu, khi trời tắt gió, nón dùng để quạt cho mát, khi lật ngửa, dùng đựng mớ rau mới hái ngoài đồng, ít trái cây, múc nước…
Ngày nay, chiếc nón lá đã trở thành một biểu tượng của người Việt trong mắt của bạn bè quốc tế. Nón lá luôn được dành vị trí trong hành lí của các du khách khi đến Việt Nam.

Nón lá vẫn mãi là người bạn của người Việt.

Chiếc nón lá đâu chỉ là vật tiện dụng mà còn là nét đẹp thầm kín của văn hóa Việt, sẽ còn tồn tại mãi dù cuộc sống có đổi thay, hiện đại đến đâu, chiếc nón lá vẫn sẽ mãi là người bạn của người Việt.
Tôi chắc thế.


Nghề mở khoá – Giữ tròn chữ đạo

Nghề mở khoá, sửa khoá tưởng an nhàn nhưng hoá ra lắm thị phi và cám dỗ. Chỉ cần một thoáng nhận định sai lầm hay loá mắt vì tiền là người thợ mở khoá sẽ bị kẻ xấu lợi dụng tiếp tay làm điều trái đạo. Do đó, ngoài cái tâm trong sáng, người thợ mở khoá còn phải luyện con mắt tinh tường để phân biệt người ngay, kẻ gian.

Nghề mở khoá, sửa khoá tưởng an nhàn nhưng hoá ra lắm thị phi và cám dỗ

Là người thợ mở khoá đầu tiên ở Cà Mau còn theo nghề cho đến bây giờ, ông Trần Văn Xê (Ba Xê), 67 tuổi, tuyên bố rằng, bất cứ loại ổ khoá nào trên đời này ông cũng có thể mở được, kể cả khoá tủ sắt đời mới nhất của ngân hàng hay ô-tô xịn. Tuy nhiên, nghề này thường bị kẻ gian lợi dụng, chỉ cần một chút bất cẩn là trở thành đồng phạm. Chính vì thế mà người thợ sửa khoá rất dè dặt trong truyền nghề, thậm chí khi thấy con, cháu không đứng đắn, chững chạc thì cũng tuyệt đối không truyền nghề.

Giữ đạo nghề là trên hết

Dưới chân cầu Cà Mau (phường 2, TP Cà Mau), có gần chục gian hàng sửa khoá nằm san sát nhau nhưng không hề có cảnh giành giật, gọi mời. Khách hàng vào gian hàng nào, chủ gian hàng đó tiếp. Thậm chí ổ khoá mới quá, họ còn trao đổi với nhau và tìm cách mở. Bởi lẽ, chủ nhân các gian hàng sửa khoá đều là đệ tử của bậc thầy mở khoá Ba Xê.

Kinh tế ngày càng phát triển, của cải ngày càng có giá trị và kéo theo ý thức bảo vệ tài sản của người dân ngày càng cao. Nắm bắt thị hiếu này, nhà sản xuất càng ngày càng nâng cao tính bền vững của ổ khoá. Họ thay thế ruột khoá bằng bi sang thép ống, thép lá; chìa khoá chuyển từ dẹp sang tròn hay trái khế; nguyên liệu sản xuất ổ khoá ngày càng cứng cáp hơn và che chắn đủ chiều theo dạng “chống cưa, chống cắt”. Tuy nhiên, theo ông Ba Xê, cái khó của nghề mở khoá là làm thế nào để giữ được đạo đức nghề nghiệp, không dao động trước đồng tiền mà tiếp tay kẻ xấu. Còn tất cả các ổ khoá dù bền vững đến đâu cũng chế tạo theo nguyên lý sắp xếp bi, thép miếng và mở bằng chìa, nếu có thời gian nghiên cứu thì người thợ vẫn mở được. Thậm chí chìa khoá xe hơi dài gần 10 phân và khoá cửa bằng điện thì người thợ vẫn có cách “trị”.

