Có thể bạn quan tâm

Làng du lịch Mỹ Khánh, Cần Thơ

[vanhoamientay.com] Khi nhắc đến những địa điểm vui chơi ở Cần Thơ hầu như Làng du lịch Mỹ Khánh luôn được nhắc đến đầu tiên như một thông tin gợi ý hiển nhiên cho bất cứ du khách nào

Trong diện tích hơn 50.000m2, khu du lịch sinh thái này có đầy đủ các dịch vụ và không gian vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng cho du khách. Với dịch vụ đa dạng của mình, Làng du lịch Mỹ Khánh đón du khách tham quan du lịch Cần Thơ 30/4,2/9, tết, thậm chí là những ngày nghỉ cuối tuần khá đông. Khách đên đây không chỉ được tận hưởng một không gian làng quê Nam Bộ yên bình, tham gia các chương trình tour đa dạng từ Mỹ Khánh đến các điểm tham quan khác của Cần Thơ, mà còn có thể vui chơi giải trí với nhiều dịch vụ câu cá, thử bơi thuyền trên ao hồ, tham gia các trò chơi dân gian,..Khách còn có thể tham quan nhà cổ Nam Bộ ở đây đã hơn 100 năm tuổi, biết thêm nhiều nét đặc trưng thú vị về văn hóa và nếp sống ,cũng như kiến trúc của người Nam Bộ xưa.

Ngôi nhà ẩn sau hàng trầu cau xanh mượt và những chậu kiểng. Vuông sân trải đầy thứ nắng miền Tây ấm áp. Bước qua ngạch cửa là lọt vào không gian cổ xưa. Những hoành phi, câu đối mang tính giáo dục con cháu, những tác phẩm điêu khắc hình loan phụng trên gỗ công phu và sắc sảo chạy dọc theo cột sà. Ngôi nhà chia thành 3 phần mà trọng tâm là chiếc bàn dài. Phía bên trái là dãy tủ đựng chén, đĩa men từ thế kỉ XIX, XX và tủ dùng làm gương soi. Phía bên trái là đi văng. Hai bên đối xứng nhau bởi hai chiếc bàn tròn. Bàn bên trái dùng để tiếp khách, phía còn lại để gia đình quây quần bên mâm cơm. Mọi đồ đạc trong nhà đều bằng gỗ cây nhong, gỗ lim tuổi 100 năm. Theo thời gian, màu gỗ trở nên cũ kĩ nhưng càng tô thêm ánh bạc toả ra từ những lát ngọc trai được cẩn hình bông hoa thật tỉ mĩ và sắc nét.

Ở ngoài mái hiên, từng cơn gió mát rượi, khách có thể ra ngồi uống nước và thưởng thức những câu giọng cổ phát ra từ chiếc máy hát tuổi gần 60 năm. Nam Bộ xưa là vậy đó. Ban đêm, ngôi nhà có một căn phòng duy nhất với chiếc giường cổ để cho ai muốn ngủ lại mà thấm thía “Đêm nằm năm ở” đất Cần Thơ xứ sở Nam Bộ. Buồng được nối với gian bếp bởi tấm vách ngăn. Tất cả các vật dụng trong nhà bếp vẫn còn nguyên vẹn từ cái thau, rổ, nồi đất… Một bếp lửa đã tàn nhưng có thể làm hâm nóng tình yêu, nỗi nhớ quê hương của những du khách xa xứ…

Nếu thích khám phá và tìm hiểu các làng nghề truyền thống tiêu biểu ở đây, phía sau nhà cổ là làng nghề làm bánh tráng và nấu rượu. Đến thăm làng nghề, du khách có thể thấy một quy trình làm bánh tráng thủ công khá tỉ mỉ và sản phẩm thu được từ sự tỉ mỉ ấy là những cái bánh tráng thật ngon và có hương vị rất đặc trưng của xứ sở này.