Vén ống quần Tây để lộ ra chiếc chân giả, ông Ba Xê kể đó là nguyên nhân khiến ông dính với nghiệp thợ sửa khoá. Ông Ba Xê hành nghề mở khoá từ năm 25 tuổi, ngay sau khi bị tai nạn mất 1 chân, bế tắc trong cuộc sống. Học nghề ở Cần Thơ mất 3 tuần, sau lên Sài Gòn nâng cao trình độ ở cửa hiệu khoá Hậu Ký thêm 2 tháng, ông về Cà Mau cùng Tâm Râu và ông Năm Chìa Khoá là 3 người làm nghề mở khoá đầu tiên ở Cà Mau.

Ông Ba Xê tự hào bảo rằng, nhóm của ông đã giữ được nguyên tắc nghề nghiệp cho đến khi 2 người bạn thân giải nghệ và ông cũng tự mãn với bản thân khi chưa lần nào bị đồng tiền cám dỗ.

Bằng nghề này, ông Ba Xê đã nuôi sống vợ con từ 42 năm qua. Các đệ tử của ông, người dốt chữ, người tật nguyền, cùng đường mưu sinh… tính ra đã có vài chục người được ông truyền nghề rồi về lập thân, lập nghiệp, sống thảnh thơi, không lo đói khát. “Mới cho “xuống núi” 1 đệ tử ở Tân Thành, TP Cà Mau. Nó tên Tèo, bị tai nạn giao thông dập nát 1 chân. Số mạng nó giống hệt tôi. Hôm mùng 3 Tết qua đây thăm tôi hào hứng lắm, cho hay đã mở được cái tiệm rồi”, ông khoe.

Hầu như các thợ sửa khoá đều ít nhất 1 lần trong đời gặp kẻ gian yêu cầu mở khoá, làm chìa. Tuỳ theo trường hợp mà từ chối nhưng có điều luật “bất thành văn”, những người thợ sửa khoá mà chúng tôi gặp đều không nhận làm chìa khoá theo mẫu in trên cục bột, sáp ong hay vẽ trên giấy…

Cạm bẫy bủa vây

Dù rất cẩn trọng cũng như không ngừng răn dạy học trò, nhưng gần đây, chính 2 đệ tử của ông Ba Xê vẫn không tránh được tai nạn nghề nghiệp. Họ bị Công an tỉnh mời tới mời lui nhiều lần, diễn đi diễn lại để công an làm hiện trường 1 vụ mở khoá thiếu minh bạch ở phường 4, TP Cà Mau.

Chuyện xảy ra vào tháng 6/2013 khiến thầy trò Ba Xê bị người ta bàn luận xôn xao về đạo đức. Ông Ba Xê kể, ngày hôm đó, ông không ra quản cửa hàng mà giao cho 2 đệ tử tên Khang và Thái. Chiều đó, có người đến kêu hai người họ đi mở két sắt ở phường 4, TP Cà Mau. Ðến nơi, thấy két sắt trong phòng gia chủ, lại có khoảng 5-6 người nhà vừa xem vừa quay phim lại quá trình mở khoá nên 2 anh thợ không một chút mảy may, nghi ngờ. Xong việc, được người ta trả công 400.000 đồng, 2 anh thợ hồ hởi kéo nhau đi nhậu chơi.

Hơn tháng sau, công an đến mời cả hai về điều tra. Ðến lúc này, 2 đệ tử của ông Ba Xê mới ngỡ ngàng khi biết két sắt đó được khiêng về từ nhà người khác. Họ buồn rầu mấy tháng, bị sư phụ gõ đầu trách mắng không giữ nguyên tắc nghề nghiệp. Ông Ba Xê phân tích, lẽ ra trong tình huống đó, đệ tử của ông phải đề nghị mời chính quyền địa phương đến chứng kiến, làm vậy để bảo vệ khách hàng, vừa tránh phiền phức cho mình về sau.

“Có khi nào mấy thằng ăn trộm nhờ ông mở khoá giùm không?”. Không cần suy nghĩ, ông Ba Xê nhìn thẳng vào chúng tôi và nói: “Sao không! Thậm chí tụi nó còn nói thẳng, chia cho tôi bao nhiêu phần trăm trong vụ “nhập nha” đó. Nhưng tôi không bao giờ làm bậy đâu!”.