Chương trình ban đêm cũng không kém phần hấp dẫn: chài cá về đêm, du thuyền trên sông. Con thuyền có sức chứa hơn 100 người và một đội chèo thuyền (chèo tay hoặc đò máy) sẵn sàng cho khách thưởng thức một buổi tối thanh bình của miền sông nước: hai bên bờ sông vắng lặng, đèn trong nhà dân thắp sáng, những chiếc thuyền vội vã phía xa, chỉ tiếng đàn hát trên thuyền vang rộn một khúc sông. Nhưng những tháng hè, khúc sông yên bình bỗng náo động lạ thường bởi tiếng reo mừng của những người chài lưới. Theo ông Phạm Minh Sáng, Phó giám đốc Công ty TNHH du lịch sinh thái Mỹ Khánh, loại hình này rất được du khách từ TP Hồ Chí Minh ưa chuộng. Trước khi ra nghề, họ được nhân viên của công ty du lịch chỉ dẫn cách quăng lưới. Không gì thích thú cho bằng khi nghe tôm, cá, tép… vùng vẫy trong lưới. Rồi bên bếp than hồng, khách tự tay nướng và thưởng thức chúng một cách nóng hổi, thơm tho.

Màn đêm buông xuống, khách quay về trong căn nhà bằng chất liệu xi măng được sơn giả gỗ, du khách còn nghe tiếng nước uà vào mạn thuyền, chập chờn bóng áo bà ba của những cô nhân viên phục vụ như muốn nói lời tạm biệt và hẹn gặp lại.

Băng Tâm tổng hợp

Ông chồng tức giận vì vợ sinh đôi

[vanhoamientay.com] Trong bệnh viện phụ sản, một người đàn ông tỏ vẻ giận dữ.

Người bên cạnh hỏi:

– Có chuyện gì thế?

– Vợ tôi vừa mới sinh đôi.

– Thế thì anh phải hạnh phúc chứ! Tại sao lại giận dữ thế?

– Tôi muốn biết ai là bố của đứa thứ hai!

st

10 món ăn hấp dẫn ở quê hương công tử Bạc Liêu

[vanhoamientay.com] Nếu bạn có dịp ghé thăm quê hương công tử Bạc Liêu, một vùng đất sông nước mênh mông và tươi đẹp  thì đừng nên bỏ lỡ những món ăn này nhé, bánh tằm, bún bò cay hay lẩu mắm…

Bạc Liêu không chỉ nổi tiếng với chàng công tử đốt tiền để “tán” gái, sân chim rộng lớn hay nhà cổ Tòa tham biện, vùng đất thuộc Đồng bằng sông Cửu Long này còn sở hữu nền ẩm thực phong phú và tươi ngon, bổ dưỡng. Nhiều du khách khi đến đây đều say mê khám phá.

  1. Lẩu Mắm

Nơi đây, người dân thường chế biến món lẩu này từ mắm cá sặc cùng nước dừa tươi, sả và tỏi phi thơm ngào ngạt. Lẩu mắm ăn kèm thịt ba chỉ, các loại cá lóc, cá ba sa… và rau cần, rau muống, mồng tơi, cải tím, ngó sen, bông so đũa, lục bình…

  1. Bánh tằm 

Là một trong những món ăn đặc trưng  miền Tây, bất kỳ du khách nào khi đặt chân tới Bạc Liêu đều nhất định muốn thử bánh tằm bì. Bánh được làm từ bột gạo khuấy chín, se thành sợi sau đó đem hấp, ăn cùng xíu mại, bì và thịt nạc luộc cắt sợi, đậu phộng rang giã nhuyễn, dưa chuột thái nhỏ, rau sống… Bánh tằm ở thị trấn Ngan Dừa là nổi tiếng nhất.

  1. Nhãn

Nhãn là một trong những đặc sản địa phương nổi tiếng, vị thanh ngọt và hương thơm quyến rũ. Nơi có nhiều nhãn ngon là những khu vườn tại xã Hiệp Thành – đây cũng là điểm du lịch thu hút khách thập phương ở Bạc Liêu.