Ông kể, cách đây 6 năm, có 4 người đàn ông đi xe hơi từ tỉnh Kiên Giang qua thoả hiệp với ông 1 vụ mở két sắt của 1 công ty. Ông Ba Xê được cam kết sẽ có xe hơi đưa về tận nhà và thưởng 100 triệu đồng nếu mở thành công. Ông không do dự mà từ chối ngay tức khắc, bảo cho 1 tỷ đồng cũng không làm. “Bình thường, chẳng có ai bỏ ra số tiền lớn như vậy để nhờ mở khoá cả. Không cần quan sát hay nghĩ ngợi nhiều, nghe qua là biết phi vụ đen tối rồi”, ông Ba Xê quả quyết.

Cách đây hơn 2 tháng, có 1 phụ nữ đẫy đà đến tiệm của ông Ba Xê nói thẳng nhờ giúp mở két sắt để lấy trộm tiền của mẹ chồng, hứa sẽ trọng thưởng. Ông giận run người, đuổi thẳng cô này ra khỏi tiệm của mình lập tức.

Ông Ba Xê cho biết, điều đáng tiếc nhất trong suốt 42 năm làm nghề sửa khoá là nhận lầm 1 học trò nhưng đó lại là người đệ tử mà ông đánh giá sáng dạ nhất. Ðó cũng là người học trò đầu tiên của ông. Anh ta tên Bảo, thường gọi là Một. Chỉ vài hôm theo học, anh ta dường như thuộc hết bí quyết của thầy. Một sáng đẹp trời, khi hai thầy trò đang ngồi ăn sáng thì công an đến còng tay Một đưa đi. Ông Ba Xê ngớ người khi nghe giải thích học trò cưng của ông chính là thủ phạm trong vụ trộm động trời tại tiệm thuốc bắc Bảo An Ðường tối qua. “Nó mở được tất cả cửa trong nhà thuốc này để đồng bọn vơ vét sạch sẽ. Sau khi đãi tôi chầu ăn sáng, nó bị cảnh sát hình sự tóm cổ, ở tù hết 7 năm. Mình rút ruột dạy đạo đức nghề, đứa nào theo được thì ăn nên làm ra, đứa nào phản nghề thì coi như xong đời”, ông Ba Xê đúc kết.

Tự chặt tay vì giúp nhầm kẻ gian

Ông Ba Xê và các lão làng trong nghề thợ khoá Cà Mau vẫn hay ngồi nhắc nhau, nhắc các đệ tử câu chuyện chặt bỏ lóng tay của ông Sáu Khoá ở Cần Thơ. Thời đó, trước năm 1975, ông Sáu Khoá là thợ có tiếng khu vực Hậu Giang. Ông được người đàn ông nhờ đến nhà mở két và được thưởng hậu. Nhưng sau đó, ông bị toà án kết án 6 tháng tù treo vì cái tội đồng phạm với ông chồng trộm cắp tài sản riêng của bà vợ. Khi bị tuyên án xong, ông Sáu Khoá về nhà chặt liền 1 lóng tay ngón trỏ trái để nhớ đời. Ông thề nếu không đủ vợ, đủ chồng thì nhất định phải có công an ông mới mở khoá tủ sắt.


Nguyễn Trung Trực 14 tuổi được phong thần?

[vanhoamientay.com]Một số người đã gán ghép cho Anh hùng Nguyễn Trung Trực những điều không đúng thực tế, không phù hợp với lịch sử. Trải qua nhiều năm, người thân của cụ nhiều lần đòi lại sự thật đúng với lịch sử nhưng các cơ quan chức năng vẫn không xem xét lại.

Những sắc phong khó hiểu

Trong đơn gởi các cơ quan báo chí, ông Nguyễn Khương Ninh (SN 1949, hậu duệ đời thứ năm của Anh hùng Nguyễn Trung Trực, hiện ngụ khu 2, thị trấn Cái Bè, Tiền Giang) đã nêu những nhầm lẫn của các cơ quan chức năng tỉnh Kiên Giang. Trong lễ hội kỷ niệm ngày cụ qua đời, có nghi thức hết sức quan trọng thu hút hàng ngàn người tham gia. Đó là lễ rước sắc thần kéo dài hàng cây số và kết thúc tại đền thờ Nguyễn Trung Trực. Những lần tìm hiểu, ông Ninh được Ban bảo vệ di tích đình Nguyễn Trung Trực (tại TP.Rạch Giá, Kiên Giang) cho biết, hiện đình có đến hai sắc thần gồm: Sắc thần Đại Càn quốc gia Nam Hải đại tướng quân do vua Tự Đức ấn phong năm 1852 và sắc phong Thần Hoàng Bổn Cảnh (được cho rằng phong cho Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực) do vua Tự Đức ấn phong cùng thời gian trên.