  1. Bánh xèo

Thương hiệu được nhiều người biết đến khi tới Bạc Liêu chính là bánh xèo A Mật, nhân làm từ hành lá cắt nhỏ, những con tôm đỏ âu cùng hành tây thái mỏng, đậu xanh chín mềm và vài sợi củ sắn. Món này ăn kèm rau sống và chấm mắm ớt chua ngọt.

  1. Bún bò cay

Dù mang vị đặc trưng của miền Trung, bún bò cay lại là món ăn dân dã với những con người nơi đây. Nguyên liệu một bát bún gồm thịt bò nấu cùng sa tế, bún trắng ăn kèm rau thơm, giá. Một trong những địa điểm bán bún cò cay ngon là Phường 5.

  1. Bún nước lèo

Đến vùng đất cực nam của tổ quốc, bạn sẽ thấy bún nước lèo được bán ở khắp nơi, từ những gánh hàng rong đến các quán ăn gia truyền nổi tiếng. Nước lèo ngon phải nấu trong nồi đát để giữ vị ngọt của tôm, cá, nước dừa và dậy mùi thơm từ mắm. Bún ăn kèm bắp chuối thái mỏng, giá, húng quế… Một số nơi còn ăn thêm mực tươi, thịt lợn quay, chả giò, bánh cống…

  1. Cua, ốc mỡ, ốc len

Với lợi thế hơn 56km đường bờ biển, vùng đất trù phú này luôn nổi tiếng với nhiều loại hải sản tươi ngon, cuốn hút du khách ngay từ lần đầu đặt chân đến. Những món đặc sản mà bạn không nên bỏ lỡ là cua biển rang me, ốc mỡ xào sa tế, ốc len xào dừa…

  1. Xá pấu

Xá pấu là tên gọi của cộng đồng người Hoa cho món củ cải muối. Cách chế biến món đặc sản này cũng khá dễ: củ cải rửa sạch, cắt thành cọng nhỏ phơi khô sau đó muối với đường, ngũ vị hương, Món này ăn ngon nhất khi kết hợp cùng cháo trắng, đậu phụ rán giòn.

  1. Bồn bồn

Bạc Liêu là một trong những tỉnh có món dưa bồn bồn ngon nổi tiếng gần xa. Ngoài việc làm dưa chua, phần tươi non của cây bồn bồn còn được chế biến thành các món ăn hấp dẫn như xào tôm thịt, nấu canh, lẩu, làm gỏi…

10. Ba khía

Ba khía là một loài thuộc họ cua có càng to, đặc trưng ở vùng Nam bộ, sống tập trung chỗ nước lợ, mặn. Do có ba gạch ở trên lưng nên chúng được đặt tên Ba khía. Ngoài Ba khía luộc và muối, mắm Ba khía với hương vị cay, mặn, ngọt là một đặc sản nổi tiếng, thường ăn kèm cơm cháy giòn rụm.

Theo vnexpress

Rau luộc kho quẹt gợi nhớ tuổi thơ

Có những món ăn dân dã tưởng chừng chỉ có ở thôn quê, ruộng đồng ngày nay đã xuất hiện trên các bàn tiệc của nhà hàng và trở thành các món ăn hấp dẫn lôi cuốn nhiều người thưởng thức. Rau luộc kho quẹt là  một trong những món ăn như vậy.

Rau luộc kho quẹt

Đơn giản chỉ là dĩa rau luộc, ơ kho quẹt cay cay, nồng nồng mà sao thu hút biết bao người, người thôn quê, người thành thị và cả những thực khách phương Tây.

Món rau luộc kho quẹt có hương vị thơm ngon đặc trưng và vô cùng lạ miệng, món ăn gợi nhớ nhiều kỷ niệm một thời nghèo khó, mộc mạc. Từ ngày xuất hiện món ăn này đã gắn liền với chữ “nghèo” vì người dân quê thường ăn vào những lúc nhà không có miếng thịt, con cá, kho nồi kho quẹt ăn cho qua bữa.

Ngày nay khi đời sống ngày một nâng cao, nhiều người cảm thấy thừa thãi với thịt cá, lại tìm đến những món ăn dân dã cho thanh đạm. Từ đó món rau luộc kho quẹt đàng hoàng nằm trong thực đơn nhà hàng sang trọng với nhiều tên gọi khác nhau như : rau luộc chấm kho quẹt, rau luộc kho quẹt hay rau tạp tàng chấm kho quẹt.

 Rau luộc chấm kho quẹt, rau luộc kho quẹt hay rau tạp tàng chấm kho quẹt.

Kho quẹt rau luộc truyền thống rất dễ làm, vì nguyên liệu đơn giản có sẵn, chỉ cần cái nồi đất, ít nước mắm, ít bột ngọt, đường, tỏi ớt… hay ít tép mỡ là chế biến ngay, kèm với dĩa rau luộc đủ loại có sẵn trong vườn.

Để món ăn thêm ngon, nồi kho quẹt ngày nay có thêm thịt ba chỉ và tôm khô, nhưng vẫn với cách kho cổ truyền là sử dụng nồi đất. Gắp miếng rau luộc xanh rờn chấm kho quẹt sền sệt còn nghi ngút khói, mùi vị đặt trưng này không thể lẫn vào đâu được, vị mặn của nước mắm, vị béo của tóp mỡ, thịt ba chỉ, vị cay nồng của ớt, tiêu… ăn cùng cơm nóng thì không còn gì phải bàn nữa.

 Rau luộc chấm kho quẹt, rau luộc kho quẹt hay rau tạp tàng chấm kho quẹt.

Dĩa rau luộc cũng có phần cải tiến hơn, thay vì ăn cùng rau tạp tàng có trong vườn như rau lang, cải trời, rau chai, đọt bí, rau choại, rau tai tượng… thì dĩa rau luộc trong nhà hàng, quán ăn có rau lang, khổ qua, bông cải, bầu non, đậu bắp hay cà rốt… Thiệt ra, nói đúng hơn là các loại rau tạp tàng kể trên thường không có sẵn trong nhà hàng, mà cũng khó tìm, tùy nhà bếp có rau củ gì người ta sẽ luộc cái đó.

Chúng ta phải thừa nhận rằng món kho quẹt rau luộc ngày nào đã thay đổi ít nhiều để phù hợp với thời điểm, chút “ sa hoa” hơn và ít “nghèo nàn” hơn.

Ai đã từng có một tuổi thơ sống ở miền quê sông nước, chắc sẽ không quên được món ăn “đượm” tình quê này. Một buổi chiều nhá nhem tối, cả nhà quây quần bên mâm cơm chỉ có chiếc ơ kho quẹt đen xì lọ nghẹ, một dĩa rau xanh.

Ánh sáng từ ngọn đèn dầu khi tỏ khi mờ

 Tiếng muỗi vo ve.

Âm thanh “quẹt quẹt” vui tai của chiếc đũa tre cọ vào đáy nồi đất.

Miệng hít hà vì bị cay bỡi ớt.

Thỉnh thoảng gần cuối bữa, anh em tranh nhau để được trộn cơm vào nồi đất, và ăn cơm luôn trong cái nồi.

 Tuổi thơ là thế… đúng là đầy “dữ dội” nhưng cũng vô cùng thú vị!

[adsres]

Tự hào sao khi thấy món ăn bình dân, rẻ tiền ngày nào đã được đưa vào thực đơn quán ăn, nhà hàng máy lạnh, được nhiều khách phương Tây khen ngợi và xem như một món ăn đặt trưng của Việt Nam.