Theo tự điển tiếng Việt, sắc thần là loại sắc phong dùng để xác nhận phong thần do nhà vua phong tặng và xếp hạng cho các vị thần được thờ cúng trong các đình làng. Các vị thần được phong tặng có thể là nhân vật lịch sử có công với nước hoặc có công khai hoang lập làng… Việc cho rằng năm 1852, vua Tự Đức ấn phong cho Nguyễn Trung Trực là hoàn toàn không hợp lý bởi cụ sinh năm 1838. Lúc bấy giờ, cụ mới 14 tuổi chưa tham gia chống Pháp, chưa hy sinh làm sao được phong thần. Có cả văn bản của chính triều đình Huế, vua Tự Đức không biết gì về Nguyễn Trung Trực. Tác giả Nguyễn Nghị căn cứ “Cơ mật viện trích tư sự” đề ngày 6-2 năm Tự Đức 24 (1872) cho biết: “Mãi bốn năm sau khi Nguyễn Trung Trực mất, triều đình Huế mới có văn thư yêu cầu cứu xét rõ nguyên ủy, sự trạng của hai tên này (Nguyễn Trung Trực và Hồ Huân Nghiệp) xuất thân như thế nào, đã từng làm quan hay chưa, theo ai làm việc gì, chết ngày nào để xem có nên hay không nên tặng thưởng…”. Như vậy, rõ ràng cả hai sắc thần này đều không liên quan đến Nguyễn Trung Trực nhưng được để trang trọng ở đình và làm lễ rước hoành tráng.

Một cán bộ tỉnh Kiên Giang cho rằng Nguyễn Trung Trực là câu chuyện đẹp về lịch sử và truyền thống văn hóa của Nam bộ cần được minh định, vinh danh một cách khoa học chứ không được làm nhập nhằng. Ngôi đình trên nguyên là miếu thờ cá ông. Theo truyền thống dân gian, nơi nào cá ông lụy (chết dạt vào bờ) người dân đều lập miếu thờ do một nhóm ngư phủ xây dựng. Năm 1852, vua Tự Đức phong thần cho Đại Càn quốc gia Nam Hải đại tướng quân chính là cho ngôi đình này.

Năm 1868, Nguyễn Trung Trực bị tử hình, nhân dân tôn kính nhớ ơn nên sửa lại ngôi miếu và kín đáo làm một “bài vị” khắc tên cụ bằng chữ nho, an vị bên trong đền thờ thần Nam Hải. Để che mắt địch, ngày cúng kỵ cụ Nguyễn, người dân lấy hình thức bên ngoài là cúng thần Nam Hải. Có lẽ để phòng ngừa sự quy chụp chính trị của chính quyền thực dân nên người dân đã thờ cả bài vị của Phó quản cơ Nguyễn Hiền Điều, một vị tướng triều đình hy sinh khi dẹp thổ phỉ hàng chục năm trước khi Pháp chiếm Nam kỳ. Ông Ninh nhiều năm liền đề nghị các cơ quan chức năng, việc rước sắc thần, nếu có tổ chức thì phải xác định rõ là rước sắc thần Đại Càn quốc gia Nam Hải đại tướng quân như là ký ức về truyền thống văn hóa của ngôi đình chứ không phải là rước sắc vua phong cho Nguyễn Trung Trực.