Nhiều người lên Sài Gòn lập nghiệp, lo chuyện cơm áo gạo tiền tất bật, bất chợt gặp lại món ăn thuở thơ ấu trong một ngày tiệc tùng, chắc sẽ không khỏi những giây phút hoài niệm xen lẫn thích thú…

canh chua lươn nấu trứng kiến

Lạ miệng với canh chua lươn nấu trứng kiến

Các món ăn từ lươn đã trở nên khá quen thuộc với những người con của vùng Nam Bộ, tuy nhiên canh chua lươn nấu trứng kiến còn lạ lẫm với nhiều người.

Canh chua lươn nấu trứng kiến

Tạm bỏ qua cách nấu lươn quen thuộc, người dân vùng Đồng Tháp Mười đã đem lươn nấu với trứng kiến tạo nên một món ngon lạ, mang đến cảm giác thú vị cho người thưởng thức.

Lươn đồng vào mùa con nào cũng mập tròn, da căng bóng mẩy. Người đồng bằng chế biến lươn với đủ cách và đã đem lại tiếng tăm cho món um, lươn xào lăn, dồi lươn, lươn nướng nồi đất, lẩu lươn… Món nào cũng làm tốn cơm của mấy bà nội trợ, hao rượu của dân chai lọ. Thế nhưng, ở vùng Đồng Tháp Mười, còn một món lạ đó là canh chua lươn trứng kiến.

Nói về món ăn này, người ta thêu dệt rằng trước đây, cứ vào mùa lũ, lươn cá đầy đồng, chất đạm không thiếu nhưng rau cỏ ngày càng hiếm. Nấu canh chua lươn có vài cọng rau muống đã quý rồi, tìm được ít lá me non dằn cho nồi canh chua ra nét nhưng vẫn còn thiếu. Trong khi loay hoay tìm thêm chất chua bổ sung thì mấy tổ kiến vàng trên mấy cây xoài, gốc mận trong vườn bày ra trước mắt gợi ý cho một món ăn mới ra đời.

Tìm tổ kiến để nấu canh chua phải chú ý, tổ kiến sau khi kết xong sẽ có lớp màng trắng liên kết các lá với nhau, khi nào lớp màng trắng phủ đều ngoài lá thì bên trong tổ kiến chúa đã đẻ được khá nhiều trứng rồi. Lá cây làm tổ còn tươi mới xanh đậm, lúc này trứng kiến còn mới mọng sữa căng tròn, như vậy trứng mới ngon không lẫn nhiều kiến con đã nở.

 Mỗi nồi canh chua lươn bốn người ăn dùng hai tổ kiến vàng là dư dả. Tổ trứng kiến vừa thọc mang về để chỗ nắng, kiến không ưa nắng nên trong chốc lát chạy biến chỉ còn để lại đám trứng nhỏ như hạt gạo trắng ngà.

Lươn lựa con cỡ nửa cườm tay làm sạch. Đợi nước sôi cho nguyên con vào nồi nấu vài dạo, trút rau muống vào, thêm lá me non, nêm mắm muối cho vừa ăn, bắc nồi khỏi bếp. Lựa đám trứng kiến bị giập, bóp nát cho ra sữa rồi cho vào nồi cùng lúc với đám trứng nguyên. Gặp nóng, từng cái trứng se mặt rồi căng phồng lên, nước canh hơi đục màu trắng của sữa từ trứng kiến được bóp nát cũng bắt đầu dậy mùi.

 Múc muỗng canh nóng hổi có nhúm trứng kiến húp từ từ, những cái trứng nhỏ xíu như hạt gạo lạo xạo trong lưỡi thật thú vị. Trứng vỡ lụp bụp mùi thơm, vị béo bùi, vị chua hăng của trứng kiến hoà với vị chua của lá me non, vị ngọt thịt lươn làm thành một hương vị độc đáo, hoang sơ dân dã, mà vẫn thanh nhã nhẹ nhàng.

Ăn canh chua lươn trứng kiến phải thong dong thì mới thấy hết hương vị của món ăn, mới thấy sự tài tình khéo léo của người xưa biết tận dụng những gì mà thiên nhiên ban tặng.

Nếu có dịp về đất Đồng Tháp Mười hãy thưởng thức canh hua lươn nấu trứng kiến nổi tiếng này với vị béo ngậy, chua chua và giàu chất bổ dưỡng.


Ghe ngo – truyền thống của người Khmer Nam Bộ

Lễ hội Óc om bóc hay đua ghe ngo truyền thống của người Khmer là một trong những lễ hội lớn mang tính nhân văn sâu sắc, thể hiện sự gắn bó cộng đồng của người Khmer Nam bộ và tinh thần đoàn kết, thủy chung của 03 dân tộc anh em Kinh – Khmer – Hoa khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Ghe ngo của người Khmer Nam Bộ

Trong lễ hội Óc om bóc, có nhiều lễ: lễ cúng trăng, lễ thả đèn nước, lễ thả đèn gió… và sinh động nhất là hội đua ghe ngo. Năm 2013, hội đua ghe ngo được nâng lên thành Festival Đua ghe ngo, mang tầm khu vực và quốc gia.

Chiếc ghe ngo mang nhiều ý nghĩa, giá trị văn hóa đặc trưng riêng biệt của người Khmer.

Ghe ngo không phải là sản phẩm của một cá nhân hay một tập thể bất kỳ nào. Mỗi chiếc ghe ngo là do một ngôi chùa, đại diện cho một hay nhiều phum sóc người Khmer, tạo ra và tham gia tranh tài. Do đó, sự thắng bại giữa các ghe ngo thực chất là sự thắng bại giữa các chùa, sự thắng bại giữa những phum, sóc người Khmer với nhau.

Ghe ngo của người Khmer Nam Bộ

Sự thành bại của ghe ngo trong hội đua còn là niềm vinh dự, là tiếng thơm của ngôi chùa, của một địa phương tham gia thi đấu. Vì vậy, nhằm để tạo nên sự thành công của ghe đua, người Khmer Nam Bộ đã vận dụng nhiều phương thức, kỹ thuật khác nhau trong việc tạo ra ghe ngo cũng như trong tham gia thi đấu. Yếu tố tâm linh cũng là một trong những yếu tố giúp thành công cho ghe ngo

Ghe ngo nguyên thủy là một chiếc thuyền độc mộc, khoét ruột từ một thân cây, nhưng này nay, việc tìm cây sao vừa to, vừa dài rất khó khăn, nên người Khmer đã dùng những mảnh ván với nhau để thay thế.

Ghe ngo được làm gần giống hình con rắn dài khoảng từ 25 đến 30m. Ở giữa chỗ rộng nhất là 1,1m. Đầu được uốn cong lên, như hình đầu rắn. Ở đuôi ghê hay gọi là sau lái cũng được uốn cong lên nhưng cao hơn phía đầu một chút. Người ta đóng từ 24 đến 27 cây thanh ngang trên chiếc ghe, để vừa cho hai người ngồi. Mỗi ghe phải đảm bảo từ 40 đến 60 người ngồi bơi và chỉ huy, như ghe ngo chùa Bốn Mặt (Sóc Trăng) có 53 người, ghe ngo chùa Ông Mek (Trà Vinh) 57 người.

Ghe ngo của người Khmer Nam Bộ

Dù cho ghe có bao nhiêu vận động viên, nhưng luôn luôn có ba người điều khiển, một người ngồi mũi chuyên về chỉ đạo tâm linh của ghe đua, tổ chức lễ cúng xuống ghe, chỉ đạo toàn ghe, điều khiển kỹ thuật bơi của ghe đua; Một người ngồi giữa và một người ngồi đuôi giữ nhiệm vụ thổi còi để thúc giục và điều chỉnh kỹ thuật bơi của các vận động viên.