Hậu duệ ở tận… Cà Mau

Thời gian dài, một số cơ quan chức năng thừa nhận giả thiết hết sức phi lý cho rằng, hậu duệ của cụ Nguyễn ở tận Cà Mau. Tháng 10-1988, Kiên Giang tổ chức Hội thảo khoa học về thân thế và sự nghiệp Anh hùng Nguyễn Trung Trực. Bà Nguyễn Thị Mỹ Thu (Giám đốc bảo tàng tỉnh Kiên Giang) và ông Dương Văn Cầu (cán bộ lịch sử tỉnh Kiên Giang) có bài tham luận: Thêm một phát hiện về thân thế Anh hùng Nguyễn Trung Trực, giới thiệu một chi hậu duệ khác của cụ Nguyễn ở xã Tân Thuận, Đầm Dơi, Cà Mau. Theo tông chi Tân Thuận (Minh Hải): Nguyễn Trung Trực là anh cả của tám anh em. Tiếp đó là hai người em gái, thứ tư là Nguyễn Công Khanh, thứ năm là Nguyễn Thành Luông, bà thứ sáu (không rõ), bà thứ bảy và Nguyễn Văn Thơ. Hiện tại, Cà Mau có sáu ngôi mộ chỉ thiếu mộ Nguyễn Trung Trực và người thứ sáu. Chi tộc này cho rằng, người thứ sáu bị thất lạc ở Long An là bà Nguyễn Thị Đạt. Cũng theo chi tộc này thì cha Nguyễn Trung Trực là Nguyễn Văn Phụng hay còn gọi là Nguyễn Cao Thăng và mẹ là Lê Kim Hồng. Thông tin gia phả của chi tộc này thì trong các anh em không có ông Nguyễn Trung Trụ.

Năm 2000, bà Nguyễn Thị Mỹ Thu chỉ đạo bà Nguyễn Thị Mai Lan đến tỉnh Cà Mau xác minh để xây mộ được cho là của thân phụ mẫu Nguyễn Trung Trực. Bà Thu còn đề xuất ban bảo vệ di tích đình Nguyễn Trung Trực ở Kiên Giang xuất chi 20.000.000 đồng để đem xuống Cà Mau cho dòng họ này xây dựng nhà mồ. Ngày 23-4-2001, UBND tỉnh Cà Mau ký quyết định số 406/UBND tỉnh kế hoạch xây dựng nhà mồ cho cụ Nguyễn Cao Thăng – thân phụ Nguyễn Trung Trực. Ngày 3-1-2002, các cơ quan chức năng khánh thành ngôi nhà mồ này được báo đài đưa tin.

Ông Nguyễn Khương Ninh đã khiếu nại giả thiết phi thực tế trên. Từ năm 1990, ông Ninh đã làm tờ trình kiến nghị chính quyền địa phương và Sở Văn hóa – Thể thao (VHTT) tỉnh Kiên Giang cho đi xác minh để làm sáng tỏ. Năm 1991, ông Mạc Liêm, Phó giám đốc sở chỉ đạo cán bộ sở cùng ông Ninh đi xác minh. Tổ xác minh kết luận: Dòng họ Bến Lức – Long An và dòng họ Cái Bè – Tiền Giang có thể là một, cụ Nguyễn Trung Trực thuộc dòng họ của hai chi này. Còn dòng họ Tân Thuận, Minh Hải (Cà Mau) không đủ cơ sở khoa học để chứng minh cụ Nguyễn Trung Trực thuộc dòng họ này. Để bảo vệ tính trung thực của lịch sử, đề nghị Sở VHTT và bảo tàng tỉnh Kiên Giang cần xem xét để chấn chỉnh sửa sai. Một chi tiết rõ nhất về sự bất hợp lý của chi tộc ở Cà Mau là tuổi của bà Đạt ở chi tộc này chỉ bằng tuổi con bà Đạt ở Long An.

Trong bức tâm thư gởi các cơ quan chức năng, ông Ninh tha thiết, những vấn đề liên quan đến cụ Nguyễn phải trả về đúng lịch sử và đúng sự thật. Mới đây, ngày 9-9-2014, Cục Di sản văn hóa, Bộ VHTT&DL có văn bản thông báo đã nhận đơn thư khiếu nại của ông Nguyễn Khương Ninh về các vấn đề liên quan đến nhân vật lịch sử Nguyễn Trung Trực. Cục đã chuyển thư kiến nghị bản sao đến Sở VHTT&DL Kiên Giang để xem xét giải quyết. Nhưng rất tiếc, đến nay sở vẫn chưa có trả lời và lễ kỷ niệm 146 năm mất Nguyễn Trung Trực vẫn làm sai ngày và vẫn tổ chức rước sắc thần Nguyễn Trung Trực.

Theo Báo Công An TPHCM
Thành công Sao chép đường dẫn thành công !!