Mỗi chiếc ghe có một biểu tượng riêng, đây là dấu hiệu để ghi nhớ mà còn thể hiện sức mạnh của ghe đua, thường được chọn cho quan niệm truyền thống của từng chùa, như các con vật có sức mạnh, hoặc có khả năng chạy nhanh…

Biểu tượng ghe ngo chùa Bốn Mặt (Sóc Trăng) là con chim, Chùa Champa (Sóc Trăng) chọn biểu tượng con cọp, chùa Ông Mek (Trà Vinh) biểu tượng con cá nược…Người Khmer tin rằng, trong quá trình thi đấu, ghe ngo sẽ có khả năng lao đi với tốc độ nhanh và mạnh như con vật được chọn làm biểu tượng. Hai bên thân ghe, mũi ghe và đuôi ghe được trang trí hoa văn, màu sắc phù hợp với biểu tượng của ghe để tạo nên sức mạnh. Nếu biểu tượng của ghe là rắn thần Naga, thì các họa tiết hai bên sườn ghe cũng toát lên được hình ảnh của một con rắn, khi ghe lướt sóng, người xem sẽ có cảm giác như xem hình ảnh một con rắn thần đang lượn sóng.

Để tạo nên sức mạnh giúp ghe di chuyển nhanh trong khi thi đấu, người Khmer đã dùng một cây hoặc hai cây dài cột chặt vào giữa ghe. Người Khmer gọi là cây cần câu, một số nơi gọi là cây kềm. Cây này có tác dụng như đòn bẩy, đẩy ghe lướt nhanh về phía trước. Đó là cây gỗ tốt, rất cứng, thường là cây sao có đường kính khoảng 0,2m.

Ghe ngo của người Khmer Nam Bộ

Đầu mỗi chiếc ghe đều vẽ hai mắt nổi, để ghe thấy đường đi và tránh nguy hiểm. Quan niệm này gần giống với tục vẽ mắt cho thuyền đã có từ lâu đời ở Nam Bộ.

Ghe ngo chỉ được sử dụng vào việc thi đấu, mội hoạt động liên quan đến ghe đều phải cử hành lễ cầu xin, như: lễ khởi công làm ghe ngo, lễ khánh thành ghe ngo, lễ mặc áo cho ghe ngo

Ghe Ngo cùng với dàn nhạc ngũ âm trở thành 2 tài sản văn hóa, sinh hoạt cộng đồng, tôn giáo độc đáo và quý giá của đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ.


Làng nghề đóng xuồng ghe Bà Đài, Đồng Tháp

Hầu hết các làng nghề truyền thống ở nước ta thường xuất phát từ nhu cầu của địa phương và sau đó tiếp tục duy trì và trở thành nghề cha truyền con nối.

 Các làng nghề truyền thống ở nước ta

Miền đất Nam bộ với hệ thống sông ngồi chằng chịt, văn hóa gắn liền với văn minh sông nước miệt vườn, hình ảnh chợ nổi với ghe xuồng tấp nập trên sông mang một đặc trưng của vùng đất Nam bộ.

Cũng vì thế mà nghề đóng ghe xuồng được hình thành và phát triển từ rất sớm, chiếc xuồng không chỉ là phương tiện đi lại, vận chuyển hàng hóa mà nó còn gắn bó với quân dân ta trong công cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm…

Có nhiều người đã xem chiếc xuồng là ngôi nhà thứ 2 của mình, khi đặt tấm cà rèm lên trên làm nóc, thêm cái cà ràng, vài cái nồi thì những cặp vợ chồng chuyên nghề câu, lưới… hay cắt lúa mướn, nuôi vịt chạy đồng có thể sống hàng tuần thậm chí là hàng tháng trên sông …

Làng nghề đóng xuồng ghe Bà Lài 

“Chiếc xuồng quê hương tôi, đã có tự lâu rồi, gắn bó suốt cuộc đời, người dân nơi Đồng Tháp…”

Nếu bạn có dịp về Đồng tháp vào một ngày đẹp trời mùa nước nổi, nhớ ghé thăm làng nghề đóng xuồng ghe Bà Đài (thuộc xã Long Hậu, Lai Vung). Chiếc xuồng cui Bà Đài gắn liền với tên tuổi của “ông Sáu Xuồng Cui” đã tồn tại hơn một thế kỉ qua. Trải qua nhiều thăng trầm, sự đào thải của xã hội làng nghề đóng xuồng ghe ở đây vẫn tồn tại như một nét đặc trưng của vùng đất Nam bộ.

Cùng với những sản phẩm làng nghề đặc trưng, làng nghề này còn lưu giữ những nét văn hóa, tín ngưỡng dân gian trong nghề đóng xuồng, ghe như lễ cúng tổ, lễ ghim lô, lễ hạ thủy, lễ khai tâm điểm nhãn, một số luật lệ khi đi ghe, xuồng,…

Làng nghề đóng xuồng ghe Bà Lài 

Cũng như bao nghề thủ công khác, nghề đóng xuồng đòi hỏi tay nghề cao, sự khéo léo, cũng như kỹ thuật riêng, để tạo nên những chiếc xuồng vừa đẹp, vừa chắc, vừa cân bằng tuyệt đối…  để hoàn thiện một chiếc xuồng, người thợ phải làm qua các công đoạn như cưa ván, bỏ mực, rọc dọn, vô vỏ, ráp cong, dằn…

Mùa đóng xuồng cao điểm nhất là từ đầu tháng 4 âm lịch đến khoảng rằm tháng 5 trở đi. Và khoảng cuối tháng 8 âm lịch, nhịp độ đóng xuồng chậm lại. Ngay từ tháng 2, tháng 3 âm lịch, các cơ sở đã chuẩn bị mua cây, mua gỗ, vật liệu sẵn.

Tại xã Long Hậu, hiện có cả trăm hộ hành nghề đóng xuồng. Trong đó, chỉ có khoảng 1/3 tổng số hộ trên mới có điều kiện duy trì nghề đóng xuồng quanh năm. Những hộ còn lại chỉ tập trung làm theo mùa, bởi do thiếu vốn mua gỗ…

Xuồng ở rạch Bà Đài được đóng thành nhiều kiểu dáng như: xuồng cui, xuồng vỏ gáo, xuồng mũi bằng, xuồng ba lá… Bán chạy nhất là xuồng gỗ sao, gỗ sến, với kích cỡ 4,5- 6,5m.

Chiếc xuồng là phương tiện đi lại, chuyên chở hàng hóa rất thông dụng của người dân lao động miền sông nước Nam Bộ; đồng thời còn là phương tiện dùng để đánh bắt thủy sản mùa lũ. Do vậy, việc phát triển và mở rộng làng nghề đóng xuồng ở rạch Bà Đài là rất cần thiết.

Làng nghề đóng xuồng ghe Bà Lài 

Qua bàn tay khéo léo vá óc sáng tạo của anh Nguyễn Văn Tốt ở ấp Long Hưng 2, xã Long Hậu, những chiếc xuồng tưởng chừng chỉ đi trên sông nước giờ đây đã nằm trên tay khách du lịch. Những chiếc xuồng thu nhỏ của anh được rất nhiều người yêu thích, đây như một hướng đi mới cho nghề.

Và cuối năm 2014, làng nghề đóng xuồng rạch Bà Đài đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Rạch Bà Đài thông với sông Lai Vung chảy ra sông Hậu, lại nằm gần tuyến QL 80, tỉnh lộ 851 cùng với hệ thống cây ăn trái , đặc biệt là quýt hồng đã tạo điều kiện khá thuận lợi cho việc khai thác hoạt động du lịch làng nghề theo hướng liên kết điểm. Tận dụng tiềm năng về thiên nhiên, sông nước miệt vườn, những người làm công tác du lịch có thể lấy làng nghề đóng xuồng ghe Bà Đài làm điểm nhấn đưa khách đi tham quan các điểm khác trong vùng với phương tiện vận chuyển chủ yếu là ghe, xuồng.

Làng nghề đóng xuồng ghe Bà Đài góp phần quan trọng vào việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa của địa phương và của vùng đất Tây Nam Bộ

Thành công Sao chép đường dẫn thành công !!